I. Mạch văn: Đoạn này nằm trong mạch văn nào?
Nằm trong phần Tin Mừng trình bày cái chết, sự phục sinh và vài cuộc hiện ra của Đức Kitô. Trong phần này, văn thể chia thành từng loạt tập trung vào một cuộc lễ. Đoạn này là loạt bản văn tập trung vào một tuần lễ và ngày đầu tiên của nó. Kết luận của phần này, đồng thời của toàn thể Tin Mừng Gioan là: trong số những dấu chỉ của Đức Giêsu thực hiện được viết ra để độc giả tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (20, 30-31). Đây là điều đã soi sáng ý nghĩa phải mặc cho đoạn Tin Mừng chúng ta đang phân tích.
II. Phân đoạn: có thể phân đoạn bài này như sau
– c. 1: Giới thiệu thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện
– cc. 2 – 4: Những cuộc chạy:
– Maria chạy đi gặp Phêrô và môn đệ kia
– Phêrô và môn đệ kia cùng chạy
– Môn đệ kia chạy nhanh hơn
– cc. 5 – 9 Tại ngôi mộ
– Môn đồ kia thấy và không vào
– Phêrô vào và xác nhận
– Môn đồ kia vào, thấy và tin
III. Tìm hiểu bản văn
1. Giới thiệu thời gian, không gian, nhân vật và sự kiện
a) So sánh Tin Mừng Gioan với Tin Mừng Nhất Lãm trong các đoạn song song, có những dị biệt nào đáng kể? Dị biệt này nói lên điều gì?
Dị biệt tổng quát: khác với Tin Mừng Nhất Lãm, ở Tin Mừng Gioan không có vấn đề các thiên thần, và thay vì lời loan báo Phục Sinh, thì có 3 nhân vật được trình diện: Maria Madalena người nghĩ tới một việc xâm phạm mộ phần; Phêrô kẻ còn chưa hiểu, và một môn đồ khác, sáng suốt hơn Phêrô nhưng tôn trọng ưu quyền của ông.
Ngoài ra, ta còn thấy hai dị biệt đáng kể:
– Ở Tin Mừng Nhất Lãm, giai thoại liên hệ đến các phụ nữ chiếm từ 8 đến 10 câu, trong khi đó ở Gioan chỉ lược tóm ngắn gọn trong 2 câu. Phần tiếp của trình thuật đề cập đến việc các môn đồ đến mồ, Luca chỉ dùng 1 câu và nói đến việc một mình Phêrô tới thôi, còn ở Tin Mừng Gioan thì lại trình bày trong 8 câu cuộc chạy bộ của Phêrô và một môn đệ khác cùng với nhiều phản ứng của họ.
– Nếu ta đặt bản văn đang khảo sát vào trong toàn thể chương 20 của Gioan: trình thuật liên can đến 2 môn đệ (cc. 3-10) được chèn vào bên trong trình thuật nói về Maria Madalena (cc. 1.11-18), trong khi chỉ ở Tin Mừng Nhất Lãm trình thuật của các phụ nữ viếng mộ làm thành một đơn vị độc lập.
b) Dị biệt này nói lên điều gì?
Qua sự so sánh trên ta có thể kết luận rằng: như các Tin Mừng Nhất Lãm, Gioan thừa nhận vai trò loan báo của các phụ nữ, nhưng đối với ông, cuộc viếng mộ mau lẹ của Maria Madalena chỉ là nhập đề cho trình thuật về hai môn đồ chạy sau đó. Gioan cho là quan trọng hơn vai trò của Phêrô và môn đồ “Đức Giêsu yêu dấu” đối với vai trò của các phụ nữ trong việc khám phá mồ trống và khám phá ý nghĩa của nó đối với đức tin.
2. Những cuộc chạy (cc. 2-4)
a) Chạy là gì? Chạy là tốc độ nhanh nhất thuộc tác động di chuyển của thân xác. Nó đòi hỏi sức lực, cố gắng, thiện chí và lòng ước muốn. Nó biểu hiện sự nôn nóng, vội vàng, thúc đẩy ý định mau đạt tới đích, hướng về một niềm hy vọng tràn trề ở phía trước.
b) Những ai chạy? Maria Madalena, Phêrô và môn đệ kia.
c) Động lực chạy của mỗi người có giống nhau không? Tầm quan trọng của nó ra sao?
– Cuộc chạy của Maria bị thúc đẩy bởi niềm ao ước báo cáo cho các môn đồ, rồi bà lui lại mồ đứng khóc sướt mướt.
– Cuộc chạy của Phêrô đã dẫn ông đến một sự kiểm chứng còn nằm trên bình diện vật chất, vì ông chưa hiểu lời Kinh Thánh.
– Cuộc chạy của người môn đệ kia mau hơn dẫn ông đến chỗ thấy và tin.
3. Tại ngôi mộ (cc. 5 – 9)
a) Phêrô và môn đồ kia cùng thấy ngôi mộ trống nhưng phản ứng của cả hai không giống nhau. Yếu tố nào làm nên sự khác biệt này?
Một trong những khía cạnh của thân phận con người là: chỉ tiếp nhận được những gì khả giác, tuy vậy mọi biến cố hay thái độ đều che giấu hay mạc khải nhiều hơn cái mà giác quan có thể xem thấy được. Trong lãnh vực đức tin, mọi sự hiểu biết không thể kiểm chứng được bằng những chất thể, bằng khoa học hay tất cả những gì thuộc bình diện vật chất. Cần có một tri thức bên trong về Đức Giêsu mới có thể tin nhận Ngài một cách đầy đủ.
Phêrô không đạt được loại tri thức này, còn Gioan vì đã biết Chúa Giêsu trong nhân tính Ngài, nên môn đồ dấu yêu đã đạt được tri thức bên trong về Đức Giêsu. Vì vậy, sự kiện từ bản chất không hiển nhiên của mồ trống đã ảnh hưởng trên ông, như một dấu chỉ đặt ông trên con đường của đức tin khiến ông thấy và tin.
b) Bức tranh của hai môn đồ tại mồ Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?
Có nhiều môn đồ dầu không quyền cao vẫn có thể là những kẻ đứng đầu trong lòng mến và rất mau mắn nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh trong biến cố lạ thường nào đó. Nhưng dầu vậy, họ phải luôn nhất trí với những người trong Giáo hội có nhiệm vụ chính thức xác nhận kinh nghiệm của họ.
c) Điều gì đã giúp môn đệ kia thấy và tin trước Phêrô?
Chính tình yêu là động lực giúp khám phá ra hoặc đi mau hơn và sâu hơn trong cuộc khám phá về đức tin. Nó làm cho ta thực sự biết được chiều sâu của các biến cố. Gioan đã sống tình yêu sâu xa này với Đức Giêsu nên ông dễ nhận ra ý nghĩa các biến cố, đặc biệt trong sự kiện mồ trống để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại như điều Ngài đã loan báo.
d) Tại sao cùng thấy di vật của Chúa mà Gioan nhận ra Ngài đã phục sinh còn những người khác thì không?
Đi đến niềm tin thì cái thấy và các yếu tố khác chưa phải là cái quyết định. Lòng yêu mến của mỗi người cũng chưa là cái quyết định, mà là cái cảm nghiệm thấy mình được yêu là vô cùng quan trọng và quyết định cho niềm tin vào Đấng Kitô phục sinh.
e) Tại sao cảm nghiệm Chúa yêu mình đã dẫn Gioan đến việc tin Chúa Giêsu phục sinh?
Khi yêu ai, người ta không muốn cho người mình yêu chết đi, mà muốn được gần nhau mãi mãi. Khi Gioan thực sự cảm nghiệm được Chúa Giêsu yêu mình, Gioan sẽ hiểu được Chúa Cha yêu Chúa Giêsu. Mà nếu Chúa Cha yêu Chúa Giêsu thì Ngài sẽ không để cho Chúa Giêsu phải chết. Cũng thế, vì Chúa Giêsu yêu Gioan nên sẽ không để cho Gioan chết.
f) Như vậy, để có thể làm nhân chứng của Đức Kitô phục sinh ta cần sống thế nào?
Một sự hiểu biết thuần túy ngôn từ hay tri thức về Thánh Kinh không đủ để giúp cho hiểu biến cố. Ta cần thể hiện Thánh Kinh trong cuộc đời, nghĩa là phải sống Tin Mừng trong cuộc sống mỗi ngày, điều này đòi hỏi phải đọc biến cố lẫn Kinh Thánh dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Đối với Gioan, sự kiện mồ trống không phải là nền tảng đức tin của Ngài mà là chứng từ bên trong mới là nền tảng vững chắc cho đức tin của Ngài và của Kitô hữu.
Suy thêm
1/ Sống niềm tin phục sinh là gì?
2/ Tôi sẽ sống niềm tin phục sinh như thế nào trong cuộc sống hiện tại của tôi?
3/ Tình yêu đã giúp Gioan vượt xa các dấu hiệu khả giác để tin vào Đức Giêsu, tình yêu ấy có cần thiết cho tôi không? Làm sao để sống tình yêu?
4/ Ngôi mộ chiều thứ 6 đã là nỗi thất vọng cho các môn đồ, đã bao lần tôi đặt hòn đá thất vọng trên những oan trái, chán nản, khó khăn, thất bại trong cuộc sống tôi. Cần chấp nhận chúng thế nào để thể hiện niềm tin của tôi vào Đức Kitô phục sinh?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh
Tài liệu tham khảo
Phêrô Phạm Hữu Lai, Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật năm B, lưu hành nội bộ.