Davide Bianchini
Chuyển ngữ: Nt. Maria Đặng Thị Thu Hà, O.P
Nguồn: religious-vocation
Trong tất cả các nhân đức tự nhiên mà một người có thể có, không có nhân đức nào khác có thể mô tả tâm tính của người tu sĩ như đức khiêm nhường. Quả thực, sự khiêm nhường quan trọng đến nỗi nếu không có nó, các tu sĩ sẽ không thể hoàn thành các bổn phận chính yếu theo ơn gọi của mình, cụ thể là lãnh nhận các ân sủng cho chính mình, cho người khác và cho thế giới. Nói một cách đơn giản, chỉ những người khiêm nhường mới có khả năng cầu nguyện. Một tu sĩ kiêu ngạo, dù có cầu nguyện bao nhiêu, hy sinh bao nhiêu, dù có giữ giờ giấc nghiêm túc đến đâu, cũng sẽ không thể nhận được ân sủng cho phần rỗi các linh hồn. Đối với các thánh, Khiêm nhường là điểm khởi đầu và điểm quy chiếu. Và bởi thế nó cũng phải là điểm khởi đầu cho một cuộc canh tân đúng đắn đời sống tu trì. Tóm lại, nếu một cộng đoàn chỉ có một nhân đức thì đó phải là sự khiêm nhường. Nếu họ không có gì khác ngoài khiêm nhường, họ sẽ có nhiều hơn tất cả những người khác, vì lời cầu nguyện của họ sẽ được nhậm lời và họ sẽ nhận được lòng thương xót cho thế giới.
Sự khiêm nhường bao hàm mọi ân sủng như thế nào
Sự khiêm nhường có thể được định nghĩa là sự hiểu biết về bản thân trong sự quy chiếu với Thiên Chúa. Một người càng biết mình thì càng biết Thiên Chúa (và cả khoảng cách vô tận giữa mình và Thiên Chúa), họ càng có khả năng phó thác cuộc đời mình cho Đấng Tạo Hóa thay vì dựa vào sức lực của chính mình như một thụ tạo. Thánh Catarina Siena nói đây là chìa khóa của mọi ân sủng; vì mọi sự dữ đều đến từ việc tin tưởng vào chính mình thay vì vào Thiên Chúa, “từ việc tin tưởng vào chính mình hơn là vào Ta sẽ dẫn đến mọi điều ác.” Chúa Giêsu đã nói với thánh Faustina, chính niềm tin tưởng đã mở ra những cánh cổng ân sủng, “sự tin tưởng lớn lao của con vào Ta buộc Ta phải liên tục ban cho con những ân sủng. Con có những quyền lớn lao và không thể hiểu nổi đối với Trái Tim Ta, vì con là con gái của sự tin tưởng hoàn toàn.” Những lời mạnh mẽ này dựa trên cơ sở Kinh Thánh vững chắc, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6; 1Pr 5,5); “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).
Chúa nói với thánh Catarina Siena: “Hỡi con, con có biết con là ai và ta là ai không? Nếu con biết hai điều này, con sẽ được chúc phúc. Con là hư vô; còn Ta là Đấng hiện hữu. Hãy giữ điều này trong tâm hồn con và kẻ thù sẽ không bao giờ lừa dối được con và con sẽ thoát khỏi mọi cám dỗ của nó; con sẽ không bao giờ bất tuân các điều răn của Ta và con sẽ có được mọi ân sủng, sự thật và ánh sáng.”
Một trong những tấm gương nổi bật nhất trong Cựu Ước về sự khiêm nhường là ông Mô-sê, người lãnh đạo và vị cứu tinh của dân Israel, “Mô-sê là một người rất khiêm nhường, khiêm nhường hơn bất cứ ai trên đời” (Ds 12,3). Có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi một người khiêm tốn nhất trên đời được tôn lên qua việc được trao sứ mệnh lớn lao nhất, được trao quyền của Chúa và là người duy nhất nói chuyện với Chúa mặt giáp mặt? Thật vậy, sự khiêm nhường quan trọng đến nỗi nó gần như là điều kiện tiên quyết cho sự sám hối của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trên thực tế, hầu hết những người hạ mình đều được Chúa ban cho ân sủng và lòng thương xót.
Vua A-kháp dường như hoàn toàn trái ngược với Mô-sê. Ông được coi là một trong những bạo chúa tồi tệ nhất trong Cựu Ước, làm nhiều điều ác hơn tất cả các vị vua khác trước ông (1V 16,33; 21,25). Mặc dù ông là một người độc ác và đáng phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Chúa nhưng Chúa vẫn thương xót ông. Tại sao? Bởi vì ông đã hạ mình trước những lời của tiên tri Ê-li-a, “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não. Bấy giờ, có lời Đức Chúa phán với ông Ê-li-a, người Tít-be, rằng: “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống nhà nó” (1V 21, 27-29). Đây là một bài học về lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người, dầu đó là tội lỗi tồi tệ nhất. Điều này liên tục được lặp đi lặp lại trong suốt Cựu Ước: Đức Chúa không ưa lễ tế chiên bò, nhưng thích tấm lòng khiêm nhường và thống hối,
“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51, 18-19).
“Chúa cứu độ dân nghèo hèn, bắt kẻ vênh vang phải cúi mặt” (Tv 18,28).
“Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó” (2Sb 7, 14).
Đức Maria: Sự Khiêm Nhường Hoàn Hảo và “Đầy Ân Sủng”
Trong Tân Ước, ai là người khiêm tốn nhất nếu không phải là Đức Trinh Nữ Maria? Chẳng phải Đức Maria là mẫu gương ưu việt của người khiêm nhường được nâng lên cao sao? Thiên Chúa “đã nhìn đến sự hèn mọn của Mẹ”, trong sự khiêm nhường hoàn hảo của Mẹ, và từ đó “mọi thế hệ sẽ khen Mẹ là có phước”. Mẹ “đầy ân sủng” vì sự khiêm nhường hoàn hảo sẽ nhận được mọi ân sủng. Như Chúa nói với thánh Catarina, “phương thuốc mà Ngài muốn chữa lành cả thế giới và xoa dịu cơn thịnh nộ của Ngài cũng như công lý thần thiêng là lời cầu nguyện khiêm tốn, kiên trì và thánh thiện.” Ai khiêm tốn và kiên trì cầu nguyện hơn chính Đức Maria?
Thánh Catarina Siena nói: “Nhân đức khiêm nhường nơi Đức Maria đã làm cho Chúa hài lòng đến nỗi Ngài phải ban Ngôi Lời, Con Một của Ngài cho Mẹ, và Mẹ là người Mẹ dịu hiền đã ban Người cho chúng ta”.
Sự “khiêm tốn” của Thiên Chúa
Mặc dù sự khiêm nhường của Thiên Chúa không được hiểu theo nghĩa chặt chẽ nhất của hạn từ này, nhưng hành động cứu độ của Thiên Chúa là một hành động khiêm nhường hoàn hảo – dạy con người giá trị của sự khiêm nhường bằng cách cho thấy Ngài đã chọn cứu chuộc con người như thế nào. Chính hành động Nhập Thể, của Thiên Chúa “tự hạ mình” bằng cách trở thành con người, sinh ra như một hài nhi bất lực và dễ bị tổn thương trong cảnh nghèo, trong cái lạnh buốt giá, bị bao quanh bởi cỏ khô, bụi bẩn, mạng nhện và chất thải, càng truyền tải thêm tầm quan trọng của sự khiêm nhường. Bài giảng quan trọng nhất của Chúa Giêsu là bài giảng trên núi. Ngài bắt đầu bài giảng này bằng câu nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Tinh thần nghèo khó là một hạn từ khác của sự khiêm nhường; một người có tinh thần nghèo khó nếu tinh thần của họ chỉ có Chúa và không bị đè nặng bởi vô số mối quan tâm trần tục khác.
KHIÊM TỐN LÀ NỀN TẢNG CỦA TÌNH YÊU
Tình yêu giả định sự khiêm nhường nơi con người, và thực ra tình yêu không thể tồn tại nếu không có sự khiêm nhường. Trong sách Đối thoại, thánh Catarina Siena vạch vẽ con đường thiêng liêng như sau: “Mọi sự hoàn hảo và mọi nhân đức đều xuất phát từ đức ái. Đức ái được nuôi dưỡng bằng sự khiêm nhường. Và sự khiêm nhường đến từ sự hiểu biết và sự ghét bỏ thánh thiện đối với bản thân. Do đó, để đạt được đức ái, bạn phải thường xuyên sống trong chính sự hiểu biết về bản thân.” Câu nói quan trọng này cần phải được hiểu đúng ý nghĩa. Chúng ta có thể nói đây là bản thiết kế của đời sống tâm linh, điều mà thánh Catarina luôn đề cập đến trong các bài viết của mình. Đời sống ấy bắt đầu với mục tiêu: Đức ái. Nhưng để đạt được đức ái, người ta phải lớn lên trong sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường chỉ có được từ sự hiểu biết về bản thân, điều mà sau này thánh Catarina nói rõ đó là “lời cầu nguyện khiêm tốn, liên tục”. Cụm từ “cầu nguyện khiêm tốn, liên tục” này được thánh Catarina lặp lại nhiều hơn bất cứ cụm từ nào khác trong các tác phẩm của mình. Theo Catarina, chỉ nhờ lời cầu nguyện khiêm tốn liên tục chúng ta mới chạm được đức ái. Nói cách khác, sự khiêm nhường đi trước tình yêu. Cầu nguyện là bước khởi đầu, nhận biết bản thân (một từ khác để chỉ sự khiêm nhường) là bước trung gian. Khi đó và chỉ khi đó người ta mới có thể đạt tới đức ái. Vì thế, lộ trình của đời sống tâm linh sẽ là: cầu nguyện – hiểu biết chính mình – khiêm tốn – đức ái. Đây là một trong những câu nói mang tính khai sáng nhất mà tôi từng đọc trong tất cả các tác phẩm của các vị thánh. Chân lý này vĩ đại và đơn giản lạ lùng biết bao! Một cách thiết yếu thánh Catarina trao cho chúng ta chìa khóa hạnh phúc trong cuộc sống này, và công thức đơn giản, chắc chắn nhất để nên thánh. Và điều này giúp chúng ta hiểu rằng Người cha yêu thương nào lại không cho con mình bất cứ thứ gì khi người con quỳ gối ngước nhìn lên cha với ánh mắt yêu mến và tin tưởng? Người cha tốt lành nào lại không mềm lòng khi nhìn thấy điều đó ở con mình? Lời cầu nguyện đích thực chính là: Ánh mắt liên tục, đơn giản, yêu thương của người con ngước nhìn lên mắt của cha mình.
Thánh Catarina Siena nói: “Có cách nào để làm cho điều không hoàn hảo trở nên hoàn hảo? Cách ấy chính là: Sửa chữa và khắc phục những chuyển động của trái tim bạn bằng sự hiểu biết thực sự về bản thân […] Nếu bạn làm điều này, bạn sẽ đạt được sự hoàn hảo; vì từ sự hiểu biết bản thân bạn sẽ có thể ghét bỏ xác thịt của chính mình… bạn sẽ trở thành thẩm phán, theo lương tâm của mình và đưa ra phán quyết và bạn sẽ không bỏ qua lỗi lầm mà không đưa ra phán quyết về nó […] Như vậy, nhờ nhân đức khiêm nhường, những tật xấu đã chiếm cứ trong tâm hồn bạn tìm gặp danh Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn bằng lời cầu nguyện khiêm nhường liên lỉ. Đây chính là tất cả sự hoàn hảo của chúng ta.”
“Lời cầu nguyện khiêm tốn liên lỉ”
Cụm từ “cầu nguyện khiêm tốn liên lỉ” được lặp đi lặp lại thường xuyên trong các tác phẩm của thánh Catarina đến nỗi nếu không cẩn thận chúng ta sẽ dễ bỏ qua nó. Chúng ta phải xem cụm từ này như nền tảng cho những bài viết của thánh nữ về đời sống tâm linh. Đây là một khám phá vô giá đối với chúng ta; vì chính người tu sĩ phải nhận được ân sủng cho thế giới và sự hoán cải của tội nhân. Vì vậy, điều bắt buộc là họ phải biết cách cầu nguyện đúng cách. Và lời cầu nguyện đích thực, như chúng ta đã nói, phải kiên trì và khiêm tốn. Khi nói đến sự khiêm tốn, chúng ta không chỉ đề cập đến sự hiểu biết trí tuệ, mà còn là nhận thức sâu sắc về sự hư vô của mình và sự vĩ đại của Thiên Chúa. Sự khiêm nhường như vậy không thể không “rên rỉ” từ trái tim, trong nước mắt và tiếng khóc, cùng “ước muốn thánh thiện” như thánh Catarina đã nói. Bởi vậy thánh Catarina nói, “Lời cầu nguyện hoàn hảo đạt được không phải do nhiều lời mà bằng ước muốn yêu thương.” Và Thiên Chúa thêm: “Những tôi tớ này của Ta ép buộc Ta bằng những giọt nước mắt khiêm nhường và lời cầu nguyện liên lỉ.” Nói cách khác, sự khiêm nhường là bản lề mà qua đó những cánh cửa ân sủng của thiên đàng trú ngụ. Đó là điều làm cho lời cầu nguyện thành lời cầu nguyện. Không có sự khiêm nhường thì lời cầu nguyện chỉ là âm thanh từ miệng mà thôi. Nhưng với sự khiêm nhường, với “khát vọng yêu thương” chân thành, lời cầu nguyện lay động được cả thiên đàng.
Thánh Catarina là tiến sĩ của Giáo hội. Trong số hơn mười nghìn vị thánh, chỉ có ba mươi sáu vị là tiến sĩ. Chúng tôi cố ý tập trung vào việc nghiên cứu về các tiến sĩ (đặc biệt nếu họ cũng là những nhà thần bí) chính là vì lý do Giáo hội coi các ngài là những bậc thầy vĩ đại nhất trong lĩnh vực của họ đó là sự thánh thiện. Khi họ nói, lời nói của họ rất chính xác và sâu sắc. Họ không chỉ sống cuộc đời nhân đức anh hùng, mà các bài viết của họ còn là những đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết của Giáo hội về mặc khải của Thiên Chúa. Đặc biệt, Đối thoại là một tác phẩm có tầm quan trọng to lớn – vì nó được viết trong khi Catarina đang trong trạng thái xuất thần, ngài không thể cử động, nhìn, ngửi, cảm nhận hoặc nhận thức bằng các giác quan của mình. Thánh nhân chỉ có thể đọc bằng miệng, do đó xóa tan mọi nghi ngờ về nguồn gốc thần thánh của tác phẩm.
Kiêu ngạo: Một trở ngại cho đời tu
Cũng như sự khiêm nhường “đón nhận được mọi ân sủng”, thì sự kiêu ngạo cũng loại trừ mọi ân sủng. Chẳng hạn, một người có thể là một tên trộm nhưng vẫn nhận được ân sủng nếu anh ta hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa. Một người có thể dễ giận dữ nhưng vẫn nhận được ân sủng nếu hạ mình xuống. Một người có thể dâm ô và ngoại tình nhưng vẫn nhận được ân sủng bằng cách hạ mình xuống. Nhưng người ta không thể kiêu ngạo và mong nhận được bất kỳ ân sủng hay lòng thương xót nào từ Thiên Chúa. Thực ra, sự kiêu ngạo đã khước từ lòng thương xót ngay từ bản chất của nó. Một tội không thể tha thứ, “tội phạm đến Chúa Thánh Thần”, là một từ khác chỉ sự kiêu ngạo, vì nó loại trừ khả năng thương xót bằng cách đặt mình lên trên lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, kiêu ngạo là căn nguyên của mọi tội lỗi, và là chướng ngại ngăn cản hầu hết các linh hồn trở nên thánh. Chính vì lý do này mà bất kỳ tâm hồn nào muốn sống đời tu cần phải có mức độ khiêm nhường tối thiểu – vì nếu không có hạt nhân thì không gì có thể phát triển được.
KHIÊM TỐN THỰC SỰ VÀ KHIÊM TỐN GIẢ TẠO
Chúng ta cần hiểu rõ khiêm nhường thực sự là gì, vì mỗi người cắt nghĩa hạn từ này khác nhau. Rõ ràng, khiêm nhường không phải là một sự nhút nhát hay bẽn lẽn, cũng không phải là bản tính dè dặt hay một nét bề ngoài nào khác. Khiêm nhường thậm chí không phải là tự buộc tội và tự ti (mặc dù những điều này có thể hỗ trợ cho sự khiêm nhường). Quan trọng hơn, khiêm nhường là một khuynh hướng của trái tim, một nhận thức sâu sắc và thâm thúy về sự hư vô của chính mình so với sự vĩ đại và tình yêu của Thiên Chúa. Nhận thức này không chỉ là kiến thức trí tuệ mà còn là sự hiểu biết sâu sắc và thâm thúy về bản thể con người (Đó là một đức tính nếu nó là một khuynh hướng vững chắc và lâu dài). Nó thừa nhận rằng bản thân chúng ta chẳng là gì cả, và thực tế còn tệ hơn không là gì cả — ngoại trừ tội lỗi là điều duy nhất chúng ta thực sự có thể nói là của mình.
Thiếu kiên nhẫn: Dấu hiệu của sự kiêu ngạo
Để loại bỏ tính kiêu ngạo một cách hiệu quả, cần phải biết tính kiêu ngạo biểu hiện thế nào nơi con người. Các thánh nói với chúng ta rằng một trong những dấu hiệu chính của tính kiêu ngạo là tính thiếu kiên nhẫn. Như thánh Catarina nói, “sự thiếu kiên nhẫn là cốt lõi của sự kiêu ngạo”; vì thế thiếu kiên nhẫn là trung tâm của vấn đề. Bất cứ ai chiến đấu với sự thiếu kiên nhẫn là chiến đấu chống lại bất cứ điều gì trái ngược với ý muốn của mình, và do đó họ rất bị ràng buộc với chính ý muốn của mình. Chẳng phải sự gắn bó với ý muốn của mình là căn nguyên của mọi tội lỗi sao? Quả thực là vậy! Kiêu ngạo chính là sự ngoan cố.
Thánh Catarina Siena nói:
“Vì sự thiếu kiên nhẫn cho thấy rõ ràng hơn bất kỳ tội lỗi nào khác rằng linh hồn thiếu vắng Thiên Chúa – điều này đồng thời cho thấy rõ rằng ruột cây thiếu kiên nhẫn ở đâu thì cây kiêu ngạo cũng ở đó – vì vậy sự kiên nhẫn thể hiện tốt hơn và hoàn hảo hơn bất kỳ nhân đức nào khác rằng Thiên Chúa ở trong tâm hồn bởi ân sủng.”
“Tôi mời bạn đến với sự kiên nhẫn một cách ngọt ngào và thánh thiện nhất, vì nếu không có sự kiên nhẫn, chúng ta không thể làm vui lòng Chúa.”
“Và tất cả những điều này đều đến từ cây kiêu ngạo, từ đó chảy ra nhựa của sự tức giận và thiếu kiên nhẫn […] Không có tội lỗi hay điều sai trái nào khiến một người phải nếm trải địa ngục trong cuộc đời này như sự tức giận và thiếu kiên nhẫn.”