Thánh Đa Minh – nhà du thuyết khiêm tốn và hy vọng

0

Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà, OP

Trong thánh lễ đêm Giáng Sinh 24/12/2024 vừa qua, tại Đền Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức khai mạc Năm Thánh 2025 với chủ đề: “Những người hành hương của hy vọng.” Đây là thời điểm của ân sủng, mời gọi mọi người bước vào hành trình canh tân đức tin, sống tương quan mật thiết hơn với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội, và trở nên những chứng nhân sống động của niềm hy vọng giữa thế giới đang mất dần niềm tin hôm nay. Trong tinh thần của Năm Thánh, chúng ta cùng chiêm ngắm chân dung Cha Thánh Đa Minh – người du thuyết khiêm tốn trên đường hy vọng. Cuộc đời của Cha Thánh là cuộc lữ hành bất tận cho sứ vụ rao giảng Lời, làm chứng cho Lời, và phục vụ Lời trong khiêm tốn và hy vọng. Ước mong khi họa lại gương sống của Thánh Tổ Phụ, chúng ta sẽ tìm được hứng khởi để lên đường gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, vì Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1). Hơn nữa, qua việc chiêm ngắm mẫu gương Cha Thánh Đa Minh, chúng ta sẽ khám phá ra những phong cách mới làm phong phú căn tính đời tu Đa Minh, hăng say ra đi loan báo Tin Mừng trong tinh thần khiêm tốn và tràn đầy hy vọng.

1. Thánh Đa Minh – du thuyết trong khiêm tốn

Noi gương Đức Giêsu, Đấng “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11.29), Thánh Đaminh luôn sống khiêm tốn và vui tươi trong phục vụ. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài là một lời chứng khiêm hạ sống động luôn tận tụy phục vụ

Thiên Chúa và con người. Dù được sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 12, nhưng cuộc đời của thánh Đa Minh luôn sáng lên nét đơn sơ và giản dị. Ngài từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của gia đình để sống đời hành khất, đặt mình vào vị trí của những người nghèo khổ, bệnh tật và đói khát Chân Lý. Ngài khước từ mọi vinh hoa phú quý, quyền lực thế gian, ngay cả những ưu đãi cá nhân để toàn tâm toàn ý cho việc rao giảng Lời Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn. Cha Đa Minh đã sống khiêm tốn không chỉ qua lời nói mà còn bằng hành động. Cụ thể, Ngài đã sống khiêm hạ qua cầu nguyện, giảng thuyết và lãnh đạo Dòng. 

Khiêm tốn trong cầu nguyện: Cầu nguyện là hơi thở và là trung tâm đời sống của Thánh Đa Minh. Để “nói với Chúa,” thánh nhân thường thức suốt đêm cầu nguyện cho bản thân, cho tội nhân, cho Giáo hội, và cho thế giới. Cha Đa Minh khiêm tốn phủ phục trước sự hiện diện cao cả và thánh thiêng của Chúa và nài xin lòng xót thương của Ngài. Sự khiêm tốn của thánh nhân không chỉ thể hiện qua những tư thế khiêm cung của chín cách cầu nguyện[1] nhưng còn ở trong tâm thế sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, dù phải đối diện với muôn vàn thử thách gian nan. Không chỉ cầu nguyện nơi môi miệng, thánh Đa Minh còn thể hiện tâm tình với Chúa bằng cả con người. Lời cầu nguyện tha thiết của thánh nhân chất chứa lòng thương xót thẳm sâu và sự tín thác tuyệt đối vào thánh ý Chúa. Truyền thống kể lại rằng, trong cuộc sống, Cha Thánh đã dành nhiều giờ cầu nguyện hơn là nghỉ ngơi. “Ngài luôn nói với Chúa và nói về Chúa.”[2] Nhờ đó, thánh Đa Minh đã kết hợp nên một với Chúa, và nhiệt tâm thực hiện thánh ý Chúa qua sứ vụ giảng thuyết.

Cuộc sống khiêm cung của Thánh Đa Minh xuất phát từ đức tin sâu sắc vào Thiên Chúa. Ngài đặt mình trước mặt Chúa như một tội nhân, nhìn nhận tất cả những gì mình “có,” mình “là” đều đến từ Chúa. Cha Thánh đã vét rỗng chính mình để được Chúa đổ đầy những gì Chúa muốn. Theo Thánh Đa Minh, khiêm tốn là phó thác cậy trông vào Chúa, là nhìn nhận rằng mình cần Chúa, là để Chúa chiếm hữu mình và mình được chiếm hữu Chúa. Cha Đa Minh xác tín rằng chính Chúa đang hoạt động nơi ngài, và chính Chúa là nguồn sức mạnh cho sứ vụ tông đồ của ngài. Vì thế, thánh nhân đã đặt trọn niềm tin vào Chúa, để Chúa hướng dẫn và sử dụng ngài như một khí cụ hữu hiệu đem Lời đến với nhân loại. 

Khiêm tốn trong sứ vụ giảng thuyết: Đối với Thánh Đa Minh, khiêm nhường là phương thế tốt nhất của lời rao giảng. Vì thế, ngài khiêm nhu nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình và cậy trông phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trước khi vào thành để giảng dạy, ngài thường quỳ gối trên đường, xin Chúa xót thương chính mình cũng như tha thứ cho dân, đồng thời xin cho sứ vụ giảng thuyết của mình được trổ sinh hoa trái. Trên đường du thuyết, Cha Đa Minh không đặt mình lên trên các thính giả, nhưng đến với họ, gần gũi họ, và đồng bàn với họ để đối thoại, lắng nghe, học hỏi hầu cho lời rao giảng thêm phong phú và hấp dẫn. Bằng thái độ khiêm tốn của Tin Mừng, và bằng trái tim huynh đệ giàu lòng thương cảm khi đối thoại, lúc tranh luận về giáo lý, Cha Đa Minh đã đưa người chủ quán lạc giáo tại Toulouse trở về với đức tin chân thật của Giáo Hội.[3]

Với tinh thần khiêm tốn, Thánh Đa Minh thi hành sứ vụ giảng thuyết không phải để phô trương kiến thức mà chỉ mong muốn Chân Lý và tình yêu của Thiên Chúa được rao giảng và được tin nhận. Ngài xác tín rằng sứ vụ loan báo Lời sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nếu người giảng thuyết biết trở thành một dụng cụ khiêm tốn, một chứng nhân sống động của Lời, và là người phục vụ cần mẫn của Lời, để chính Lời biến đổi tâm hồn người nghe. Chân phước Giođanô Saxonia kể lại: ở mọi nơi, trong mọi việc, từ lời nói đến hành động, thánh Đa Minh luôn tỏ ra ngài là một con người của Tin Mừng, một người của Lời – người đã sống hết mình với Lời mình rao giảng.[4]

Khiêm tốn trong đời sống cộng đoàn: Dù là người lãnh đạo, là Đấng Sáng Lập Dòng, Thánh Đa Minh sống giữa cộng đoàn như một người anh em khiêm tốn, dễ gần, chan hòa, chia sẻ và phục vụ. Cha luôn nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các anh em và xem việc cùng nhau học hỏi, cầu nguyện, rao giảng là nền tảng của Dòng Giảng Thuyết. Cha luôn coi trọng cộng đoàn và sự hiệp thông huynh đệ, nên ngay từ khi thành lập Dòng, ngài đã không tự mình quyết định mà luôn tham khảo ý kiến của anh em. Thậm chí, ngài còn từ chối mọi vinh quang và quyền lực mà vai trò lãnh đạo có thể mang lại. Ngài muốn trở thành người anh em giữa anh em, và mong được đối xử như “một người trong anh em.”5 Thậm chí ngay cả khi qua đời, ngài cũng chỉ mong “được chôn cất dưới chân anh em.” 

Ước nguyện “được chôn dưới chân anh em” của thánh Đa Minh diễn tả lòng khiêm tốn theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình xuống để rửa chân cho các môn đệ; và đồng thời cũng nói lên lòng quý trọng tình huynh đệ. Đối với thánh Đa Minh, cộng đoàn là “nơi thánh,”[5] nơi anh em đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và của nhau. Hơn nữa, ước nguyện “được chôn dưới chân anh em” còn cho thấy Cha Thánh đã sống mầu nhiệm tự hủy – ngài không muốn để cho dấu ấn cá nhân mình đè nặng lên anh em. Vì thế, ngay từ tổng hội đầu tiên năm 1220, cha Đa Minh đã xin từ chức bề trên vì cảm thấy mình bất xứng và không đủ sức khỏe để lãnh đạo anh em. Trước sự ngỡ ngàng của các thành viên tổng hội, Cha đã trao việc điều hành Dòng cho các giám định viên và khiêm tốn công bố quyết định của mình: “Thưa anh em, tôi đáng bị cách chức, vì tôi không thích hợp với vị trí này và còn tắc trách nữa.”[6] Chính sự khiêm tốn của Thánh Đa Minh trong việc điều hành và trong đời sống cộng đoàn đã tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu thương, và dân chủ trong đời tu Đa Minh.

2. Thánh Đa Minh – du thuyết trong hy vọng

Ươm mơ trong trái tim khát vọng phục vụ Lời, cuộc đời của Thánh Đa Minh là một cuộc lữ hành bất tận mang ánh sáng Tin Mừng đến cho muôn nơi. Đối với cha Đa Minh, đường đi không chỉ là nơi để giảng thuyết và sống đức ái huynh đệ, nhưng còn là nơi ca tụng Thiên Chúa. Cha Đa Minh đã rảo khắp các nẻo đường từ Toulouse tới Rôma, từ Rôma tới Bologna, từ Bologna tới Paris, từ Paris tới Madrid… để rao giảng và để thiết lập các cộng đoàn. Có lẽ thời gian ngài ở trên đường cũng ngang bằng thời gian ngài ở với anh em. Là nhà du thuyết khiêm nhu và khó nghèo, đường đi là nơi đặc biệt để thánh Đa Minh thể hiện sức mạnh nội tâm, tinh thần khổ chế, lòng yêu mến và chiêm ngắm Thiên Chúa cũng như lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

Đường đi còn trở thành nội vi của thánh Đa Minh, một nội vi mở, một nội vi để cầu nguyện khi rảo khắp Châu Âu.[7]

Dòng Giảng Thuyết được thành lập giữa bối cảnh Giáo Hội đang đối mặt với vô vàn thử thách đến từ lạc giáo và những chia rẽ trong xã hội, nhưng Thánh Đa Minh luôn giữ vững niềm hy vọng vào sức mạnh biến đổi của Lời Chúa. Ngài tin rằng việc giảng thuyết Lời Chúa sẽ giúp hoán cải tâm hồn và xây dựng sự hiệp nhất yêu thương. Thánh Đa Minh luôn tin tưởng và hy vọng rằng mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa, và sống theo Tin Mừng nếu họ mở lòng đón nhận Lời rao giảng. Vì thế, ngài đặc biệt chú trọng đến việc đối thoại với các thính giả khác niềm tin, luôn kiên nhẫn và cảm thông, mong muốn hướng họ về chân lý đích thực là Đức Kitô – Ngôi Lời của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này thúc đẩy ngài kiên trì trong việc giảng thuyết và nhiệt tâm trong việc đào tạo anh em trong Dòng, để cùng loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước. 

Chính niềm hy vọng vững chắc nơi Thánh Đa Minh trở thành lời nhắc nhở mạnh mẽ cho mỗi chúng ta, những người đang tiếp bước ngài trong hành trình loan báo Lời và làm chứng cho Lời. Hy vọng không làm chúng ta thất vọng, nó giúp chúng ta vượt qua thử thách và trở thành động lực giúp chúng ta sống chứng tá Tin Mừng cách can đảm và thiết thực. Cuộc đời và sứ vụ của Thánh Đa Minh còn là lời mời gọi mọi người, đặc biệt người tu sĩ Thuyết Giáo, trở thành nhân chứng của Tin Mừng qua đời sống khiêm tốn, yêu thương và phục vụ trong hy vọng.

3. Thánh Đa Minh – Cảm hứng cho người du thuyết hôm nay

Trong bối cảnh Năm Thánh 2025, gương sống của Thánh Đa Minh nhắc nhở mỗi chúng ta về hành trình lữ hành trong đời sống đức tin không chỉ là một cuộc di chuyển về thể lý, mà còn là sự chuyển hóa nội tâm để gặp gỡ Lời, cưu mang Lời và sinh hạ Lời cho thế giới. Đời sống của thánh nhân chính là động lực thôi thúc chúng ta tìm kiếm niềm hy vọng và sự bình an đích thực mà chỉ có nơi Thiên Chúa.

Cuộc sống của Thánh Đa Minh phản ánh phẩm tính người môn đệ Chúa Giêsu – hiền lành và khiêm nhường. Khiêm nhường của Tin Mừng không phải là hạ thấp giá trị bản thân, nhưng biết đặt mình vào đúng vị trí, nhận ra rằng mọi điều chúng ta có đều đến từ Thiên Chúa. Khiêm tốn là sống đúng phẩm giá con người mà Thiên Chúa ban tặng. Từ đó, chúng ta tôn trọng tài năng, sức khỏe, thời gian của mình cũng như của người khác để mưu cầu ích chung. Chân dung thánh thiện của Cha Đa Minh mời gọi chúng ta sống chân thành, tôn trọng và yêu thương mọi người. Đức khiêm nhường của ngài giúp chúng ta không tìm kiếm sự nổi danh hay quyền bính, mà luôn hành động vì hai mục tiêu: vinh danh Chúa và lợi ích các linh hồn. Đây chính là điểm cốt lõi trong tinh thần Đa Minh – một tinh thần sống động của sự phục vụ Lời trong yêu thương, khiêm tốn và hy vọng.

Sự khiêm tốn của Cha Thánh là một tấm gương sáng chói cho đời hiến dâng với lòng yêu thương và sự chân thành của mỗi người tu sĩ Đa Minh:
– Trong cầu nguyện: Gắn bó mật thiết với Chúa để nhờ Chúa, chúng ta được biến đổi và lời rao giảng của chúng ta cuốn hút và có sức thuyết phục.
– Trong sứ vụ: Giảng thuyết bằng sự khiêm tốn và lòng thương xót sẽ đưa người nghe đến gần Thiên Chúa và kết nối mọi người trong niềm hy vọng vào Chúa Kitô.
– Trong cộng đoàn: Sống hiệp nhất, yêu thương và chia sẻ, biết đặt lợi ích của cộng đoàn và sứ vụ trên lợi ích cá nhân.

*****

Nhìn vào tấm gương Cha Thánh Đa Minh, người lữ hành giảng thuyết trong khiêm tốn và hy vọng, chúng ta có thêm động lực sống tinh thần Năm Thánh 2025 với trái tim rộng mở và niềm tin sâu sắc. Ước gì hành trình du thuyết nơi chính cuộc sống chúng ta trở thành dấu chỉ của hy vọng, và một lời rao giảng sống động về Chân Lý, Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Trong thế giới nhiễu nhương vì chiến tranh, hận thù, phân cực, đói nghèo, bất công và chia rẽ, con người đang mất dần niềm hy vọng vào cuộc sống và vào Thiên Chúa. Vì thế, người tu sĩ Đa Minh được mời gọi trở thành những người hành hương của niềm hy vọng qua đời sống khiêm tốn, chân thành yêu thương và dấn thân phục vụ. Chúng ta sẽ khởi đi từ mốc điểm “những người hành hương của hy vọng” cho chính mình, rồi cộng đoàn, cho Hội dòng, cho gia đình, cho những người chúng ta được sai đến để phục vụ, cho Giáo hội và cho thế giới. Khiêm tốn trong cầu nguyện, trung thực trong cách nghĩ, dịu dàng trong lời nói, khiêm nhu trong lối sống, và nhiệt tâm trong sứ vụ tông đồ là điều mỗi chị em chúng ta phải bắt đầu lại mỗi ngày và tập luyện suốt đời. Mỗi ngày, chúng ta nài xin Thiên Chúa ban ân sủng giúp chúng ta biết trông cậy và hy vọng vào Chúa cũng như biết cầu nguyện cùng Chúa với lòng khiêm tốn thẳm sâu.

Trong Năm Thánh 2025 này, chúng ta giúp nhau họa lại chân dung Cha Thánh Đa Minh trong vai trò của nhà du thuyết khiêm tốn và hy vọng để tìm nguồn cảm hứng làm mới lại căn tính Đa Minh cho thời đại hôm nay. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta mở cánh cửa tâm hồn gặp gỡ Chúa cách cá vị và sống động. Xin Ngài canh tân đời sống, đổi mới nếp nghĩ, và tăng thêm nhiệt huyết, thúc đẩy chúng ta cùng nhau lên đường trong tâm thế hiệp hành, cầu nguyện, khiêm tốn và hy vọng, hết mình phục vụ Chúa và tha nhân. 

[1] Guy Bedouelle, OP., Thánh Đa Minh Ân Sủng Lời Chúa, (Tủ Sách Đại Kết, 1992), 258-263.

[2] Chứng từ của anh Guilaume de Montferat, trong án phong thánh tại Bologna. Trích tại: Saint Dominique, La VIE tr. Apostolique, 44.

[3] Libellus, 15. Trích tại Simon Tugwell, Jordan of Saxony: On the Beginnings of The Orders of Preachers, (Dublin: Dominican Publications, 1982).

[4] 4 Libellus, 104. 5 Simon Tugwell, Thánh Đa Minh và Dòng Giảng Thuyết. trích tại:

https://catechesis.net/thanhdaminhvadonggiangthuyet/

[5] Phan Tấn Thành, Tái Khám Phá Tình Huynh đệ Đa Minh, trích tại: https://catechesis.net/taikhamphatinhhuynhdedaminh/

[6] William A. Hinnebush, The Dominicans: A Short History, (Dominican Publications, 1985), 13.

[7] Alain Quilici, 15 Ngày với Thánh Đa Minh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ,  (Paris: Nouvelle Cite, 1999), 105.

Comments are closed.

phone-icon