Gia đình: nơi gieo niềm vui, hạnh phúc và bình an – CN Lễ Thánh Gia Thất

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (2,41-52)

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

***

Trong nhiều gia đình Công giáo Việt Nam, chúng ta còn thấy treo bức tranh Thánh Gia với hình ảnh Ðức Mẹ đang may vá, thêu thùa, còn Chúa Giêsu ngoan ngoãn phụ giúp thánh Giuse trong nghề thợ mộc. Nhìn bức tranh, chúng ta có cảm tưởng rằng Thánh Gia sống bình an và hạnh phúc lắm. Thật ra Thánh Gia cũng đã trải qua những sóng gió, gặp nhiều khó khăn. Khi bé Giêsu mới sinh ra, cả gia đình đã phải chạy trốn sang Ai Cập để lánh nạn, vì vua Hêrôđê sai lính truy lùng và sát hại hài nhi Giêsu. Ai đã đi vượt biên sẽ hiểu rõ hơn nỗi vất vả, khiếp sợ của Thánh Gia. Tệ hơn nữa, lúc vượt biên, bé Giêsu chỉ mới sinh được vài tháng! Rồi sau khi vua Hêrôđê băng hà, Thánh Gia trở về đất Do thái nhưng không dám về quê cha đất tổ của mình là Bê Lem mà lập cư tại Nadarét, vì vẫn còn sợ vua kế vị, vốn là con của vua Hêrôđê, sẽ tìm cách giết hại con mình.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể chuyện Thánh Gia đi hành hương tại đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Cậu bé Giêsu cũng được theo cha mẹ đi hành hương vì đã 12 tuổi, tuổi được xem là trưởng thành về mặt tôn giáo đối với Do Thái giáo. Xong lễ, hai ông bà ra về, còn cậu bé Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ của Người không hay biết. Khi nhận ra con mình không ở trong đoàn những người hành hương, cha mẹ Người vội đi tìm. Ai cũng cảm được nỗi lo lắng của hai ông bà khi đi tìm kiếm con mình ròng rã suốt ba ngày trời. Vậy mà khi tìm thấy con, cha mẹ Người không hề lớn tiếng. Mẹ Maria chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Trước sự lo lắng của cha mẹ, cậu bé Giêsu bình thản trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Đây không phải là câu trả lời của một đứa trẻ vô tâm, nhưng ở tuổi được xem là đã trưởng thành về mặt tôn giáo, Chúa Giêsu muốn vén mở cho cha mẹ trần gian của người về mối quan hệ giữa Người với Chúa Cha, và mối quan hệ này phải được đặt lên trên mọi quan hệ khác. Nhưng cha mẹ không hiểu lời Người nói. Vì mầu nhiệm “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” vượt quá mọi hiểu biết của loài người, ngay cả những người sẵn sàng đón nhận Lời Chúa nhất. Tuy không hiểu, nhưng hai ông bà vẫn tôn trọng và chấp nhận lời của con. Còn Chúa Giêsu, sau câu trả lời mang tính mạc khải về thân phận thần linh của mình, thì Tin Mừng cho ta biết, Người theo cha mẹ trở về nhà và hằng vâng phục các ngài.

Câu chuyện lạc mất con của Thánh Gia có thể là câu chuyện của bất cứ gia đình nào, nhưng nhìn vào cách cư xử của từng thành viên gia đình thánh trong biến cố này, chúng ta có thể rút ra được một bài học quý giá, đó là trong cuộc sống và nhất là trong đời sống gia đình, phải luôn có sự tôn trọng lẫn nhau, giữa vợ-chồng, giữa cha mẹ-con cái.

Tôn trọng người khác, đó là điều kiện để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn tôn trọng nhau. Chúa Giêsu, tuy là Chúa, vẫn tôn kính và vâng phục cha Giuse và mẹ Maria. Chính trong gia đình nhỏ bé và khiêm nhường này, Chúa Giêsu đã lớn lên và phát triển toàn diện về nhân bản.

Chúng ta thường nói về con cái như là một sở hữu của mình: “tôi có một đứa con, hai đứa con, ba, bốn… đứa con”, hoặc “bạn tôi vừa có đứa con gái”. Nhưng trong Kinh Thánh, con cái thường được diễn tả là một ân ban, một quà tặng của Chúa. Nhận ra người khác là một hồng ân, là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là điều rất quan trọng. Chúa ban cho tôi một người chồng, một người vợ và những đứa con, tôi đón nhận họ vào trong cuộc đời mình như những món quà đến từ Thiên Chúa. Điều đó không chỉ giúp chúng ta biết trân trọng người khác mà còn khám phá ra những giá trị tốt đẹp nơi họ và luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Tôi phải tôn trọng họ vì họ thuộc về Chúa trước khi họ thuộc về tôi. Là cha mẹ, ngoài cưu mang, sinh dưỡng con mình, còn có trách nhiệm đồng hành, lắng nghe và truyền đạt những điều tốt đẹp cho con, khuyến khích khi con làm đúng, sửa dạy khi con làm sai. Vì con cái đến từ Thiên Chúa, chúng ta phải giúp chúng đến với Chúa.

Một khi các thành viên trong gia đình biết tôn trọng nhau, giúp nhau phát triển về đời sống tinh thần cũng như về nhân bản, gia đình sẽ có được niềm vui và bình an. Niềm vui và bình an chính là ơn Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong gia đình chúng ta.

Lễ Thánh Gia, cầu chúc cho mỗi gia đình chúng ta luôn tràn ngập niềm vui và bình an của Chúa, để niềm vui và bình an của chúng ta cũng được lan tỏa đến mọi người chung quanh. Amen.

Comments are closed.

phone-icon