Tín thư về cầu nguyện, gương sáng và việc tông đồ

0

TÍN THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN XXIII 

GỬI TOÀN THỂ CÁC NỮ TU TRÊN THẾ GIỚI

Về vấn đề: CẦU NGUYỆN, GƯƠNG SÁNG VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ.

(Trích “Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh”, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969, Văn thư XVIII, tr. 156 -169. Nữ Tu viện Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp) 

Ngày 2 tháng Bảy Dương lịch, năm 1962, nhằm lễ Đức Mẹ thăm viếng, Đức Thánh Cha đã gửi một bức thư đặc biệt cho tất cả các Nữ Tu, trong các Dòng Tu kín cũng như các Hội Dòng và các tổ chức tu trì khác.

Trong lời Huấn Dụ, Đức Thánh Cha tha thiết yêu cầu các tâm hồn đã được tuyển lựa, cung hiến cho Chúa, phải gia tăng lòng sốt sáng nhiệt thành, hăng hái, trong lời CẦU NGUYỆN, GƯƠNG SÁNG cũng như VIỆC TÔNG ĐỒ, mục đích chính là để Chúa đoái thương nâng đỡ, soi sáng và hướng dẫn Giáo-hội trong Công Đồng Vaticanô II.

 1– Đền thờ lớn nhất của Giáo-hội đang chuẩn bị đón nhận các Vị Giáo chủ tới họp Đại Công Đồng chung Vaticanô II. Ngày 11 tháng 10 khởi sự một công cuộc trọng đại mà toàn thể Tín hữu công giáo đang mong đợi, hướng lòng về đấy mà cầu nguyện. Đó cũng là sự mong đợi của tất cả những tâm hồn có thiện chí trên hoàn cầu. Đây quả là giờ phút long trọng cho lịch sử Giáo hội: đã tới lúc Giáo hội phải tăng cường nghị lực hùng hoạt, cố gắng chấn hưng đạo đức để gây thêm một đà tiến mới cho các công cuộc và tổ chức đã được thể hiện trong đời sống trường tồn của Giáo hội.

2– Cho tới này hàng Giáo sĩ đã hiệp ý cùng Ta đọc kinh Nhật khóa cầu cho Công Đồng Chung được thành quả tốt đẹp. Ta cũng đã nhiều lần mời gọi Giáo dân dâng lời cầu nguyện, hy-sinh vì mục đích trên, nhất là các nhi đồng, các bệnh nhân cũng như những người già lão. Tất cả đều hăng hái và quảng đại đáp lại lời Ta mời gọi. Tất cả đểu muốn chung tay góp phần cho Công Đồng Chung trở nên “ như một lễ Hiện Xuống mới”.

3– Lẽ dĩ nhiên trong bầu khí chuẩn bị hăng hái này, đặc biệt phải kể đến những tâm hồn đã tận hiến cho Chúa, chăm lo Cầu nguyện và nhiệt thành làm việc Bác-ái từ-thiện.

4– Các con thân mến, Giáo hội đã thu nhận chúng con dưới tấm áo choàng che chở, đã phê chuẩn luật Dòng, bảo vệ quyền lợi chúng con, đã hưởng nhờ và còn hưởng nhờ công việc chúng con làm. Bởi thế, muốn tỏ niềm tri ân về mọi công việc chúng con đã thực hiện từ trước tới nay, và thay lời cầu chúc may mắn trong tương lai, Ta áp dụng vào chúng con những lời sau đây của Thánh Paulô Tông-đồ: “Ta cầu xin Chúa ban cho chúng con tinh thần Mặc khải, Khôn ngoan để nhận biết Người. Xin Chúa soi sáng tâm trí chúng con, làm cho chúng con nhận thấy lời Người kêu gọi đem lại cho chúng con một nguồn hy vọng mãnh liệt biết bao nhiêu và di sản của Người nơi các Thánh, thâu gồm những kho tàng vinh hiển dường nào” (Ep 1,15-18).

5– Các con hãy suy niệm bức thư này qua những lời nhắn nhủ cả Vị Đại diện hèn mọn Chúa Kytô, các con hãy nghe những điều Chúa muốn dạy bảo mỗi người chúng con phải thi hành. Công cuộc chuẩn bị Công Đồng chung đòi hỏi các tâm hồn đã tận hiến cho Chúa phải nhiệt tâm suy nghĩ lại những nhiệm vụ của ơn Thiên triệu theo hình thức Tòa Thánh đã chuẩn phê. Như vậy, đến lúc Công Đồng quyết định thi hành, các con sẽ quảng đại và mau mắn đáp lại, bởi vì đã được chuẩn bị từ trước bằng việc hăng hái cố gắng để thánh hóa bản thân.

6– Muốn cho đời sống tiến thân mỗi ngày hòa nhịp hơn với những niềm khát vọng của Trái Tim Chúa, cần phải làm cho cuộc tận hiến ấy thực sự trở nên:

  • Một đời sống Cầu nguyện.
  • Một đời sống Gương sáng.
  • Một đời sống Tông đồ.

 I. ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN.

7– Trước hết, tâm trí Ta nhớ tới các nữ tu thuộc những Dòng chiêm niệm và khổ hạnh.

Ngày mồng 2 tháng 2 năm 196,  nhân dịp lễ Đức Mẹ dâng Con trong đền thờ, khi phân phát các cây nến sáp dâng cúng trong ngày lễ, Ta đã nói: “Việc Ta gửi nến trước tiên cho các Tu viện sống trong hy sinh, khổ hạnh, là có ý qủa quyết thêm một lần nữa rằng, nhiệm vụ thờ phượng và việc tận hiến cho đời sống Cầu nguyện trổi vượt hơn hết các hành thức làm việc Tông đồ khác, đồng thời cũng có ý nhấn mạnh rằng: Ơn Thiên Triệu tới cuộc sống khổ hạnh như thế thực là cao qúi và cần thiết. Giáo hội luôn luôn cổ võ con cái mình biết nghe theo tiếng gọi của Thầy Chí Thánh mà tự hiến sống cuộc đời Chiêm niệm.

8– Điều đó rất thích hợp với một Chân lý có giá trị phổ quát, dầu đối với các nữ tu chuyên nghề hoạt động nhiều hơn, nghĩa là: chỉ có đời sống nội tâm mới là nền tảng, là linh hồn điều động mọi việc Tông-đồ. Các con thân mến, tất cả các con hãy suy gẫm chân lý trên đây. Các con là những người được Chúa gọi “giống như bầy ong cần mẫn” (quasi apes argumentosae) chăm lo thi hành việc bác ái thương người (Kinh thương người có 14 mối) trong tinh thần hiệp nhất, cảm thông với các bạn nữ tu khác.

9– Cả các con nữa, những người đã hiến thân cho Chúa trong các Tu hội triều, chúng con cũng phải tìm trong lời Cầu nguyện tất cả mọi thành công hữu hiệu nơi công cuộc chúng con lo toan.

10- Đời sống hiến dâng cho Chúa cũng có những khó khăn, hy sinh như tất cả các hình thức sống chung khác. Và chỉ có lời cầu nguyện giúp ta được ơn vui vẻ bền chí tới cùng. Những việc thiện chúng con mưu toan không phải bao giờ cũng mang lại kết quả tốt đẹp: biết bao nhiêu mộng đẹp tan vỡ, bao nhiêu hiểu lầm và vô ơn. Thiếu lời Cầu nguyện nâng đỡ, các con không thể vững bước trên đường gay go, hiểm trở. Hơn nữa chúng con cũng đừng quên rằng, các cuộc hoạt động hiểu sai nghĩa, có thể làm cho chúng con sa vào một thứ “bè rối quá thiên về hoạt động” mà các Đức tiên Giáo Hoàng đã phi bác. Một khi đã thắng vượt được mối nguy đó rồi, chúng con có thể tự hào là những cộng tác viên đích thực trong việc cứu rỗi các linh hồn và tô điểm thêm cho triểu thiên chúng con ngày mai.

11– Tất cả chúng con đã hiến thân cho đời sống Chiêm niệm hay Hoạt động hãy hiểu cho thấu đáo câu nói: “Đời sống Cầu nguyện”. Cầu nguyện không phải là lập đi lập lại một cách máy móc những mẫu kinh, nhưng là một phương tiện không thể thay thế, giúp ta kết hiệp mật thiết với Chúa và hiểu thấu đáo hơn cái vinh dự được là có Chúa, bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần, Đấng hiền dịu ngự trong linh hồn, hằng phán dạy những ai biết nghe người trong thầm lặng.

12– Lời các con cầu nguyện phải được nuôi dưỡng bởi nguồn mạch thông hiểu Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, rồi tới Phụng-vụ, và tất cả Lời Giáo-huấn sung mãn của Giáo-hội. Thánh Lễ Missa phải nên trung tâm trong ngày chúng con, làm sao cho mọi hành động chúng con điếu qui hướng về đó như để chuẩn bị hoặc cảm tạ. Việc rước lễ sẽ là lương thực hàng ngày, nâng đỡ, bồi bổ, dưỡng sức cho chúng con. Như vậy chúng con sẽ không lâm cảnh rủi ro là đèn các con hết dầu, như các trinh nữ khờ dại trong Dụ ngôn, trái lại sẽ luôn luôn đón nhận tất cả: vinh quang cũng như nhục nhã, khỏe mạnh cũng như yếu đau, tiếp tục nhiệm vụ và sẵn sàng đón nhận giờ chết: “Kìa bạn trăm năm đã tới, hãy ra đón Người” (Mt. 25,6).

13– Nhân tiện ở đây, Ta cũng muốn nhắc lại một lần nữa với chúng con ba lòng sùng kính mà Ta coi là căn bản, cả với giáo hữu ngòai đời: “ Để soi sáng và cổ võ việc tôn thờ Chúa Giêsu, thiết tưởng không có gì tốt hơn là suy niệm và cầu khẩn Chúa dưới ba nguồn sáng: Danh Thánh, Trái Tim và Máu Thánh”. Danh Thánh, Trái Tim và Máu Thánh Chúa Giêsu: đó là lương thực xúc tích cho đời sống đạo đức chắc chắn.

14- a) Danh Thánh Chúa Giêsu! Trong thực tế, “có bài ca nào êm dịu hơn, có chi làm vui tai hơn, có tư tưởng nào ngọt ngào hơn Chúa Giêsu, Con Đức Chúa Trời” (Nil canitur suavius – nil auditur jucundius – nil cogitatur dulcius – quam jesus Dei Filius).

15- b) Trái Tim Chúa Giêsu! Đức tiên Giáo Hoàng Piô XII đáng kính nhớ, trong Thông Điệp “Haurietis aquas” ra ngày 15 -5 -1956, mà ta khuyên các con nên suy-gẫm lại cho thấu đáo, đã dãy rằng : “Nếu người ta biết cân nhắc đích đáng những lý luận đặt nền tảng cho việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, Trái Tim đã bị đâm thâu qua, tất sẽ nhận thấy rõ  rệt đây không phải là một việc đạo đức như bất cứ một việc đạo đức nào khác có thể coi nhẹ hoặc kém phần quan trọng nhưng là một hình thức thờ phụng cao quí, thích hợp, có thể dẫn tới bậc thánh thiện trọn hảo.

16- c) Máu Thánh Chúa Kytô! Đó là đặc điểm cao quí nhất trong công cuộc hiến tế cứu độ của Chúa Giêsu, vẫn được tái diễn cách huyền nhiệm va đích thực trong Thánh lễ Missa cùng đem lại tất cả các ý nghĩa và chiều hướng cho đời sống Kytô hữu.

II. ĐỜI SỐNG GƯƠNG SÁNG.

17– Chúa Giêsu phán: “Cha làm gương cho các con để các con cũng làm như Cha vậy” (Jo. 13,15).

Đối với những tâm hồn muốn trung thành, thời việc thi hành các lời khuyên Phúc âm quả là con đường cao quí đưa lên tới đỉnh Thánh thiện.

18– a)Đức Khó Nghèo Phúc âm: Chúa Giêsu đã sinh ra trong hang nuôi súc vật; suốt đời công khai Ngài không có nơi tựa đầu nghỉ ban đêm (Mt 8,20) và chết trần trên Thập giá. Đó là điều kiện đầu tiên Ngài đặt ra cho những ai muốn theo Ngài. “Nếu con muốn nên trọn lành hãy bán mọi gia tài, phân phát cho người nghèo, rồi con sẽ được kho báu trên trời” (Mt 19,21).

19– Nhờ gương sáng và lời giáo huấn của Chúa lôi cuốn, các con đã hiến dâng cho Chúa tất cả: “Tôi đã hân hoan hiến dâng trọn vẹn” (2 Pr 29,17). Vì muốn theo gương Chúa khó nghèo, lời khấn của các con có giá trị hòan toàn. Nó làm cho ta vui lòng chỉ xử dụng từng ngày những điều cần thiết, còn của dư dật phân phát cho kẻ khó nghèo hoặc làm việc thiện theo đức Vâng lời và phó thác cho Chúa quan phòng tất cả những bấp bênh của ngày mai, bệnh tật, già nua, tuy dầu không coi nhẹ những biện pháp do đức khôn ngoan đòi hỏi.

20– Thái độ siêu thoát của cải trần gian sẽ làm cho nọi người chú ý vì họ thấy rằng: Đức Thanh bần không phải là bủn xỉn, hà tiện và thúc đẩy người ta thành tâm suy niệm lời Chúa: “ Nếu được lời lãi cả trần gian mà mất linh hồn nào có ích chi” ? (Mt16,26).

21– Vậy các con hãy sống toàn vẹn theo lời khấn hứa làm cho các con nên giống như Chúa là Đấng tuy rất giầu sang, đã trở nên nghèo khó để chúng ta được trở nên giàu có vì đời sống nghèo nàn của Người (2 Cor 8,9). Trong phạm vi này cũng không thiếu những cám dỗ như đòi hỏi tiện nghi, tìm thỏa mãn trong việc ăn uống hoặc trong việc xử dụng của cải. Các con quá biết, Đức khó khăn cũng có những gai nhọn riêng của nó; ta phải biết yêu mến đón nhận để chúng biến thành những đóa hoa hồng trên Trời.

22– Một đôi khi, cái nhu cầu đổi mới cho hợp thời kể ra rất đích đáng có thể biếu lộ ra ngoài bằng cách xây cất nhà cửa đồ sộ, phô trương, nhiều khi gây những dư luận không tốt đẹp mấy, mặc dầu những tiện nghi kia không ảnh hưởng tới nơi ăn chốn ở giản dị tầm thường của các Nữ Tu. Các con thân mến, các con hiểu Ta, Ta không có ý nói rằng những điều cần thiết cho sức khỏe thể xác hay việc giải trí khôn ngoan, thích hợp, là trái ngược với lời khấn Thanh bần. Tuy nhiên, Ta mong ước rằng, con mắt của Thầy Chí Thánh không bao giờ như phải buồn sầu trước những cái cầu kỳ, tỉ mỉ, có thể ảnh hưởng không hay tới đời sống nội tâm đã tự hiến cho Chúa, khi họ sống trong khung cảnh thiếu hẳn bầu khí khổ hạnh. Đức thanh bần phải được tôn trọng đặc biệt ở nơi tất cả chúng con.

23– Ta muốn gởi một lời khích lệ tới các Nữ Tu kín mà nhiều khi nếp sống khó khăn đã tới chỗ bần cùng. Xin Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, đã trở nên nghèo hèn, tới an ủi chúng con. Đồng thời chính Ta cũng ngửa tay ra xin các Nữ Tu Dòng khác có điều kiện kinh tế vững chắc hơn và các vị hảo tâm nâng đỡ chúng con. Ta lại cổ võ tất cả những công cuộc do sáng kiến của Liên-hiệp Tu Viện kín thực hiện nơi Thánh Bộ Tu-Viện và nhắc nhở cho mọi người đừng quên lời hứa của Chúa Cứu Thế: “ Phúc cho các con có lòng khó khăn, vì chưng nước Đức Chúa Trời thuộc về các con (Lc 6, 20).

24– b) Đức Trong-sạch Thiên Thần: Đọc Phúc-âm, người ta thấy Chúa Giêsu đã chịu đựng biết bao đau khổ, nhục nhã. Nhưng từ hang Belem cho tới núi Calvariô, ánh sáng Trinh khiết thần linh nơi Người tỏa ra mỗi ngày thêm lan rộng và chinh phục dân chúng là vì người sống rất khắc khổ  với thái độ đầy vẻ hấp dẫn.

25– Các con thân mến, các con cũng phải như vậy. Hạnh phúc thay nếu các con biết lợi dụng những hy sinh, khước từ, thái độ, thận trọng, dè dặt, hầu làm rực sáng nhân đức mà Đức Tiên Giáo-Hoàng Piô XXII đã viết  một bức Thông Điệp bất hủ để lại (Sacra virginitas = Đức Trinh Khiết Thánh Thiện). Các con hãy sống theo những lời giáo huấn đó. Đời sống chúng con phải là một bằng chứng cho mọi người thấy rằng: Đức Khiết-tịnh không những là một nhân đức có thể thực hiện, nhưng còn là một nhân đức xã hội phải được cương quyết bằng lời cầu nguyện, thức tỉnh và cầm hãm giác quan.

26– Các con hãy nêu gương sáng cho người ta thấy tâm hồn các con không phải là một tâm hồn khép kín, vị kỷ, vô ích, nhưng đã biết chọn những điều kiện thiết yếu để quảng đại cởi mở, chăm lo săn sóc cho mọi nhu cầu của đồng loại. Để đạt mục đích trên, các con hãy tập sống hòa nhã, dịu dàng Ta muốn nhấn mạnh điều đó. “Đừng nghe theo những kẻ muốn cho các con có những thái độ ít thận trọng, dè dặt”.

27– Trong công việc Tông-đồ, các con hãy phi bác những thuyết chủ trương đừng nói tới, hoặc nói rất ít về nếp sống đứng đắn, nết na, để rồi đưa ra những tiêu chuẩn và những xu hướng giáo dục đối lập với những điều dạy trong Kinh Thánh và truyền thống Công Giáo.

28– Nếu quả thực lý-thuyết Duy-vật trong nguyên tắc hay trong thực hành cũng như chủ nghĩa Khoái lạc và sự đồi bài Luân lý ngày nay luôn tìm cách phá vỡ mọi hàng rào ngăn cản thì tâm hồn Ta vẫn được an tĩnh khi thấy những đạo quân Thiên thần đã hiến dâng cho Chúa tấm lòng trinh bạch và dùng lời cầu nguyện, hy sinh, kéo được bao ơn lạ lùng nơi lòng từ bi Thiên Chúa xuống cho những kẻ sống trong lầm lạc, đền thay bao tội lỗi cho từng cá nhân cũng như từng dân tộc.

29-  c) Tinh Thần Vâng lời: Thánh Paulô Tông-đồ đã trình bày thái độ và ý niệm Chúa Giê su, đã tự hạ vâng lời cho tới lúc tắt thở trên Thập giá (Ep 2,8).

30– Vì muốn theo gương Thầy Chí Thánh cách trọn hảo hơn, chúng con đã tự ràng buộc với Chúa bằng lời Khấn hoặc lời Hứa Vâng lời.

31– Việc hy sinh cái “Tôi” mọi lúc và chế ngự bản ngã của mình có thể đòi rất nhiều hy sinh khổ cực nhưng chính ở đó ta tìm được chiến thắng (Pr 21,28) ; bởi vì nhờ việc đóng đinh thiêng liêng này mà ơn trên trời đổ xuống cho chúng con và cho nhân loại.

32– Giáo lý của Giáo hội thật là minh xác những quyền lợi bất khả xâm phạm của nhân vị con người. Tư cách của mội cá nhân phải được phát triển thỏa đáng để đáp lại những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban. Điều đó quá rõ, nhưng nếu từ sự tôn trọng nhân vị người ta đi tới chỗ đề cao bản ngã quá đáng, khép mình trong chủ nghĩa Nhân vị độc tôn, thời mối nguy hiểm trở nên trầm trọng. Lời Đức Piô XXII trong huấn dụ “Menti nostrae” rất đáng được lưu ý, cả đối với chúng con: “ Trong một thời đại như thời đại chúng ta ngày nay, trong đó nguyên tắc Quyền bính bị lung lạc trầm trọng, thời tuyệt đối cần thiết là các Linh-mục phải đứng vững trong nguyên tắc Đức Tin và công nhận Quyền bính, không những phải như một bức tường thành bênh đỡ trật tự xã hội và tôn giáo, mà còn là nền tảng cho việc thánh hóa bản thân”.

33– Từ đây Ta muốn nhắc nhủ riêng những ai có bổn phận hướng dẫn và trách nhiệm.

Các con hãy yêu sách một sự vâng lời hết sức quảng đại đối với kỷ-luật Dòng, đồng thời các con cũng phải có sự thông cảm với các chị em nữ tu. Hãy giúp đỡ cho mỗi người được phát triển những khả năng tự nhiên của mình. Nhiệm vụ của các Bề Trên làm sao cho Đức Vâng lời trở nên đáng yêu mến chứ không phải là lo cho có thái độ tôn kính bề ngoài, cũng không nên đặt những gánh nặng mà chị em không cáng đáng nổi.

34– Các con yêu quí, Ta khuyên tất cả các con hãy sống theo tinh thần của nhân đức này, một nhân đức nuôi dưỡng bằng lòng khiêm tốn thẳm sâu, bằng tinh thần vô vị lợi tuyệt đối và siêu thoát hoàn toàn. Một khi đức Vâng lời đã trở nên chương trình cho cả đời sống, chúng ta sẽ thấu hiểu những lời sau đây của Thánh Nữ Catharina thành Sienna: “Êm dịu và vinh hiển thay, Đức Vâng lời, một nhân đức bao gồm mọi nhân đức khác. Ôi, Đức Vâng lời! Ngươi vượt trùng dương không biết mỏi mệt mỏi, và tới bến cứu rỗi không sợ hiểm nguy! Ngươi nên giống hình ảnh Ngôi Lời, Con Một Thiên Chúa…Ngươi bước vào con đường Thánh Giá, sẵn sàng chịu đựng tất cả , để tuân theo mệnh lệnh Ngôi Lời và trung thành với Giáo-lý của Người… Người trở nên cao cả vì Người bền chí kiên tâm… Ngươi cao cả khiến Ngươi bao quát cả trên trời dưới đất, bởi vì nhờ Ngươi mà Thiên đàng rộng mở”.

III.  ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ

35– Thánh Paulô dạy rằng: Mầu nhiệm Chúa mặc khải cho chúng ta chính là chương trình dự liệu từ muôn thuở trong Chúa Kytô, phải được thực hiện trong Người, khi thời gian chờ đợi đã hoàn tất, nghĩa là “thu phục về cho Chúa Kytô, Vị Thủ Lãnh duy nhất,tất cả mọi sự trên trời dưới đất” (Ep 9,10).

36– Không một tâm hồn nào đã hiến thân cho Chúa được bỏ qua nhiệm vụ cao quý tiếp tục sứ mạng cứu rỗi của Chúa Cứu Thế.

37– Chính ở những Nữ tu sống trong Tu-viện thầm lặng, và đặc biệt ở họ, Giáo-hội mong đợi rất nhiều. Cũng như Maisen, các vị nữ tu đó hằng giơ tay lên cầu nguyện, vì biết rõ rằng: Chỉ trong thái độ cầu khẩn như vậy mới mong thắng trận. Cũng bởi phần đóng góp vào công việc Tông-đồ của các nữ tu chiêm niệm rất đỗi quan trọng cho nên Đức Piô XI đã chọn một vị Thánh bổn mạng các nơi truyền giáo ngang hàng với Thánh Phanxicô Xavie. Ngài không chọn một nữ tu chuyên hoạt động, nhưng là một chị Dòng kín Carmelo, tức là Thánh Nữ Thérèsa Hài Đồng Giêsu.

38– Đúng thế, các con phải hiện diện một cách thiêng liêng trong tất cả mọi nhu cầu  của Giáo-hội chiến đấu. Không một đau khổ nào, một tang chế nào, một tai họa nào có thể coi như xa lạ đối với chúng con. Không một phát minh khoa học nào, không một hội nghị văn hóa, xả hôi, chính trị nào làm cho các con tưởng rằng “đó là những việc không liên quan gì tới chúng tôi”. Chớ chi Giáo-hội chiến đấu cảm thấy các con hiện diện khắp nơi, bất cứ ở đâu cần sự góp phần thiêng liêng của các con, hầu mưu lợi ích cho các linh hồn và giúp nhân loại trên đường tiến bộ chân thực và hòa bình phổ quát. Chớ chi các linh hồn nơi luyện hình được hưởng lời cầu nguyện của chúng con để chóng về Cõi Phúc. Hợp với ca đoàn thần thánh trên trời, các con hãy lập đi lập lại không ngừng bài hoan ca Alleluia muôn thuở, chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.

39– Đối với các nữ tu hiến thân cho đời sống hoạt động, hãy nhớ rằng: không phải duy có lời cầu nguyện, mà còn phải thi hành công việc, mới có thể hướng xã-hội theo tinh thần Phúc-âm, và để mọi sự trở nên vinh quang cho Thiên Chúa cùng cứu rỗi các linh hồn.

40– Và bởi vì trong địa hạt học đường cũng như trong địa hạt bác-ái cứu trợ ngày nay, đòi hỏi thêm nhiều điều kiện phức tạp, các con hãy cố gắng theo Đức Vâng lời, chuyên chăm học tập và đạt những bằng cấp khả dĩ giúp chúng con đối phó được với mọi khó khăn trong nhiệm vụ. Như vậy ngoài những khả năng được tập luyện, thành thạo, người ta sẽ đánh giá được tinh thần tận tụy, nhẫn nại và hy sinh của các con đúng mức hơn.

41– Hơn nữa có nhiều nhu cầu mới xuất hiện nơi những dân tộc vừa bước và cộng đồng các Quốc gia tự do. Không phải giảm bớt lòng ái quốc đối với quê hương xứ sở riêng mỗi người, tuy nhiên, hơn bao giờ hết, tất cả thế giới đã trở nên Tổ quốc chung. Nhiều nữ tu đã nghe theo tiếng gọi này. Cánh đồng hoạt động thực bao la. Nào có ích chi, nếu ta cứ ngồi mà than tiếc rằng, con cái thế gian đi trước các Tông đồ của Chúa Kytô than tiếc không đem lại một giải quyết nào. Phải hoạt động, đề phòng và tin cậy.

42– Cả các nữ tu hiến thân cho đời sống chiêm niệm cũng không được miễn bổn phận đó. Trong ít nhiều nước ở Phi Châu và Viễn Đông, dân chúng ham mộ đời sống chiêm niệm hơn vì nó thích hợp với sự tiến triển của nền văn minh họ… Một số người thuộc mất giai cấp xã hội trí thức hơn gần như phàn nàn rằng: đời sống hoạt động các vị Thừa sai chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đối với thái độ họ nhận thức tôn giáo và tin theo đạo Công giáo.

43– Các con yêu quí, các con hãy xem: có biết bao lý do thúc đẩy Ta cổ võ những cuộc gặp gỡ giữa các Bề trên Cả theo như thánh Bộ Tu sĩ chỉ định trên bình diện quốc gia cũng như Quốc tế. Như thế, các con sẽ có nhiều hiểu rõ tình trạng hiện đại, lợi dụng các kinh nghiệm chung và cảm thấy phấn khởi mạnh mẽ, khi thấy rằng, Giáo hội có một đạo quân gồm những tâm hồn hùng dũng, khả dĩ đối phó được với mọi trở lực.

44– Những tâm hồn hiến thân trong các Tu hội Triều cũng nên biết rằng: công việc của họ đáng được khen ngợi và cổ võ biết bao, hầu góp phần đem ánh sáng Phúc âm vào tất cả hoạt động của thế giới tân tiến.

45– Trong những địa vị trách nhiệm quan trọng mà một số người trong các con đạt tới, các con phải làm thế nào cho người ta cảm phục khả năng và ý thức trách nhiệm của các con, cũng như những đức tính cao cả do ơn Chúa biến hóa, hầu ngăn cản được sự thắng lợi của những kẻ chỉ biết nương tựa vào tài năng nhân loại và sức mạnh của phương tiện kinh tế, khoa học và kỹ thuật: “ Phần chúng tôi được mạnh sức trong Thánh Danh Chúa chúng tôi” (Ps18, 8).

46– Hỡi các tâm hồn hiến thân cho Chúa trong đời sống chiêm niệm hay hoạt động, Ta mời gọi toàn thể các con hãy đoàn kết lại trong tình Bác-ái huynh đệ. Chớ chi tinh thần lễ Hiện xuống bao trùm trên các gia đình chúng con đã được tuyển lựa và kết hiệp tất cả trong một niềm hòa đồng tâm hồn cũng như tại nhà Tiệc ly xưa, cùng với Mẹ Thiên Chúa và các Tông đồ, có một số phụ nữ đạo đức hiện diện (Ac 1, 14).

KẾT LUẬN

47– Đó là những điều Ta nguyện ước, cầu khẩn và hy vọng Giáo hôi bước vào giai đoạn chuẩn bị Công Đồng chung Vaticanô II đã kêu gọi toàn thể giáo dân, xin mỗi người đóng góp một phần bằng hành vi hiện diện, bằng đời sống gương mẫu và can đảm.

48– Các con yêu quí, các con phải là những người đầu tiên nuôi trong tâm hồn nguồn phấn khời thánh thiện, Về điểm này, sách Gương Phúc có một câu rất đáng lưu ý: “Mỗi ngày chúng ta phải quyết tâm lại, thúc giục ta thêm lòng sốt sắng dường như chúng ta mới bắt đầu trở lại ngày hôm nay và thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin giúp con trung thành với những điều dốc quyết thánh thiện và việc phụng sự Chúa. Xin cho con giờ đây khởi sự may mắn vì những điều con thi hành bấy nay không đáng giá chi cả (Gương Phúc I, 19. 1).

49– Nguyện xin Mẹ Chúa Giêsu cũng là Mẹ chúng ta đốt lên trong chúng con ngọn lửa nhiệt thành! Các con hãy tin cậy vào người Hiền Mẫu trên trời và cùng với Người, hãy sống mật thiết với bạn Thánh Người là Thánh Giuse cũng là Bổn Mạng Công Đồng Vaticanô II này. Lại nữa, các con hãy cầu khẩn Các Thánh nam nữ được đặc biệt tôn kính trong dòng các con để các Ngài thêm lời chuyển cầu hiệu nghiệm xin cho “Giáo hội hòa hiệp trong lời nguyện duy nhất, lời nguyện sốt sắng cùng với Mẹ Maria – Mẹ Chúa Giêsu, và nhờ Thánh Cả Phêrô hướng dẫn, mở rộng nước Chúa Cứu Thế là nước Chân lý, Công bằng, Bác ái và Hòa bình”.

50– Chớ chi phép lành Tòa Thánh Ta ban xuống cho các Tu viện và mọi tâm hồn hiến dâng cho Chúa bảo đảm những Ơn phúc trên Trời và khích lệ mọi người sống thánh thiện, hoạt động tốt đẹp trong Giáo hội và Chúa Giêsu Kytô ( Ep 3, 21).

Ban hành tại Roma, ngày 2 tháng 7 năm 1962,

Năm thứ bốn Triều Đại Giáo Hoàng của Ta

GIOAN XXIII

Phụng dịch: Linh mục Dom. Trần Thái Hiệp.

(Trích “ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII” trang 156-165)

Comments are closed.

phone-icon