Gia đình trong hoàn cảnh xã hội hiện nay

0

Một trong những vị Giáo Hoàng quan tâm nhiều đến gia đình là Đức Gioan-Phaolô II. Trái tim của Người đã hòa nhịp với các gia đình trên toàn thế giới và dành cho cả gia đình nhân loại đang bị tổn thương bởi tính ích kỷ, bạo lực, chiến tranh, đe dọa bằng mọi cách. Trong bức Tâm Thư Gởi Các Gia Đình năm 1994, ngài đã viết:

“Chúa Giêsu đã trao phó con người cho Giáo Hội: Người đã trao phó con người cho Giáo Hội như đường lối thực hiện sứ mệnh phục vụ của Giáo Hội. Giữa những đường lối đa tạp, gia đình là nẻo đường thứ nhất và quan trọng nhất. Đó là nẻo đường chung cho tất cả, nhưng lại là nẻo đường riêng biệt duy nhất không thể lập lại như chính mỗi cá nhân không thể lập lại.Thực vậy, thông thường, con người đi vào thế giới trong một gia đình, và có thể nói, nó mắc nợ gia đình ngay từ sự kiện được hiện hữu thành một cá nhân” […].

Hơn nữa “Mầu nhiệm Ngôi lời Nhập Thể của Thiên Chúa liên kết mật thiết với gia đình nhân loại: không những với một gia đình, một gia đình ở Na-da-rét, nhưng một cách nào đó, với hết mọi gia đình […]. Giáo Hội coi việc phục vụ gia đình là một trong những bổn phận thiết yếu của Giáo Hội. Trong ý nghĩa nấy, cả con người và gia đình kết cấu thành con đường của Giáo Hội”. (số1.2).

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng đã diễn tả ơn gọi và thực tại cao cả của gia đình bằng những kiểu nói đầy ý nghĩa: Gia đình là sự tỏ mình của Chúa, là tế bào căn bản của xã hội, là đền thờ của sự sống, là sự hiệp thông của tình yêu, là nền tảng của tương lai, là di sản của nhân loại, là Giáo Hội tại gia… Và ngài kêu gọi:

– Các đôi vợ chồng, cha mẹ hãy bảo vệ ơn gọi riêng của mình,

– Các nhà chính trị hãy nỗ lực giúp phát triển gia đình và sự sống,

– Các giám mục hãy xem mục vụ gia đình là việc khẩn cấp; hãy nâng đỡ các gia đình trẻ; hãy bảo vệ những giá trị và sự thánh thiện của gia đình,

– Các phương tiện truyền thông xã hội hãy quảng bá việc suy tư và đối thoại về gia đình cũng như những vấn đề của gia đình, với sự kính trọng và trách nhiệm.

Ý thức được tầm quan trọng của vai trò gia đình trong việc canh tân và phát triển cộng đoàn cơ bản là Giáo xứ, và ở chiều kích lớn hơn là Giáo phận, Giáo hội cũng như Xã hội; đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và HĐGMVN trong công tác thánh hóa, bảo vệ và phát triển gia đình, chúng tôi xin góp phần nhỏ bé vào công tác phục vụ gia đình, một môi trường bao la và phức tạp, một Vườn Địa Đàng quý báu, đòi hỏi nhiều người chung ý, chung lòng, chung tay canh giữ và giúp thăng tiến.

BÀI 1

 GIA ĐÌNH TRONG HOÀN CẢNH XÃ HỘI HÔM NAY

 1/ Thuận Lợi

1. Ý thức mạnh mẽ hơn về tự do cá nhân.
2. Chú ý nhiều hơn đến tương quan liên vị trong hôn nhân
3. Nâng cao phẩm giá phụ nữ
4. Ý thức việc sinh sản có trách nhiệm
5. Chú ý đến việc bảo vệ và giáo dục trẻ em
6. Ý thức về nhu cầu phải phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ nhau về mặt tinh thần cũng như vật chất.

2/ Không thuận lợi

      Những dấu hiệu suy thoái về những giá trị luân lý:

1. Quan niệm sai lầm về sự độc lập giữa vợ chồng, quyền bình đẳng giới
2. Quan niệm không rõ ràng về quyền của cha mẹ đối với con cái
3. Khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền những giá trị gia đình đã có
4. Các vụ li thân, li dị gia tăng, tái hôn (xã hội)
5. Từ chối việc truyền sinh sự sống: ngừa thai,triệt sản, chống thụ thai, phá thai…

3/ Nguyên nhân

1. Suy đồi trong quan niệm và kinh nghiệm về tự do (quan niệm không đúng về tự do)

– Tự do là khả năng tìm biết đâu là sự thiện, đâu là điều tốt để lựa chọn, và biết lựa chọn những phương thế thích hợp để thực hiện. Trong Hôn nhân, tự do là khả năng thực hiện đúng chương trình mà Thiên Chúa đặt ra cho hôn nhân.

– Quan niệm sai lầm: coi tự do như một khả năng để khẳng định sự tự lập của mình, để làm bất cứ điều gì mà không hề biết đến tốt xấu, đúng sai. Tự do như thế là chỉ lo cho ích lợi của riêng mình vì chống lại người khác.

2. Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội

– Truyền thông thường phổ biến và phóng đại lối sống không lành mạnh, không theo tiêu chuẩn luân lý, không tôn trọng giá trị luân lý.

– Truyền thông thường trình bày những điều không hợp pháp như là hợp pháp và đặt căn bản các giá trị trên vật chất, nơi những gì hào nhoáng bên ngoài hoặc thực dụng.

3. Hiện trạng xã hội

 Cuộc chiến, cuộc xung đột thời đại giữa hai tình yêu: một bên là tình yêu đối với Thiên Chúa đến độ coi nhẹ chính mình, và một bên là lòng yêu chính bản thân mình đến độ coi thường Thiên Chúa và những lề luật của Người.

4/ Chúng ta phải có thái độ sống thế nào?

Tất cả những bóng tối của luân lý thời đại hôm nay đều ảnh hưởng đến đức tin và lương tâm người tín hữu, đến gia đình, vì vậy:

1. Cần phải huấn luyện lương tâm để mỗi người có khả năng:      

– Phân định được sự thiện và sự ác, điều lành và điều giữ; phân biệt được điều đúng và điều sai, điều phù hợp thánh ý Chúa và điều chống lại.

– Nhận biết được sự ưu tiên của các giá trị luân lý như giá trị của nhân vị, ý nghĩa cuối cùng của sự sống và những giá trị cơ bản của sự sống.

– Huấn luyện bằng: học hỏi Lời Chúa, giáo lý, giáo huấn của Giáo Hội. 

2. Phải thành tâm hoán cải và chiêm ngắm gương mẫu của Đức Kitô

– Tội lỗi đang len lỏi vào những giá trị cơ bản của giao ước hôn nhân, làm biến đổi những đặc điểm và mối tương quan vợ chồng, làm cho vợ chồng trở nên ích kỷ chỉ biết tìm lợi ích cho riêng mình.

– Phải trở lại bằng việc từ bỏ tội lỗi, từ bỏ sự dữ, để gắn bó với sự thiện toàn diện.

– Hướng nhìn vào Đức Kitô như gương mẫu lý tưởng cho gia đình: Người là vị Hôn Phu tuyệt vời đã yêu thương, gắn bó với Giáo Hội đến nỗi hi sinh, quảng đại trao hiến mình.

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

Comments are closed.

phone-icon