Nguồn: aleteia
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN
Dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ của lịch sử là một đánh giá không hiểu rõ tính phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ.
Thời Trung cổ, kéo dài từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15, thường được gọi là “Thời kỳ tăm tối” – một thuật ngữ khá xúc phạm. Nhãn hiệu này nổi lên trong thời kỳ Phục hưng và phần lớn chịu ảnh hưởng của các tác giả, nghệ sĩ và những nhà tư tưởng muốn làm nổi bật sự khác biệt giữa thời đại của họ – thời đại mà họ hiểu là sự hồi sinh của văn hóa Hy-La cổ điển – và các thế kỷ trước.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc dán nhãn “tăm tối” cho 10 thế kỷ lịch sử là một đánh giá chủ quan, chịu ảnh hưởng rất nặng bởi định kiến và thành kiến, đồng thời không đánh giá đúng mức độ phức tạp và đa dạng của xã hội thời trung cổ, đặc biệt là vì một khoảng thời gian dài như vậy không thể đơn giản gộp lại dưới một danh mục duy nhất.
Petrarch, học giả và nhà thơ nổi tiếng người Ý của thế kỷ 14, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức tiêu cực này về thời Trung cổ – liệu đó có phải là ý định của ông hay không lại là một câu hỏi khác. Trang Medievalists.net viết rằng một người sống trong “thời kỳ tăm tối” hoặc trong “thời đại ánh sáng” “là một phép ẩn dụ dễ dàng để giải thích rằng bạn đang sống trong thời kỳ tốt hay xấu.” Petrarch đã sử dụng phép ẩn dụ nói trên, so sánh thời Cổ đại và Hậu Cổ đại với thời đại của ông, “và nhận thấy rằng ông không hài lòng lắm với tình hình ngày nay.” Trong một tác phẩm của mình, ông viết:
“Số phận của tôi là sống giữa những cơn bão đầy những đổi thay và khó hiểu. Nhưng nếu như tôi hy vọng và mong muốn bạn sẽ sống lâu hơn tôi, có lẽ với bạn sẽ có một thời đại tốt đẹp hơn. Giấc ngủ quên này sẽ không kéo dài mãi mãi. Khi bóng tối bị xua tan, con cháu của chúng ta sẽ có thể trở lại trong ánh hào quang thuần khiết trước đây.”
Rõ ràng, sự hiểu biết của Petrarch về thời đại của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lòng ngưỡng mộ đối với những thành tựu của Hy Lạp và La Mã cổ đại; do đó, ông coi thời đại của mình là thời kỳ suy tàn và thiếu hiểu biết, so sánh nó với những thành tựu trí tuệ của thế giới cổ đại một cách thiếu cảm tình.
Tuy nhiên, điều cần thiết là phải nhận ra rằng sự miêu tả có phần tiêu cực này về thời Trung cổ phần lớn là một sự phóng đại. Các nhà tư tưởng thời Phục hưng có xu hướng lý tưởng hóa quá khứ xa xưa, coi đó là thời kỳ hoàng kim của trí tuệ và sự tinh tế về văn hóa, điều này không nhất thiết phải như vậy. Ngược lại, họ coi thời Trung cổ là thời kỳ của sự trì trệ về trí tuệ, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo và sự lạc hậu của xã hội, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật (hiển nhiên) rằng thời Phục hưng không tự nhiên mà đến.
Thành kiến chống lại thời Trung cổ có thể là do một số yếu tố. Ví dụ, các nhà tư tưởng thời Phục hưng có sự tiếp cận rất hạn chế vào các nguồn văn học và lịch sử của thời Trung cổ, điều này góp phần vào việc thiếu hiểu biết và không đánh giá đúng những thành tựu của 10 thế kỷ này. Ngoài ra, thời kỳ Phục hưng mang đậm dấu ấn của mong muốn đặt khoảng cách với kỷ nguyên trước đó, và việc làm mất thanh thế của thời Trung cổ nhằm mục đích nhấn mạnh sự vượt trội về văn hóa và trí tuệ được cho là của cuối thế kỷ 15 và 16. Nhưng chủ yếu, những xung đột và căng thẳng tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo và các phong trào Tin lành mới nổi trong thời kỳ Phục hưng đã thúc đẩy việc chỉ trích về thời Trung cổ.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của lịch sử, việc thách thức nhận thức thành kiến này về thời Trung cổ là rất quan trọng. Mặc dù thời kỳ này đúng là có nhiều khó khăn, nhưng đó cũng là thời kỳ của những thành tựu lớn về trí tuệ, nghệ thuật và văn hóa.
Thời Trung cổ chứng kiến sự phát triển của các trường đại học, việc bảo tồn và lưu truyền các văn bản cổ điển, những tiến bộ trong kiến trúc và kỹ thuật, và sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Gothic. Trên thực tế, nếu không có công việc cần mẫn của những người ghi chép và sao chép thời trung cổ, thì các học giả thời Phục hưng sẽ khó biết đến những nhà tư tưởng của La Mã và Hy Lạp.