Ba lời khấn nhằm phục vụ sự sống (P2) – Lời khấn Vâng phục

0

Sr. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà chuyển ngữ
Nguồn: Sr. Elaine M. Prevallet, SL. In the service of life:
Widening and Deepening Religious Commitment. 2006, p. 28 – 56.

Sandra Schneiders nhìn lời khấn vâng phục như một “giao ước của sự hợp tác”. Cụm từ này rất phù hợp trong cái nhìn về sự hợp tác của chúng ta với cộng đoàn trần thế. Sau đây là những ví dụ về sự hợp tác giữa các tạo vật.
Có một hệ thống làm sạch được thực hiện bởi các loài cá, tôm và cua. Đó là một trong những mối liên hệ chủ đạo trong cộng đồng các loài ở biển. Loài cá làm sạch đóng trụ ở một nơi cố định và những loài cá khác bơi đến để được tắm rửa. Loài cá làm sạch có thể đi vào trong mang và trong miệng của loài cá khác nhưng những loài cá đó không bao giờ ăn thịt cá làm sạch. Loài cá làm sạch ăn ký sinh trùng, là tổ gây nên những bệnh tật. Nhờ làm sạch các tổ sinh trùng, con cá đó được sạch sẽ hơn và bơi một cách nhẹ nhàng hơn, như thể chúng vừa mới tới tiệm làm đẹp. Một người quan sát thấy có khoảng 300 con cá được làm sạch trong một ngày. Biểu tượng làm sạch này là một ví dụ tuyệt vời của sự hợp tác, hợp với “giao ước hợp tác” mà Schneider đã nói ở trên.
Nhưng sự hợp tác này không thể tồn tại nếu không có hệ thống các nút thắt. Trong tự nhiên, các sinh vật có thể đồng tồn tại bởi vì mỗi sinh vật có cái riêng, cái độc đáo của nó. Và sự sống trong cái riêng đó góp phần làm phong phú môi trường chung. Thiên nhiên đã có những phát minh vĩ đại trong việc phát triển những phương cách cho phép các loài cùng tồn tại qua việc hợp tác lẫn nhau. Ví dụ, các loài sống trong cùng một cây, mỗi loài ăn một loại thức ăn mà loài khác không ăn. Hoặc chúng sống trong những vùng khác nhau của cây. Có loài thì sống trong vỏ cây. Có loài thì sống trên lá. Hoặc chúng làm việc theo ca: có loài làm việc ca đêm, có loài làm ca ngày. Chúng không cạnh tranh nhau nhưng phối hợp hài hòa vì chúng được tổ chức theo cái độc đáo của chúng.
Thiên nhiên phối hợp cách hài hòa. Cũng như các chi thể trong cùng một thân thể của Đức Kitô mà Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Côrintô (1Cr 12,4-28). Mỗi chi thể của bộ phận có khả năng và vai trò riêng, nhưng tất cả cùng làm để xây dựng lợi ích chung.
Trong hệ thống kết hợp của thiên nhiên giúp cho các sinh vật được sống hài hòa với những sinh vật khác. Để tránh lãng phí, thiên nhiên sống hài hòa dựa theo các sinh vật khác. Ví như, việc cân bằng, điều chỉnh về kích thước, cân nặng, cấu trúc và năng lượng để chúng có thể sống hài hòa và làm những gì chúng ta phải làm. Chẳng hạn, các loài chim có khả năng dự trữ năng lượng rất tuyệt vời giúp chúng có thể đủ sức bay qua các châu lục và đại dương mà không cần phải ăn uống gì. Khả năng hô hấp và khả năng đối phó với sự khắc nghiệt của khí hậu (nóng, lạnh) giúp đàn chim di tản đến một vùng đất xa xôi. Thiên nhiên có sự sắp xếp cách trật tự cho mỗi sinh vật sống ở nơi chúng sống và làm những việc chúng làm, không chen chân lẫn nhau. “Những chú gấu ngủ suốt mùa đông, thay vì chống chọi với cái lạnh. Cây cối nương theo chiều gió thay vì chống lại nó, vì chống lại sẽ làm cây gãy. Châm ngôn của thiên nhiên là “làm việc cách thông minh hơn chứ không phải vất vả hơn”
Con người chúng ta được đặt trong thiên nhiên, chúng ta có khả năng di chuyển xung quanh và làm chủ môi trường. Điều này đòi hỏi một sự ý thức để sống hòa hợp và hợp tác với thiên nhiên. Điều này có nghĩa là chúng ta phải phân định để biết dùng khả năng riêng của mình vào trong cộng đồng vũ trụ. Việc phân định này đòi hỏi một sự quan sát kỹ càng, một con tim biết lắng nghe, để chúng ta có thể hòa hợp cách ý thức và sự quan tâm đến môi trường mà không làm đảo lộn trật tự của các sinh vật khác. Lịch sử con người cho thấy chúng ta đã không tôn trọng trật tự này và đã thống trị thiên nhiên theo ý của chúng ta. Vì thế đã dẫn đến phá hủy và đảo lộn trật tự của thiên nhiên. Con người, đặc biệt là từ những cuộc cách mạng công nghiệp, đã liên tục làm ngơ hoặc bị mù lòa bởi lòng ham muốn và đã không đóng đúng vai trò của mình ở trong trật tự của vũ trụ.
Nếu chúng ta, cá nhân cũng như tập thể, xâm phạm đến cái là của người khác hay của sinh vật khác, nếu chúng ta cạnh tranh quyền lực và xâm phạm đến những lãnh vực riêng tư của họ, chúng ta sẽ gây hại cho họ, xúc phạm đến phẩm giá của họ. Nếu chúng ta tìm cách để thống trị, ngay cả trong chính cái là của chúng ta, chúng ta đang gây hại nó. Ngược lại, nếu chúng ta từ chối không nhận ra quyền của mình, nếu, trong sự lười biếng và sợ hãi, chúng ta từ chối không phát triển tài năng và sức lực của mình cho lợi ích chung, chúng ta cũng đang tự hủy hoại. Trung thành với cái là của mình đòi một sự phát triển về khả năng nhận ra mẫu thức của sự thống trị cũng như các nạn nhân gây nên bởi sự thống trị này, cả trong chính mình và ngoài xã hội, để chúng ta có thể chống lại chúng.
Chúng ta đã chứng kết rất nhiều cuộc hủy hoại do quyền lực thống trị gây nên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa học được những bài học từ đó và cũng chưa có phương hướng dài hạn để chống lại sự thống trị này.
Hiến pháp nhiều Hội dòng đặt lời khấn vâng phục trong ba khía cạnh: quan tâm đến nhu cầu của thời đại, trung thành với linh đạo của Dòng và phân định những tác động của Chúa Thánh Thần nơi từng cá nhân. Nếu vũ trụ là một hệ thống tương tác lẫn nhau, chúng ta cũng thấy được hệ thống đó đang được vận hành ở trong và ở giữa chúng ta, cho ta những dấu hiệu để thấy được điều gì đang hình thành nên chúng ta, và vai trò của chúng ta trong tiến trình hình thành sự sống này là gì. Trong khung cảnh Kitô giáo, chúng ta nói về tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng được biết như Thần khí của Đức Giêsu, hoặc Thánh Thần Khôn Ngoan, Thánh Thần Sự Sống, đang hoạt động để làm cho Lời (Lời sự Sống và Lời Tin Mừng) được lớn lên trong chúng ta. Phân định là cách chúng ta lắng nghe, hoặc để ý tới những dấu hiệu này.
Nhiệm vụ chủ chốt trong lời khấn vâng phục của chúng ta là giúp chúng ta trở thành mình hơn, tìm ra cái là của mình, những cái riêng, cái độc đáo nằm trong chúng ta hầu phát triển nó để phục vụ Sự Sống. Bằng tác động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực khi chúng ta ở nơi chúng ta cần ở, đón nhận những ân huệ khả tín, nhận biết mình đang góp phần xây dựng lợi ích chung của cộng đoàn, bất kể chúng ta đang ở địa vị hoặc đóng vai trò gì. Trong môi trường đó, chúng ta đón nhận được sự hỗ trợ và khích lệ cố gắng hơn nữa. Đó là sự hỗ trợ tạo nên sức mạnh cho cuộc sống: chia sẻ cuộc sống trong việc phục vụ sự sống. Quyền lực đích thực của chúng ta là sự ý thức phát triển sức mạnh tình yêu. Và quyền lực đó được đạt hiệu quả cao nhất khi chúng ta biết đem tài năng, sức lực của mình cộng tác với người khác. Vì chúng ta là những cá vị không thể thay thế, gần gũi và không thể chia cách với mọi tạo vật chung quanh chúng ta.
Cuộc sống chúng ta được đặt trên khuôn mẫu sự sống của Đức Giêsu. Đó là khuôn mẫu của vũ trụ, một tiến trình liên tục và sẵn sàng tham gia vào quỹ đạo của việc cho và nhận, ăn và bị ăn, chết và tái sinh. Vì chúng ta là những cộng sự viên có lý trí trong quỹ đạo luôn chuyển động của các tạo vật, tiến trình này đòi sự hợp tác của chúng ta, đòi sự quan tâm của chúng ta để đẩy mạnh tốc độ và nâng cuộc sống lên theo một đường hướng rõ rệt. Đó là lý do chúng ta phải xây dựng khả năng lắng nghe những gì xảy ra trong chính con người mình và những gì xảy ra ở môi trường chung quanh chúng ta và trên toàn thế giới. Những tác động bên trong và bên ngoài luôn tương tác lẫn nhau.
Tìm được cái riêng, cái độc đáo của mình là một tiến trình không đơn giản chút nào. Nhiều cái riêng khác nhau có thể lôi cuốn chúng ta, và sự phân định của chúng ta đôi khi phải trải qua những tiến trình dài của thất bại và sai lỗi. Tiếng của Chúa Thánh Thần không phải là tiếng duy nhất chúng ta nghe: rất nhiều tiếng nói xuất phát từ con người mình: tiếng nói của cơ thể, cái tôi, trí tưởng tượng của chúng ta nói với chúng ta về chúng ta là ai và chúng ta đang cần gì. Văn hóa và môi trường xã hội cộng thêm những tiếng nói ảo bằng cách cho chúng ta những hình ảnh sống động về việc chúng ta phải nhìn thế nào hoặc nghĩ gì hay hành động ra sao, những gì chúng ta cần có, những gì chúng ta cần làm để nên giống một ai đó, chứ không phải để trở nên chính mình hơn. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ chạy theo những đam mê, danh vọng, nhục dục, hoặc ước muốn làm chủ hoặc điều khiển người khác. Những thứ đó có thể nhận chìm chúng ta trước khi chúng ta có cơ hội đưa chúng ta ra ánh sáng của Thánh Thần Khôn Ngoan. Nếu chúng ta kinh nghiệm về nỗi đau hoặc bất bình an về một lỗi lầm nào đó, chúng ta có thể học nhìn vấn đề cách đơn giản hơn. Và như thế chúng ta sẽ nhận ra rõ hơn chúng ta là ai.
Nhưng nếu chúng ta sống hết mình, cố gắng để nhạy bén trong mọi sự, chúng ta tin rằng trong bức tranh rộng lớn, sự cộng tác của chúng ta được hòa quyện trong khối vận hành của vũ trụ. Và chúng ta tìm thấy mình trong vòng tròn chuyển trao và phục vụ sự sống.
Vì chúng ta chọn tương quan hàng ngang (đời sống cộng đoàn) hơn là quyền lực từ trên xuống, nên cộng đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta phân định cái là của mình. Mỗi cá nhân có trách nhiệm phân định và tìm ra ơn riêng của mình để cống hiến cho lợi ích chung theo đặc sủng của cộng đoàn. Mỗi chị em cũng có trách nhiệm giúp chị em khác tìm ra cái là của họ và động viên họ phát triển khả năng riêng của mình. Mặc dù phân định cá nhân là cần thiết nhưng điều quan trọng là việc phân định cần được làm trong tương quan của cả cộng đoàn để đẩy mạnh tinh thần và hướng phục vụ làm nổi bật lý do hiện hữu của cộng đoàn.
Việc phân định nếu được làm trong bầu khí cộng đoàn sẽ giúp chúng ta dễ dàng thực hiện và luôn đi đúng với linh đạo của cộng đoàn. Những người bạn có thể nhận ra những khả năng tiềm ẩn trong chúng ta mà đôi khi chúng ta không nhận ra, và họ cũng có thể giúp chúng ta học cách nhận ra những dấu chỉ của Thần Khí Sự Sống đang hoạt động trong chúng ta và giúp chúng ta trân trọng, phát triển ân huệ đó. Họ cũng giúp chúng ta đối diện với những nỗi sợ hãi và kháng cự, cho chúng ta sự giúp đỡ và động viên mà chúng ta cần để dám bắt đầu một khởi đầu mới, khởi đầu này có thể là rất mạo hiểm.
Khi chúng ta phải làm một quyết định, việc chia sẻ trong cộng đoàn sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những ý riêng có thể dẫn đến quyết định sai. Chúng ta cần ý kiến của người khác để giúp chúng ta phân định rõ hơn. Những người bạn chia sẻ cùng một can kết với chúng ta có thể giúp chúng ta giải mã cơ cấu xã hội và giúp chúng ta giữ được la bàn của mình theo hướng mà chúng ta đã cam kết để sống.
Cộng đoàn cần tổ chức làm sao để đẩy mạnh sự tôn trọng cũng như sự hỗ tương, khuyến khích mỗi cá nhân tham gia hợp tác tích cực và tương tác với nhau. Trong mọi quyết định mang tính cộng đoàn, phải tiến hành sao cho mỗi cá nhân đều có quyền nói, có quyền tham gia vào quyết định đó. Ý kiến của họ cần được tôn trọng và lắng nghe.
Sự lành mạnh của mỗi cá nhân và của cộng đoàn có tương quan qua lại với nhau. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới luân chuyển và tương tác. Sự lành mạnh của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của cộng đoàn. Và sự lành mạnh của cộng đoàn cũng ảnh hưởng đến cá nhân và môi trường chung quanh cả về mặt tiêu cực lẫn tích cực.
Lời khấn vâng lời không phải là một việc dễ, nhưng là một thực hành, một sự bỏ mình hằng ngày để làm những điều đôi khi rất nghịch với ý mình. Tuy nhiên, lời khấn vâng phục giúp chúng ta sống mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Lời khấn vâng phục giúp chúng ta sống đúng vai trò của mình trong cộng đoàn nhằm phục vụ lợi ích của người khác và tạo sức sống cho cộng đoàn.
Để có được cảm thức về “việc diện diện nơi chúng ta được sai đến và làm những việc chúng ta được trao” đó là một kinh nghiệm giải thoát và một phúc lành lớn lao. Một cộng đoàn cam kết giúp nhau giữ lời khấn vâng lời bằng cách khuyến khích mỗi cá nhân phát triển những đặc ân riêng của mình, đồng thời giúp họ hòa nhập với lợi ích chung của cộng đoàn. Làm như thế, cộng đoàn đó sẽ phát triển, đồng thời mang lại sức sống đích thực cho mỗi cá nhân, cho cộng đoàn và cho cả thế giới.

CÂU HỎI CẬT VẤN
1. Trong cộng đồng trái đất, đâu là cái độc đáo mà bạn nhận được từ Hội dòng của bạn? Đặc sủng của Hội dòng bạn thế nào trong tương quan với vũ trụ?
2. Cộng đoàn có giúp bạn nhận ra cái là, cái riêng, cái độc đóc của bạn không? Có cách nào tốt hơn không?

Comments are closed.

phone-icon