Tác giả: JOSHUA M. DANIS
Theo Word Among Us, Prayer Resources
Nguồn:https://wau.org/resources/article/living_love/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến (tình yêu), thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Tình Yêu Thực Sự Là Gì?
Tình yêu là gốc rễ của tất cả hoa trái của Thánh Thần. Khi chúng ta cố gắng thực hành hoa trái của tình yêu trong cuộc sống của mình, chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta có thông điệp phù hợp cho người cụ thể mà chúng ta muốn tiếp cận. Tình yêu đích thực được Thiên Chúa ban có khả năng biến đổi cách chúng ta liên hệ và cảm nghiệm những người đang xa Chúa và cách mà họ kinh nghiệm về chúng ta. Để đạt được thông điệp đúng đắn này bắt đầu bằng việc xem xét thật kỹ những động cơ của chúng ta. Tại sao chúng ta muốn loan báo Tin Mừng? Khi hoa trái thiêng liêng của tình yêu phát sinh hiệu quả, nó hành động như một sự xác minh về chúng ta, coi chúng ta là những người chịu trách nhiệm để chúng ta theo đuổi việc truyền giáo vì những lý do đúng đắn.
Chúng ta cần đề phòng ước muốn trở nên đúng đắn. Bạn đã từng có một cuộc tranh cãi với ai về một câu đố hơi ngớ ngẩn không? Ai là diễn viên của bộ phim cũ kỹ đó, hoặc nghệ sĩ nào hát bài hát mới tuyệt vời đó? (Hôm nay, chúng ta chỉ quay cuộc tranh luận sang Google và để cho sự hả hê bắt đầu). Không có gì sai với sự cạnh tranh vui nhộn khi đề cập đến trò đố vui không cần động não, nhưng nó lại là vấn đề khi nói đến việc chia sẻ Tin Mừng. Chúng ta cần đề phòng ước muốn không lành mạnh để chiến thắng những cuộc tranh luận liên hệ đến đức tin, đặc biệt với những người đang xa rời Thiên Chúa.
Điều này có thể khó khăn đối với một số người trong chúng ta. Chúng ta dùng thời gian để rèn luyện, để học hành và để hiểu những vai trò về logic và lý do trong đời sống đức tin. Sau đó, chúng ta kết luận cách sai trái rằng việc bóp chết lý lẽ của người khác nếu họ không đồng ý kiến là việc chính đáng hay thánh thiện. Kết luận này không đúng. Trước hết hãy suy nghĩ về người mà bạn muốn thuyết phục. Thật khó đối với ai đó để đến với Chúa Kitô. Chúng ta có cần phải thực hiện điều đó kỹ hơn, bằng cách buộc họ hạ thấp sự kiêu hãnh của họ và thừa nhận là chúng ta đã chiến thắng một cuộc tranh cãi? Nếu chúng ta thực sự muốn thuyết phục các bạn của chúng ta để đi theo Chúa Giêsu, một trong những sự tiếp cận tệ hại nhất mà chúng ta có thể thực hiện, để tạo nên một tình huống mà chúng ta có thể nói: “Tôi đã nói bạn như thế”.
Một động cơ sai lầm khác có thể ảnh hưởng khá gần với nhiều người trong chúng ta: truyền giáo để đưa mọi người đến nhà thờ vì chúng ta không muốn nhà thờ của mình đóng cửa. Hãy để tôi nói điều đó một lần nữa. Chúng ta không nên cố gắng thuyết phục mọi người đến nhà thờ để nhà thờ của chúng ta không bị đóng cửa. Rốt cục, điều này thật ích kỷ và tập trung vào nội bộ. Khi Giáo Hội trải qua mùa chuyển động thay đổi văn hóa khó khăn này, chúng ta có thể bị cám dỗ để đi ra ngoài và cố gắng đưa về một loạt người mới để chúng ta có thể giữ cho di sản tồn tại.
Đừng hiểu lầm tôi. Tất cả chúng ta đều muốn là một phần của điều gì đó đang phát triển hơn là đang chết. Thật tốt khi chúng ta yêu mến các nhà thờ của mình và như một động cơ phụ, cố gắng giữ cho chúng luôn rộng mở là tốt. Tuy nhiên, lý do phù hợp duy nhất để loan báo Tin Mừng, là tình yêu – để mang mọi người đến với Chúa Giêsu, chứ không phải để bảo tồn các công trình nhà thờ của chúng ta. Nhờ Thần Khí, chúng ta có thể sinh hoa trái tình yêu và mở rộng tình yêu đó cho mỗi người mà chúng ta gặp gỡ. Tình yêu chân thành hướng chúng ta muốn điều tốt nhất cho những người khác.
Khám Phá Sự Dễ Thương của Người Khác.
Tôi đã nghe về một người đàn ông tham dự vào tổ chức Alpha và, khi anh đã biết cầu nguyện, anh đã bắt đầu cảm nghiệm những mối liên hệ sâu sắc với Thiên Chúa. Một tuần, anh trở lại với cuộc họp nhóm Alpha của mình, anh lo lắng rằng có thể có điều gì đó không ổn với anh. Anh nói với nhóm Alpha rằng anh đang đứng xếp hàng ở bưu điện thì bỗng nhiên, anh cảm thấy một cảm giác tràn ngập tình yêu thương đối với người đàn ông ở trước mặt mình! Anh nói rằng anh chưa bao giờ gặp người này trước đây và không biết gì ông ấy. Anh băn khoăn hỏi: “Điều này có bình thường không nhỉ?!”
Có thể những ngày này thì không, nhưng giả sử điều đó có thể thì sao? Đây là tình yêu mà Thiên Chúa làm cho chúng ta cảm thấy mọi nơi mọi lúc. Khi chúng ta trưởng thành trong Thần Khí của Người, Người có thể làm cho chúng ta có khả năng cảm nghiệm nhiều hơn một chút về tình yêu đang chảy tràn trong Người mọi lúc. Hãy tưởng tượng một khoảnh khắc việc nhìn một người bằng đôi mắt của Thiên Chúa sẽ như thế nào. Hãy nghĩ về sự việc Thiên Chúa nhận thấy người này rất đáng thú vị và rất đáng yêu. Hãy nghĩ về cách Thiên Chúa nhìn mẹ mình khóc vì vui sướng khi mẹ ôm con mình trong vòng tay lần đầu tiên. Hãy nghĩ xem khuôn mặt của con người trông sẽ như thế nào trong hoảnh khắc khi vui mừng hay thất vọng. Hãy tưởng tượng những hy vọng và mơ ước, hoặc ít nhất những gì là tiềm năng, đang hiện diện trong con người mà chúng ta cho là rất buồn tẻ. Hãy cân nhắc người đó có thể sẽ như thế nào trong trạng thái hưng phấn của anh, sáng láng và sôi nổi với sự sống và vẻ đẹp thiên đàng. Đây chỉ là một phần về cách Thiên Chúa nhìn người này mọi lúc.
Chia Sẻ Niềm Tin qua Tình Yêu Thương
Chúa Giêsu thách thức chúng ta yêu thương kẻ thù của mình và cư xử tốt với những người ghét chúng ta (x. Mt 5,44). Loại tình yêu anh hùng này không xảy ra cách tự nhiên. Nó thật phi thường và có thể chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta. Khi chúng ta trở nên bạn hữu với những người đang xa cách Thiên Chúa, họ nên nhìn thấy một sự khác biệt trong cách chúng ta yêu thương họ so với cách nhiều người khác. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phi thường hoặc quá phô trương, làm cho mọi người không được thoải mái! Đúng hơn, chúng ta kiên nhẫn, quảng đại và không dễ dáng lay chuyển bởi những sự thất vọng.
Khi bạn quan sát những người đang sống xa rời Chúa Giêsu mà bạn đã tiếp cận, họ có nói rằng cách bạn đối xử với họ có gì lạ thường không? Có lẽ, họ sẽ không gọi đó là tình yêu, nhưng liệu họ có cho rằng bạn đặc biệt đang chú ý, rộng lượng và quan tâm đến họ không? Một lần nữa, không phải là họ cảm thấy bạn là người vượt trỗi, nhưng là đang an ủi và làm họ vững lòng. Tình bạn của bạn nên kiên định và đáng tin cậy cho dẫu có được đáp lại hay không. Nếu chúng ta đối xử với mọi người cũng chỉ giống như với bất cứ ai khác, tại sao điều đó thu hút mọi người đến với Kitô giáo?
Tôi nghĩ Chúa Giêsu hoàn thành tốt công việc của mình trong môi trường thân thiết từ một đến ba người. Sự hiện diện gần gũi của Người về căn bản đã biến đổi mọi người cách triệt để. Thánh Têrêsa Calcutta là một người phụ nữ đã cảm thấy rõ ràng được mời gọi để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu, và kết quả là, mẹ đã có một sự ảnh hưởng trên thế giới của chúng ta. Một người phụ nữ trẻ đã nói với mẹ rằng trong suốt thời gian mẹ và cô ấy ở cùng nhau, cô ấy đã cảm thấy là cô ấy được mẹ quan tâm đến mình 100%. Chỉ trong vài khoảnh khắc đó, cô có cảm giác như thể cô và Mẹ Teresa là hai người duy nhất trong vũ trụ này.
Tôi tin Chúa Giêsu đang mời gọi các môn đệ của mình thực hành loại quan tâm yêu thương đó. Để phục vụ những người khác theo cách này, tình yêu chúng ta phải chân thành. Chúng ta phải được biến đổi. Nếu chúng ta cố gắng giả tạo hay giả vờ theo cách của mình qua việc yêu thương như Mẹ Têrêsa đã yêu, nỗ lực sẽ làm chúng ta mệt mỏi và những thiện chí của chúng ta sẽ là phô diễn. Hầu hết mọi người có thể phát hiện ra một người giả dối khá nhanh chóng – họ có thể nói khi họ đang bị lợi dụng hoặc khi họ đang được yêu thương vì ích lợi của họ. Vì thế, hãy tưởng tượng sự ảnh hưởng trên những người khác khi bạn để cho chính bạn lớn lên trong tình yêu vốn là hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Chìa Khóa để Yêu Thương
Như với tất cả hoa trái của Thần Khí, bạn không thể làm tăng triển tình yêu chỉ bằng cách cố gắng chăm chỉ hoặc suy nghĩ tích cực. Sự biến đổi này xảy ra nhờ sự gắn bó mật thiết, sâu sắc với Thần Khí của Chúa Kitô. Chúng ta không thể làm gì để đạt được hoa trái của tình yêu, nhưng tôi tin tưởng có điều gì đó chúng ta có thể làm để điều chỉnh chính mình cách đúng đắn đối với nó.
Giống như các môn đệ đầu tiên đó của Chúa Giêsu cần thời gian ở một mình với Người, chúng ta cũng thế. Chúng ta càng dành thời gian với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong sự hiện diện tĩnh lặng trước nhan Người, tình yêu của Người càng tự do phát sinh hiệu quả qua chúng ta. Thời gian này nên được dành riêng ra, không ngẫu nhiên hoặc tình cờ. Vợ tôi và tôi có thể dễ dàng ngồi cạnh nhau hàng giờ trước truyền hình. Những ngày tháng này không thể mang chúng tôi lại gần nhau bằng một buổi chiều dành để trò chuyện và nỗ lực thực sự để cùng nhau phát triển như một đôi vợ chồng.
Sống Hoa Trái của Thần Khí
Tầm quan trọng để có một thời gian hằng ngày, đều đặn dành riêng cho việc cầu nguyện trở nên đặc biệt thiết thực cho tôi một vài năm trước đây. Tôi đang tham dự một buổi tối để ngợi khen và tôn thờ Thánh Thể trong suốt một hội nghị lớn ở Cincinnati – thành phố Ohio (USA). Khi tôi quỳ gối trước sự hiện diện của Chúa, tôi nhận thấy chính mình bắt đầu cảm thấy bị phân tán bởi tất cả những biến cố sắp xảy ra mà tôi đã lên kế hoạch và những kỳ vọng để thành công mà tôi đã áp đặt lên chính tôi. Tôi nghĩ đến ơn gọi của tôi là chăm sóc cho gia đình tôi, hết lòng yêu thương vợ tôi và dưỡng dục con cái chúng tôi trong sự thánh thiện và công chính. Có những gánh nặng của công việc, của xóm giềng và của cộng đoàn giáo xứ tôi. Tôi nghĩ về tất cả những đêm dài và những buổi sáng sớm có thể đã đòi hỏi tôi. Tôi cảm thấy quá choáng ngợp! Trong một khoảnh khắc cảm xúc trào dâng, tôi kêu lên với Chúa: “Con không đủ tình yêu để làm điều này! Lạy Chúa, con không yêu Chúa đủ để phục vụ dân Chúa theo cách mà Chúa đang mời gọi con. Xin Chúa hãy giúp con” Sau đó, tôi vẫn không thể thoát khỏi những lo lắng đó và tôi đã phó thác cho Chúa. Chậm mà chắc, tôi bắt đầu cảm thấy sự hiện diện của Chúa làm tâm hồn tôi ấm áp. Tôi cảm thấy sự bình an và sự bảo đảm của Thiên Chúa đang nói với tôi rằng Người sẽ ban cho tôi ân sủng mà tôi cần.
Khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa, Người luôn trả lời chúng ta….( …) Đôi khi Người không trả lời. Tuy nhiên, chúng ta biết Người luôn lắng nghe và trả lời chúng ta theo cách của Người. Nếu bạn cảm thấy nặng nề và mệt mỏi, nếu bạn cảm thấy bạn không đủ tình yêu trở nên người nữ hoặc người nam mà Thiên Chúa đang mời gọi bạn, bạn hãy đi và ở một mình trước nhan Chúa. Hãy trở lại với Chúa thường xuyên bao nhiêu có thể, để Người lại có thể ban tràn đầy trên bạn sự hiện diện của Người.
Đây là phần tuyển chọn từ cuốn sách có tựa đề Hoa Trái của Thần Khí, tác giả Joshua M. Danis (The Word Among Us Press, 2020), có thể truy cập tại www.wau.org/books.