Dưới bóng cây cổ thụ Đà Nẵng

0

DƯỚI BÓNG CÂY CỔ THỤ ĐÀ NẴNG

Tường thuật chuyến viếng thăm Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách

 Nt. Maria Đinh Thị Sáng

Ngày 13/06/2013. Nhận được tin khẩn từ Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng, về tình hình sức khỏe rất nguy kịch của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Chị Maria Nguyễn Thị Hùy Bề Trên Tổng Quyền Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp liền cắt cử Chị Têrêxa Phạm Thị Oanh Phụ tá Bề Trên Tổng Quyền và Chị Maria Đinh Thị Sáng Tổng cố vấn, bay ra Tòa Giám Mục Đà Nẵng để thay mặt cho Chị Tổng và Hội dòng thăm Đức Cha Phanxicô Xaviê và hiệp thông tâm tình với Giáo phận.

Lúc 2 giờ chiều cùng ngày, hai chị lên xe Honda rời Nhà Mẹ ra phi trường Tân Sơn Nhất. Chuyến bay VN 1326 cất cánh lúc 17:20 rồi đáp xuống phi trường nội địa Đà Nẵng 1 giờ sau đó. Đúng 7 giờ tối, chị Têrêxa và chị Maria đã có mặt tại Tòa Giám mục (TGM) để trình diện Đức Cha Giuse. Hai chị em được Sr. Cecilia Bùi Thị Bỉnh – Dòng thánh Phaolô thiết đãi bữa cơm tối với đầy lòng hiếu khách, và được Sr. Anna Nguyễn Thị Bạch Thủy cùng Dòng dẫn đến phòng nghỉ của TGM. Chị em an tâm hơn vì biết rằng tình hình sức khỏe của Đức Cha đã có phần khả quan. Ngài đã ra khỏi phòng hồi sức cấp cứu và được chuyển về khoa Nội tổng hợp, nơi mà ngài đã nhập viện từ Thứ Sáu lễ Thánh Tâm Chúa.

Cùng Đức Cha Giuse - GM Đà Nẵng đến thăm Đức Cha PhanXicô

Sau Thánh Lễ sáng tại nhà thờ chánh tòa do cha Phaolô Maria Trần Quốc Việt, Tổng Đại Diện chủ sự, hai chị được dùng bữa điểm tâm với Đức Cha Giuse, Cha G.B. Trần Ngọc Tuyến Tổng quản lý, thầy Đa Minh Trần Ngọc Huy, và anh Giuse Nguyễn Công Hưng. Trong bữa cơm thân mật, hai chị được nghe Đức Cha chia sẻ những lúng túng khó xử của ngài về bệnh trạng và thái độ của Đức Cha Phanxicô Xaviê trong phòng cấp cứu. Ở độ tuổi gần 90, trải qua 60 năm linh mục và 40 năm giám mục, vị mục tử cao niên như cây cổ thụ này dường như chưa bao giờ bị ngã đổ. Sự thánh thiện, tươi sáng, tươm tất, logic, cương nghị vẫn còn biểu hiện rõ nét trên bệnh nhân giám mục mang tuổi mệnh Kim này. Ngài khó chấp nhận những mệnh lệnh và cách chăm sóc của các cô y tá và hộ lý trong phòng cấp cứu. Ngài không dung hợp với sự hỗn độn, chật chội, nhập nhằng giữa các giường bệnh của đàn ông và đàn bà…Ngài kháng cự mạnh mẽ và nhất quyết đòi ra khỏi phòng cấp cứu.

 Ngoài ra Đức Cha Giuse cũng chia sẻ một vài chương trình dự phóng của Giáo phận; số dòng tu hiện diện và những đóng góp của tu sĩ trong giáo phận; mối tương quan đối thoại giữa TGM và Ban Tôn giáo chính phủ trong việc cử hành thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn linh mục Vicent Robert Capodanno, cố tuyên úy quân đội đã tử trận tại Quế Châu, thuộc giáo xứ Xuân Thạnh, Đà Nẵng theo thỉnh nguyện của các thân hữu người Mỹ…

 Sau bữa điểm tâm, hai chị Tam Hiệp được trao cho chiếc Honđa để đi thăm Đức Cha Phanxicô cách thoải mái. Theo sự dẫn đường của thầy Huy, băng qua những con đường rộng rãi thông thoáng, khoảng 5, 7 phút sau hai chị đã có mặt trước khu vực phòng Nội yêu cầu của bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, được coi là bệnh viện có uy tín nhất trong thành phố này xét về mặt chuyên môn. Ngồi chờ gần 30 phút, hai chị được cô hộ lý cầm chùm chìa khóa khua leng keng mở cửa hành lang cho vào căn phòng số 321. Đức Cha Phanxicô Xaviê ngồi trên ghế bành, đôi mắt lim dim, mệt mỏi. Ngài được Sr. Thủy chăm sóc tận tình. Trông thấy ngài, hai chị Tam Hiệp bước vào mừng rỡ và lớn tiếng chào Đức Cha. Được mách bảo cặn kẽ, hai chị ghé vào tai trái của ngài, rồi rót từng tiếng một: “Vâng lời Chị Tổng Maria Hùy, chị em chúng con vừa mới bay ra đây để thăm Đức Cha”. Đức Cha tỏ rõ niềm vui trên nét mặt và cũng đáp lại bằng vài tiếng trọng yếu nhất:

–  Tam Hiệp?

–  Dạ, chúng con là chị em Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Đức Cha có nhận ra chúng con không?

–  Chị Oanh

Ngài quay sang bên trái nói với chị Têrêsa, phụ tá Bề Trên Tổng Quyền, rồi sang bên phải, tiếp tục:

– Chị Sáng.

Hai chị TCV Oanh - Sáng bên giường bệnh của Đức Cha

Lần đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng, chị Maria Sáng ngỡ ngàng không dám tin vào tai mình khi nghe giọng phát âm đơn đớt của bệnh nhân cao niên đã rụng hết hai hàm răng, yếu mệt và vừa thoát ra khỏi phòng cấp cứu. Hỏi lại Sr. Thủy “thông dịch viên”, chị em đều ngưỡng mộ trí nhớ tài tình của ngài. Đã hơn 20 năm kể từ lần cuối cùng ngài về Sài Gòn chữa bệnh và ghé thăm Hội Dòng, Đức Cha Phanxicô Xaviê ngày ngày vẫn chuyên cần lần hạt cầu nguyện cho từng phần tử trong Dòng, rồi nhận diện chị em qua những tấm hình trong cuốn kỷ yếu và niên giám của Dòng.

Chị Têrêsa kể lại vắn tắt chuyến đi vội vàng của mình, đến nỗi các chị em ở nhà không kịp viết thư thăm hỏi Đức Cha như thói quen hàng năm, khi các bề trên và đại diện chị em ra thăm và chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Cha. Dù vậy, chị Tổng và các chị em cũng xin gửi gắm Đức Cha một bì thơ khác. Biết rằng trước đây Đức Cha vẫn phải dùng kính lúp để dâng Thánh Lễ và “nhìn Chúa”, và cũng nhờ trợ giúp ấy mà đọc các lá thư vắn gọn với nét chữ “con gà mái” của các em Thỉnh sinh, Tập sinh. Nhưng bây giờ, ngài phải thú nhận là không còn đủ hứng thú, thị lực và tâm trí để đọc thư nữa.

Trước khi đưa tay nhận lấy bì thơ này, ngài hô to cách dứt khoát: “Mở!” Hai chị lúc đầu tỏ ra lúng túng, nói quanh co, nhưng cuối cùng đành phải he hé bì thơ cho ngài thấy một phần “nội dung”, rồi theo mệnh lệnh của ngài mà đặt bì thơ vào đầu giường. Thở phào nhẹ nhõm, hai chị em thay phiên nhau ngồi quạt cho ngài, chải đầu, lau miệng, dỗ dành ngài uống một ngụm sữa, ăn một chút yến sào rồi dẫn ngài vào giấc ngủ bằng những chuỗi Kinh Mân Côi.

Nghỉ ngơi một chút, ngài hỏi thăm sức khỏe của chị Tổng, các chị cố vấn, chị Tổng quản lý, một vài chị Bề trên mà ngài còn nhớ. Rồi ngài nhắc lại sự kiện bị kìm kẹp, tù túng trong phòng cấp cứu, như thuật lại một cơn ác mộng, một kinh nghiệm đọa đày, hỏa ngục. Ngài nói từng chữ: “Hôm qua. Cha ở trong một bệnh viện khủng khiếp quá. Bốn cô y tá cột tay cha. Trói cẳng cha. Quấn ngang ngực cha. Buộc cha vào giường. Cha không thở được. Đàn ông đàn bà nằm xít bên nhau. Trần truồng. Cả đêm cha la bác sĩ. Đưa tôi ra khỏi đây. Nhưng không ai nghe cha. Bác sĩ ở đó xấu. Hôm nay. Cha qua bệnh viện này. Cha khỏe. Bác sĩ nói cái gì cũng tốt”. Ngày hôm ấy và hôm sau nữa, Đức Cha vẫn còn kể lại kinh nghiệm này nhiều lần. Ngài còn hát bài ca Exodus, bài ca Xuất Hành, bằng tiếng Pháp khi được đặt lên băng ca mà chuyển về phòng cũ.

Có lẽ Đức Cha chưa biết rõ bệnh tình của mình, mà ngài chỉ nghĩ bị đầy hơi, khó tiêu cộng với căn bệnh của người già là hở van tim. Vốn sống hòa bình với bệnh tiểu đường hơn 20 năm, bây giờ ngài bị biến chứng qua phổi, suy thận cấp IV và nó lấn át sang dạ dày, làm rối loạn đường tiêu hóa. Nhưng có điều lạ là từ lúc chuyển về khoa Nội tổng hợp và nằm trong phòng Nội yêu cầu, sức khỏe của ngài có phần tiến triển tốt: huyết áp ổn định, bắt đầu ăn uống và giấc ngủ sâu hơn một chút.

Nhưng ai cũng cảm nhận điều này dường như chắc chắn: ngài sẽ không thể bình phục như trước được nữa. Ngài luôn cần có người săn sóc ở bên cạnh. Ngài muốn ở lại bệnh viện. Ban ngày, cùng đổi ca cho thầy Huy và Sr. Thủy là các chú đang tập tu tại TGM. Đến tối, có 2 thầy chủng sinh khác của giáo phận tu học tại Đại chủng viện Huế luân phiên túc trực bên Đức Cha. May thay, trong thời gian này, các thầy được nghỉ hè tại gia đình hoặc tham gia thực tập mục vụ. Tuy việc phục vụ Đức Cha làm thay đổi nhịp sống đều đặn hàng ngày, các sơ và các thầy đều cảm được niềm vui vì thấy sự thánh thiện, tế nhị, yêu thương và đôi lúc hồn nhiên, bướng bỉnh như trẻ thơ của Đức Giám Mục cao niên nhất nhì trong HĐGMVN.

Một câu chuyện thích được kể lại là cuộc tìm kiếm bộ răng giả của Đức Cha, từ TGM đến phòng cấp cứu, từ gầm ghế salon đến các ngăn tủ của phòng bệnh. Không tìm thấy, Đức Cha Giuse dí dỏm khuyên ngài nên uống thuốc để mau mọc răng mới. Người khác thì đổ tội làm hàng giả sẽ bị công an bắt. Còn Sr. Huế – nha sĩ dòng Phaolô thì e ngại việc làm lại bộ mới sẽ trải qua nhiều công đoạn phiền toái cho ngài.

Cũng may là bộ răng của Đức Cha Phanxicô Xaviê bị thất lạc sau khi ngài rời khỏi phòng cấp cứu, tức là trước khi hai chị em từ Tam Hiệp ra thăm. Nếu không, câu chuyện khôi hài đánh cắp “thánh tích” sẽ trở thành một chủ đề mau chóng được lưu truyền trong giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha Giuse nghĩa tử và cha Tổng quản lý giáo phận lưu tới bệnh viện khi có các chị Tam Hiệp túc trực, chẳng phải để canh giữ cái mũ giám mục và cây trượng mục tử của Đức Cha Phanxicô Xaviê khỏi bị trăn trối cho Tam Hiệp đó sao? Thảo nào Website của giáo phận Đà Nẵng đã phải chạy dòng tít cảnh giác: “Dù nặng tai, vẫn rất chịu khó nghe các nữ tu thủ thỉ… và quan tâm đặc biệt Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp, có lẽ theo lời trăn trối của Đức Cha P.M. Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiền nhiệm. Thỉnh thoảng, Giáo phận phát hiện những kỷ vật bị Ngài … đánh mất ở Nhà Truyền Thống Tam Hiệp”.

Tưởng cũng nên dừng lại một chút để ôn cố tri tân. Mối tình nghĩa thiết giữa Chị em Tam Hiệp và Đức Cha Phanxicô Xaviê quả là một cơ duyên qua một trung gian quan trọng đối với Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp: Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi.

Sau khi về nhậm chức Đại Diện Tông Tòa giáo phận Bùi Chu (1950), Đức Cha Phêrô Maria đã sớm đáp lại ước nguyện của chị em Nhà Phước Đa Minh là cải tổ Nhà Phước thành Hội Dòng có lời khấn theo Giáo Luật (1951). Với biến cố tổng di cư năm 1954, Đức Cha được bổ nhiệm làm Giám mục Đặc trách Di cư (1954-1956) để dẫn đưa phần lớn linh mục và giáo dân Bùi Chu vào Nam và định cư trong giáo phận Sài Gòn. Và chị em Đa Minh theo làn sóng ấy, cuối cùng đã chọn được địa điểm Tam Hiệp làm “Đất Hứa”. Sau đó theo nhu cầu cấp bách của Giáo hội, Đức Cha Phêrô Maria lại được bổ nhiệm làm giám quản Tông Tòa giáo phận Quy Nhơn (1957) và giám mục chính tòa (1960-1962). Khi Giáo phận Đà Nẵng được thiết lập với phần đất tách ra từ Quy Nhơn (1963) Đức Cha được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận mới kể từ đó cho đến khi ngài qua đời (1988).

Đa Minh Tam Hiệp và Đức Cha Phanxicô Xaviê được nên duyên không phải bắt đầu từ biến cố ngài được chọn làm giám mục phó của Đức Cha Phêrô Maria với quyền kế vị (1975) mà vào sau ngày lễ an táng của Đức Cha (23/1/1988). Do hoàn cảnh giao thông và liên lạc lúc bấy giờ còn rất khó khăn, Đa Minh Tam Hiệp không nhận được tin khẩn. Đặt chân đến TGM Đà Nẵng vào lúc mọi người từ nghĩa trang trở về, Chị phụ tá BTTQ và Chị Maria Nguyễn Thị Hùy, Tổng cố vấn (nay là BTTQ đương nhiệm) vỡ òa tiếng khóc, phần vì thương tiếc đã không thể tiễn đưa Đấng ban Sắc lập Dòng đến nơi an nghỉ cuối cùng, phần vì mệt lả và tủi thân sau chuyến đi ròng rã dặm trường mà không được mấy người thương giúp. Cảnh tình đó đã làm cho Đức Cha Phanxicô Xaviê cảm kích chạm lòng. Các chị được ngài an ủi và đón tiếp thật chân tình như những vị khách của tổ phụ Ápraham dưới gốc cây sồi Mamrê cổ thụ. Sau khi giúp các chị thắp nhang kính viếng trước di ảnh của Đức Cha cố để bày tỏ nỗi lòng thương nhớ và tri ân vô vàn, ngài cho người đưa các chị đến phần mộ của Đức Cha cố vừa được chôn cất tại giáo xứ Trà Kiệu cách TGM khoảng 40 km. Tình phụ tử của Đức Cha Phanxicô Xaviê dành cho các chị em Tam Hiệp được đánh dấu kể từ ngày hôm ấy. Và các chị cũng được chia sẻ một số kỷ vật của Đức Cha cố như: bộ áo lễ, mũ và gậy giám mục, đôi dép, máy radio…

Sau hai ngày cận kề với Đức Cha Phanxicô, chị Têrêxa phụ tá BTTQ bày tỏ tâm tình cám ơn Đức Cha Giuse và xin phép để trở về Tam Hiệp. Hai chị cũng chào tạm biệt cha Phaolô Maria Tổng Đại diện, cha Antôn Trần Văn Trường – nguyên Tổng Đại Diện và hai Sơ dòng thánh Phaolô. Nhưng giây phút tạm biệt Đức Cha Phanxicô Xaviê tại bệnh viện mới thật sự xúc động.

 – Chúng con chào Đức Cha chúng con về.

–  Về đâu?

–  Dạ, dạ… con về Tòa Giám Mục ăn cơm, rồi … về Tam Hiệp.

–  Không, không! Ở lại đây với cha – Vừa lắc đầu, ngài vừa nắm lấy tay hai chị rồi gióng lên lớn tiếng như muốn khóc.

Rút lui trong ít phút để nhường chỗ cho hai thầy giúp ngài làm vệ sinh, hai chị quay trở lại với giọng nài nỉ:

 – Thưa Đức Cha, chúng con phải về thì các chị em khác mới ra thăm Đức Cha được – Chị Sáng tiếp lời Chị Oanh – Chúng con ra vội quá, nên chưa sắp xếp thời gian ở lại với Đức Cha lâu được. Chúng con sẽ trở lại sau.

–  Hai chị ra. Rồi hai chị về hết! Ô… hô…

–  Hai sơ đi thì vẫn còn hai thầy ở đây – Thầy Huy nhanh nhảu dỗ dành Đức Cha – Đức Cha yên tâm nha.

Rồi hai chị cúi đầu trước Đức Cha và che giấu cảm xúc của mình:

– Xin Đức Cha ban phép lành cho chúng con về bình an.

– Cha nhớ các chị lắm. Cha nhớ Tam Hiệp. Các con đi về bình an.

Bằng câu nói ngắn ngủi ấy trong ngậm ngùi, ngài hơi kẽ giơ cánh tay lên rồi hạ xuống. Còn các chị thì thưa thật lớn tiếng để ngăn lại dòng lệ trong mắt:

– Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen. Mọi chị em trong Dòng Tam Hiệp đều nhớ thương và cầu nguyện cho Đức Cha mau khỏe lại.

 Đôi mắt Đức Cha cứ dõi theo bước chân các chị một hồi lâu cho đến khi cánh cửa khép lại. Hai chị em lặng lẽ xuống bãi lấy xe và trở về TGM dùng cơm trưa khá muộn. Một giờ sau, chiếc xe trung chuyển của hãng Thuận Thảo đến đón các chị trước cổng TGM. Đức Cha Giuse và Sr. Bỉnh tận tình tiễn hai chị em đến tận xe và cầu chúc cho mọi người được bình an. Khởi hành lúc 5:30 chiều ngày 15/06 từ bến xe Đà Nẵng, chuyến xe dừng lại nhiều chặng trong đêm tối. Nhưng chị em vẫn cảm thấy an tâm khi nghĩ về cánh tay phải vững chắc của Đức Cha cố Phêrô Maria và bóng cây cổ thụ đã từng cho chị em Đa Minh Tam Hiệp một chỗ dừng chân và bổ dưỡng tinh thần tu trì bằng lời cầu nguyện. Hai chị về đến nhà lúc 3:15 chiều ngày hôm sau để kịp tham dự thánh Lễ Chúa Nhật trong khúc ca cảm tạ và tri ân.

Tam Hiệp, 21.6.2013

 

Comments are closed.

phone-icon