“Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy”.
Helen Keller nói, “Một điều gì đó còn tệ hơn mù, là một người có thể nhìn thấy nhưng lại không có một tầm nhìn nào!”.
Tầm nhìn Helen Keller muốn nói ở đây, chính là sự hiểu biết! Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật đáng kinh ngạc, đó là, Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn thấy, muốn chúng ta hiểu biết ‘nhiều hơn chúng ta muốn’; cả khi chúng ta mong cho mình thấy, ước cho mình biết, vì chúng ta đang ‘mù’. Để từ đó, Ngài sai chúng ta đi, làm nhân chứng cho vinh quang Ngài.
Ngỡ ngàng trước những công trình kỳ vĩ của Thiên Chúa, tác giả sách Huấn Ca, như một người mù được nhìn thấy, nhớ đến sứ mệnh nhân chứng cho vinh quang Ngài. Tác giả đã nhủ lòng, “Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy”; “Công trình Chúa đầy ánh vinh quang”; “Ngài không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia”; “Ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang Ngài?”. Thánh Vịnh đáp ca cũng tán thành, Ngài là Đấng làm nên mọi sự, “Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành”. Đó là những lời đầy cảm hứng của một chứng nhân Cựu Ước trước vẻ huy hoàng tay Chúa tác tạo.
Một điều gì đó tương tự đã xảy ra trong Tin Mừng hôm nay. Người mù ăn xin bên vệ đường không hề nhận ra rằng, hành vi đức tin và sự kiên trì của anh sẽ được Thánh Kinh ghi lại như một chứng từ vốn sẽ tạo cảm hứng cho hàng triệu người thời Tân Ước và suốt các thời đại. Bartimê chỉ đơn giản làm phần việc của mình, là kêu lên, “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!”; sau đó, chính Chúa Giêsu đã lấy đức tin của anh để chữa lành anh và sử dụng anh như một nhân chứng cho vinh quang Ngài. Biết Chúa Giêsu đang đi qua, bằng cách nào đó, Bartimê đã cảm nhận được trong tâm hồn mình rằng, Ngài muốn chữa lành anh. Làm sao anh cảm nhận được điều đó? Anh đã lắng nghe tiếng nói của Ngài tự bên trong; tiếng nói trong trẻo của Thánh Thần đã thôi thúc anh, một tiếng nói thúc giục từ nơi sâu thẳm tâm hồn đã tỏ cho anh biết, Ngài muốn chữa lành anh nhiều hơn anh muốn.
Ở đây, Bartimê cho chúng ta một ‘nhân chứng kép’ về việc phải hướng lòng về Chúa như thế nào. Trước tiên, chúng ta phải cảm nhận được sự hiện diện nhẹ nhàng nhưng rõ ràng của Chúa trong tâm hồn mình; làm sao nhận cho được tiếng nói và sự thúc đẩy của ân sủng Ngài tự bên trong. Chúa muốn chữa lành chúng ta ‘nhiều hơn chúng ta muốn’. Thứ hai, chúng ta phải kiên định ‘thả neo’ vào tiếng nói nội tâm mạnh mẽ này. Đám đông quở trách Bartimê là biểu tượng của một ‘nền văn hoá bịt miệng’, một nền văn hoá cố tình cám dỗ, ngăn cản chúng ta bền bỉ kêu lên Thiên Chúa, Đấng đang nói rằng, trong việc mở mắt chúng ta, chữa lành chúng ta, Ngài muốn ‘nhiều hơn chúng ta muốn’.
Nhiều lúc chúng ta thấy mình bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nghĩ, người khác nói, khiến chúng ta không có khả năng trở nên chính mình; thế giới tìm cách đe dọa chúng ta bằng việc cười nhạo, dể duôi, khiến chúng ta thấy mình lố bịch. Những gì họ thực sự muốn là buộc chúng ta sống đức tin của mình một cách kín đáo và đừng bao giờ nghĩ đến việc trở thành chứng nhân. Từ Bartimê, chúng ta thấy, ‘đức tin là một tiếng kêu’; thiếu niềm tin là kìm nén tiếng kêu đó. Những người ngăn cản Bartimê là những người không có đức tin; kìm nén tiếng kêu đó là đi vào vết xe ‘văn hoá bịt miệng’. Tin là phản kháng chống lại tình trạng buộc chúng ta câm nín; thiếu niềm tin là giới hạn bản thân để cam chịu một tình huống vốn ‘đã quen cam chịu’. Tin là hy vọng mình được cứu; thiếu đức tin là trở nên quen thuộc với cái ác, vốn đang áp bức chúng ta tiếp tục chịu đựng. Hãy nhớ, việc chữa lành chúng ta, sai chúng ta làm nhân chứng là điều Thiên Chúa muốn ‘nhiều hơn chúng ta muốn’.
***
Cuộc sống của Bartimê sẽ không bao giờ như trước, anh được biến đổi không chỉ nội tâm mà cả mù loà thể chất cũng được chữa lành. Giờ đây, anh có thể ‘nhìn thấy’ để “đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi”. “Nhìn thấy” là nhận ra Chúa Giêsu, nguồn mạch mọi ân sủng; nhận biết Ngài đang đi qua cuộc sống chúng ta trong Lời Ngài, Mình Máu Ngài và trong những anh chị em của Ngài; “nhìn thấy” là ý thức rằng, cuộc sống và tất cả những gì chúng ta có là để làm vinh danh Chúa; “nhìn thấy” là hân hoan thực hiện ý muốn Thiên Chúa, bất kể Ngài yêu cầu chúng ta điều gì. Và “nhìn thấy” là biết rằng, Ngài muốn tất cả những điều ấy ‘nhiều hơn chúng ta muốn’.
“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhìn thấy những điều tuyệt vời Chúa đang làm trong con. Rằng, Chúa đang muốn chữa lành con, sai con đi; vì Chúa muốn điều đó ‘nhiều hơn con muốn’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế