Các nhà khảo cổ có thể đã khám phá ra vị trí Chúa Giê-su thực hiện “phép lạ đàn heo”

0

Các nhà khảo cổ có thể đã khám phá ra
vị trí Chúa Giê-su thực hiện “phép lạ đàn heo”

Một phiến đá cẩm thạch được phát hiện với một câu khắc bằng tiếng Hê-brơ có thể cho thấy vị trí chính xác của biến cố này.

Tin mừng Mác-cô tường thuật việc Chúa Giê-su đến khu vực phía đông bắc Biển hồ Ga-li-lê, vùng Khi-nê-rê:

Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! ” Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! ” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì? ” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.

Gần đây, một nhóm các nhà khảo cổ khám phá ra một phiến đá cẩm thạch trong vùng bờ biển Khi-nê-rê, có một dòng chữ khắc bằng tiếng Hê-brơ có thể cho biết vị trí chính xác của biến cố này, được gọi là “phép lạ đàn heo.” Theo nhóm khảo cổ này, có thể biến cố đã xảy ra trong vùng Kursi, một thị trấn nằm trong vùng đất Gadarenes (hay Ghê-ra-sa), nằm ở phía nam Cao nguyên Golan.

“Sự có mặt của những người Do thái định cư gần bờ biển phía đông của Biển hồ Ga-li-lê là một hiện tượng lạ,” Haim Cohen giải thích, ông là một nhà nghiên cứu tại Đại học Haifa. Thật ra, sự có mặt này được khám phá do sự giảm sút mực nước biển cho phép các nhà nghiên cứu tìm thấy một cầu tàu nằm ẩn dưới mực nước và cạnh nó là vùng định cư Kursi. Phiến đá 1.500 tuổi được tìm thấy bên trong một tòa nhà có lẽ được dùng như một hội đường.

Phiến đá cẩm thạch soi sáng cho vấn đề. Với kích thước 1,40 m và 70 cm, trên mặt có một dòng chữ khắc bằng tiếng Hê-brơ trong đó các chuyên gia có thể nhận dạng được hai từ “amen” và “marmaria,” từ này có thể dịch sang hoặc là “Mary,” “cẩm thạch” hoặc “rabbi.” Cũng như đọc thấy trong Primeros CristianosIsrael En Línea, theo Giáo sư Mijal Artzi, toàn văn bản “bao gồm tám dòng; không có quá nhiều từ ngữ trong tiếng Hê-brơ được khắc trên phiến đá. Một giả định cho rằng người mà bản khắc này nói đến có một sức ảnh hưởng vô cùng lớn với người dân địa phương.”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 18/07/2017]

Comments are closed.

phone-icon