Mỗi lần mừng lễ Phục sinh, điều gây ấn tượng sâu sắc và gợi lòng sốt sắng nhất cho tôi, chính là bài ca tiếp liên: “Bà Maria ơi, trên đường Bà thấy những gì, trên đường Bà thấy những gì, xin kể cho chúng tôi nghe?”. Đó là chân dung của một người biết yêu, đó là bước chân đẹp của người loan Tin Mừng, đó là hình ảnh của người chiến thắng sau nhiều lần chiến bại. Maria, một người nữ nhưng chí nam nhi, nàng không đầu hàng sự khó. Khi hầu hết các môn đệ bỏ Chúa, nàng vẫn theo sát Chúa nhất là trong những giây phút bi đát nhất: trên đường Golgota và ở dưới chân Thập Giá. Nàng can đảm đính kết với tên tử tội, một người mà trong giây phút bi thảm nhất không ai dám ra mặt liên hệ và thú nhận tương quan.
Trong Tin Mừng Phục sinh và trong mùa Phục sinh, Maria Madalena là nhân vật nổi bật vì Bà là người đã được Đấng Phục Sinh hiện ra đầu tiên. Bà cũng là người được Đấng Phục sinh trao sứ vụ trước hết: làm tông đồ cho các Tông đồ.
Maria, người đã chạy đến mồ lúc trời còn tối, khi muôn loài còn chìm trong giấc ngủ. Bà đi xức dầu thơm cho xác Chúa như bao phụ nữ khác trầm mặc bên mộ người yêu. Tình yêu đã khiến Bà quan tâm, chăm sóc xác thầy. Có lẽ cả đêm Madalenna không dám ngủ, Bà mong chóng đến giây phút cho phép Bà làm một nghĩa cử yêu thương mà không vi phạm luật ngày Sabbát. Bà mong giây phút hội ngộ dù Thầy chỉ còn là một xác chết vô hồn.
Trong tâm trạng của một người không còn người yêu và chỉ còn một hy vọng mong manh được thấy xác thày để níu kéo sự hiện diện đã mất. Nhưng xác Thầy trong mộ cũng đã không còn nên Bà đã thảng thốt kêu lên: “người ta đã lấy xác Thày rồi”. Bà thất vọng oà khóc, bà đưa mắt quanh ngôi mộ trống mong thấy xác Thầy ở một nơi nào đó… Maria chưa thể nhận ra sự Phục Sinh nơi những dấu chỉ, nhưng Bà đã thấy những dấu chỉ Phục sinh trước nhất : Hòn đá lấp cửa mồ lăn ra một bên. Hòn đá chia cắt thầy mình, bức màn thử thách ngăn cách tình yêu; nấm mồ chôn vùi tình yêu nay được bật mở, tảng đá vững chắc không thể lay chuyển sẽ mãi chôn vùi người yêu bây giờ phải đầu hàng tình yêu, nấm mồ không còn là nơi người chết được tẩm liệm cẩn thận bị nhốt sau một hòn đá vĩ đại bít cửa như điểm tận cùng nữa. Nhưng hòn đá, sức nặng đè bẹp người chết đã bị lăn ra, được cất ra khỏi mồ (Ga20,1). Đấng phục sinh đã huỷ diệt vương quốc của sự chết được biểu trưng bằng nấm mồ.
Maria ra đi đến mồ đang khi các môn đệ vẫn còn tự nhốt mình trong một ngôi nhà cửa đóng then cài, người yêu không thể bàng quan trước nỗi đau khổ và nhất là cái chết của người mình yêu. Người yêu thổn thức và đau đớn từng giây phút theo nhịp hấp hối của người yêu. Bà đến gặp thân xác đã tẩm niệm để hoàn tất lễ nghi an táng. Nhưng sự tìm kiếm xác chết không còn ý nghĩa nữa: “Tại sao lại tìm người sống giữa những người chết?” (Lc24,5). Sự can đảm đi ra khỏi “chỗ ẩn nấp an toàn” đã mang lại kết quả bất ngờ: Bà đã gặp Chúa Phục Sinh.
Bà đã mạo hiểm đi đến cùng. Bà chỉ mong sẽ được gặp gỡ một thân xác của người đã chết. Bà đã đi đến mồ trong một tâm trạng héo hắt, tê tái, đã vậy bà lại chạm vào một thực tại nghiệt ngã: xác Thày không còn nữa, chắc chắn phải là quân côn đồ nào đó đã chơi xỏ các môn đệ của Thầy hay kẻ thù của Thầy phải trả đũa đến cạn tàu ráo máng mới buông tha. Đó là đường cùng rồi. Đối với những gì đã xẩy ra trong quá khứ dù lẫy lừng của Thầy cũng chết với Thầy rồi. Tất cả chỉ là một giấc mơ qua mau. Còn đối với hiện tại, tất cả đã chấm dứt từ đây. Còn đối với tương lai, chỉ còn là một thất vọng ê chề.
Phải có một lời của Thần sứ để đưa Bà ra khỏi bước đường cùng, mở cho Bà một con đường mới, đó là con đường đã bị bỏ quên: ‘‘Các ngươi tìm Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, Người không còn ở đây vì Người đã phục sinh như Người đã nói… nhanh lên, hãy đi báo cho các môn đệ của Người, Người đã phục sinh giữa những kẻ chết. Người đi trước anh em đến Galilê, ở đó anh em sẽ gặp Thầy”. Nếu Madalenna dừng lại bên mồ, đó là ngõ cụt, là đường cùng thì Bà sẽ không là người thứ nhất được diễm phúc này. Bà phải rời cái nơi u sầu chết chóc để đến điểm hẹn của Thầy. Điểm hẹn không phải là giữ Thày lại cho riêng mình để cảm nếm, để an hưởng sau những ngày tái tê nhưng là một cuộc ra đi, từ bỏ. Mọi ơn gọi đều bắt đầu bằng một cuộc ra đi như thế.
Bà ra đi để loan báo sự chết đã rơi vào quên lãng, con đường tình yêu đi đến sự hi hiến hoàn toàn đã bừng sáng niềm hy vọng. Đấng hi hiến vì tình yêu đã khải hoàn toàn thắng tử thần.
Để là sứ giả Tin Mừng Phục Sinh thì Madalena phải cảm nghiệm trước tình yêu phục sinh của Đức Kitô trong cuộc đời mình. Bà kinh qua sự chết bằng những đau khổ để thấy sự sống quí giá dường bao! Bà kinh nghiệm sự lạnh giá tiêu điều của mùa đông để thấy mùa xuân rực rỡ và trào tràn sự sống là như thế nào.
Madalena phải có thời gian để biết, để nhìn ra sự sống luôn luôn là tiếng nói cuối cùng trên sự chết. Nghĩa là thời gian Thầy mình nằm ngủ trong mồ để cho mắt mình được dần dần mở ra trong đau thương, trong tình yêu thất vọng. Người ta hẳn học được nhiều bài học ý nghĩa trong đêm tối (đau khổ) .
Tình yêu và đau khổ đã dạy Bà bài học đức tin. Madalena đã tin trước nhất, dù bà không được gần gũi Thầy, nghe Thầy dạy nhiều như các môn đệ. Bà đã đi con đường tắt, con đường của những con người bé nhỏ, con người biết những giới hạn của mình, con người chỉ có một tài sản duy nhất là tình yêu.
Đứng trước tình yêu người ta không làm bảng thống kê, cũng không dùng tri thức để phân tích hay lý luận. Tình yêu chỉ có một cách đơn giản là yêu và yêu là thắng tất cả. Đứng trước biến cố Phục Sinh, người ta không thể dùng lý trí để suy luận vì sự Phục Sinh của Đức Kitô là một màu nhiệm không ở thế giới của chúng ta, nên không thể dùng ngôn ngữ diễn tả cũng như không thể dùng khoa học để chứng minh được sự Phục Sinh.
Phục Sinh chỉ có thể hiểu được bằng cảm nghiệm và chỉ có tình yêu mới cho chúng ta cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh. Madalena chập chững từng bước trong hành trình niềm tin của mình sau các môn đệ, những người đã được cùng ăn cùng uống với Đức Kitô, cùng sống cùng hành trình trên mọi nẻo đường Palestin với Đức Kitô, nhưng lại có vẻ đến đích trước các ông, chỉ vì Bà đã yêu nhiều.
Tình yêu không lý luận, nhưng tình yêu cảm nhận được sự mặn nồng của người yêu, dáng dấp của người yêu và tiếng nói của người yêu. Khi nhận được sứ điệp của Đấng Phục Sinh, Madalena đã cấp tốc lên đường, Ngài trở thành sứ giả đầu tiên loan Tin mừng Phục Sinh. Vinh hạnh biết bao cho giới liễu yếu đào tơ đã trở thành kẻ loan tin mừng cho những người đang thất vọng: “Hãy đi báo cho anh em Ta”: Đấng Phục Sinh như ngầm bảo: con đã tin Ta từ cõi chết sống lại, hãy chia sẻ niềm tin này cho anh em Ta.
Nhưng niềm tin đâu có luôn xuôi buồm thuận gió nhưng luôn luôn bị thử thách. Đó là cách giáo dục của Chúa để cho niềm tin tăng trưởng. Madalena bị các tông đồ bác lại, các Ngài không dễ dàng tin lời một người phụ nữ vẫn thường bị cho là yếu vía, tin ma thờ quấy, nhảm nhí, mê tín dị đoan, nhiều tưởng tượng và ảo tưởng.
Madalena hẳn ở trong một tình huống rất khó xử. Một đường tình yêu thúc đẩy phải cấp bách loan Tin Mừng, một mặt bị chống đối mạnh mẽ về phía các môn đệ. Có thể các Ngài phản bác mạnh mẽ vì nhiều lý do. Sứ vụ của Madalena không thuận đò xuôi bến, không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Nhưng với ngôn ngữ tình yêu, Bà đã thuyết phục ngôn ngữ lý trí.
Từ lúc nhận sứ điệp phục sinh, Chúa Giêsu trở thành Đức Chúa đối với Bà. Đây là danh xưng của các Kitô hữu tiên khởi đã dành cho Đấng Phục Sinh. Khi Madalena bập bẹ niềm tin qua danh xưng “Đức Chúa” có nghĩa là Bà đặt Chúa làm đối tượng duy nhất và trước nhất. Bà tôn thờ và kính mến Đấng Phục Sinh hơn mọi hữu thể trần gian. Đặt Ngài làm thần tượng tuyệt đối vì Bà đã cảm nghiệm được tình yêu của Đấng Phục Sinh .
Chính tình yêu của Đấng Phục Sinh và chính tình yêu của Bà dành cho Đấng Phục Sinh đã làm cho Bà thấy, nhận diện và cảm nghiệm Chúa Giêsu thực sự đang sống. Chính tình yêu đã làm cho Bà tin mặc dầu Đức tin phải làm những bước mạo hiểm, phải phóng mình về phía trước, phải đoạn tuyệt với những gì mình từng gắn bó. Tình yêu dạy cho Bà những điều lý trí không thể biết. Ngôn ngữ tình yêu thì lý trí không hiểu được. Ngôn ngữ tình yêu không cần nhiều lời nhưng sâu sắc. Đấng Phục Sinh chỉ cần gọi tên Bà là Bà đã nhận ra được Người.
Tình yêu cho Bà sự bén nhạy để rồi sau đó Bà trở thành kẻ loan Tin mừng Phục Sinh cho chính những người đáng lẽ phải được biết Tin Mừng này trước nhất.
Điển hình hai môn đệ trên đường Emau đã thuật lại cho Đấng Phục Sinh về việc các phụ nữ đã được diễm phúc gặp Đấng Phục Sinh: “Thật ra đã có mấy người trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ra mộ hồi sáng sớm, nhưng không thấy xác người đâu cả, về còn nói là đã thấy Thiên Thần hiện ra bảo rằng người vẫn sống”.
Đối với Bà, Ngài thật là Thiên Chúa, một Thiên Chúa bị nộp vì tình yêu, một Thiên Chúa của niềm vui, sự bình an và lòng thương xót vì chính Ngài đã cho Bà cảm nghiệm được điều này.
Tình yêu cho Bà mau lẹ nghiệm ra Ngài không phải là bóng ma nhưng là một Đấng Phục Sinh. Trước đây mấy ngày Ngài đã bị đánh đập, bị xét xử và bị đóng đinh. Ngài đã chết thật trên Thập Giá, Ngài đã được chôn táng trong mồ, chính tay Bà đã xoa nắn xác Thày. Rồi trở về trong đau buồn vì những hình ảnh Bà đã chứng kiến mấy ngày qua. Tất cả đều đã chấm dứt với mồ yên mả dài. Nhưng đâu ngờ chính trong trung tâm của sự trống roang đó, đã xuất hiện Đấng chiến thắng trần gian như Ngài đã nói: “Ta đã chiến thắng thế gian”.
Khi Bà bập bẹ tiếng nói của niềm tin: “tôi đã thấy Chúa”. Bà đã đi gọi Phêrô và Gioan – Bà không được Chúa dạy dỗ nhiều như hai Ngài – chỉ mấy lần gặp gỡ đã cho Bà hiểu Thày cách sâu sa. Hiểu bằng ngôn ngữ của con tim. Bà không cần nhìn những dấu như khăn liệm, khăn cuốn đầu như Phêrô để suy ra sự Phục Sinh của Chúa.
Bà nhạy bén vì Bà yêu Chúa và để Ngài yêu, bà không nhốt tình yêu để hưởng thụ một mình, nhưng Bà đã làm lan toả niềm hạnh phúc, bình an của Đấng Phục Sinh đến các môn đệ. Bà là chứng nhân của Đấng Phục Sinh, chứng nhân trung tín của màu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa chân lý.
Vâng, từ niềm tin trong tình yêu đó mà câu tiền xướng: “Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì, xin kể cho chúng tôi nghe” sẽ vẫn còn vang mãi cho đến tận thế.
Sr. Faustina Lý Thị Báu