“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” – SN ngày 26.6.2021

0

Ngày 26 tháng 6 năm 2021
Thứ bảy, sau Chúa Nhật XII Thường Niên

I. LỜI CHÚA: Mt 8, 5-17

5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin:6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.”7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp:8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! “, là nó đi, bảo người kia: “Đến! “, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! “, là nó làm.”10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.12 Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”13 Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy! ” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

14 Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt.15 Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.

16 Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau,17 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

II. SUY NIỆM

1. Đức Giê-su chữa lành

Hoạt động chữa lành, nghĩa là phục vụ cho sự sống của con người, của Đức Giê-su dường như được thâu tóm lại hết trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay:

  • Người chữa lành người đầy tớ bị tê bại của viên đại đội trưởng, bằng lời nói quyền năng của Ngài.
  • Bà mẹ vợ ông Phêrô đang bị sốt nặng, cũng được Ngài cho “chỗi dậy”.
  • Và sau đó, khi trời đã tối, Người chữa lành nhiều kẻ bị quỉ ám và mọi kẻ ốm đau. Không kể trước đó, trong bài Tin Mừng hôm qua thứ sáu, Đức Giêsu chữa người phong hủi bằng cách đụng vào anh.

Sau khi kể những hành động chữa lành của Đức Giê-su xong, thánh sử Matthêu kết luận: để hoàn tất điều đã được nói bởi ngôn sứ Isaia:

Người đã mang lấy các tật nguyền của ta
và gánh lấy các bệnh hoạn của ta
.

                                                           (c. 17)

Điều này có nghĩa là, Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh như các bác sĩ hay lương y, nghĩa là loại bỏ bệnh tật, ma quỉ ra khỏi con người, nhưng còn mang vào mình, hay nói đúng hơn, Người chữa lành bằng cách mang vào mình!

Thật vậy, khi chiêm ngắm thật cụ thể thân thể nát tan của Ngài trên Thập Giá, chúng ta hiểu được mầu nhiệm “mang vác” này của Đức Giê-su. Nơi Thập Giá, Ngài không chỉ mang vào mình các thứ bệnh của chúng ta, nhưng cả cái chết, vốn là điểm tận cùng của mọi thứ bệnh của loài người. “Khi tối đến”, bối cảnh thời gian của việc lành, loan báo cho chúng ta Giờ của Thập Giá, Giờ của Đức Kitô, Giờ của Thiên Chúa. Đó là lúc, Thiên Chúa nhận lấy làm của mình mọi nỗi đau của con người nơi Đức Giêsu; và cũng nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa nhậm lời kêu cầu của con người, một lần cho tất cả, khi giải thoát Đức Giê-su khỏi sự chết.

 2. Lời người và Lời Chúa

Đức Giêsu muốn đến nhà ông đại đội trưởng để chữa bệnh cho người đầy tớ, nhưng ông thưa với Ngài: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Như chúng ta đều nhận ra, lời này được Giáo Hội đưa vào trong Phụng Vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Trong hai trường hợp có một vài khác biệt:

  • Viên đại đội trưởng nói cho người đầy tớ mà ông yêu quí; điều này cho thấy rằng, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến. Còn chúng ta, chúng ta nói cho chính mình.
  • Viên đại đội trưởng xin ơn chữa lành thể xác; còn chúng ta, chúng ta xin ơn chữa lành tâm hồn.
  • Để chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng, Đức Giê-su không cần đến nhà. Còn chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng, Đức Giêsu vẫn cứ vào luôn trong “nhà” của chúng ta.

Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, có một điểm chung, đó là lòng tin, lòng tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Lòng tin vào sức mạnh của Lời Đức Giêsu của viên đại đội trưởng thật đơn sơ, nhưng thật vững chắc và rất hợp lí. Bởi vì, ông khởi đi từ kinh nghiệm của chính mình: lời của ông cũng có sức mạnh: “Tôi bảo người này: “Đi! “, là nó đi, bảo người kia: “Đến! “, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! “, là nó làm”. Lời con người cũng có sức mạnh, làm cho chuyển động, làm cho thực hiện và sinh hoa kết quả.

Trong tương quan với nhau, và nhất là trong đời sống cộng đoàn, chúng ta đều có kinh nghiệm này: không chỉ lời của bề trên có sức mạnh, nhưng lời của mọi người đều có sức mạnh: sức mạnh tạo ra sự sống và làm cho sự sống lớn lên, sức mạnh an ủi và chữa lành tâm hồn khi nói những lời đón nhận, cảm thông và tha thứ, sức mạnh tạo ra sự hiệp nhất; và ngược lại, sức mạnh của lời nói cũng có thể làm thui chột sự sống, tạo ra bầu khí chết chóc và có thể giết chết. Thật vậy, sách Huấn ca nói: « Có nhiều người ngã gục vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? » (Hc 28, 18). Nếu lời người có sức mạnh ghê gớm như thế, Lời Chúa còn có sức mạnh lớn hơn biết bao.

Xin cho chúng ta cảm nghiệm và xác tín Lời Chúa là lời ban sự sống và tái tạo sự sống: sự sống của từng người chúng ta và sự sống của cộng đoàn. Và xin cho lời nói chúng ta trao đổi cho nhau hằng ngày cũng cưu mang và truyền đạt Lời ban sự sống của Chúa, vì sự sống của cộng đoàn lệ thuộc vào tương quan của chúng ta với nhau. Lời Chúa cũng là chân lí, vì một khi Ngài hứa là “đúng” mãi mãi. Xin cho lời của chúng ta nói với nhau và nói với Chúa, cũng là sự sống và là chân lí. Bởi vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.

Một cách đặc biệt, chúng ta đọc lời tuyên khấn trước mặt Thiên Chúa, với sự hiện diện của cộng đoàn, thế là suốt đời sống theo lời đó. Chúa cũng cam kết với chúng ta và cam kết trước chúng ta, và Ngài sẽ trung tín đến cùng; đơn giản là vì Lời của Ngài và Ngôi vị của Ngài là một.

 3. Chữa lành và phục vụ

Trong nhà, có bà mẹ vợ của ông Simon Phê-rô, đang nằm đó và lên cơn sốt; và ngay tối hôm đó, người ta lũ lượt kéo đến nhà: đó là những người bệnh, những người bị quỉ ám, những người đau khổ vì sự dữ đủ loại; và rốt cuộc cả làng kéo đến đứng trước cửa nhà.

Đó là một hình ảnh quá cụ thể diễn tả nhân loại chúng ta: nhân loại có quá nhiều người bệnh (chúng cứ đến các bệnh viện mà xem !); nhưng mọi người đều mắc một thứ bệnh khác và cần được Đức Giê-su chữa lành, và chỉ có một mình Ngài mới chữa lành được thôi ; và Ngài sẽ chữa lành bằng Thập Giá. Vì nếu sự sống của con người lệ thuộc vào sức khỏe, thì sự sống này cũng lệ thuộc không kém, và hơn thế nữa, vào tương quan giữa con người với nhau, với bản thân và với Thiên Chúa. Loài người chúng ta có rất nhiều « bệnh » thuộc bình diện tương quan, đến độ làm cho cuộc sống này nhiều lúc không còn sống nổi, không còn đáng sống.

Các môn đệ nói với Đức Giêsu về bà mẹ. Sự quan tâm dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, chính là nét thiết yếu làm nên Dân Mới do Đức Giê-su qui tụ. Đức Giêsu đi đến bên bà, cầm tay bà và giúp bà ngồi dậy. Ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giê-su và người bệnh. Hình ảnh này còn nói đến ơn phục sinh: Ngài cũng sẽ nằm xuống như mọi thân phận con người, nhưng Thiên Chúa sẽ cho Ngài phục sinh và chính Đức Kitô phục sinh sẽ chia sẻ ơn này cho mọi người. Ở đây, chúng ta còn được mời gọi cảm nhận sự thân mật trìu mến.

Cơn sốt biến mất và bà bắt đầu phục vụ Đức Giêsu. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới, sự sống mới, vì sự sống này hướng tới việc phục vụ quên mình : bà phục vụ Người, không chỉ lúc Người hiện diện thể lí, nhưng còn phục vụ Người ở nơi mọi người. Kinh nghiệm của bà cũng phải là kinh nghiệm của chúng ta, của mọi Kitô hữu.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon