Bộ tranh Sơn dầu “9 cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh”

0
 
Trong ngày mừng kính Thánh Tổ phụ Đa Minh, Ban Truyền Thông xin trân trọng giới thiệu Bộ tranh Sơn dầu “9 CÁCH CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐA MINH” do Sr. Teresa Uyên Ly – Dòng Đa Minh Tam Hiệp thực hiện. Bộ tranh này đang được trưng bày tại Nhà Khách của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp.

🌹 Để hiểu thêm nghĩa của bộ tranh này, xin mời quý độc giả xem bài viết của Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP về 9 cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh dưới đây:

Những bức tranh họa lại 9 cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh đã thấy lưu hành vào cuối thế kỷ XIII. Bản văn này được xếp vào những văn phẩm cổ nhất về linh đạo Đa Minh. Ngoại trừ cách cầu nguyện thứ 9 kể lại việc cầu nguyện khi đi đường, còn các cách cầu nguyện khác đều nằm trong khung cảnh của tu viện, trong phòng riêng hoặc nhà nguyện, và luôn luôn trước tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh.

🌹 Cách thứ nhất: Cúi mình trước thánh giá. Thái độ cung kính thờ lạy.

20240808_193243

“Đứng thẳng trước bàn thờ, Đa Minh cúi sâu xuống, như bái chào Đức Kitô thực sự đang hiện diện trên bàn thờ. Sau khi đã cúi mình một lúc lâu, Đa Minh đứng thẳng người lên và nghiêng đầu ngắm Đức Kitô là Đầu của mình, đối chiếu vẻ uy nghi cao cả của Ngài với sự thấp hèn của mình, rồi bộc lộ tâm tình cung kính thờ lạy”.

Cử chỉ cúi đầu mang hai dấu chỉ: sự khiêm nhường và sự tôn kính. Trong Tân Ước, chúng ta thấy hai mẫu gương của người cầu nguyện với lòng khiêm nhường: người phụ nữ Canaan: “Vâng, lạy Ngài, vì đàn chó cũng được ăn những mảnh vụn rơi xuống tự bàn của chủ chúng nó” (Mt 25, 22-28), và viên sĩ quan đã nói: “Tôi không đáng để Ngài vào nhà tôi” (Mt 8, 8).

Thánh Đa Minh nghiêng mình trước bàn thờ vì tin rằng Chúa Giêsu đang hiện diện trên bàn thờ. Thánh nhân thấy trước mặt mình Đấng chịu đóng đinh đã mặc lấy thân xác nô lệ của mỗi người chúng ta. Cử chỉ cúi đầu của thánh nhân là một lời đáp trả sự hạ mình của Chúa Giêsu. Ba biến cố lớn trong cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy sự khiêm nhường của Người: Mầu nhiệm Nhập thể; Người chịu thanh tẩy trong sông Giodan bởi Gioan tẩy giả; Người chịu đóng đinh như một tên nô lệ.
Vì thế, thánh Đa Minh yêu cầu anh em tự hạ mình trước Ba Ngôi khi long trọng đọc “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Trong Hiến pháp cũng nói đến những nguyên tắc trong phụng vụ: xong kinh Sáng, anh em đi đến ở giữa và cúi đầu thật sâu trước bàn thờ, hay làm dấu Thánh giá khi đối diện trước bàn thờ.

🌹 Cách thứ hai: Nằm phục xuống đất. Thái độ tạ tội.

IMG_3251

Đa Minh thường cầu nguyện nằm sấp mình xuống đất. Cha giục lòng thống hối, nhớ tới lời của người thu thuế và kêu to lên ra như để cho Chúa nghe thấy: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Thế rồi cha òa lên khóc lóc thống thiết.

Tại sao thánh nhân khóc ? Trong Tin Mừng Lc 19,41-44, Chúa Giê su khóc thương thành Giêrusalem vì không nhận biết sự viếng thăm của Ngài. Chúa Giêsu khóc trước sự hờ hửng, vô ơn, bạc nghĩa của con người. Ngài còn tiếp tục khóc vì con người ngày nay đã lìa xa Thiên Chúa. Vì thế, thánh Đa Minh khóc cho tội lỗi của mình và tha nhân.

Thánh Đa Minh nằm sấp mình xuống đất, người đồng hóa mình với tội nhân “Lạy Chúa! xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18, 13). Đất biểu tượng của đau khổ, thất vọng của con người. Nằm trên đất, con người không cử động được nữa, đau khổ làm cho con người không đứng dậy nỗi, không đi được. Qua cách cầu nguyện này, thánh Đa Minh biểu lộ sự thống hối, ý thức về tội lỗi, hậu quả của tội lỗi đè nặng trên con người, nên thánh nhân nằm sấp mình. Chỉ có một lời nói của Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi tình trạng này.

🌹 Cách thứ ba: Thống hối, đền tội.

IMG_3252

Đa Minh chỗi dậy và dùng một roi sắt để đánh mình, đang khi nguyện: “Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh”.
Thánh Đa Minh nhớ lại Chúa Giêsu chịu đánh đòn trong cuộc thương khó, nên người dùng một roi sắt để đánh trên vai và lưng. Trong cầu nguyện, chúng ta hay bị ma quỷ cám dỗ, do đó phải có những hãm mình trong thân xác để chiến thắng kẻ thù.
🌹Cách thứ tư: Bái gối (và đứng lên) nhiều lần. Đôi mắt hướng về thập giá.

IMG_3253

Đa Minh chăm chú nhìn vào thánh giá, chiêm ngắm và bái gối nhiều lần. Đa Minh muốn bắt chước người phong phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và van nài: Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành” (Lc 5, 12). Đa Minh lại quỳ gối xuống bắt chước Stephanô kêu lên: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ” (Cv 5, 12). Đa Minh đứng lên, cảm thấy đầy tin tưởng nơi lòng lân tuất của Chúa đối với mình và với hết mọi tội nhân cũng như ơn che chở những tu sĩ trẻ được sai đi rao giảng.
Thánh Đa Minh đưa chúng ta dần dần đến trung tâm của lời cầu nguyện: chăm chú nhìn lên Chúa. Cái nhìn bên ngoài lẫn bên trong. Thánh nhân bày tỏ với Chúa Giêsu bằng những tiếng kêu xin thật lớn đến nỗi các anh em nghe thấy. Lời cầu nguyện của người muốn làm dịu lòng Thiên Chúa, vì người mang trong lòng khốn khổ của bản thân và của những người tội lỗi. Để biểu lộ sức mạnh của tiếng thét gào, thánh nhân còn quì gối như thánh Stephano khấn xin cho người bách hại mình. Thánh nhân đứng lên, tiến lại gần Thập giá như muốn đặt cuộc sống của mình nơi Ngài.
🌹 Cách thứ năm: Đứng thẳng người, với cử động xích lại gần bàn thờ.

IMG_3254

Quan sát cử điệu của hai bàn tay: khi mở ra, khi úp lại, khi mở rộng ra như đang tâm sự với Chúa Giêsu.
Trước bàn thờ, Đa Minh đứng thẳng người, xòe bàn tay ra trước ngực tựa hồ như đang đọc sách, và đứng trong tư thế ấy cách sốt sắng. Đôi khi, Đa Minh chắp hai tay lại nhắm mắt cầm trí, rồi giang tay ra ngang tầm của đôi vai ra như đang muốn nghe điều gì đó.
Trong Cựu Ước, đứng thẳng trước Thiên Chúa là cử chỉ thông thường của người cầu nguyện, như Abraham đứng trước Thiên Chúa: “Sáng mai Abraham dậy sớm ra chỗ ông đã đứng hầu Yavê” (St 19, 27). Như Môsê: “Còn ta, ta đứng trên núi như những ngày trước, bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, và Yavê đã nhận lời ta cả lần này nữa, Yavê đã không nỡ tru diệt ngươi” (Dn 10, 10). Trong Tân Ước, hình ảnh người biệt phái đứng xa xa để cầu nguyện và được Thiên Chúa nhậm lời (Lc 18, 11). Còn trong sách Khải Huyền, các Thiên Thần đã đứng hầu cận Thiên Chúa (Kh 7,9 ; 20,12). Đứng thẳng còn là dấu chỉ của sự phục sinh.
🌹 Cách thứ sáu : Bắt chước cử điệu Chúa Giêsu giang tay trên thập giá.

IMG_3255

Đa Minh đứng thẳng người, giang thẳng tay ra như hình thánh giá. Chính trong tư thế cầu nguyện như vậy mà tại Roma, Chúa đã cho một chàng thanh niên tên là Napoleon sống lại, hoặc khi cứu một đoàn hành hương người Anh bị đắm ở một dòng sông. Cũng trong tư thế ấy mà có lần người ta thấy thân cha được nhấc lên cao khỏi mặt đất đang lúc cử hành thánh lễ. Tuy nhiên cha chỉ sử dụng cách thế này khi được Chúa linh ứng. Ra như Đa Minh muốn để cho lời cầu nguyện nhấc bổng mình lên tới Chúa, hay là vì được Chúa soi sáng phải xin một ơn gì khác thường cho mình hay cho người khác cho nên cha phải dùng lời lẽ của vua Đavit, lửa nồng của Elia, lòng sốt mến của Đức Giêsu hay với chính tình yêu của Chúa.
Thánh Đa Minh và Chúa Giêsu nên một với nhau. Cử chỉ giang tay như hình thánh giá biểu hiện một hy tế hoàn hảo, sự hiến dâng chính mình và sự cởi mở trước tha nhân. Cử chỉ này là biểu tượng của sự chết, nhưng nó trở thành cử chỉ của sự sống, sự phục sinh và giải thoát nhờ Chúa Giêsu. Thánh Đa Minh bắt chước Mô sê trong Xh 17, 8-12: như Môsê giang tay cầu nguyện cho dân Israel thắng trận, thánh Đa Minh cũng giang tay làm cho Napoleon sống lại và cứu những người Anh khỏi cơn bão.
🌹 Cách thứ bảy: Vươn hai cánh tay lên trời cao để khẩn khoản, van nài.

IMG_3256

Khi Đa Minh cầu nguyện, nhiều lần cha giơ hai tay thẳng lên trời như phóng mũi tên lên không trung; có lúc cha chắp hai tay lại ở trên đầu, có khi cha tách ra như là phải đón nhận cái gì đó.
Cách cầu nguyện thứ 7 nối tiếp cách cầu nguyện thứ 5 và 6, thánh Đa Minh luôn đứng thẳng và tay người khi thì giang ra như hình thánh giá (cách 6), khi thì giương cao như mũi tên. Cử chỉ của thánh Đa Minh được mô tả như sau: “Người vươn lên trời như mũi tên phóng lên trời”, tay giương cao lên khỏi đầu, chấp lại hoặc mở ra như đón nhận một vật gì đến từ trời. Những từ ngữ mô tả chuyển động giơ lên cao “vươn lên”, “trời”, “một mũi tên” diễn tả cường độ của thân thể, cũng như những thành ngữ “toàn thân”, “phóng lên”. Thân xác thánh nhân được ví như mũi tên phóng lên trời.
🌹 Cách thứ tám : Học hỏi và cầu nguyện.

IMG_3257

Sau khi lòng được hung nóng nhờ lời Chúa nghe ở cung nguyện hay nhà cơm, Đa Minh rút lui vào chỗ cô tịch để đọc sách thánh và cầu nguyện. Cha ngồi xuống yên tĩnh, làm dấu thánh giá, mở sách ra và đọc. Linh hồn cha cảm thấy sự xúc động ngọt ngào như thể chính Chúa nói chuyện vậy, như có lời chép: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” Tv 84, 9.
Thánh Đa Minh ngồi, đây cũng là cử chỉ Chúa Giêsu làm trong những lúc quan trọng : Ngài ngồi cùng bàn với người tội lỗi và quân thu thuế, Ngài ngồi xuống để giảng dạy và ngồi để nói chuyện với người phụ nữ Samari.
Thánh Đa Minh ngồi xuống yên tĩnh và mở sách ra đọc, đây là cử chỉ cầu nguyện lâu giờ, một thái độ lắng nghe như Maria ngồi dưới chân Chúa (Lc 10, 39). Qua đây, chúng ta thấy thái độ cần thiết trong cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa, đi tìm thánh ý Ngài.  
🌹 Cách thứ chín : Cha Đa Minh cầu nguyện khi đi đường.

IMG_3258

Đa Minh tiếp tục cầu nguyện cả khi đi đường, nhất là khi đi ngang một chỗ thanh vắng. Đa Minh tiến lên trước hay lùi lại đàng sau, vừa đi vừa suy gẫm, để cho lòng sốt sắng được hun nóng. Đa Minh thường hay thức đêm cầu nguyện cho tới giờ Kinh đêm; cha cũng tham dự giờ kinh với anh em; và đi từ phía này sang phía kia để thúc giục các anh em hãy hát kinh lớn tiếng và sốt sắng.
Nhìn vào tấm ảnh, chúng ta thấy có 3 cảnh: trong hai cảnh đầu, thánh nhân đi cùng với anh em, hướng đi của họ từ trái sang phải; ngược lại, hình phía dưới, thánh nhân quay về bên trái, đối diện với người cùng đi đang quì trên chiếc áo khoác. Trong tay trái, người cùng đi đưa cho thánh nhân vật gì giống như cuốn sách. Thánh Đa Minh đứng thẳng, giơ tay phải lên chúc lành. Bản văn không có một lời giải thích nào cả. Nhưng có người cho rằng có thể thánh nhân trao phó sứ vụ tông đồ cho những anh em thuyết giáo đại diện người quì trước mặt thánh nhân, và chúc lành cho Hiến pháp của dòng.
Trên đường đi, thánh nhân chỉ “nói với Chúa và nói về Chúa”. Câu châm ngôn này khẳng định những mô hình của việc giảng thuyết: “Khi các anh em ra đi rao giảng, họ sẽ nhận từ bề trên những gì hợp với truyền thống và tu luật Dòng. Sau khi nhận chúc lành, họ sẽ ra đi khắp nơi như những người ước muốn ơn cứu độ của họ và những người khác. Họ ra đi với tất cả tấm lòng thành và tinh thần tu sĩ như những con người Tin Mừng, bước theo dấu vết Đấng cứu độ: ra đi không mang theo tiền, quà, trừ thức ăn với quần áo cần thiết và sách vở.
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP
(Biên soạn theo Catherine Aubin, Prier avec son corps à la manière de saint Dominique, Paris, Cerf, 2005)

Comments are closed.

phone-icon