Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy – Lễ Thánh Ignatiô Antiôchia

0

Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Ga 12, 24-26)

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

(Bản dịch Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

********

1. “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”

Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài, các môn đệ vào thời của Ngài và các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay :

Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy. (c. 26)

Khi nói đến phục vụ, chúng thường nghĩ ngay đến hiệu quả và thành tích ; và để có hiệu quả và thành tích, thì cần phải có khả năng và tài năng, cần phải được huấn luyện tốt và lâu dài, cần phải có chuyên môn; và để có tất cả những điều vừa kể, chúng ta không thể không nói đến nguồn tài chính và những phương tiện khổng lồ. Những điều này là cần thiết, nhất là khi chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới và xã hội, càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên môn và chất lượng công việc.

Hiệu quả của việc phục vụ là điều quan trọng và cần thiết, nhưng nếu chúng ta quan niệm việc phục vụ, và rộng hơn sứ mạng của chúng ta, chỉ trên bình diện hiệu quả, thì thật là mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng nữa, khi chúng ta gặp trở ngại, thiếu nhân sự, ngăn cấm, thất bại, hoặc đến một lúc nào đó và lúc ấy không thể tránh được, chạm đến giới hạn tất yếu của bản thân, hoặc khi chúng ta không còn sức lực.

Hiệu quả của việc phục vụ là điều quan trọng ; nhưng với Đức Giê-su, đó không phải là điều tiên quyết, điều tiên quyết là đi theo Ngài, là chỉ đi theo Ngài mà thôi, như truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội luôn nhấn mạnh và gọi là Sequela Christi (tiếng La-tinh), “Đi theo Đức Ki-tô”. Đi theo Đức Giê-su chính là nền tảng của việc phục vụ, của sứ mạng, của đời sống dâng hiến. Đi theo Đức Giê-su, chính là lí do hiện hữu của việc phục vụ, và làm cho việc phục vụ của chúng ta trở nên khác với những việc do người khác thực hiện, làm cho việc phục vụ của chúng ta mang chiều kích “tông đồ”, nghĩa là trở thành lời chứng cho Đức Ki-tô và cho Tin Mừng của Ngài.

Đi theo Đức Ki-tô, chính là “việc phục vụ” mà Đức Ki-tô mong muốn, và cũng chính là việc phục vụ mà thế giới và xã hội hôm nay cần đến ở chiều sâu. Đi theo Đức Ki-tô là một việc phục vụ, thay vì làm cho chúng ta mệt mỏi và tuyệt vọng, sẽ luôn mang lại cho chúng ta bình an và niềm vui, bởi vì chúng ta lúc nào, trong hoàn cảnh nào và ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng có thể đi theo Đức Ki-tô. Và chính lúc chúng ta cảm thấy mong manh, rơi vào hoàn cảnh bất lực và giới hạn, chúng trở nên giống Đức Ki-tô nhất, bởi vì con đường Ngài đi là con đường của “hạt lúa mì”, con đường phục vụ cho sự sống, bằng cách “coi thường sự sống mình”.

2. Con đường “hạt lúa”

Để phục vụ cho sự sống, để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi phải “coi thường sự sống mình”, nghĩa là phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống, được ghi khắc ở khắp nơi trong thế giới sáng tạo và trong kinh nghiệm sống, và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
– Đó hạt lúa, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác. Và đó cũng là con đường của tấm bánh.Ư
– Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng theo nghĩa đen nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
– Đó là sự hy sinh cuộc đời của các tu sĩ nam nữ, các linh mục để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.

Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì:

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi,
thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác
(Ga 12, 24)

3. “Hạt Lúa Giê-su”

Thật là kỳ lạ, để tha tội cho loài người và từng người chúng ta, tại sao Đức Ki-tô lại phải đi con đường “đổ máu” ? Con đường mà chính Ngài cũng cảm thấy xao xuyến :

Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. (Ga 12, 27)

Sự “xao xuyến” của Đức Giê-su còn lớn hơn nữa, theo lời kể của các Tin Mừng nhất lãm: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14, 34; x. Mt 26, 38 và Lc 22, 44), và theo thư Do thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5, 7)

Người xao xuyến, đó là vì Với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc[1].

Vì thế, theo ý của Chúa Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Cha, theo một cách khác, “một cách điên rồ và sỉ nhục”, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan thần linh, qua việc:
– Đối diện với chính Sự Dữ biểu dương sức mạnh bạo lực ở mức độ tuyệt đối và dưới mọi hình thức, không phải bằng sức mạnh bạo lực lớn hơn, nhưng bằng sự hiền lành tuyệt đối của Con Thiên Chúa, để chiến thắng sự dữ và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ (x. Tv 8; hình ảnh Con Chiên và bầy sói dữ).
– Gánh lấy mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của con người, nghĩa là mang vào mình, trong sự thinh lặng không lên án, mọi hành vi tội lỗi của những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, qua đó mang vào mình mọi tội lỗi của loài người và từng người cách trọn vẹn.
– Và nhận vào mình thân phận đau khổ và phải chết của loài người chúng ta, không phải với sự phản kháng và thái độ kêu trách, nhưng bằng lời nguyện tín thác: “Cha ơi, con xin phó sự sống của con trong tay Cha” (Tv 31, 6).

Chúa tự nguyện chịu khổ hình, bởi những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, chính là để bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Vậy, tôi được mời gọi nhận ra nơi “CHÉN” của Đức Giê-su, nghĩa là nơi những gì Đức Người mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân tôi, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.

*  *  *

Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra với sự kinh ngạc và tâm tình cảm tạ: Người Gieo Giống thần linh, là Đức Ki-tô, không chỉ gieo Lời của Người (x. Mc 4, 1-9), nhưng còn gieo luôn chính mình. Chân lí này phải mang lại cho chúng ta niềm hi vọng vững chắc và niềm vui khôn tả: Hạt Giống Giê-su tất yếu sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm, vì Người mạnh hơn sự dữ và sự chết. Đó chính là mầu nhiệm Vượt Qua. Và Ngài vẫn “gieo” Lời và “gieo” luôn chính Mình, để phục vụ cho sự sống của chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào.

Đi theo Đức Ki-tô trên con đường của hạt lúa mì, là cách làm phát sinh hoa trái hiệu quả nhất ; và hoa trái không phải đến từ tài năng của chúng ta, nhưng của sự sống thần linh, của sự sống mới, của Đức Ki-tô phục sinh. Đó chính là cách phục vụ Đức Ki-tô mà thánh Ignatiô Antiôchia đã sống và sống đến cùng.

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

Comments are closed.

phone-icon