Ơn huệ bánh hằng sống

0

Ngày 13 tháng 4 năm 2014
Chúa Nhật Lễ Lá, năm A

I. Bánh Thánh Thể

II. Con đường của Bánh

A. Đức Giê-su cầu nguyện

B. Đức Giê-su bị bắt

C. Đức Giê-su bị xét xử

D. Đức Giê-su bị từ chối

E. Đức Giê-su bị đánh đòn

F. Đức Giê-su chịu đóng đinh

III. “Chúa ban Bánh cho tất cả chúng sinh” (Tv 136)

*  *  *

I. Bánh Thánh Thể

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi nhận ra, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa trao ban ân huệ lớn nhất, là chính sự sống và ngôi vị của mình, như người cha nói với người con lớn trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu: “Tất cả những gì của cha là của con”; và chúng ta được mời gọi hiểu chữ “tất cả” trong lời của người cha không chỉ là của cải. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa trao ban ân huệ lớn nhất để đáp ứng khao khát lớn nhất của con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên tự bản chất khát khao Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức, tin hay không tin.

Nhưng ơn huệ lớn nhất này lại được trao ban trong một bữa ăn của Truyền Thống, để nói diễn tả sự liên tục và hoàn tất và với một bầu khí tuy thân mật, nhưng chẳng ai hiểu gì; và ngang qua những tương quan đỗ vỡ và thù địch, để diễn tả tính nhưng không, và tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi, sự dữ và sự chết. Chúng ta hãy lắng nghe và nhìn ngắm Đức Giê-su lời nói và cử chỉ của Đức Giê-su. Chúng ta nên cầu nguyện trước Thánh Thể: nhìn, nghe, quan sát và để cho mình được đánh động; hoặc một cách đơn giản: hiện diện, thinh lặng, tâm sự và để cho mầu nhiệm Thánh Thể chinh phục con tim chúng ta.

A. Bánh Thánh Thể và Sự Dữ

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản tuyệt đối giữa Sự Dữ, hành động nơi những con người cụ thể, và Đức Giê-su Thánh Thể; dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” diễn tả cách tuyệt vời sự tương phản tuyệt đồi này. Chúng ta xin được hiểu tại sao, Đức Giê-su lại phản ứng bằng cách “mang lấy”, thay vì lên án và tiêu diệt.

1. Các thượng tế và kinh sư

Lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, được cử hành cùng một lúc, và là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, nhằm tưởng nhớ ơn giải thoát khỏi Ai Cập và tưởng nhớ những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân. Và chính trong bầu khí tưởng nhớ và hiện tại hóa ơn sự sống mà Thiên Chúa ban, mà các thượng tế và luật sĩ lập mưu, bắt lấy Đức Giêsu và giết đi. Những gì mà họ muốn làm cho Đức Giê-su, về những lần Ngài chữa bệnh vào ngày Sa-bát, vốn cũng là ngày tưởng nhớ ơn huệ, đạt tới đỉnh cao ở đây:

Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi. Nhưng họ lại nói: “Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân.” (Mt 26, 2-5)

Chúng ta được mời gọi nhận ra chính Sự Dữ đang hành động nơi những con người cụ thể, đang để mình lộ diện nơi những con người cụ thể. Đức Ki-tô đến là vì giờ phút này, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình và giải phóng sự sống của loài người chúng ta khỏi Sự Dữ. Bởi lẽ, Ngài không thể tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và Sự Chết, mà không cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Sự Dữ và Sự Chết. Chúng ta sẽ khám phá ra sự dữ từ từ trong suốt hành trình Thương Khó của Đức Ki-tô, nhưng ở đây, sự dữ đã để lộ ra ba đường nét thuộc về bản chất của nó:

  • Lên án người vô cớ. Như thế, điều xấu có nơi người lên án, chứ không phải nơi người bị lên án.
  • Dùng điều tốt, để thực hiện ý đồ đen tối, ý đồ loại trừ và giết chết. Ở đây là bầu khí lễ Vượt Qua; sau đó, trong những lần xét xử Đức Giê-su, là lề luật.
  • Dùng mưu để bắt và giết là cung cách hành xử của Con Rắn (x. St 3, 1-7), nghĩa là của Sự Dữ.

2. Giu-đa

Tại sao Giu-đa phản bội? Về hành động của Giuda, nếu chúng ta so sánh bốn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi TM nói về ông một cách khác nhau. Điều này, cho thấy, hành động của ông phức tạp hơn chúng ta tưởng, nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giu-đa không phải hành động vì tiền: ông đã hội hận và trả lại tiền; nhưng ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Lời loan báo của Đức Giê-su về Giu-đa ẩn dấu nhiều bí ẩn:

  • Lời loan báo hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” (26, 22). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Có sức mạnh nào đó vượt quá các tông đồ, các môn đệ, vượt quá Giuđa, vượt quá mỗi người chúng ta.
  • Đức Giêsu biết trước, nhưng tại sao Ngài như vẫn chấp nhận và thậm chí đón nhận Giuđa, ít nhất là trong bữa ăn này? “Nhóm Mười Hai” cùng tới đầy đủ, cùng vào bàn, cùng ăn (c. 20); và lời nói này có nguồn gốc từ một Thánh Vịnh, Tv 41, 10. Và sự bao dung này vẫn diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ.
  • Lời của Đức Giê-su về Giu-đa là một lời than, chứ không phải chúc dữ: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Nhưng dù sao, lời này cũng quá nghiêm trọng. Biến cố hoài thai, vốn là một ân huệ, một công trình tạo dựng kì diệu (x. Tv 139, 13), trở nên không đáng có. Chúng ta cũng có thể, liên kết tội của Giu-đa với tội nguyên tổ: vô ơn, ham muốn, nghi ngờ. Nếu là như thế, tội của Giu-đa, là nơi hội tụ của mọi tội. Tội này có nguyên nhân là Con Rắn, và Tội này cũng dẫn đến ơn cứu độ là Thập Giá Đức Giê-su.
  • Nhưng đó lại là kế hoạch của Thiên Chúa: “như lời đã chép về Người”; như vậy là làm sao? Đây là mầu nhiệm trên hết mọi mầu nhiệm. Câu chuyện của Giuse trong sách Sáng Thế giúp chúng hiểu được phần nào mầu nhiệm này: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ (x. Ga 13, 2 và 27; Lc 22, 3) và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.

B. Bánh Thánh Thể và Lễ Vượt Qua

Các môn đệ muốn chuẩn bị cho Thầy mình ăn lễ Vượt Qua. Nhưng Thầy đã chuẩn bị trước đó từ khi nào rồi!

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.” Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. (Mt 26, 17-19)

Xin cho chúng ta nhận ra kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đang được hoàn tất; và kế hoạch này vượt quá mọi ý muốn và ý nghĩ của con người, kể cả ý muốn của Sự Dữ (x. 1Cr 1, 18-25). Như Thánh Phaolo nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được !” (Rm 11, 33)

Để mừng lễ, người Do Thái sát tế chiên Vượt Qua (x. Mc 14, 12), bởi vì trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập : « Ngài sát hại các con đầu lòng Ai Cập » (Tv 136, 10). Con chiên chính là món nợ của Israel. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc Đức Giê-su mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài ; và giữa chúng ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên một, bằng chính máu của Ngài, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể.

C. Ơn huệ Bánh Thánh Thể

1. Lời nói và cử chỉ quen thuộc

Lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu trong bữa tiệc li không chỉ thân thương, nhưng còn rất quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì Ngài mời chúng ta ăn và mời chúng ta uống: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn…”, “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống…”. Bữa tiệc ly và Thánh Lễ làm chúng ta nhớ đến những bữa ăn hằng ngày của chúng ta.

Chúng ta phải ăn uống hằng ngày, bởi vì đồ ăn và đồ uống làm cho chúng ta sống. Vì thế, chúng ta vẫn nói: ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ muốn cải thiện đồ ăn và đồ uống để sống khỏe và sống lâu, nhất là khi đến tuổi trung niên. Ngoài ra, chúng ta còn ước mơ có được một thứ đồ ăn hay đồ uống nhiệm màu, ước mơ có một thứ thần dược, ăn hay uống vào là trường sinh bất tử. Trường sinh bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát; nhưng xét cho cùng cuộc đời này, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không?

Để đi vào sự sống mới, để đi vào sự sống phục sinh ngang qua cái chết, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, giống như món ăn, hay như một thứ thần dược nào đó. Qua hành vi “ăn” mình Đức Giêsu và “uống” máu Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta, để Ngài trở thành xương thành thịt, thành sự sống của chúng ta. Đức Giêsu ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trở nên một với chúng ta.

  • Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn trở thành lương thực để mang lại sự sống cho chúng ta.
  • Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân, người bạn hay người yêu thiết đãi; khi dùng của ăn và của uống mà người thân yêu chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; chúng ta được mời gọi thưởng thức chính tình thương, tình bạn và tình yêu mà người kia dành cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn chúng ta thưởng thức tình yêu đến cùng của Ngài dành cho chúng ta khi đón nhận mình và máu của Ngài.
  • Và cũng giống như sự sống thể lí của chúng ta tùy thuộc vào những gì chúng ta ăn, và những gì chúng ta uống; sự sống nhân linh của chúng ta, nghĩa là tương quan của chúng ta với mọi người và với chính bản thân chúng ta, cũng tùy thuộc vào của ăn và của uống đặc biệt, là chính

MÌNH và MÁU ĐỨC KITÔ 

Nhưng tại sao lại là rượu? Tại sao Người dùng rượu để diễn tả máu? Rượu là biểu tượng của niềm vui trong truyền thống tôn giáo của người Do Thái. Chính vì thế, rượu là đồ uống tiêu biểu của Lễ Vượt Qua; hơn nữa rượu còn diễn tả ơn huệ sáng tạo và lịch sử cứu độ, vì là “sản phẩm của cây nho và công lao của con người”, tương tự như bánh. Cùng mang ý nghĩa niềm vui, rượu được dùng trong trong tiệc cưới, chẳng hạn tiệc cưới Cana; rượu là sản phẩm tiêu biểu của vườn nho, vốn là hình ảnh của những gì Thiên Chúa ban (sáng tạo, sự sống, cuộc đời, “nén bạc”, sứ vụ…). Vậy tại sao, Đức Ki-tô lại dùng biểu tượng của niềm vui để diễn tả “máu đổ ra”, nghĩa là sự chết của chính Người? Bởi vì, máu của Người mang lại cho chúng ta niềm vui: tha tội, hòa giải, chữa lành, giải thoát, phục hồi tái sinh.

2. Lời nói và cử chỉ hoàn tất lịch sử cứu độ

Chúng ta hãy đi vào chiều sâu và chiều rộng của bí tích Thánh Thể : tại sao Chúa lại thiết lập bí tích Thánh Thể ? Chắc chắn, là vì yêu thương; và chúng ta cũng có thể trả lời như thế về cái chết của Ngài trên Thập Giá. Tuy nhiên, vấn đề là tình yêu đó được bày tỏ như thế nào trong tương quan với ơn sáng tạo và lịch sử cứu độ, để có thể đụng chạm đến toàn nhân loại và đến từng người, không trừ một ai thuộc mọi nơi mọi thời. Bí tích Thánh Thể hoàn tất chương trình thông truyền sự sống của Thiên Chúa cho con người, ngang qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ.

Thật vậy, điểm tới của sáng tạo là ơn lương thực, theo St 1, 29: với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa ban chính mình ngài làm lương thực, để làm thỏa mãn khao khát sự sống viên mãn. Trong sáng tạo, ngang qua ơn lương thực, đã chất chứa, lời hứa ban sự sống đời đời rồi (x. Tv 104; Tv Ga 6, 30-58), nghĩa là sáng tạo mới. Thật vậy, sáng tạo mới được thực hiện nhờ, với và trong Đức Ki-tô:

Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng,
rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói:
“Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”.

  • Bánh, biểu tượng của lương thực.
  • Đức Giê-su cầm lấy và dâng lời chúc tụng, bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban (St 1 và Tv 104 phù hợp với kinh nghiệm sống và đức tin hằng ngày của chúng ta)
  • Đức Giê-su bẻ ra trao cho các môn đệ: Người thực hiện hành vi ban lương thực của Đấng Tạo Dựng (x. St 1 và Tv 104). Ban lương thực để nuôi sống, qua đó diễn tả ý muốn duy trì sự sống.
  • Và lương thực Người trao là chính Người: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”, vừa để diễn tả tình yêu đến cùng, bởi vì ơn lương thực hằng ngày đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa, nhưng có thể nói, vẫn chưa đến cùng, hay đúng hơn, vẫn chưa đánh thức con tim chúng ta, chưa làm no thỏa con tim chúng ta; và vừa để trao ban cho chúng ta Bánh hằng sống, nghĩa là sự sống mạnh hơn sự chết của người. Sự chết vừa là cái chết, vừa là tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc: chia rẽ, hận thù, nghi nghờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực, thú tính, loại trừ…

Nhưng mà trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ. Lời hứa ban sự sống của Thiên Chúa có còn giá trị không? Qua bí tích Thánh Thể và được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, chính Đức Giê-su trở thành nạn nhân của lịch sử, của những gì thuộc về lịch sử:

Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn,
trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này,
vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.

Qua câu nói: “Đây là Máu thầy”, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng, dù lịch sử có như thế nào, vẫn cứ là con đường dẫn chúng ta đến sự sống viên mãn, điều mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta từ thủa tạo thiên lập địa (x. Tv 136).

Ngay sau khi được tạo dựng và sau này, trong lịch sử cứu độ, loài người chúng ta đều vấp ngã về “chuyện ăn uống” (St 3, 1-7 và Ds 21, 4-9), biểu tượng của vấn đề sự sống giới hạn, thuộc thân phận và số phận con người: phải chăng Thiên Chúa không yêu thương con người đến cùng, khi ban cho con người sự sống giới hạn, thậm chí đầy thách đố và đau khổ? Vì thế, Đức Giê-su không thể không giải tỏa “vấn đề ăn uống” của loài người và của từng người chúng ta, ngang qua ơn huệ Bánh Hằng Sống, diễn tả ước ao trao ban và thực sự trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho con người. Xưa kia, trong Vườn E-đen, ma quỉ đã dựa vào “lệnh cấm ăn” để làm cho con người hiểu sai về tình yêu Thiên Chúa; thì nay, trong bữa tiệc ly, nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa nói với chúng ta: “hãy cầm lấy mà ăn”!

Nhưng cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình thông truyền sự sống, vẫn có cái gì đó “điên rồ”, giống như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn những tá điền sát nhân. Xin cho chúng ta cảm nếm không chỉ tình yêu, nhưng cả sự khôn ngoan và sức mạnh nữa của Thiên Chúa, để con tim và trọn vẹn con người chúng ta được chinh phục. Xin cho chúng ta nhận ra Thánh Thể của Chúa, thật hiền lành và khiêm nhường, mang lấy trọn vẹn con người yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

II. Con đường của Bánh

A. Đức Giê-su cầu nguyện (Mt 26, 30-46)

1. Lời loan báo chối Thầy

Đức Giêsu không chỉ biết trước chuyện Giuđa phản bội, mà còn biết trước cả chuyện: “tất cả anh em sẽ vấp ngã”. Dường như không ai có thể đứng vững trước thử thách sắp đến, bởi vì đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, như lời KT đã chép:

Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”

Chỉ có một mình Đức Giê-su có thể đối đầu được thôi, vì Kẻ Nghịch chính là Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể. Ngài đón nhận tất cả và còn hứa qui tụ các môn đệ lại sau khi đã Vượt Qua và chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết. Nghe lời Thầy và đón nhận bánh và rượu Thầy trao, nhưng dường như các môn đệ chẳng hiểu gì; họ cùng theo Chúa đến núi Ôliu và họ được Chúa báo trước rằng họ sẽ vấp ngã tất cả vì Chúa; nhưng cùng với Phêrô, họ tuyên hứa với Thầy là sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy: “Tất cả các môn đệ đều nói như vậy”. Họ dựa vào lời mình hơn là lời Chúa. Ông Phêrô nổi bật trong lời cam kết đến hai lần. Khi Chúa báo trước tất cả các môn đệ sẽ vấp ngã vì Chúa, Phêrô thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”.

Cần phải cương quyết như Phêrô, nhưng trong trường hợp này, Phêrô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được. Phải để cho Ngài dẫn ta đi bằng ân sủng và lòng thương xót của Ngài.

2. Đức Giê-su buồn đến chết được

Tất cả là để chuẩn bị cho “Giờ” sắp xẩy ra; và trước khi “Giờ” đến, Ngài “cảm thấy buồn rầu xao xuyến”. Thực vậy, cả cuộc đời của Ngài là chuẩn bị cho “Giờ” này, cả lịch sử cứu độ cũng là để đi tới “Giờ” này. Vì thế, chúng ta hiểu được phần nào tại sao Ngài nói với các ba môn đệ : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Sức nặng của “Giờ” thật quá lớn, và có vẻ lớn hơn cả sức chịu đựng của Ngài !

Ngài đi cầu nguyện một mình với Cha, nhưng lại ước ao có sự hiện diện của các môn đệ : cả nhóm xa xa, ba người khác gần hơn ; và Ngài ước ao họ lưu lại và tỉnh thức cùng với mình: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Ngài dường như không thể chịu nổi một mình. Ngài đã như phải chết ở đây rồi, vì cái chết luôn chi phối người ta trước khi nó ra tay, nhất là cái chết gây ra bởi Tội và Sự Dữ. Vì thế, lời tâm sự Ngài ngỏ với Cha chỉ xoay quanh cái “Giờ” này. Sau khi bị bắt, Ngài như tìm lại được sự tự do nội tâm, và bình an để mình bị dẫn đi, chịu mọi thứ khổ hình, và cuối cùng là khổ hình thập giá. Nhưng chỉ có ở đây, Đức Giêsu mới bộc lộ nỗi đau buồn tột độ của mình một cách thật hữu hình.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có nhiều khúc quanh, tất cả như để chuẩn bị cho khúc quanh “Giệt-sê-ma-ni” của đời mình. Đức Giê-su đã sống và đã vượt qua khúc quanh này ; vì thế, Ngài thông cảm với hết mọi khúc quanh trong đời của chúng ta và nhất là khúc quanh cuối cùng (x. Dt 4, 15-16). Xin cho chúng ta sống những thời điểm này như Thầy Giêsu đã sống.

3. Ba lần cầu nguyện

Đức Giêsu đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, rồi Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha”. Người lại đến với các môn đệ, thấy các ông vẫn đang ngủ, Ngài để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba; lần này, Người nói lại với Cha cùng một lời của lần cầu nguyện thứ hai. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Người “ba lần trở đi trở lại” như vậy, cầu nguyện một mình với Cha và trở lại với ba môn đệ, để mời gọi họ “canh thức và cầu nguyện với Người? Đó là vì việc “uống chén” là do ý muốn của Chúa Cha, nhưng ý muốn Chúa Cha là giải thoát con người, mà ba môn đệ là đại diện, khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ và thông truyền Sự Sống của Người cho con người. Nếu so sánh giữa hai lời nguyện Đức Giê-su ngỏ với Chúa Cha, chúng ta có thể nhận ra rằng, cả hai đều diễn tả tâm tình “xin vâng”, nhưng nếu lời nguyện thứ nhất nêu ra khả thể “khỏi phải uống chén này”, thì lời cầu nguyện thứ hai hoàn toàn hướng về việc “phải uống”. Và lời cầu nguyện thứ hai này được Người thưa với Chúa Cha đến hai lần.

Khi ngỏ lời với Cha, “Người đi xa hơn một chút”. Ngài muốn một mình đối thoại với Cha, bởi vì Giờ này là Giờ chỉ dành cho một mình Ngài. “Ngài sấp mặt xuống”, thay vì quì xuống theo lời tường thuật của Tin Mừng Luca; thánh sử Mác-cô còn mô tả mạnh hơn: “Người sấp mình xuống đất” (Mc 14, 35). Tư thế này hoàn toàn khớp với tâm trạng của Ngài, là “buồn đến chết được”.

Trong lời cầu nguyện đầu tiên, Ngài cầu nguyện để cho, nếu có thể, “chén này” xa khỏi Ngài. Người ta thường làm nhẹ đi tâm tình này của Đức Giêsu, nhưng điều này lại diễn tả cho chúng ta mầu nhiệm Nhập Thể đi xa đến mức nào. Ngài chia sẻ thân phận của loài người và của mỗi người một cách tận cùng: Ngài không chỉ chia sẻ cái chết, nhưng còn sự sợ hãi trước cái chết; không chỉ sự sợ hãi trước cái chết do thân phận hay do tai họa, nhưng là cái chết do sự thù ghét; thù ghét không chỉ của con người, nhưng của Xatan. Như thế, tất cả « chén » của loài người hiện diện ở trong “Chén” của Ngài sắp uống.

Giống như Bí Tích Thánh Thể, chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm, hiểu biết và cảm nếm cuộc Thương Khó với tất cả tầm mức “dài, rộng, cao, sâu”, khởi đi từ Lịch Sử Cứu Độ mà thôi. Với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc.

Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:

  • nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
  • đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,
  • gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,
  • và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.

Như thế, không phải một cách trực tiếp tội của tôi làm cho Chúa bị bắt, bị kết án và chịu khổ hình, nhưng Chúa tự nguyện chịu khổ hình để bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Tôi được mời gọi tôi nhận ra nơi những gì Đức Giê-su mang lấy trong cuộc TK, có chính bản thân mình, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.

Tất cả lịch sử cứu độ như treo vào những lời này của Đức Giêsu, những lời thật mong manh như thân phận con người. Ý Cha đã được bày tỏ ra cho Đức Giêsu qua Kinh Thánh và ngang qua cả thân phận con người nữa: phải để cho sự dữ đi đến cùng, và lộ ra nguyên hình nơi chính thân mình của Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Sức nặng của “chén” là quá lớn, quá lớn đối với thân xác mong manh của Đức Giêsu. Ngài sẽ kiệt sức đến nỗi không vác nổi thập giá của mình; trong khi đó ngài đã từng mời gọi: “anh em hãy vác thập giá mình mà theo Thầy”.

Ba lần cầu nguyện với Cha, trong cùng một tư thế, với cùng những lời nói và tâm tình, nhưng ba lần trở lại với các môn đệ, Ngài lại phản ứng theo những cách khác nhau. Lần thứ nhất, Ngài nói với ông Phê-rô, và qua ông, với các môn đệ với những lời lẽ như trách móc : “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26, 40-41). Trong lúc này, những gì Đức Giêsu chờ đợi nơi những môn đệ Ngài thương mến cách riêng thật không nhiều : tỉnh thức và cầu nguyện một giờ thôi, để đồng hành với Thầy và để không rơi vào cơn thử thách. Nhưng các môn đệ cũng không làm được, họ yếu đuối quá. Trở lại sau lần cầu nguyện thứ hai, Ngài chẳng nói gì, chỉ có tác giả Tin Mừng nói mắt họ bị nặng trĩu thôi. Và vào lần thứ ba, Ngài như nói với họ những lời đầy thương cảm : “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới” (c. 45-46). Như thế, Ngài đã sẵn sàng để gánh vác hết tất cả thay cho các môn đệ, thay cho những con người yếu đuối, thay cho những con người tội lỗi, thay cho cả loài người : “Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 24).

*  *  *

Giờ đã đến, Ngài sẽ từ từ đi vào trong thinh lặng, và sự thinh lặng này cứ càng ngày càng lớn ; Ngài chỉ nói một vài lần trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng[1]. Đó là giờ nào hay giờ của ai? Của loài người, của Satan; nhưng cũng là giờ « Thinh Lặng của Ngôi Lời », giờ của Thiên Chúa. Tất cả như hội tụ vào cũng một thời điểm. Xin cho chúng ta nghe được sự thinh lặng của Ngôi Lời Nhập Thể

B. Đức Giê-su bị bắt (Mt 26, 47-56)

Dựa vào lời của Đức Giê-su nói với những người khác nhau, trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su bị bắt trong cuộc Thương Khó, có để được chia làm ba phần. Cả ba phần đều là những biểu hiện của Sự Dữ: dùng dấu hiệu tình bạn để thực hiện hành động phản bội (c. 47-50); dùng bạo lực để bảo vệ tình bạn (c. 51-54); dùng sức mạnh để ăn hiếp người vô tội, và nhất là thực hiện hành động ăn hiếp trong bóng tối, qua đó bộc lộ bản chất gian dối (c. 55-56).

  • Đức Giê-su và Giu-đa (c. 47-50)
  • Đức Giê-su và một người môn đệ (c. 51-54); tượng trưng cho các môn đệ có mặt và ở mọi thời.
  • Đức Giê-su và đám đông bạo lực (c. 55-56)

Và cả ba phần đều được đánh dấu bởi Lời của Đức Giê-su. Có thể nói, đây là những lời giảng sau cùng của Ngài; bởi vì trong cuộc Thương Khó, Ngài không giảng dạy bằng lời nữa, nhưng bằng chính Ngôi Vị của mình, và nhất là bằng Lời Thập Giá (1Cor 1, 18: ho logos tou staurou). Và theo Đức Giê-su, tất cả phải xẩy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: hai sự kiện được kể trong phần hai và phần ba của trình thuật (c. 54 và 56), và cả sự phản bội của Giu-đa nữa (Mt 26, 24; Ga 13,18).

1. Đức Giêsu và Giuđa (c. 47-50)

Giu-đa đến, đàng sau là một đám đông với các phương tiện bạo lực, và được sai đến bởi các thượng tế và kì mục. Sự dữ có sức mạnh lây lan và phát sinh như vậy: đám đông hung dữ làm bộc lộ khuôn mặt thật của các thượng tế và kì mục, bởi vì những người này có một vẻ bề ngoài nghiêm trang, thánh thiêng và cao quí. Giu-đa dẫn đầu cả đám, hay cả đám đẩy Giu-đa đi về phía trước?

Nếu chúng ta muốn và nếu còn được đánh động, chúng ta có thể dừng lại suy niệm những gì liên quan đến ông Giu-đa. Bởi vì, khi Đức Giêsu loan báo hành động phản bội của Giuđa, nhưng tự đáy lòng ai cũng cảm thấy có liên quan hay không chắn chắn về chính bản thân mình : « Các môn đệ buồn rầu quá sức, và lần lượt hỏi Người : “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?”. Chúng ta nên lưu ý đến bầu khí buồn rầu nặng nề. Đó là hậu quả tất yếu của Tội, của Sự Dữ. Trong tương quan với Chúa và với nhau, chúng ta cũng rất hay để cho Satan, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ (tự ái, tức giận, ham muốn, ghen tị…) cư ngụ trong lòng và chi phối cách sống và ứng xử của chúng ta.

Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội. Nhưng tại sao Giu-đa lại đi nộp Thầy của mình? Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giuda không phải hành động vì tiền: ông đã hối hận và trả lại tiền. Như thế, chắc là ông có một động lực khác nghiêm túc hơn. Đó có thể là vì ông thất vọng về cách hành xử quá hiền lành của Thầy mình ; và tâm tình này chắc chắn cũng có nơi nhiều người khác nữa, trong đó có các môn đệ. Bởi vì, đã có những người bỏ đi, không theo Đức Giê-su nữa (Ga 6, 66). Và có thể vì đó mà ông muốn đặt Thầy của mình vào một tình huống nguy hiểm, buộc Thầy phải hành động bằng quyền năng để thoát thân và nhân đó, tái lập Vương Quyền trần thế bằng sức mạnh thần linh; nhưng ông đã không ngờ là Ngài không hành động gì, mà lại còn để cho mình bị kết án tử.

Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa (Lc 22, 3; Ga 13, 2 và 27); và nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10). Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng : cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghe và nhìn lời chào và cái hôn của Giuđa. Hình thức diễn tả tình bạn vẫn giữ nguyên, nhưng nội dung đã bị thay thế bởi điều hoàn toàn ngược lại. Đó là gian dối, là sự dữ, là bóng tối và là sự chết. Giuđa tìm cách nộp Thầy cho người ta giết đi, nhưng sự chết nằm ngay ở trong Giuđa. Lời đáp của Chúa thật lạ lùng, vì đó không phải là một lời lên án : « Này bạn, bạn đến đây làm gì, thì cứ làm đi » (c. 50). Rốt cuộc, nộp mình cho sự dữ, lại chính là ý định của Chúa, chứ không còn là của Giu-đã nữa, như chính Người đã nói trong bữa tiệc ly : « Anh em hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Thầy, bị nộp vì anh em ».

Giu-đa cảm thấy thế nào khi nghe lời này, hay sau này, khi ông nhớ lại lời này ? Tại sao Chúa lại để cho xẩy ra như thế? Nếu là tôi, tôi hành động thế nào? Phải chăng đó chính là cách thức Chúa chữa lành bằng lòng thương xót, đồng thời mặc khải sự khôn ngoan thần linh ? Chúa sẵn lòng để cho mình bị nộp, bởi Giu-đa, bởi loài người, bởi từng người chúng ta, vậy còn điều gì Chúa không mang lấy với lòng bao dung ? Phải chăng chỉ có lòng bao dung và thương xót mới có sức mạnh tái sinh lòng chúng ta ? Và phải chăng đó chính là cách làm cho sự dữ phải lộ diện với bộ mặt thật của nó, vì sự dữ và bóng tối tự bản chất là kín ẩn, là dối trá, để chữa lành chúng ta khỏi sự dữ và để chiến thắng sự dữ ?

2. Đức Giê-su và một người môn đệ (c. 51-54)

Trong bữa tiệc ly, các môn đệ đón nhận bánh và rượu Thầy trao, nhưng dường như họ chẳng hiểu gì. Họ cùng theo Chúa đến núi Ôliu và họ được Chúa báo trước rằng họ sẽ vấp ngã vì Chúa; nhưng cùng với Phêrô, họ đã tuyên hứa với Thầy là sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy ; họ dựa vào lời mình hơn là lời Chúa. Và cùng theo Thầy đến vườn Ghết-sê-ma-ni, nhưng họ ngủ vùi trong khi Thầy đang cầu nguyện trong sầu khổ.

Giữa Đức Giê-su và từng người trong chúng ta, cũng có những những khác biệt lớn lao như thế. Và vẫn chưa hết khác biệt, và đây là khác biệt lớn nhất : Đức Giê-su đã dạy đừng dùng bạo lực chống lại bạo lực (Bài Giảng Trên Núi : Mt 5, 39) và giờ đây Ngài sẽ sống đến cùng lời dạy này, nhưng một môn đệ lại dùng bạo lực. Thực vậy, người này rút gươm chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm anh ta đứt tai. Tại sao lại chém trúng tai? Và tại sao Chúa không cho dùng bạo lực? Có ba lí do:

  • Vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Điều này nghĩa là gì? Gươm là phương tiện của sự dữ, nhưng cũng là biểu tượng của sự dữ: đến một lúc nào đó, chúng ta trở thành phương tiện của gươm Sự Dữ. Người múa gươm một hồi, trở thành gươm múa người. Ngoài ra, trong lịch sử cứu độ, còn có một nguyên lí: không phải Thiên Chúa dùng phương tiện của Sự Dữ để tiêu diệt Sự Dữ, nhưng là Sự Dữ tự tiêu diệt Sự Dữ, như lời nguyện Thánh Vịnh loan báo: “Bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài; còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10). Lời nguyện này loan báo cho chúng ta chính Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô.
  • Vì một lý do tuyệt đối, đó là Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Con người buộc phải dùng phương tiện của sự dữ (nghĩa là bạo lực) để trấn áp Sự Dữ; Thiên Chúa thì không thể, vì phương tiện của Sự Dữ không phù hợp với Sự Thiện tuyệt đối là Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài vẫn mạnh hơn Sự Dữ và chiến thắng Sự Dữ bằng mầu nhiệm Vượt Qua: hành động cuối cùng của Sự Dữ là giết chết, và Thiên Chúa mạnh hơn sự chết.
  • Đó còn là để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Trong Kinh Thánh có những lời loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su; và Đức Giê-su ước ao trong tự do những lời này được hoàn tất nơi cuộc đời của mình. Nhưng chúng ta được mời gọi hiểu rộng hơn: Đức Giê-su sống theo Lời Kinh Thánh, nghĩa là Lời Chúa; trong mọi sự, Ngài khám phá ra ý muốn của Chúa Cha ở trong Kinh Thánh, nghĩa là Lời Chúa. Nhưng Kinh Thánh kể cho chúng ta những gì và những ai? Đó là lịch sử đầy thăng trầm và tội lỗi, là cuộc đời và số phận của những con người cụ thể (có thể đọc lại Gia Phả của Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu, và hình dung những biến cố lịch sử ở bên dưới và cưu mang chuỗi những tên riêng; Mt 1, 1-17). Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, sẽ mang vào mình tất cả trong cuộc Thương Khó.

3. Đức Giê-su và đám đông bạo lực (c. 55-56)

Bắt người trong đêm tối, chính là dấu hiệu của bất công và gian dối. Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản tuyệt đối giữa đám đông hung hãn trang bị khí giới và Đức Giê-su một mình, đúng hơn là bị bỏ rơi một mình (các môn đệ sẽ bỏ chạy hết) hiền lành và tay không. Hình ảnh này đã nói lên điều chính yếu nhất của mầu nhiệm Thương Khó.

Vì thế, lại một lần nữa, sự tương phản này, chính là để cho lời Kinh Thánh ứng nghiệm, nhất là “những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ”. Nhưng tại sao là các ngôn sứ? Chúng ta có thể nghĩ đến Người Tôi Tớ đau khổ (Is 52, 13 – 53, 12), ngôn sứ của mọi ngôn sứ.

C. Đức Giê-su bị xét xử (Mt 26, 57 – 68)

1. Phê-rô đi theo Đức Giê-su (c. 57-58)

Mọi sự vẫn xẩy ra trong đêm. Hình ảnh của tội và sự dữ, hay là thời gian của tội và sự dữ. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nói: “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối” (13, 30). Nhìn các nhân vật xuất hiện và di chuyển trong bóng đêm, hay trong ánh đuốc leo loét. Và chúng ta được mời gọi nhận ra Tội và Sự Dữ xuất hiện dưới mọi hình thức và ở mọi cấp độ, ngang qua những con người cụ thể:

  • Những người đã đi rình bắt Đức Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni, họ dẫn Ngài tới dinh Thượng Tế Caipha. Họ là kẻ dữ, nhưng vẫn không phải chủ mưu.
  • Các kinh sư và kì mục đã tề tựu sẵn ở đó. Những người này đã có dự tính giết Chúa từ lâu.
  • Những người làm việc trong dinh thượng tế. Họ chỉ làm theo lệnh mà thôi.
  • Phêrô “nhập bọn” với họ. Chúng ta hãy cảm phục ông Phê-rô, nhưng cách nào đó, ông đã “nhập bọn” với họ.

Trước đó, ông Phê-rô nổi bật trong lời cam kết đến hai lần: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Và quả thực, Phêrô đã thực hiện lời tuyên bố và lời hứa của mình: Một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế. Và nhất là dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc.

Hình dung ra Chúa Giê-su : Ngài trở nên thụ động, đó là ý nghĩa của từ thương khó (passion), ở giữa những hành động (action) khẩn trương của con người. Hình ảnh Đức Giê-su ngủ trên thuyền ở đàng lái, trong cơn sóng gió chết người, giúp chúng ta hiểu biến cố này hơn (Mc 4, 35-41).

2. Thượng Hội Đồng xét xử (c. 59-66)

Phiên tòa (biểu tượng của sự thật và công lý đối với con người) diễn ra ngay trong đêm (biểu tượng của gian dối và bất công), và bao gồm hai giai đoạn rất “đúng luật”: giai đoạn 1: lắng nghe nhân chứng; giai đoạn 2: chính vị Thượng Tế thẩm vấn và sau đó kết án.

Lắng nghe nhân chứng (c. 59-61). Chúng ta hãy hình dung ra Toàn thể Thượng Hội Đồng, vừa có thẩm quyền tôn giáo vừa có thẩm quyền chính trị, gồm 71 thành viên: chủ tịch là Thượng Tế Cai-pha đương nhiệm, các kỳ lão (đại diện của các gia tộc lớn), các thượng tế đã hết nhiệm kỳ, những người thuộc phái Sađốc, Pharisiêu và một số vị kinh sư, tiến sĩ luật. Tất cả những người đại diện cho quyền bính đạo và đời đều hiện diện ở đây và tham gia tích cực vào một vụ án bất công và gian dối. Chúng ta cần cảm thấy hết mức độ nghiêm trọng ở đây. Chính vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài đừng ham muốn quyền bính.

Các nhân chứng đến và đưa ra đủ thứ lý do, trong đó có hai người đưa ra lý do xem ra thuyết phục: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.” (c. 61) Thực ra, họ đã bóp méo sự thật để có thể kết án; thật vậy, Đức Giê-su đã nói “cứ phá hủy”, chứ không phải “tôi có thể phá hủy”. Người ta lên án tử rồi, sau đó mới đi tìm chứng cớ; và vì không có chứng cớ, người tạo ra chứng cớ. Những gì đã xẩy ra trong cuộc đời của Chúa, nay đạt tới cực điểm và rõ ràng ở đây. Bản chất của Sự Dữ là muốn giết chết, rồi sau đó đi tìm chứng cớ để lên án; và để lên án, thì phải dựa vào luật và tiến trình thi hành luật. Đây chính là hình ảnh minh họa cho cách con người thi hành luật ở mọi thời.

Hình dung ra Chúa Giê-su : Người ta ồn ào, tranh nhau lên tiếng, còn Ngài thì giữ thinh lặng. Tại sao Chúa không lên tiếng bào chữa cho mình? Hãy đọc ra ý nghĩa của sự tương phản này: Đấng vô tội trở nên có tội; Đấng vốn là thẩm phán trở nên bị cáo. Nhưng đó chỉ là bề ngoài: Vì người ta càng lên án Chúa, họ càng tỏ ra mình có tội, còn khuôn mặt của Đức Giê-su thì càng trở nên rạng ngời. Điều này chỉ có thể ứng nghiệm ở nơi một mình Đức Giê-su, vì Ngài là Đấng Vô Tội tuyệt đối. Lời Kinh Thánh phải được nên trọn là như thế đó.

Thượng Tế thẩm vấn (c. 62-66). Thượng Tế Caipha đích thân chất vấn; ông nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nên Đức Giê-su không thể không trả lời. Và khi Ngài lên tiếng, Ngài chỉ có thể nói sự thật mà thôi. Ngài nói về ngày quang lâm, nhưng lại dùng thì hiện tại: “Từ nay…”. Như thế, căn tính Con Thiên Chúa đã rạng ngời ngay trong cuộc Thương Khó rồi. Xin cho chúng ta nhận ra khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Ngài.

Và thượng tế đưa ra cáo trạng: “Hắn nói phạm thượng. Tại sao chúng ta còn phải cần nhân chứng nữa? Ngay lúc này đây, các ông vừa nghe lời phạm thượng. Đối với các ông đó là gì?” Tội ẩn nấp kĩ nhất trong lời lên án này đây. Vì thế, nên dừng lại đây thật lâu, để cảm thấy hết hình ảnh thật của tội, gian dối, ý muốn giết chết:

  • Cho dù bản án có vẻ đúng luật, nhưng ý đồ loại trừ là có trước: “Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” (c. 59). Tuy nhiên, có thực sự là Đức Giê-su nói phạm thượng không?
  • Vị Thượng Tế đặt câu hỏi ở mức độ long trọng nhất về phương diện đức tin: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” Đó là một câu hỏi nhân danh Thiên Chúa hằng sống, để đi tìm chân lí, nhưng lại hàm chứa gian dối, vị Thượng Tế không đi tìm chân lí, nhưng đặt câu hỏi với ý đồ kết án và giết chết. Nhưng đó vẫn chưa là tội lớn nhất, tội lớn nhất là chính khi ông kết án Đức Giê-su phạm thượng, thì ông phạm thượng, vì nêu danh Thiên Chúa hằng sống với ý đồ giết người, không phải bằng sự thật hay công lí, nhưng bằng sự gian dối. Thực vậy, Mười Điều Răn nói: “Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng” (Đnl 5, 11).
  • Đó là một câu hỏi liên quan đến căn tính (không phải là hành vi phạm pháp), mở ra câu trả lời “phải” hoặc “không phải”, nhưng người hỏi đã lên án trước câu trả lời “phải” rồi. Ý đồ lên án cảng trở nên rõ nét hơn ở đây, vì đó không phải là câu hỏi đi tìm chân lí, nhưng để dòn ép người được hỏi vào chỗ chết. Bình thường, để sống còn, người được hỏi buộc phải trả lời là không phải. Và với Đức Giê-su, người không thể trả lời không phải. Công lý của con người là như thế đó. Chỉ hoàn toàn là cái vỏ. Chúa nói điều mình xác tín về căn tính của mình, hiểu ngầm là cũng “nhân danh Thiên Chúa hằng sống: “Chính Ngài vừa nói”. Ngài nêu bật: chân lí/gian dối, sự sống/sự chết, sự thiện/sự dữ.
  • Câu hỏi của vị Thượng Tế: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26, 63), cũng là một hành động giăng bẫy. Trước đó, Đức Giê-su luôn phá bẫy người ta giăng ra, nhưng lần này, Ngài để cho mình bị mắc bẫy và bị kết án: “Hắn nói phạm thượng… Hắn đáng chết” (c. 65-66). Đó thực sự là cái bẫy chết người, vì mang dáng vẻ bề ngoài “đi tìm sự thật”, hơn nữa con đưa cả “Thiên Chúa Hằng Sống” vào làm “mồi” giăng bẫy! Biến Thiên Chúa thành “mồi giăng bẫy”, với ý đồ giết chết, đó mới là phạm thượng! Giống như Con Rắn nói với bà Eva: “Có thật Thiên Chúa bảo…” (St 3, 1). Vậy thì ai phạm thượng? Loài người chúng ta, ngang qua hình ảnh Vị Thượng Tế cao quí, hay Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó? Giăng bẫy kiểu này, chính là hành động đặc trưng của Satan. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10; sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ loại bỏ lời này; lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua!)

Họ mù quáng, vì một người sẵn sàng chịu bị lên án, khi có thể tránh được bằng cách trả lời không phải, thì phải kinh ngạc và đặt ra cho mình câu hỏi: người này là ai? Ngược lại, họ đồng tình với Thượng Tế Caipha và đồng thanh lên án Chúa: “Hắn đáng chết!” Hơn nữa, cho dù là Đức Giê-su nói phạm thượng, người hỏi nếu thực sự muốn đi tìm sự thật, phải hỏi xem “người nói phạm thượng” vì mục đích gì, trục lợi, hại người hay vô vị lợi và phục vụ con người.

Chiêm ngắm cách hành xử của Chúa. Ngài là Chân Lý và là Sự Sống, Ngài không có cách hành xử nào khác hơn là cách Ngài đã làm:

  • Chân lý giữ thinh lặng vì không có gì để nói với Gian Dối, bởi vì bào chữa, minh chứng mình vô tội,… cũng hoàn toàn vô ích, bởi gian dối là gian dối, trong gian dối không thể có sự thật.
  • Sự sống là sự sống, nên không thể dùng phương tiện của bạo lực để chống lại bạo lực, khuynh hướng loại trừ, huỷ diệt.

Ngài ứng xử theo đúng điều Ngài là. Đồng thời, qua đó, Ngài làm rõ, và không có cách nào rõ hơn, sự dối trá của con người và tính chất bạo lực nơi con người.

3. Sỉ nhục (c. 67-68)

Sự Dữ như hiện hình ở đây, dưới dạng thú tính: xúc phạm thể xác, xúc phạm danh dự. Chúng ta hãy hình dung ra những người sỉ nhục Đức Giê-su, họ không phải là người hầu, những là những thành viên trong Thượng Hội Đồng: Họ có một vẻ bề ngoài thật uy nghiêm và thánh thiêng, nhưng trước mặt Đức Giê-su họ biến thành những con người như thế: Họ khạc nhổ vào mặt Chúa, đánh đập Chúa, có những người tát Chúa và nhạo báng Chúa: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi: ai đánh ông đó”. Đây mới chính là tội phạm thượng: dùng danh hiệu thánh “Ki-tô”, dùng ngôn ngữ thánh “nói tiên tri”, để nhạo báng người khác.

Lời nhạo báng này còn có một tầm mức nghiêm trọng hơn: dùng ngôn ngữ đức tin, nhưng hoàn toàn không có đức tin. Đó là thứ ngôn ngữ trống rỗng, biểu hiện sự trống rỗng chết chóc nơi nội tâm của con người. Như thế, những lời nhạo báng mà chúng ta nghe chất đầy những hiểm họa. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (x. Kn 1, 16 – 2, 24).

Chúng ta không nên nghĩ rằng tội lỗi riêng của chúng ta đã làm cho Chúa bị phản bội, bị bắt, bị lên án, chịu khổ hình và chịu chết. Chúa chết vì những con người cụ thể như thế trong một hoàn cảnh lịch sử như thế; nhưng cả nhân loại và từng người, kể cả chúng ta, được mời gọi thấy mình trong cách hành xử của họ. Chúa chết vì tội lỗi nhân loại là như thế. Khi nhìn ngắm Chúa, là chân lý và là sự sống, dường như bị chìm ngập trong bầu khí gian trá và thú tính, xin cho chúng ta cảm được sự kinh khủng, không thể chấp nhận của tội, và xin Chúa tha thứ và chữa lành nhân loại, chữa lành từng người chúng ta.

D. Đức Giê-su bị từ chối (Mt 26, 69-75)

1. Lời hứa của ông Phê-rô

Khi Chúa báo trước rằng mọi người sẽ vấp ngã vì Chúa, ông Phê-rô đã làm cho mình được nổi bật, với những lời cam kết trung tín: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã”; và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”.

Và ông Phê-rô đã thực sự thực hiện lời hứa của mình : một mình ông dám đi theo Chúa đang bị giải đi, và vào tận dinh Thượng Tế, dám trà trộn với bọn người làm để theo dõi sự việc (c. 58 và 69a). Chúng ta hãy thán phục sự can đảm của ông. Hơn nữa, ông đã từ bỏ rất nhiều, nhất là quan niệm riêng của ông về Đấng Ki-tô (c. Mt 16, 22)

Dù ở bên ngoài, ông Phê-rô đã có mặt trong cuộc xét xử Đức Giê-su bởi Thượng Hội Đồng từ đầu đến cuối; nếu ông không thấy, có thể nghe nói hoặc hỏi thăm người ta. Ông đã cảm nghĩ như thế nào, nhất là về cách người ta tố cáo, xét xử, lên án và hành hạ Thầy của mình ? Chắc ông đã biết hết ; điều này giải thích tại sao ông chối Chúa, vì đã nghe biết cách người ta xử án và kết quả cuộc xử án, và cũng giải thích tại sao ông đau đớn đến như thế.

2. Ông Phê-rô chối Thầy (c. Mt 26, 69-75)

Ba lần từ chối tương quan với Đức Giê-su, và càng ngày càng từ chối rõ ràng và mạnh mẽ hơn :

  • Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?” Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!

Đây là câu trả lời tránh né câu hỏi. Hoặc đó là câu trả lời có hai nghĩa : phủ nhận nhưng không hẳn là phủ nhận ; vì thế, người ta có thể yên tâm, không áy náy. Nhưng đó chỉ là hình thức thôi, vì ý muốn phủ nhận là có thật, nhưng được diễn tả bẳng cách nói nước đôi. Cũng giống như chúng ta từ chối khéo, thay vì nói thẳng ra. Nhưng hai lần sau, thì rõ ràng và lần thứ ba quyết liệt hơn lần thứ hai :

  • Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.”
  • Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.” Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.”

Năng động của tội là như thế, sinh sôi nảy nở và càng ngày càng nghiêm trọng, và trở nên rõ nhất trong cuộc Thương Khó. Năng động của tình yêu cũng thế, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể vì tình huống nguy kịch, nên ông Phê-rô chối bỏ tương quan với Chúa cho xong chuyện thôi, chứ trong lòng, ông đâu có đoạn tuyệt với Chúa. Trong cuộc sống, trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải nói sự thật với bất cứ ai. Nhưng vấn đề ở đây là Chúa đang bị nguy hiểm, còn ông Phê-rô thì tìm cách tránh né nguy hiểm ; hơn nữa, làm như thế là không đúng với điều ông đã hứa : “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy”. Nếu ông không hứa, thì đâu có sao !

Còn chúng ta, chúng ta có chối Chúa hay không ? Có lẽ chúng ta không chối như thế, nghĩa là có người hỏi về tương quan thuộc về Đức Ki-tô của chúng ta, và chúng ta công khai phủ nhận, để được an thân. Nhưng nếu chúng ta xem xét việc chối Thầy của ông Phê-rô không dưới khía cạnh nội dung cụ thể, nhưng dưới khía cạnh hình thức : là đưa ra lời hứa, nhưng không giữ lời hứa của mình, không trung thành với lựa chọn của mình, thì chúng ta đã “chối Chúa” rất nhiều, thậm chí hàng ngày. Chúng ta hãy nhận ra con người thật của chúng ta nơi hành vi thất hứa và nơi lời nói chối bỏ “tương quan thuộc về” Đức Ki-tô của ông Phê-rô.

Chúng ta cũng có thể sống, ý thức hay không ý thức, như người không biết Chúa, không thuộc về Chúa, qua một ánh mắt, một cử chỉ, một hành động, một lối sống trong một giai đoạn nào đó, qua tương quan lệch lạc của chúng ta với người khác hay với “những sự khác”.

3. Thức tỉnh (Mt 26, 74b-75)

Chúng ta có thể tự hỏi : điều gì đã làm cho ông Phê-rô thức tỉnh ? Có hai yếu tố. Trước hết là Tiếng gà gáy. Tại sao hành động chối bỏ tương quan thuộc về Đức Giê-su lại gắn liền với tiếng gà gáy ? Cách các thánh sử Mát-thêu, Lu-ca và Gioan kể lại đều giống nhau ở chi tiết này : có tiếng gà gáy, sau 3 lần chối. Nhưng thánh Lu-ca thêm một chi tiết thú vị : ông đang chối lần ba, thì gà gáy. Thánh sử Mác-cô kể lại hơi khác một chút : sau lần chối thứ nhất, gà gáy ; sau lần chối thứ 2 và thứ 3, gà gáy lần nữa.

Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : “nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối thầy 3 lần”, ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt, trước khi trời sáng. Như thế, bối cảnh “chối Thầy”là những hình ảnh thiên nhiên mang đầy ý nghĩa : hành động từ chối tương quan thuộc về xẩy ra rất mau ; và đó là hành động thuộc về ban đêm, thuộc về đêm tối, trước khi trời sáng ; thế mà ánh sáng là biểu tượng của sự sống và tương quan thuộc về ánh sáng Đức Ki-tô.

Tiếng gà gáy báo cho người ta thức dậy, sau giấc ngủ. Hành động từ chối thuộc về Thẩy của mình, đến ba lần, đủ nhiều để chúng ta hiểu đó là một giấc ngủ, và là một giấc ngủ mê. Tiếng gà gáy đánh thức ông Phê-rô. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, ông Phê-rô cần tới hai lần gà gáy. Còn chúng ta, chúng ta cần mấy lần ? Và tiếng « gà gáy », mà chúng ta cần để thức tỉnh là gì ?

Tuy nhiên, tiếng gà gáy, xét như hiện tượng tự nhiên vẫn chưa đủ. Bởi vì, sau tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giê-su. Đi đôi với hiện tượng thiên nhiên, cần phải có Lời Chúa nữa. Đó là yếu tố thứ hai. Ông Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình. Đó là chìa khoá của hoán cải: trở về với Lời đã ngỏ cho tôi cách đích thân. Chúa là Tình yêu, và trong tình yêu không có chỗ cho việc chối từ sự trở về, mà chỉ có đón nhận mà thôi.

Bản văn của Tin Mừng theo thánh Luca, còn nói đến một chi tiết rất đánh động : Chúa quay lại nhìn ông (Lc 22, 61). Như vậy Phê-rô chối Thầy của mình trong tầm nhìn của Ngài. Như chính chúng ta, mỗi khi chúng ta cách nào đó chối Chúa, chúng ta cũng thực hiện trong tầm nhìn của Chúa, bởi vì Ngài “bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước”. Hãy hình dung ra cái nhìn của Chúa đối với ông Phê-rô và đối với chúng ta : Đó là ánh mắt nào ? Giận dữ, trách móc, hay bao dung và tha thứ ? Chúng ta hãy đi vào tâm tình của Chúa mỗi khi chúng ta, cách nào đó chối Chúa.

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của ông Phê-rô và đi vào tâm tư của ông. Chúng ta có bao giờ khóc như thế chưa ? Hay một tâm tình tương tự mỗi khi chúng ta không giữ lời hứa với Chúa ?

*  *  *

Cần phải cương quyết như ông Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng “Đá Tảng Phê-rô”, nhưng “Tảng Đá Phê-rô” lại dựa vào lòng thương xót.

Phê-rô vẫn đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta cũng thế, dưới mắt Chúa, chúng ta vẫn đáng thương hơn đáng trách. Nhìn ngắm sự yếu đuối của ông Phê-rô, chúng ta sẽ được an ủi nhiều : một đàng Chúa biết hết, biết tình yêu mỏng dòn của chúng ta dành cho Chúa, nhưng Chúa vẫn bao dung, tin tưởng và không lên án.

E. Đức Giê-su bị đánh đòn (Mt 27, 26-31)

Chúng ta bước vào giai đoạn sau cùng của cuộc Thương Khó, là giai đoạn thi hành hình phạt đóng đinh vào Thập Giá. Về thể xác, đây là giai đoạn đau đớn nhất, nhưng không chỉ có đau đớn về thể xác, nhưng còn tinh thần nữa. Thực vậy, cuộc hành hình có ba bước liên kết chặt chẽ với nhau: đánh đòn, nhạo báng và đem đi đóng đinh. Trước khi giết chết, giống như con thú, nó chơi dỡn và hành hạ con mồi một hồi lâu, rồi nó mới kết liễu. Vì thế, thú tính bộc lộ rõ nét nhất ở giai đoạn này: người ta cảm thấy vui thú trong việc cắn xé và chà đạp ngôi vị người khác. Hành hạ thân xác luôn đi đôi với diễu cợt trên ngôi vị, vì dưới mắt kẻ hành hình, nạn nhân không còn là người:

Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi.
                                                                                       (Tv 22, 7)

Như thế, cái chết đến từ từ, trước khi lấy mạng; và đó là điều khủng khiếp nhất. Vì thế, Tv 22 mô tả rất dài và với nhiều chi tiết kinh nghiệm sợ hãi trước khi bị giết chết (Tv 22, 13-19). Chúng ta xin được hiệp thông với Đức Giê-su trong đau khổ. Nhưng Ngài mời gọi chúng ta đi xa hơn và sâu hơn trong kinh nghiệm hiểu biết và cảm nếm mầu nhiệm Thương Khó: Ngài tự nguyện chịu như thế để bày tỏ cho chúng ta điều gì? Đâu là sứ điệp về Chúa, về loài người, về tội, sự dữ, về từng người chúng ta?

1. Đức Giê-su bị đánh đòn

Chúng ta cùng nhìn lại một chút hành trình đã qua: Tối hôm trước ở dinh Thượng Tế Caipha, theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu, cả hội đồng đã đồng thanh lên án Chúa: “Hắn đáng chết!”, họ khạc nhổ vào mặt Chúa, đánh đập Chúa, có những người tát Chúa và nhạo báng Chúa: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi: ai đánh ông đó”. Tại tòa Philatô, ông thừa biết người Do Thái nộp Đức Giê-su chỉ vì lòng ghen tị (Mt 27, 18), nhưng không bảo vệ sự thật mà lại chiều theo ý muốn điên rồ của đám đông.

Theo qui trình hành hình bằng cách đóng đinh, quan Phi-la-tô ra lệnh đánh đòn Đức Giê-su trước khi đem đi đóng đinh. Đánh đòn bằng roi trước khi đem đi đóng đinh vào thập giá, là cách làm của người Roma. Đây là một trong những hình phạt khủng khiếp nhất. Chiếc roi là chuỗi mắt xích nhỏ, ở đầu có những mảnh xương và những viên chì. Khi dùng roi này đánh, nó không chỉ xé nát làn da, mà còn cả thớ thịt nữa. Đánh đòn kiểu này trước khi đem đi đóng đinh chính là để cho nạn nhân yếu đi và như thế rút ngắn thời gian đau đớn khi bị đóng đinh.

Chúng ta hãy quan sát và lắng nghe họ. Chắc chắn khi đánh đòn, họ còn buông ra những lời nhục mạ; bởi vì bạo lực luôn đi đôi với sỉ nhục. Và những lời sỉ nhục có khi còn đau đớn hơn roi vọt. Con người mọi thời, và cả chúng ta nữa, vẫn luôn tra vấn về sự dữ: Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo và Toàn Năng, nhưng tại sao lại có sự dữ trên đời này?

  • Sự dữ luân lý là tội lỗi, là những hành vi xấu con người gây ra cho con người.
  • Sự dữ thể lý là những khiếm khuyết nơi thân thể, những đau đớn, những bệnh hoạn và cuối cùng là cái chết.

Câu trả lời của Thiên Chúa không phải là một hành động dùng quyền phép làm biến đi mọi tai họa, khổ đau, bệnh tật, sự dữ… ở trên đời, nhưng là cuộc Thương Khó của Đức Giê-su: Đức Giê-su, Con chí ái của Ngài, mang lấy vào mình sự dữ, cả sự dữ luân lý lẫn sự dữ thể lý. Như thế, câu trả lời về sự hiện diện của Sự Dữ không ở nơi những suy tư cao siêu của con người, nhưng ở nơi Thánh Tâm của Đức Giêsu-Ki-tô, Con Thiên Chúa.

Nhìn ngắm Chúa chịu đánh đòn trước khi bị đem đi đóng đinh. Hình hài tan nát, khuôn mặt của Chúa không còn là hình người. Đấng tạo cho chúng ta khuôn mặt con người, nay không còn hình người. Sự dữ luân lý và thể lý của con người hiện rõ trong thân xác của Chúa. Chúa mang lấy tội và hậu quả của tội cụ thể như thế đó: “mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52, 14). Chúng ta hãy nghe sự thinh lặng của Chúa. Có thể đây là lúc Chúa nói nhiều hơn hết cho chúng ta, và đây cũng là lúc Chúa hành động hơn hết cho chúng ta.

Xin cảm thấy được sự tương phản tuyệt đối giữa Sư Dữ và Sự Thiện. Tại sao Sự Thiện lại mang dáng vẻ của Sự Dữ, vì những kẻ bất chính mới đáng chịu như thế. Nhưng Chúa đâu phải là kẻ bất chính; các phiên tòa xét tội Chúa, một các lạ lùng, lại nêu bật lên sự công chính của Chúa. Bởi vì, chúng ta chỉ được chữa lành khỏi tội, khi thấy tội hiện hình thật rõ trong cuộc khổ nạn của Chúa, trên thân xác của Chúa và nó có một hình dạng không thể chấp nhận được.

2. Đức Giê-su bị nhạo báng (c. 27-30)

Hình dung ra Đức Giê-su: hình dạng của người Tôi Tớ Đau Khổ trong Is 52, 13 – 53, 12 giúp chúng ta hình dung ra. Ngài đứng ở giữa cả một cơ đội; hình ảnh này chất đầy những tương phản thật lớn:

  • Đức Giê-su một mình, ở giữa cả một cơ đội.
  • Đức Giê-su tay không, còn họ thì trang bị vũ khí đầy mình.
  • Và Đức Giê-su kiệt quệ sau trận đánh đòn; còn họ thì hùng hổ như thú dữ.

Sau đó, người ta bắt đầu nhạo báng. Khi cầu nguyện, chúng ta đừng bỏ sót chi tiết nào:

  • Đức Giê-su được mang tấm áo choàng đỏ.
  • Vương miện bằng gai.
  • Tay cầm cây sậy

Giống như với đối với tội trong lịch sử cứu độ: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt”(St 50, 19-20); ở đây cũng vậy, Chúa dùng chính điều xấu con người làm cho Chúa, để nói lên căn tính, vương triều và vương quyền đích thật của Chúa. Người ta từng muốn tôn Ngài lên làm Vua, và có lẽ các môn đệ cũng vậy. Nhưng Ngài không muốn. Nhưng khi người ta tôn Ngài lên làm vua theo kiểu này, thì ngài để cho làm. Ngài muốn nói gì với loài người chúng ta, với từng người chúng ta qua cực hình đùa giỡn trên ngôi vị này?

Tất cả là hình ảnh của Vị Vua với đầy đủ biểu tượng: long bào màu đỏ (thân phận hoàng tộc), vương miện (vương triều) và cây gậy (vương quyền). Nhưng có điều là giả hết, là nhạo báng hết; nhưng Chúa dùng chính những điều giả tạo dùng để nhạo báng này, để nói lên rằng Chúa không cần “đồ thiệt”, hay đúng hơn, “đồ thiệt” không phù hợp với Chúa, vì cách Chúa làm Vua thì khác hẳn, không theo cách của con người, nhưng theo cách của Thiên Chúa:

  • Áo choàng đỏ: nói lên điều Ngài đã nói trong bữa tiệc li: “máu đổ ra cho muôn người”; Ngài muốn cho luôn thân phận, cho luôn sự sống; bởi vì Chúa đến để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10).
  • Vương miện bằng vàng hay kim cương, tượng trưng cho tư cách đế vương. Ở đây, vương miện của Ngài lại là vòng gai, ghim vào đầu. Điều này cho thấy, Ngài là vua, nhưng không kiểu trần gian vua trần gian: thay vì bắt thần dân phục vụ và chết cho mình, ngài phục vụ và chết cho thần dân của mình.
  • Thay vì là cây gậy rắn chắc biểu tượng của sức mạnh và quyền bính, cây sậy trong tay Chúa, chẳng đánh chết được ai cả, nói lên rằng, cách Ngài cai trị, không phải bằng sức mạnh hay áp đặt, nhưng bằng sự gần gũi, hiền lành và cảm thông.

Chúng ta có thể đọc ra những ý nghĩa khác. Tiếp theo, là những cử chử và những lời nhạo báng, không chỉ trên ngôi vị, nhưng cả một Dân Tộc: Vạn tuế Đức Vua Dân Do Thái. Và cuối cùng là khạc nhổ, lấy cây sậy đập vào đầu Ngài.

Chúng ta hãy hình dung ra đám cơ binh: chính khi họ nhạo báng, họ vùi dập nhân tính của Đức Giê-su, nghĩa làm cho Ngài không còn hình người, họ tự làm cho mình trở nên đáng bị nhạo báng, mất nhân tính: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài” (Tv 141, 10) là như thế; họ có hình người nhưng mang dạ thú; càng lúc, đám cơ binh bộc lộ thú tính; hay đúng hơn thú tính hiển hiện ở nơi những con người cụ thể: con người mà lại có những hành động không nhân tính trên người khác. Giống như một số loài thú, đùa giỡn với con mồi một lúc rồi mới ăn thịt.

Trong khi đó, vẻ bề ngoài và thân hình Chúa càng lúc biến dạng, nhưng một khuôn mặt khác càng lúc càng hiển hiện rõ nét, càng rạng ngời: đó là Sự Thiện.

3. Đức Giê-su bị điệu đi đóng đinh (c. 31)

Chúng ta được mời gọi cùng đồng hành với Đức Giê-su vác thập giá. Thánh Vịnh 19 sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm chân dung rạng ngời của Ngài: “Thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sướng lên đường như tráng sĩ.” (Tv 19, 6). Thực vậy, Đức Ki-tô sẽ chinh phục con tim của chúng ta bằng thập giá. Và chúng ta không một mình, vì theo Tin Mừng Gioan, còn có Đức Mẹ, người môn đệ Đức Giê-su thương mến, các bà, nhất là bà Maria Magdala.

F. Đức Giê-su chịu đóng đinh

1. Dấu lạ và lòng tin

Chứng kiến hoặc nghe kể lại dấu lạ chưa từng có, đó là dấu lạ ông Ladarô, đã chết và được an táng tới bốn ngày, nhưng được Đức Giê-su cho hồi sinh, nhưng các thượng tế và các người Pha-ri-sêu lại triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải là gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ…”, và họ quyết định giết Đức Giê-su (Bài Tin Mừng hôm qua, thứ bảy, sau Chúa Nhật V Mùa Chay: Ga 11, 45-56). Như thế, để cho con người tin nơi Thiên Chúa, để cho con người tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Người, những kì công lớn lao hay những phép lạ cả thể đã không mang lại hiệu quả[2].

Thực vậy, lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy sự ghen tị dẫn đến hành vi bạo lực, như chúng ta đã nhận ra trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, hoặc khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ. Và đó chính là kinh nghiệm của người Do thái trong sa mạc: Con cái Israel chứng kiến 10 dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách. Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giêsu làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin” (x. Mt 27, 39-44).

2. “Dấu lạ Thập Giá

Chính vì thế, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ không làm dấu lạ nào nữa. Nhưng cái chết của Ngài trên Thập Giá lại là một Dấu Lạ, Dấu Lạ của mọi dấu lạ. Thật vậy, viên đại đội trưởng Roma đứng đối diện với Đức Giê-su chịu đóng đinh, khi thấy Người tắt thở trên Thập Giá, liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27, 54)

Đức Giê-su làm những dấu lạ để cứu sự sống, nhưng khi làm thế, Ngài lại mang vào mình nguy cơ mất sự sống. Tuy nhiên, Sự Dữ mà con người làm cho Ngài không làm thất bại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tương tự như ông Giuse nói với các anh của mình: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo.” (St 50, 20). Cũng vậy, Đức Giê-su dùng chính hành động tiêu diệt Ngài,

  • để bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, là tình yêu và lòng thương xót, và Ngài chỉ là tình yêu và lòng thương mà thôi.
  • để trao ban sự công chính và sự sống của Ngài cho chúng ta.
  • và để: “qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”, như thánh sử Gioan nói trong bài Tin Mừng.

Và nhất là để cho sự dữ hiện nguyên hình trên thân xác nát tan của Ngài, và qua đó, giải thoát loài người chúng ta khỏi sự dữ. Thật vậy, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, để nhận ra:

  • Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
  • Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
  • Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

Như thế, Thập Giá là điên rồ và là sự sỉ nhục, nhưng lại là Dấu Lạ, Dấu Lạ lớn hơn mọi dấu lạ. Thực vậy, Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:

  • dấu lạ trong lời mời gọi loài người và từng người chúng ta hoán cải,
  • dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,
  • dấu lạ mạc khải tình yêu và thương xót của Thiên Chúa; vì từ đây, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, được thể hiện nới Đức Ki-tô chịu đóng đinh.
  • dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,
  • và dấu lạ chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, gia đình, giáo xứ, cộng đoàn chúng ta là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa đến cùng trong ơn gọi gia đình, hay tu trì, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.

3. Lời nói cuối cùng của Đức Giê-su

Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta đã nghe được những lời nói gây kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, Ngài hầu như chẳng nói gì cả, Ngài im lặng. Nhưng chính lúc Ngài im lặng, im lặng ngay ở giữa cơn lốc tố cáo, phản bội, lên án, thóa mạ, sỉ nhục, la ó đòi mạng, Ngài lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, xin cho đôi mắt của chúng ta biết lắng nghe, lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phao-lô nói (1Cr 1, 18).

Tuy vậy, trong cuộc Thương Khó, Ngài cũng nói, nhưng rất ít và rất ngắn. Và chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói cuối cùng của Ngài, bởi lẽ lời cuối của Ngài, như lời cuối của bao người, là lời tha thiết nhất. Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh:

  • không phải là một lời nói chưa từng ai nói;
  • cũng không là một lời nói quyền năng “biến đá thành bánh”, tự làm cho mình thoát khỏi sự bách hại, đau đớn và cái chết nhục nhằn của Thập Giá,
  • và cũng chẳng phải là một lời nói khôn ngoan, mặc khải ý nghĩa tận cùng thân phận con người, của khổ đau và của sự chết.

Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh là một lời nguyện Thánh Vịnh:

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?
                          (Tv 22, 2)

Đó là một lời nguyện, đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giê-su, bởi biết bao nhiêu người đau khổ có sau Đức Giê-su, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, đã bước qua sự chết; và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng nhất, tận căn nhất của một đời người.

  • Đó là một lời nguyện, không phải nói về vinh quang, nhưng là một lời nguyện bày tỏ tình cảnh bị bỏ rơi của mình; không phải chỉ bởi kẻ thù, cũng không phải chỉ bởi những người thân hay bạn bè, nhưng là bởi chính “Thiên Chúa của con”, Thiên Chúa mà con yêu mến, Thiên Chúa mà con thuộc về tử thủa sơ sinh: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 10-11), Thiên Chúa mà con đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để ca tụng và phục vụ.
  • Đó là lời nguyện, không phải mặc khải cho loài người chúng ta lí lẽ tận cùng của thân phận con người, của khổ đau, của sự chết và của sự dữ, nhưng là lời nguyện chất vấn chính Thiên Chúa Tạo Thành: “Tại sao”?

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?

Vậy thì con gì nữa, thuộc thân phận con người, thuộc đời người, thuộc số phận của chúng ta, và ngay cả tâm tình bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa của mình, mà Đức Ki-tô đã không mang lấy?

Như thế, Thiên Chúa đã nhận lời nguyện tận căn của loài người, của từng người chúng ta làm của mình, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để ôm ấp, để chia sẻ, để an ủi, để thương cảm, để bao dung, trước khi dẫn đưa tất cả vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Thiên Chúa.

III. “Chúa ban Bánh cho tất cả chúng sinh” (Tv 136)

A. Vĩnh cửu và mới mẻ

1. Vĩnh cửu

Tv 136 là một trong các Thánh Vịnh được biết đến nhiều nhất, vì trong đó có một câu cứ được lập đi lập lại từ đầu đến cuối như một điệp khúc:

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương [3].

Câu này được lập lại đúng 26 lần. Cứ sau mỗi câu, ứng với một hàng, lời này lại được lập lại. Như thế, cả Thánh Vịnh có 26 câu, thì có 26 lần điệp khúc này được hát lên. Nhưng tại sao cứ luôn lập đi lập lại cùng một điều? Lý do rất đơn giản, vì đó luôn luôn là cùng một điều: “muôn ngàn đời” mà! Lập đi lập lại không đổi, đó chính là cách diễn tả ý nghĩa của hạn từ “muôn ngàn đời” hay “vĩnh cửu”, là cách khuôn mình theo ý nghĩa của nó. Lập đi lập lại đôi khi tạo ra sự đơn điệu, nhưng nó cũng có thể làm cho vui thích. Đó chính là trường hợp của lời ca tụng: ca tụng, đó là nói không biết chán điều làm cho chúng ta vui thích: “bây giờ và luôn mãi đến thiên thu vạn đại”. Như thế, điều tốt đẹp hiện diện trước mặt chúng ta phải thực sự tốt đẹp để không cần phải thay đổi. Điều tốt đẹp này chính là “tình thương của Chúa”. Hạn từ Do thái mà chúng ta dịch ra là “tình thương của Chúa”, còn gợi ra tương quan giao ước, và vì thế, nó cũng gợi lên sự kéo dài, tính ổn định và ngay cả vĩnh cửu, vì đây là giao ước của Thiên Chúa. Vì thuộc về một giao ước trong đó tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta tồn tại luôn mãi, nên chúng ta nói không biết chán điều tốt đẹp mà mình nhận được:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
          muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Thần các thần,
          muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa các chúa,
          muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (c. 1-3)

2. Mới mẻ

Có đúng là không biết chán không? Vì chúng ta sẽ ngủ gật mất, nếu 26 câu kia không mỗi lần mỗi khác. Thật vậy, tất cả các câu còn lại của Thánh Vịnh đều khác nhau, cho dù trong ba câu đầu mà chúng ta vừa trích dẫn, sự khác biệt không được lớn lắm: danh xưng của Thiên Chúa được nêu khác đi một chút ở mỗi câu, bởi lẽ đây là lúc lấy đà dựa trên Danh Chúa và chắc chắn được hát lên với nhiều cảm nếm. Điều mà Danh của Thiên Chúa muốn diễn tả và chứa đựng, đó chính là tất cả chủ đề của Tv 136.

Ứng với hai mươi sáu câu giống nhau, có hai mươi sáu câu khác nhau. Tại sao lại khác nhau? Bởi vì nội dung của Tv 136 là một trình thuật, nghĩa là các biến cố được kể lại. Và trong một câu truyện, luôn luôn xảy ra điều gì đó. Mọi trình thuật đều nhất thiết được phân thành những tình tiết và chỉ có tình tiết khi một sự kiện mới được thuật lại. Chính vì thế, mỗi câu, ít nhất là từ câu 5 đến câu 23, đều diễn tả một biến cố đặc biệt, trừ trường hợp nội dung của câu chỉ là lời loan báo cho những gì sẽ được nói tới (c. 4) hoặc là phần tiếp theo của những gì đang được kể (c. 12.18.22). Các câu 23-24 là phần tóm tắt. Những gì được kể lại gần như là một bản tóm của Sách Thánh, từ sách Sáng Thế đến sách Giosuê, và có thể được chia thành hai phần: phần trình thuật sáng tạo (c. 4-9) và phần trình thuật lịch sử (c. 10-24). Kể lại, đó là trình bày một chuỗi các tình tiết liên tục, vốn là điều tạo ra sự chú ý và thích thú. Nhưng ở đây, trong Thánh Vịnh của chúng ta, điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa”, giống như những nhát kéo, cắt rời các tình tiết ra. Vậy, “sự cố này” có thể tạo ra những hiệu ứng nào?

Sự cố điệp khúc “muôn ngàn đời tình thương của Chúa” cắt rời chuỗi liên tục các sự kiện, muốn làm cho chúng ta hiểu rằng một biến cố xẩy ra không do bởi biến cố có trước, nhưng bởi sự kiện Thiên Chúa muốn biến cố đó. Cách trình bày như thế làm cho chúng cảm nghiệm được rằng một đàng, mọi tình tiết đều mới mẻ và đàng khác, tình thương của Chúa thì vĩnh cửu. Như thế, hiệu ứng của kết cấu theo từng cặp của Tv 136 là làm cho chúng ta nghiệm được thế nào là hành động của Thiên Chúa: luôn luôn cùng một điều và luôn luôn mới mẻ! Điều này vượt quá thân phận của con người trong thế giới, bởi vì đối với con người cái gì vĩnh cửu thì bất động, thì không mới (chẳng hạn các đền đài cổ xưa hay các rặng núi hùng vĩ) và cái gì mới thì không vĩnh cửu (tiểu biểu nhất là diễn biến thời sự trong cuộc sống, tất cả đều mới lạ nhưng rồi cũng đến lúc kết thúc hay lụi tàn, dù cho có dài như “Truyện 1001 đêm”!).

Không có điều gì thuộc thế giới này có thể chứa đựng được nơi chốn mà ở đó vĩnh cửu và mới mẻ chỉ là một, bởi lẽ chính nơi chốn này chứa đựng thế giới và vì thế chúng ta phải bỏ đi mọi chỗ dựa để đi vào nơi chốn này. Tuy nhiên, Tv 136 lại cố làm cho chúng ta nhận ra rằng mới mẻ và vĩnh cửu đã đi tìm nhau gặp nhau rồi, ngay trong thế giới này bởi sự hiện diện năng động của Thiên Chúa.

B. Sáng tạo và lịch sử

Như chúng ta đã nói, Tv 136 có thể được chia thành hai phần: phần sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu và phần lịch sử nói về khía cạnh mới mẻ. Sáng tạo được gợi ra cho chúng ta bởi không gian, vốn diễn tả vĩnh cửu, trong khi lịch sử lại liên quan đến thời gian, và chính trong thời gian mà cái mới xẩy diễn ra. Như thế, Thánh Vịnh 136 đã kết hợp được hai giá trị, mới mẻ và vĩnh cửu, ngay ở trong kết cấu đặc biệt của nó.

Sáng tạo diễn tả khía cạnh vĩnh cửu, bởi lẽ các công trình được kể ra tồn tại thật lâu dài:

Tầng trời cao Chúa tạo dựng tài tình,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
trải mặt đất này trên làn nước bao la,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
Người làm ra những đèn trời to lớn,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
cho thái dương điều khiển ban ngày,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
                                                              (c. 5-9)

Nếu so sánh phần sáng tạo vừa trích dẫn với trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” trong sách Sáng Thế (St 1, 1-2, 4a), chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra tác giả thánh vịnh dừng lại ở ngày thứ tư, nghĩa là ngày các vì tinh tú được tạo dựng. Phải chăng, đối với tác giả, sáng tạo được hoàn tất vào chiều tối thứ tư, sau khi đồng hồ các vì tinh tú đã được lên dây cót để vận hành mãi mãi? Tại sao khuôn khổ bảy ngày không được áp dụng tới cùng ở đây?

Lý do thật đơn giản: tất cả những gì được kể trong Thánh Vịnh thì có cùng bản chất, đó là những phần bất biến của sáng tạo, và là dấu chỉ của vĩnh cửu. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “bất động sản” của sáng tạo. Nhưng, những gì mà Thánh Vịnh không kể ra cũng thuộc về một khối thuần nhất, đó là thảo mộc, thú vật và con người, nghĩa là thế giới sinh động chóng qua, vốn là dấu chỉ của cái mới. Chúng ta có thể gọi phần này là phần “động sản” của sáng tạo. Tv 136 đã thay thế, ngay sau câu 9, khung cảnh sinh vật bằng khung cảnh lịch sử, trong đó cái mới được thể hiện.

Như vậy, Tv 136 đã đặt sáng tạo như là lời tựa của trình thuật lịch sử: sáng tạo chất chứa lời hứa vĩnh cửu, nhưng lịch sử, nơi chốn của cái mới, và cũng của những hiểm nguy, có giữ trọn được lời hứa của sáng tạo không?

C. Ơn huệ lương thực: điểm tới của sáng tạo và lịch sử

Như đã được trình bày, vĩnh cửu được diễn tả bởi điều tương ứng với nội dung của bốn ngày đầu của sáng tạo (c. 4-9), và cái mới được diễn tả bởi việc nhắc lại lịch sử (c. 10-24). Nhưng chúng ta còn phải tìm hiểu sự hiệp nhất giữa vĩnh cửu và cái mới được biểu đạt như thế nào trong Tv 136, bởi vì, nếu không có sự hiệp nhất này, thì có lẽ Thiên Chúa sẽ không được diễn tả cách trọn vẹn.

1. Ơn huệ lương thực

Trình thuật sáng tạo “Bảy Ngày” hướng tới một cùng đích, và trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel (thường được nhắc lại trong các bản văn Giao Ước) cũng hướng tới một cùng đích. Thật vậy, ơn huệ sau cùng của trình thuật kể lại tuần đầu tiên của vũ trụ, chính là ơn huệ lương thực (St 1, 29-30); và trong trình thuật lịch sử khai sinh ra Israel, cùng đích cũng là bánh Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, bánh phát xuất từ đất mà Ngài dẫn dân đến cư ngụ[4]. Như thế, sáng tạo và lịch sử đều có cùng một điểm tới! Chính vì thế mà, trong Tv 136, không có hai lần nói về lương thực. Chỉ có một lần thôi, và đó chính là điểm kết thúc duy nhất ở đó tiến trình sáng tạo và tiến trình lịch sử, chiều kích vĩnh cửu và chiều kích mới mẻ gặp gỡ nhau:

Người ban bánh[5] cho tất cả chúng sinh,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
                                                             (c. 25-26)

Chúng ta có thể bị choáng, vì nhận ra rằng tấm bánh thường ngày thật quen thuộc và thật đơn sơ, nhưng lại mang một sức nặng ý nghĩa và sự sống quá lớn. Bởi vì bánh diễn tả cuộc gặp gỡ giữa vĩnh cửu và cái mới, và nhất là vì bánh diễn đạt Thiên Chúa và trao ban Thiên Chúa; bởi lẽ, tấm bánh tuy bình thường, nhưng lại chất chứa cùng một lúc vĩnh cửu và cái mới. Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao ĐGS nói: “Ta là bánh hằng sống”. Như thế, tác giả Tv 136 đã tìm ra “điểm hội tụ” của sáng tạo và lịch sử, của vĩnh cửu và cái mới, nơi tấm bánh! Nhưng con đường dẫn đến tấm bánh không thật dễ dàng.

2. Con đường của “Bánh”

Để có được tấm bánh đặt ở trên bàn, chắc chắn cần phải có sáng tạo (đất đai, hạt giống, nước, ánh sáng,…), nhưng cũng cần có những lao nhọc, và cả sự giải phóng khỏi những kẻ áp bức nữa. Tv 136 kết thúc với tấm bánh được nhìn nhận như là ơn huệ. Nhưng, trong cuộc sống, Thánh Vịnh được đọc lên để tạ ơn về tấm bánh đã có sẵn ở trên bàn rồi. Tv 136 chính là lời tạ ơn trên bánh; và để tạ ơn, thì phải nhớ lại, nhớ lại ơn huệ sáng tạo, nhớ lại những nhục nhằn của tổ tiên.

Tấm bánh cần đến “sáng tạo gần” (sáng tạo hôm nay), nhưng dưới áp lực của phần trình thuật lịch sử, đã được đẩy lùi thật xa, đến tận “sáng tạo xa” (sáng tạo khởi nguyên); và như thế, tấm bánh, có ở trên bàn, trở thành điểm hẹn của lịch sử phổ quát. Thật vậy, Tv 136 không nói: “… cho Israel”, nhưng đã nói: “Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”. Ngoài ra, tấm bánh có ở trên bàn không chỉ biểu thị tương quan trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo, nhưng còn diễn tả tương quan với con người trong điều kiện lịch sử cụ thể (chính trị, xã hội, việc làm, áp bức, đấu tranh, …): bánh ở đây là bánh của những con người tự do, đã được kéo ra khỏi cảnh nô lệ. Như thế, bánh mà Israel dùng hằng ngày đã đến từ Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đi ngang qua những xung đột lịch sử. Và điều này cũng đúng với mọi người và mọi dân tộc:

Chúa đã nhớ đến ta trong cảnh nhục nhằn,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
gỡ ta thoát khỏi tay địch thù,
         muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
                                                                (c. 23-24)

Người dâng lời tạ ơn vì tấm bánh được nhận ra như điểm gặp gỡ phổ quát, cũng chính là người được giải thoát khỏi bàn tay vấy máu muốn tiêu diệt. Như thế, lời hứa vĩnh cửu và thử thách cuộc đời hội tụ nơi cùng một tấm bánh.

*  *  *

Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua. Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn, bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.

Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, khi nhìn ngắm với lòng tin vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh.

Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Hãy tạ ơn Chúa cửu trùng,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Chúa Nhật Lễ Lá, năm A
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


 

[1] Sự thinh lặng của Đức Kitô trong cuộc Thương Khó làm chúng ta nhớ lại giấc ngủ ngon lành của Ngài giữa con phong ba bão táp (Mc 4, 38).

 

 

[2] Ngoài ra, Sự Dữ còn xen vào để khơi dậy những cách hiểu và những hành động lệch lạc về dấu lạ. (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có phải là ơn huệ Thiên Chúa ban không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đòi dấu lạ, có nghĩa là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

[3] Dịch sát bản văn Do Thái: “Muôn ngàn đời tình thương của Chúa”.

[4] “Bánh” hiểu theo nghĩa rộng, ám chỉ tất cả những gì làm cho người ta sống.

[5] “Bánh”, dịch theo bản văn Do Thái. Nên giữ lại từ ngữ này, thay vì diễn giải là “lương thực” trong bản dịch Việt ngữ.

“Ơn huệ bánh hằng ngày” đến từ Sáng Tạo (vì là hoa mầu của ruộng đất) và từ Lịch Sử (vì là kết quả do lao công của con người), vì thế mang trong mình đồng thời hai chiều kích vĩnh cửu và mới mẻ, vốn diễn tả hành động của Thiên Chúa. Thế mà, hành động của Thiên Chúa diễn tả chính Thiên Chúa. Như thế, “ơn huệ bánh hàng ngày” tự nó đã diễn tả chính Thiên Chúa rồi. Vì vậy,

Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói:

“Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”
(Mt 26, 26)


[1] Ngoài ra, Sự Dữ còn xen vào để khơi dậy những cách hiểu và những hành động lệch lạc về dấu lạ. (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có phải là ơn huệ Thiên Chúa ban không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đòi dấu lạ, có nghĩa là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thân phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

[1] Sự thinh lặng của Đức Kitô trong cuộc Thương Khó làm chúng ta nhớ lại giấc ngủ ngon lành của Ngài giữa cơn phong ba bão táp (Mc 4, 38).

[2] Dịch sát bản văn Do Thái: “Muôn ngàn đời tình thương của Chúa”.

[3] “Bánh” hiểu theo nghĩa rộng, ám chỉ tất cả những gì làm cho người ta sống.

[4] “Bánh”, dịch theo bản văn Do Thái. Nên giữ lại từ ngữ này, thay vì diễn giải là “lương thực” trong bản dịch Việt ngữ.

Comments are closed.

phone-icon