15 ngày với Thánh Đa Minh – Ngày 2

0

15 NGÀY VỚI THÁNH ĐA MINH

Ngày 2 : Con người quyết định

Cha Đa Minh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, rồi Người triệu tập tất cả các anh em và nói với họ là Người quyết định phái họ đi khắp thế giới, dù rằng con số rất ít ỏi, và như thế từ nay họ sẽ không còn chung sống tại nơi đây nữa. Mọi người đều ngạc nhiên khi nghe loan báo một quyết định dứt khoát và nhanh chóng như thế. Tuy nhiên, do uy thế và đời sống thánh thiện của cha Đa Minh, mọi người đều dễ dàng đón nhận, tràn đầy hy vọng trước quyết định này (LIB s. 47).

Thế nhưng, tất cả những điều ấy được hoàn thành do một trực giác thiêng thánh.

Thật là kỳ diệu khi nhìn xem người tôi tớ của Thiên Chúa, là thánh Đa Minh, phân bổ các anh em đi đây, đi đó trong những miền khác nhau của Giáo Hội Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, thánh nhân thi hành điều này với niềm xác tín, không do dự, không chao đảo, dù rằng lúc ấy những người khác nêu ý kiến là không nên làm như vậy. Tất cả diễn ra như là thánh nhân đã nắm chắc được tương lai, hay là Chúa Thánh Thần đã dùng các thị kiến bày tỏ cho thánh nhân biết” (LIB s. 62).

Lòng thương cảm đã không làm thánh Đa Minh mất đi tinh thần quyết định. Trái lại, nhiều quyết định quan trọng trong cuộc đời thánh nhân lại xuất phát từ lòng thương cảm. Người cảm thấy được thúc đẩy từ bên trong để dấn bước vào những nẻo đường chưa được biết trước. Cùng một sự khẩn thiết tác động đến thánh nhân : cần phải nuôi sống những người đang đói, cũng như cần phải ra khỏi con đường dường như đã được vạch sẵn.

Quyết định quan trọng đầu tiên của cha Đa Minh là lưu lại miền Languedoc. Lúc ấy, cha vẫn còn tuỳ thuộc vào vị giám mục của mình là Diego d’Osma. Vị giám mục này, sau khi từ giáo triều trở về, đã nấn ná cùng với các vị đặc sứ do Đức Giáo Hoàng gửi đến, để tiếp xúc với những người theo phái Cathare. Các vị ở đấy hai năm. Sau đó, giám mục Diego quyết định trở lại địa phận của mình mà người đã bỏ quá lâu. Người trao công việc lại cho vị phụ tá của mình là Đa Minh. Người trao cho thánh nhân việc theo đuổi công tác truyền giáo của mình.

Đức giám mục trao phó những người còn ở lại đây cho cha Đa Minh chịu trách nhiệm về tinh thần, vì cha là người đích thực tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa (LIB s. 29).

Cha Đa Minh không những không bác bỏ sự trao phó này, nhưng còn dứt khoát lưu lại miền đất ấy, miền đất không phải của thánh nhân, và Người đón nhận do lòng yêu mến Thiên Chúa. Người đã lưu lại 9 năm ở Fanjeaux.

Ở đây, người ta có thể chiêm ngắm sự dễ dàng vâng phục của cha Đa Minh. Cha đã đón nhận trực giác của vị giám mục, trước khi làm cho trực giác ấy có ý nghĩa rộng lớn hơn. Bởi vì tinh thần quyết định đi liền với tính dễ vâng phục. Người nào biết chỉ huy tốt thì trước đó cũng là người biết vâng phục. Vâng phục không có nghĩa là không có ý tưởng hay yếu ớt về cá tính, vâng phục là tự nguyện đi vào dự định của cấp trên. Cha Đa Minh là một người chỉ huy tuyệt vời vì Người đã biết đi vào một kế hoạch mà khởi đầu không phải là của riêng mình.

Quyết định đã đưa ra, cha Đa Minh không chùn bước. Người bỏ mọi sự để dấn mình vào trách vụ mới. Tinh thần quyết định chỉ có giá trị khi có đức kiên nhẫn kèm theo. Nơi cha Đa Minh có cả tinh thần cương quyết cũng như tinh thần quyết định. Cha biết phải kiên trì trong điều đã định. Đó chính là điều mà những người đương thời gọi là tâm hồn rất quân bình (LIB s. 104). Khi quyết định lưu lại ở miền Nam nước Pháp cũng như khi phân tán anh em ra khắp Châu Âu, trong những biến cố quan trọng cũng như những chi tiết của cuộc sống thường nhật, cha Đa Minh không lẩn trốn, tránh né. Dường như Người bị thôi thúc vì cuộc đời ngắn ngủi (thánh nhân qua đời lúc 51 tuổi) và sự khẩn thiết của sứ mệnh.

Phải tin rằng yếu tố ấy trong thái độ tinh thần của Người không phải là điều nhất thời. Những người thân cận ghi nhận :

Người luôn giữ thái độ kiên trì trong các sự việc mà Người nghĩ rằng trước mặt Thiên Chúa hợp lý để thi hành, đến nỗi hầu như không bao giờ Người chấp nhận thay đổi quyết định đã đưa ra, sau khi bàn luận chắc chắn (LIB s. 103).

Người ta hiểu rằng, không phải dễ để sống mọi ngày với chiều sâu như thế. Chúng ta biết rằng thánh nhân đã cầu nguyện lâu giờ trước khi đưa ra một quyết định. Người ta kính phục sự thánh thiện của Người. Nhưng người ta cũng biết, một khi quyết định đã được đưa ra, thì hầu như vô ích để làm cho Người thay đổi. Chân phước Giođanô Saxonia nói nhiều đến điều này.

Điều dường như là lì lợm nơi một người bình thường lại là một nhân đức cao cả nơi một vị thánh. Điều này càng đúng hơn nữa khi cha Đa Minh biết nép mình vào ý muốn của anh em. Là một người quyết đoán, cha cũng muốn trao cho anh em quyền quyết định. Không phải là mỗi người quyết định theo ý riêng mình, điều này gây nên tình trạng hỗn độn, mất trật tự, nhưng cùng nhau quyết định, điều ấy khó hơn nhiều. Hơn một lần cha đã ngỏ lời để anh em quyết định.

Đầu tiên là việc chọn lựa tu luật làm nền tảng cho Dòng mới. Và chọn lựa này thật là quan trọng. Tập Libellus thuật lại những ngày cha Đa Minh lưu lại Rôma để tham dự Công Đồng Laterano IV.

Sau khi đã nghe trình bày các dự án, giám mục Rôma đề nghị cha Đa Minh trở về với anh em, thảo luận rộng rãi về đề tài này, để nhất trí chọn một tu luật nào đã được chấp nhận.

Vậy sau khi tham dự Công Đồng Laterano IV, các vị trở về và thông báo cho các anh em câu trả lời của Đức Giáo Hoàng. Ít lâu sau, họ chấp nhận Tu luật thánh Âu-Tinh, –vị giảng thuyết lừng danh–, để trở thành những nhà giảng thuyết trong tương lai (LIB s. 41-42).

Cần để ý đến những chữ thảo luận rộng rãi, nhất trí. Đó là tất cả tinh thần của cha Đa Minh. Người không chỉ là người biết quyết định, nhưng còn là người đón nhận quyết định : “Cha Đa Minh đã làm rất tốt để dẫn đưa các anh em trong Dòng đến việc từ bỏ và khinh chê mọi của cải trần gian…” (VIE tr. 53). Dịu dàng nhưng kiên quyết !

Cha Đa Minh còn biết nép mình trước quyết định của anh em trái với quyết định của mình. Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Chẳng hạn, đối với quy chế về các anh em trợ sĩ : các anh em này tham dự vào ơn gọi chung của Dòng vì ơn cứu độ các linh hồn, không phải bằng giảng thuyết, nhưng bằng công tác phục vụ trong các tu viện. Cha Đa Minh muốn trao cho họ toàn quyền trong lãnh vực này.

Để các anh em hăng hái dấn mình vào việc học hành và giảng thuyết, Đa Minh muốn rằng các anh em trợ sĩ ít học thức trong Dòng hướng dẫn các anh em có học về những gì liên quan đến quản trị và quản lý các của cải. Nhưng các anh em tư giáo không muốn để các tu sĩ giáo dân thống trị mình (VIE tr. 53). Lời khai của anh Gioan Tây Ban Nha trong án phong thánh tại Bologna.

Nơi cha Đa Minh, nghệ thuật biết quyết định đúng, kèm theo nghệ thuật biết đón nhận quyết định của cộng đoàn, là một ân huệ thiêng liêng. Đây không phải là do tính khí, cũng không phải là chuyện thay đổi tính khí đột ngột. Nơi cha rạng ngời nhân đức cao cả là đức khôn ngoan. Cha suy niệm trong nội tâm điều cần phải làm. Cha thỉnh ý Chúa trong lời cầu nguyện thiết tha. Và khi đã quyết định, cha không lùi bước.

Đối với những ai muốn học hỏi nơi thánh Đa Minh, đây là một giáo huấn không thể xao lãng. Thật vậy, có một nguy hiểm thật sự là để sự khốn khổ tác động và cứ giữ như thế. Cảm xúc không phải là cố vấn tốt nếu nó không đi kèm theo ý muốn hành động. Còn phải biết làm gì nữa. Thật là vô ích khi mơ tưởng đến những mục tiêu không thể thực hiện, cần phải loại trừ không thương tiếc. Cũng thật là vô ích khi dấn mình vào những đường hướng chưa được lượng giá cách đúng đắn. Ngược lại, sẽ thật là đau buồn khi lại nản lòng ngay trước khi thi hành công việc, và quyết định không làm gì nữa.

Thánh Đa Minh thực sự là gương mẫu về tinh thần quyết định. Nhờ óc tưởng tượng phong phú, Người đầy mạnh dạn khi phục vụ Thiên Chúa và Tin Mừng. Người vừa thực tế vừa dễ đón nhận, và để mình cho Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn. Ơn cố vấn đã sinh nhiều hoa trái tốt nơi Người.

Các anh em và chị em đều quý mến nét đặc trưng này trong chân dung thiêng liêng của Người. Họ tham dự vào tinh thần Đa Minh, một tinh thần luôn cố gắng thực thi câu châm ngôn cổ xưa nhưng rất súc tích : Điều mọi người phải sống, phải được mọi người quyết định. Và có thể bổ sung thêm phần không thể thiếu : Điều được mọi người quyết định, phải được mỗi người thực thi trong đời sống !

Nguyên tác: Alain Quilici, OP

Chuyển ngữ: Lm Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Comments are closed.

phone-icon