Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Lc 16, 1-8; 9-15)
1 Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?6 Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi. 8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
* * *
9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
14 Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****
1. Thiên Chúa và Tiền Của
Câu chuyện về người quản gia mà Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, thứ sáu tuần XXXI mùa Thường Niên (Lc 16, 1-8), sẽ dẫn đến lời mời gọi, mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng của thứ bảy ngày mai (c. 9-15):
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được. (c. 13)
Lời cảnh báo này của Đức Giêsu chất vấn cách đặc biệt chúng ta trong thời đại ngày nay. Thực vậy, trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có nhiều phương tiện, và những phương tiện này càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn, mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại, internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập. Vì thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.
Và đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh hiện nay của xã hội, khi phải đối diện với những vấn đề chưa từng có, đó là vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông, và cùng với các phương tiện, là những tương quan và nội dung lệch lạc đi thẳng vào nội vi của đời tu, từ đó hình thành nên những nhân cách không còn hướng về những điều cao quí, thiếu chiều sâu thiêng liêng, không có tương quan thực sự và thiết thân với Chúa[1].
* * *
Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắp những phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta.
Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giêsu nói với chúng ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Tiền Của (trong bản văn Hi lạp, đó là chữ “Mamon” viết hoa) trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa. Trong khi nó chỉ là phương tiện.
2. Người quản gia
Đức Giêsu mời gọi từ bỏ thái độ và lối sống tôn thờ Của Cải. Người không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để phụng sự Chúa, và để làm điều đẹp lòng Chúa, là dùng tiền của để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến, như Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng ngày mai:
Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (c. 9)
Và để giúp chúng ta hiểu điều này, Người kể dùng một dụ ngôn về người quản gia. Người quản gia bất lương, bất lương nhưng mà lại được ông chủ khen là khôn khéo. Người quản gia, như chúng ta biết, là người giữ tiền và có một quyền hạn nào đó trong việc tiêu tiền. Vì vậy, ông này đã phung phí của cải của chủ nhà, và vì thể, bị đuổi việc. Người quản gia phải tính sổ, nhưng anh lợi dụng việc tính sổ để chuẩn bị cho tương lại đầy khó khăn của mình. Và để chuẩn bị, ông này tiếp tục phung phí của cải, nhưng lần này, ông gian lận với những người mắc nợ.
Khi kể dụ ngôn này, dường như Đức Giêsu muốn lấy người quản lí bất lương làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta. Đúng như thế, nhưng Đức Giêsu không muốn chúng ta bắt chước sự bất trung và gian dối, nhưng muốn chúng ta học sự khôn khéo của ông này.
– Ông là người biết mình. Thực vậy, ông biết mình “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”
– Ngoài ra, ông còn biết người nữa. Thực vậy, ông biết tính tình và quyết định của chủ nhà, và ông còn biết những người mắc nợ nữa.
– Hơn nữa, ông còn biết nắm lấy thời cơ nữa. Thực vậy, ông đã dùng thời cơ sau cùng, trước khi bị cách chức, để chuẩn bị cho tương lai, bằng cách dùng quyền quản lí để phân phát và cho đi một cách quảng đại.
3. “Nơi Ở Vĩnh Cửu”
Chính từ sự khôn khéo này của người quản gia, mà Đức Giêsu rút ra một bài học có tầm quan trọng tối hậu cho chúng ta: “Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (c. 9).
Đó là bài học có tầm quan trọng tối hậu, bởi vì, không chỉ chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào “Nơi Ở Vĩnh Cửu”, nghĩa là sự sống viên mãn và vĩnh cửu ở trong Nhà của Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta “trung tín” trong việc sử dụng tiền của. Dưới ánh sáng của dụ ngôn Người Quản Gia, chúng ta có thể hiểu, trung tín trong việc sử dụng tiền của, là, thay vì coi tiền của là chủ nhân và tự biến mình tôi tớ, thành nô lệ, chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của, và chúng ta hiểu rộng ra mọi sự khác, như thời giờ, sự sống, khả năng, cuộc đời nhỏ bé và giới hạn của chúng ta, như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn không những ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào “Nơi Ở Vĩnh Cửu”.
* * *
Đức Giêsu đã sống đến cùng điều giảng dạy, bởi vì Lời và Ngôi Vị của Người là một. Chúng ta được gọi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá: Ngài vốn giàu có, nhưng đã chia sẻ và cho đi đến cùng, để làm cho chúng ta giàu có trong ơn tha thứ, ơn chữa lành và ơn hòa giải với Thiên Chúa và với nhau muôn đời. Đức Giêsu đã quảng đại đối với chúng ta, chính là để chúng ta có thể quảng đại đối với nhau.
[1] Có thể đọc bài “Đời sống khó nghèo” và “Nguyên Lý và Nền Tảng” (Thánh Inhaxiô, Linh Thao, số 23).