Bài Huấn dụ của ĐTC ngày Thứ Tư 17/10

0

 Bài Huấn Dụ của ĐTC Benedictô XVI

trong Buổi Triều Yết Chung, thứ Tư, ngày 17-10-2012

Anh Chị Em thân mến,

            Hôm nay Tôi muốn bắt đầu một loạt bài Giáo Lý mới, kéo dài trong suốt Năm Đức Tin vừa mới khai mạc và – trong thời gian này – chúng ta tạm ngưng loạt bài dành để nói về trường học cầu nguyện. Với Tông Thư Cửa Đức Tin Tôi đã công bố Năm đặc biệt này, chính là để Giáo Hội canh tân niềm hứng khởi trong việc tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới, làm sống động niềm hoan lạc trên con đường mà Ngài đã chỉ ra cho chúng ta, và làm chứng một cách cụ thể sức mạnh biến đổi của Đức Tin.

            Việc mừng biến cố Kỷ Niệm mừng 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II là một dịp quan trọng để trở lại với Thiên Chúa, để đào sâu và sống Đức Tin riêng của mỗi người, một cách can đảm hơn nữa, để tăng cường việc chúng ta thuộc về Giáo Hội, là “thày dạy nhân loại”, Giáo Hội, qua việc loan báo Lời, qua việc cử hành các Bí Tích và thực hành các việc bác ái, hướng dẫn chúng ta đi gặp và nhận biết Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là Người thật. Vì thế ở đây, người ta nói về cuộc gặp gỡ, không phải chỉ trong ý tưởng hoặc trong dự phóng của đời sống, nhưng là cuộc gặp gỡ với một Con Người sống động, biến đổi tận nơi sâu thẳm chính con người chúng ta, Ngài mặc khải cho chúng ta căn tính đích thực của chúng ta, những người con của Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô canh tân các mối tương quan nhân bản của chúng ta, định hướng chúng ta, ngày này qua ngày khác, tiến tới một sự liên đới lớn mạnh hơn và tình huynh đệ thắm thiết hơn, trong cái lý của tình yêu. Sống Đức Tin trong Đức Kitô không phải là sự kiện chỉ liên hệ tới trí hiểu của chúng ta, tới phạm vi hiểu biết của lý trí chúng ta, nhưng là một việc biến đổi bao gồm tất cả đời sống, tất cả con người chúng ta: tình cảm, con tim, lý trí, ý chí, thân xác, xúc cảm, các liên hệ con người. Với Đức Tin tất cả những gì trong chúng ta biến đổi và biến đổi vì chúng ta, và mặc khải ra một cách rõ ràng định mệnh tương lai của chúng ta, chân lý về ơn gọi của chúng ta trong lịch sử, ý nghĩa của đời sống, cảm nghiệm về thân phận là những người lữ hành hướng về quê trời.

            Nhưng – chúng ta tự hỏi – Đức Tin có thực sự là sức mạnh biến đổi trong đời sống của chúng ta, trong đời sống của tôi hay không? Hay chỉ là một trong các yếu tố làm nên sự hiện hữu của chúng ta, mà không là yếu tố quyết định bao gồm tất cả trong cái trọn vẹn của nó? Với các Bài Giáo Lý của Năm Đức Tin này chúng ta muốn thực hiện một cuộc hành trình để tăng cường hoặc để tìm lại niềm vui từ Đức Tin, khi hiểu rằng Đức Tin không phải là điều gì ở bên ngoài xa lạ, tách ra khỏi đời sống cụ thể, nhưng là linh hồn của đời sống. Đức Tin vào một Thiên Chúa là tình yêu, và là Thiên Chúa đến ở gần con người khi Ngài nhập thể và khi trao ban chính mình Ngài trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta và để mở lại cánh cửa Trời cho chúng ta, nói cho thấy một cách thật sáng sủa rằng chỉ trong tình yêu mới có sự trọn vẹn của con người. Hôm nay cần tái khẳng định điều đó với sự rõ ràng, trong khi các biến chuyển về văn hóa đang thực hiện thường chứng tỏ bao nhiều hình thức man rợ, biểu hiện ra dưới dấu hiệu của “việc chiếm được nền văn minh”: Đức Tin  xác quyết rằng không có nhân loại đích thực nếu không ở trong, không qua các cử chỉ, không ở trong các khoảng thời gian và trong những hình thức trong đó con người được linh hoạt hóa bởi tình yêu đến từ Thiên Chúa, được tỏ lộ ra như là ơn huệ, được làm cho thấy các mối liên hệ phong phú của tình yêu, đầy sự cảm thông, chú ý và phục vụ vô vị lợi đối với người khác. Ở đó có thống trị, chiếm hữu, bóc lột, đem người khác ra để buôn bán đổi chác vì sự ích kỷ của mình, ở đó có tính tự kiêu của “cái tôi” đóng kín trong chính mình, thì con người bị làm cho ra nghèo nàn, bị xuống cấp, bị thay đổi hình dạng. Đức Tin Kitô Giáo, hoạt động trong đức bác ái và mạnh mẽ trong niềm hy vọng, không giới hạn, nhưng biết nhân bản hóa cuộc sống, hơn nữa là làm cho đời sống nên nhân bản hơn. 

            Đức Tin cần phải tiếp nhận sứ điệp này, là sứ điệp có sức biến đổi trong đời sống chúng ta, cần đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, là việc làm cho chúng ta viết Thiên Chúa là ai, Ngài hành động như thế nào, đâu là các kế hoạch của Ngài cho chúng ta. Quả thật, mầu nhiệm của Thiên Chúa vẫn ở tầm mức vượt xa các quan niệm của chúng ta và lý trí của chúng ta, vượt qua các lễ nghi của chúng ta và các lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, với mặc khải là chính Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho chúng ta, Ngài tường thuật, Ngài làm cho mình có thể dễ tiếp xúc được. Và chúng ta được làm cho có khả năng để lắng nghe Lời và nhận chân lý của Ngài. Vậy này đây là sự ngạc nhiên của Đức Tin: Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, tạo ra trong chúng ta – qua hành động của Chúa Thánh Thần – các điều kiện thích hợp để chúng ta có thể nhận ra Lời của Ngài. Chính Thiên Chúa, trong ý định của Ngài tỏ mình ra, đi vào trong cuộc tiếp xúc với chúng ta, trở nên hiện diện trong lịch sử của chúng ta, làm cho chúng ta có khả năng lắng nghe Ngài và đón nhận Ngài. Thánh Phaolô diễn ta điều này với niềm vui và với tâm tình biết ơn  như sau: “Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa không ngừng, bởi vì, khi tiếp nhận từ chúng tôi lời của Thiên Chúa do việc rao giảng, anh em đã đón nhận lời đó không như các lời của con người, nhưng, như thực sự, là lời của Thiên Chúa, hoạt động trong anh em là những kẻ đang tin” (1Ts 2, 13).

            Thiên Chúa tỏ mình ra qua lời nói và các việc làm trong suốt dòng lịch sử của tình bạn thân với con người, được đem tới tột đỉnh trong việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và trong Mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại của Ngài. Thiên Chúa không chỉ mặc khải trong lịch sử của một dân, không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng đã đi qua ngưỡng của Nước Trời để đi vào trong vùng đất của con người như là một người, để chúng ta có thể gặp Ngài và lắng nghe Ngài. Và từ thành Giêrusalem việc loan báo của Tin Mừng cứu độ được lan tỏa ra cho tới tận cùng trái đất. Giáo Hội, được sinh ra từ cạnh sườn của Đức Kitô, đã trở nên người mang một niềm hy vọng mới và vững mạnh: Chúa Giêsu thành Nazareth, bị đóng đinh và sống lại, Đấng cứu độ trần gian, ngồi bên hữu Chúa Cha và là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết. Đó là lời công bố (Kerygma), lời loan báo trung tâm chính yếu và phát xuất ra từ Đức Tin. Nhưng ngay từ đầu người ta đã đặt ra vấn đề về “luật của Đức Tin” (Regula fidei), hoặc của sự trung thành nơi các tín hữu với chân lý của Tin Mừng, trong đó, người ta phải tuân giữ vững mạnh luật đức tin này, phải trung thành với chân lý cứu rỗi về Thiên Chúa và về con người, và đó là những luật cần phải tuân  giữ và phải lưu truyền lại. Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy nhận lấy ơn cứu rỗi, nếu anh em nắm giữ lấy [Tin Mừng], trong hình thức mà tôi đã loan báo cho anh em. Nếu không anh em tin cách  uổng công” (1Cr 15, 2).      

 

            Nhưng chúng ta tìm thấy công thức chính yếu này ở đâu? Ở đâu chúng ta tìm thấy các chân lý đã được truyền lại cho chúng ta các trung thực và là các chân lý làm nên ánh sáng cho đời sống hằng ngày của chúng ta? Câu trả lời rất đơn sơ như sau: trong Kinh Tin Kính (Credo), việc tuyên xứng Đức Tin hoặc Kinh tuyên xưng Đức Tin, chúng ta gắn chặt vào biến nguyên thủy của Ngôi của Chúa Giêsu và của Lịch sử của Chúa Giêsu thành Nazareth ; người ta làm nên cụ thể điều mà Thánh Tông Đồ Dân Ngoại nói với các tín hữu tại Corintô như sau: “Vậy trước tiên tôi truyền cho anh em, điều mà Tôi chính tôi đã nhận được là: Đức Kitô chết cho tội lỗi của chúng ta theo lời Kinh Thánh, được chôn trong mồ và đã sống lại ngày thứ ba” (1Cr  15, 3).     

            Cả chúng ta ngày nay, chúng ta cũng cần là Kinh Tin Kính phải được biết đến nhiều hơn, cần được hiểu rõ ràng hơn và được cầu nguyện nhiều hơn. Nhất là điều thật quan trọng là Kinh Credo phải – có thể nói như thế – “được biết lại”. Quả thế, biết có thể là một tác động chỉ nằm trong phạm vi trí tuệ, trong khi “tái biết lại” muốn nói lên sự cần thiết phải khám phá ra mối giây liên hệ sâu xa giữa các chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và đời sống hằng ngày của chúng ta, để các chân lý này thực sự và cách cụ thể – như luôn là như thế – ánh sáng cho các bước chân chúng ta đi trong đời sống của chúng ta, như nước tưới các chỗ khô khan của con đường chúng ta đi, đời sống thắng các sa mạc của đời sống hiện đại. Trong  Kinh Tin Kính, người ta gán đời sống luôn lý của người Kitô Hữu, và đời sống này tìm ra được nền tảng của mình và lý do của đời sống này.   

Không phải ngẫu nhiên mà Chân Phước Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chuẩn mực chắc chắn cho việc giảng dạy Đức Tin và nguồn chắc chắn cho việc dạy giáo lý được canh tân, được xếp đặt theo thứ tự của Kinh Tin Kính (Credo). Người ta thu xếp để xác quyết và giữ gìn cái cốt lõi trung tâm của chân lý Đức Tin, làm cho nội dung này được diễn tả trong một ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho con người thời đại chúng ta, và cho chúng ta. Đó là bổn phận của Giáo Hội là truyền đạt Đức Tin, chuyển thông Tin Mừng, để các chân lý của Kitô Giáo trở nên ánh sáng trong các biến chuyển mới về văn hóa, và các Kitô Hữu có khả năng trả lời cho niềm hy vọng mà ho đang mang trong mình (xem 1 Pr 3, 14). Ngày nay chúng ta sống    trong một xã hội thay đổi một cách sâu xa cả ngay với một quá khứ gần đây, và con đang trong biến động. Các tiến trình của việc tục hóa và của việc làm lan tỏa tâm thức hư vô, trong đó tất cả mọi sự đều là tương đối, đã ghi dậm dấu ấn của mình trong tâm thức chung. Như thế, cuộc sống được sống thường theo sự nhẹ dạ, không lý tưởng rõ rệt và không có hy vọng vững chắc, ở trong các mối tương quan xã hội và gia đình lỏng lẻo, tạm thời. Nhất là các thế hệ mới không được giáo dục cho việc kiếm tìm chân lý và tìm ra ý nghĩa sâu xa của sự hiện hữu vượt lên trên những gì tùy phụ, giáo dục cho sự bền vững tình cảm, giáo dục về sứ tín thác với nhau. Trái lại, thuyết tương đối hóa mang theo việc không có điểm tựa chắc chắn, mang theo nghi ngờ và sự ước muốn hời hợt kích thích những cuộc đổ vỡ trong các mối tương quan giữa con người, trong khi đời sống được sống bên trong các cảm nghiệm không lâu dài, không biết lãnh nhận trách nhiệm. Nếu chủ nghĩa cá nhận và chủ thuyết tương đối  hóa xem ra đang thống trị tâm linh của nhiều người trong thời đại chúng ta, thì người ta không thể nói rằng các tín hữu sống hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì bởi các nguy cơ này, với chúng mỗi người chúng ta đang bị đặt đối đầu với các nguy cơ đó trong việc truyến đạt Đức Tin. Việc nghiên cứu thực hiện tại mọi Châu Lục trước khi cử hành Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về việc Loan báo mới của Tin Mừng, đã nhận diện ra mốt vài nguy cơ: Đức Tin sống một cách thụ động và riêng tư, sự khước từ việc giáo dục Đức Tin, việc tách rời giữa cuộc sống và Đức Tin.

Thường Kitô Hữu không biết cả tới cái cốt lõi trung tâm của Đức Tin Công giáo riêng của mình, của Kinh Tin Kính, như thế để một khoảng trống cho tình trạng pha trộn và tương đối hóa về tôn giáo, mà không có sự rõ ràng về các chân lý phải tin và về tính các cá biệt cứu rỗi của Kitô Giáo. Trái lại, chúng ta phải trở lại với Thiên Chúa, với Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải tái khám phá ra sứ điệp của Tin Mừng, làm cho sứ điệp đó đi vào một cách sâu xa hơn trong các lương tâm của chúng ta và trong đời sống hằng ngày của chúng ta.   

Trong các Bài Giáo Lý trong Năm Đức Tin này, Tôi muốn cống hiến một sự trợ giúp để chu toàn hành trình này, để lấy lại và đào sâu các chân lý trung tâm của Đức Tin vào Thiên Chúa, vào con người, vào Giáo Hội, vào tất cả các thực tại xã hội và vũ trụ, khi suy niệm và suy tư về các câu xác quyết của Kinh Tin Kính (Credo). Tôi muốn rằng sẽ đạt tới kết quả rõ ràng là các nội dung hoặc các chân lý của Đức Tin (fides quae), trực tiếp nối liền với cuộc sống của chúng ta; người cần có sự cải thiện trở về trong cuộc sống, làm khai sinh cho một cách thế mới để tin vào Thiên Chúa (fides qua). Biết Thiên Chúa, gặp gỡ Ngài, đào sâu các nét vẻ của dung nhan Ngài làm cho đời sống của chúng ta thành vấn đề, để Ngài đi vào trong các sức năng động sâu xa của sự hiện hữu của con người.

Chớ gì hành trình mà chúng ta sắp thực hiện trong Năm nay làm cho chúng ta tất cả lớn lên trong Đức Tin và trong tình yêu với Chúa Kitô, để chúng ta học biết sống, trong những chọn lựa và trong các hành động hằng ngày, biết sống đời sống tốt lành và đẹp tươi của Tin Mừng.

Xin chân thành cám ơn Anh Chị Em!

 Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phong Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 17-10-2012.

 Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 17-10-2012

 

Comments are closed.

phone-icon