Tối hôm qua, đêm trước ngày lãnh Bài sai Sứ mệnh cho năm sứ vụ 2013-2014, tôi mở một trang sách thiêng liêng và tình cờ đọc được một câu chuyện tuy đơn sơ nhưng rất hay về những người đánh cá xứ Na Uy. Rất hay theo cảm nghiệm của riêng tôi, và tôi nghĩ cũng hay cho mỗi người chúng ta – những người được giao trách nhiệm thi hành một sứ vụ nào đó trong tổng thể Sứ vụ Tông đồ của Hội dòng qua bài sai sứ mệnh mà Bề trên Tổng quyền trao vào tay chúng ta trong Thánh lễ sáng nay.
Chuyện kể rằng: Một bữa nọ, bác đánh cá gọi con gái mình là Hatta và bảo:“Con hãy đan cho cha một chiếc lưới mới và nhớ cẩn thận gút chặt mỗi nút lưới, tấm lưới ấy cần phải thật chắc. Cha sẽ vào rừng đốn cây để làm một chiếc thuyền chống chọi được với bao ba đào, lướt được sóng to gió lớn, dãi dầu sương nắng. Nhưng cha muốn có một tấm lưới to, chắc và mới, để sau lễ Giáng Sinh cha sẽ ra khơi với anh con là Axcel. Con hãy lợi dụng những ngày hè để đan cho xong chiếc lưới. Con hãy dùng mười ngón tay thành thạo và dẻo dai, với đôi mắt sáng để đan lưới nhé. Cha rất cần chiếc lưới vừa mịn vừa chắc. Hãy đặt hết tâm hồn con trong việc đan lưới, một chiếc lưới không sai chạy.”
Hatta đã vâng theo lời cha mình, bắt đầu đưa tay vào đan lưới, nhưng đôi mắt cô bé có lúc mơ màng theo dõi những cánh chim bay tận đâu. Trái tim cô lại càng đi xa hơn, xa tít mãi cõi mộng nào đó, đố ai mà biết được. Mặc dầu lưới vẫn được đan, nhưng đã có một số mắt sai chạy, những mắt lưới đã không được gút thật chặt, có những lỗi lầm sơ sót. Nhưng cô thầm nghĩ, đan lưới bắt cá mòi chứ đâu phải bắt cá mập đâu mà lo, như thế này cũng quá đủ chắc rồi, cần chi mà gút chặt, đau tay lắm, làm vừa phải thôi.
Một chiều đông ảm đạm, cha và anh cô đưa chiếc thuyền mới rời bến cùng với một tấm lưới mới đan. Trời tối như mực, tối khắp cả vùng biển cả, tối luôn cả con tim. Hatta đứng trên bến ghe theo dõi con thuyền từ từ như một bóng ma rời bến, lướt ra khỏi cửa biển. Cô thở dài, nghĩ thương cho cha già ngần ấy tuổi mà còn phải cực nhọc, cô đã cố gắng đan lưới, dâng chút công khó của mình tuy chưa đủ nhưng cũng là một niềm an ủi … Còn ông già đánh cá, trán rộng hiên ngang, đương đầu với gió biển, vai mang lưới nặng, lưới căng phồng niềm hy vọng, ông bảo đứa con trai: “Hãy thắt và treo trên cột buồm cao nhất chiếc đèn dầu cá thu, chịu đựng được gió to bão lớn, sáng tỏ trong sương mù. Hatta sẽ trông thấy từ bờ xa một ngôi sao đang nhảy múa lấp lánh trong đêm. Như vậy, trong bầu trời đen như mực, nó sẽ biết rằng cha già đang lên tiếng cám ơn”.
Ba ngày trôi qua, ba ngày thức suốt cả đêm đen, Axcel vui mừng la lên: “Cố lên, các bạn bắt cá mòi, cá nhiều lắm, tôi thấy chúng bơi lội sáng rực trong đêm”. Vì quá vui mừng, Axcel không kể gì nguy hiểm nghiêng mình quá thấp ra khỏi thuyền nên đã rơi tòm xuống biển. Người cha già đang kéo lưới, nghĩ thầm : “Nó có xuống nước nằm trong lưới, thì chỉ ướt một chút thôi, không hề gì, ta sẽ kéo nó lên. May quá, lưới con gái Hatta của ta đan chắc, không sai chạy … Nhưng, tay ông lão đang cố gắng kéo sức nặng của con trai ông bỗng vùng lên, rồi ông thấy nhẹ tưng. Thôi đứt lưới rồi, con trai ông đã tuột khỏi lưới qua những chỗ sơ hở mà Hatta đã đan …
Hatta không thấy anh mình trở về, chỉ thấy cha già lưng còng sầu muộn và đôi mắt hằn sâu một nỗi đau khủng khiếp bước vào nhà !!!
*****
Câu chuyện kết thúc ở đó. Gấp trang sách lại, tôi nằm yên trong bóng đêm, nghe trái tim thổn thức. Cảnh người cha già thất thểu trở về nhà, gương mặt Hatta hoảng hốt khi nghe cha hỏi : “Con ơi, con đã làm thế nào với cái lưới để anh con phải như thế này?”, và hình ảnh giây phút cuối cùng của một chàng thanh niên ngụp lặn trong vô vọng, trong bóng tối đêm đen giữa lòng biển trước khi bị một con cá mập nuốt chửng … đã khiến tôi thao thức. Tôi cảm nhận câu chuyện ấy cũng dành cho chính tôi.
Tôi sống giữa Hội dòng, liên đới với người khác trong tương quan, trong việc học hành, công tác, và nhất là trong trách nhiệm giảng dạy các em Thiếu nhi, các lớp Giáo lý … Bất cứ việc gì tôi làm cũng có ảnh hưởng đến người khác. Việc tốt dĩ nhiên sẽ đưa đến những hiệu quả tốt đẹp; ngược lại, một chút lơ đễnh, thiếu nhiệt tâm của tôi lại cũng có thể gây thiệt hại to lớn cho chính tôi và những người liên quan. Cô gái Hatta không hề có ý hại anh trai mình, nhưng việc cô không hết tâm đan lưới đã khiến cho cái lưới bị đứt khi kéo anh cô, và hệ lụy là gây ra một thảm họa đau đớn cho chính cô cũng như những người thân yêu nhất của cô.
Hatta đã đan một chiếc lưới. Thế nhưng, cô chỉ đan cho xong chiếc lưới mà thôi. Lời của người cha dặn cô gái Hatta : “Con hãy cố đan lưới cho thật cẩn thận, gút cho thật chặt vào, vì cha cần lưới mới. Hãy đặt hết tâm hồn con trong việc đan lưới, một chiếc lưới không sai chạy.” có lẽ cũng chính là lời Chúa nói với tôi trước khi tôi bắt đầu một công việc nào đó. Một công việc được trao phó, nếu tôi không đặt hết tâm hồn vào đó thì khi hoàn thành, tôi chỉ làm “xong việc” mà không “được việc”. Nó sẽ không đạt hiệu quả cao nhất có thể. Tôi có lý do để tự trấn an mình như Hatta: “đan lưới bắt cá mòi chứ đâu phải bắt cá mập đâu mà lo, như thế này cũng quá đủ chắc rồi, làm chi mà gút chặt, đau tay lắm, làm vừa phải thôi”. Tôi cũng có quyền nại vào khả năng yếu, sức khỏe kém, phương tiện hỗ trợ không tốt… để biện hộ cho kết quả công việc của mình. Tuy nhiên, sẽ không phải là lời biện hộ chính đáng nếu bản thân tôi chưa cố gắng hết mình để trau dồi kiến thức, tận dụng thời gian và năng khiếu để chu toàn công việc của tôi một cách có trách nhiệm.
Hơn nữa, câu hỏi của người cha dành cho Hatta khi trở về nhà : “Con ơi, con đã làm gì cho anh con phải ra như vậy?” cũng chính là tiếng lương tâm hỏi tôi cho những việc tôi làm. Cũng như Cain, tôi có thể chối phắt trách nhiệm với câu trả lời: “Tôi đâu có phải là người canh giữ em tôi” (St 4,9) mỗi khi có người anh em phải chịu những thiệt hại do sơ suất của tôi. Tuy nhiên, làm sao tôi có thể tránh được nỗi ân hận và day dứt trong chính cõi lòng mình khi tôi nhìn thấy những hậu quả không đẹp do tôi gây ra ? Trước cái chết của anh trai và nỗi đau đớn của cha già, chắc chắn Hatta phải thốt lên “Nếu tôi biết thế này tôi đã cố gắng tối đa đan lưới và gút chặt, tôi sẽ cẩn thận biết bao và đặt ở đó hết tình yêu thương”, nhưng đó cũng chỉ là là lời ân hận muộn màng.
Được cộng tác vào việc thi hành sứ vụ của Giáo hội theo linh đạo của Dòng, tôi chỉ mong mình luôn cố gắng hết sức và đặt hết tâm hồn vào trong bất cứ công việc nào được trao. Thành công hay thất bại không phải là điều quan trọng với tôi, điều cốt yếu là tôi cảm thấy tâm hồn tôi bình an, thanh thản. Ước chi sau khi hoàn tất sứ vụ, tôi không phải nghe tiếng lương tâm tôi trách cứ về bất cứ điều gì, ngay cả khi tôi vẫn còn nhiều điều ngô nghê hậu đậu, đơn giản chỉ vì tôi đã nỗ lực thực thi theo như lời Thánh Phaolô khuyên bảo: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời...” (Cl 3,23).
Sr. Xuân Bích