Đất Mẹ: Đa Minh Tam Hiệp

0

Kỷ niệm 71 năm Thành lập Hội dòng
Sr. Maria Phương Hà

“Đất Mẹ: Đa Minh Tam Hiệp” – tiếng gọi thân thương, trìu mến này đã theo tôi ngay từ giây phút đầu đời tu. Cũng từ mảnh đất ấy đã hình thành trong tôi ơn gọi Thuyết Giáo.

Nhìn lại ngày Đất Mẹ được hình thành trên mảnh đất Tam Hiệp, tôi thấy một bề dày lịch sử với nhiều biến cố thăng trầm theo mọi biến chuyển của thời cuộc và thế giới. Đến nay, Đất Mẹ đã có nhiều tiến triển và sức sống vẫn đang vươn lên mạnh mẽ. Đối với tôi, Đất Mẹ là nơi tôi được lớn lên và cùng chung chia cuộc sống vui buồn trong đời tu, cảm nhận được những đổi thay của cuộc sống và những nét đẹp của gia đình Đa Minh Tam Hiệp; nơi đây tôi tìm được giá trị của Chân – Thiện – Mỹ và nguồn hạnh phúc của lý tưởng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Có được thành quả này, tôi không thể quên công ơn của các bậc tiền bối. Lòng biết ơn của tôi đối với các ngài không chỉ thuần túy như lời xưa đã dạy: “uống nước nhớ nguồn”. Mà sâu xa hơn, qua đó còn cho thấy tôi cũng đã nằm trong dòng truyền thống rất dài này và vẫn muốn đứng trong truyền thống ấy. Thật vậy, có thành quả hay tiến bộ khoa học kỹ thuật nào mà không khởi đi từ những thành quả hay tiến bộ của quá khứ? Cũng như càng khẳng định quá khứ hay truyền thống, người ta càng tạo cho những tiến bộ tương lai của mình một nền tảng vững chắc. Ngược lại, càng chối bỏ truyền thống hay quá khứ, thì có thể chối bỏ luôn cả hiện tại và tương lai. Bénézel Bujo ngừơi Zaire (hiện nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) nhận xét: “Đối với người Phi Châu, chẳng phải chỉ là bóc lột mà còn là sát hại khi ngườii ta tìm cách loại bỏ người già ra khỏi ký ức cửa mình, không để các ngài sống bên cạnh mình và trong gia đình mình. Ai quên người già thì cũng quên luôn lịch sử đã đi trước mình và đã từng cống hiến cho mình những điều kiện giúp mình sống được trong ngày hôm nay” (Etienne Mayence, “Revolution grise”, trong Cor Unum 12/1993). Thật vậy, nhìn các chị tuổi đã cao niên nhưng vẫn trung kiên theo Chúa và thanh thoát với đời hiến dâng, tôi có một động lực mạnh mẽ khích lệ tôi an vui tiếp bước hành trình ơn gọi của mình.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy người già được coi là biểu tượng của sự khôn ngoan. Người khôn ngoan là người đã chứng kiến được nhiều điều hay điều dở của lịch sử, để từ đó có thể chắt lọc ra điều gì hay nhất và đúng nhất. Bởi đó, văn chương minh triết của đạo Do Thái luôn khuyên người trẻ thường xuyên hỏi người già, vì đó là nơi hội tụ của sự khôn ngoan bao thế hệ. Có một điều khá đặc biệt là hầu hết trong các biến cố có tầm quyết định đối với lịch sử cứu độ của dân Do Thái, người già luôn có mặt. Khi khởi đầu lịch sử nhân loại thành lịch sử một dân tộc, Thiên Chúa đã kêu gọi cụ già Abraham. Dân Do Thái được xây dựng thành một quốc gia có lề luật, phụng tự và người lãnh đạo là Môisê khi ông đã cao niên. Ngay cả khi lịch sử dân Do Thái chuẩn bị sang trang để mở ra một chân trời mới với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, thì cũng có sự can thiệp của hai ông bà già là Giacaria và Elisabeth. Nhất là khi lịch sử đi đến hồi kết với việc Nhập thể của Đức Giêsu, chúng ta cũng thấy hai cụ già Simeon và Anna xuất hiện tại Đền thờ.

Có thể người già được chọn không phải vì các ngài đạo dức hơn, nhưng chính yếu là vì người già – với sự bền bỉ và trung thành của mình – phản ánh sự bền bỉ và trung thành của Thiên Chúa trong việc thực thi giao ước và các lời hứa. Nếu sự chân thành và đơn sơ cậy dựa vào người lớn mà chúng ta khám phá thấy nơi trẻ em là tiêu biểu của thái độ Tin Mừng căn bản chúng ta cần có đối với Nước Trời, thì sự bền bỉ và trung thành nơi người già chính là hình ảnh điển hình cho bản tính của Thiên Chúa: Đấng “trước sau như một”, “trung tín trong mọi việc Chúa làm và thành tín trong mọi lời Chúa nói”[i]

Các bậc tiền bối đã dày công xây dựng Hội dòng và đã để lại cho Đất Mẹ những di sản quý báu về tinh thần, văn hóa và vật chất. Cái nôi thân thương ấy luôn gắn bó với từng chị em trong Gia đình Đa Minh Tam Hiệp và là động lực thúc đẩy từng thành viên lên đường dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Là một người con sống trong vòng tay của Đất Mẹ và cũng là nữ tu Dòng Thuyết Giáo, tôi cần thể hiện rõ nét linh đạo của Dòng là: “Nói với Chúa và nói về Chúa”. Tinh thần đó đòi hỏi tôi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, vì “Bí Tích Thánh Thể chính là trung tâm của đời sống Thánh hiến”(Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 95). Nơi Thánh Thể Chúa, tôi mới tìm được nguồn bình an đích thực và sức mạnh của Tình Yêu hy hiến, nhờ đó, từ Đất Mẹ tôi can đảm ra đi phục vụ và làm chứng cho Tin Mừng.

______________________________

[i] Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành. Điểm dừng chân – tập 2. p. 12 -13

Comments are closed.

phone-icon