Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô, thứ Tư 02.08.2017: Bao nhiêu người trong anh chị em nhớ tới ngày giờ mình lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy?

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 02.08.2017
Bao nhiêu người trong anh chị em
nhớ tới ngày giờ mình lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy ?

51

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Có một thời đại mà trong đó các nhà thờ đều được xây quay đầu về hướng Đông. Người ta bước vào nhà Chúa qua một cánh cửa, và cánh cửa này mở ra theo hướng Tây, và dọc theo nhà thờ, người ta đi tới hướng Đông. Đó là một biểu tượng quan trọng đối với những người sống vào thời Trung Cổ. Nhưng trong suốt quá trình lịch sử, biểu tượng ấy đã dần dần không còn thông dụng nữa. Chúng ta – những con người sống trong thời hiện đại này – đã không còn quen thuộc mấy với việc nhận ra những dấu chỉ lớn của vũ trụ, hầu như chúng ta không còn nhận ra được bất cứ chi tiết nào như thế nữa.

Hướng Tây là hướng mặt trời lặn, nơi ánh sáng bị dập tắt. Trái lại, hướng Đông chính là nơi mà ở đó, bóng tối bị thắng vượt bởi ánh sáng đầu tiên của buổi bình minh, và nó hướng chúng ta về Chúa Ky-tô, mặt trời bừng sáng nơi đường chân trời của thế giới (xc. Lc 1,78). Các nghi thức ban Bí Tích Thanh Tẩy của thời Trung Cổ quy định rằng, khi tuyên xưng Đức Tin, ở phần đầu tiên, các Dự Tòng phải quay mặt hướng nhìn về phía Tây. Và trong lúc làm như vậy, Thừa Tác Viên sẽ hỏi họ: “Anh chị em có từ bỏ Sa-tan và mọi công việc của nó không?” – và các Ki-tô hữu tương lai đồng thanh đáp: “Thưa, con từ bỏ!” Sau đó người ta quay về phía đầu nhà thờ theo hướng Đông, nơi ánh sáng đang bừng chiếu, và người ta lại hỏi các Dự Tòng: “Anh chị em có tin Thiên Chúa, Tin Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?” Và lần này họ trả lời: “Thưa, con tin!

Trong thời hiện đại, sự hấp dẫn của nghi thức đó đã bị đánh mất một phần: chúng ta đã đánh mất đi sự cảm thụ đối với ngôn ngữ của vũ trụ. Tất nhiên, việc tuyên xưng Đức Tin vẫn còn được giữ lại cho chúng ta trong hình thức thẩm vấn các Dự Tòng, và nó là thành phần của việc cử hành một số Bí Tích. Nhưng nó vẫn giữ lại được ý nghĩa của nó. Trở thành người Ki-tô hữu có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là nhìn về ánh sáng, tiếp tục tuyên xưng Đức Tin vào ánh sáng, ngay cả khi thế giới vẫn còn đang bị bao trùm bởi đêm đen và bóng tối.

Các Ki-tô hữu không được đưa ra khỏi bóng tối – cả ở bên ngoài lẫn bên trong -. Họ không sống bên ngoài thế giới, nhưng nhờ vào ân sủng của Chúa Ki-tô mà họ đã lãnh nhận trong Bí Tích Thanh Tẩy, họ là những người nam và những người nữ “hướng về phía Đông”: Họ không tin vào bóng tối, nhưng tin vào ánh sáng ban ngày. Họ không nằm trong đêm tối, nhưng hy vọng vào ánh sáng ngày mai. Họ không bị khuất phục bởi sự chết, nhưng khao khát hướng về sự phục sinh. Họ không bị chế ngự bởi sự ác, vì họ luôn luôn tin vào những khả năng vô hạn của Đức Tin. Và đó là niềm hy vọng Ki-tô giáo của chúng ta. Ánh sáng của Chúa Giê-su, ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta cùng với ánh sáng của Ngài, sẽ cứu chúng ta trước bóng tối.

Chúng ta tin rằng, Thiên Chúa là Cha: đó là Ánh Sáng! Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, chúng ta có một người Cha, và Cha của chúng ta là chính Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng, Chúa Giê-su đã đến với chúng ta, đã đi trên con đường của cuộc đời chúng ta, đã biến mình thành người bạn đường, đặc biệt là của những người nghèo và những người yếu đuối: đó là Ánh Sáng! Chúng ta tin rằng, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động cho niềm hạnh phúc của nhân loại và thế giới, và nhờ vậy, những nỗi khổ đau, thậm chí là những nỗi khổ đau lớn nhất của lịch sử, cũng sẽ đều bị vượt qua: đó là niềm hy vọng mà nó tái đánh thức chúng ta vào mỗi buổi sáng! Chúng ta tin rằng, vào một ngày kia, bất cứ mối thiện cảm, tình bạn, ý muốn tốt lành, hay Tình Yêu nào đi nữa, dù rằng nhỏ bé và không đáng chú ý nhất, cũng đều thấy được sự viên mãn của mình trong Thiên Chúa: đó là sức mạnh mà nó thôi thúc chúng ta đón nhận cuộc sống hằng ngày của mình trong sự hứng khởi! Và đó là niềm hy vọng của chúng ta: sống trong niềm hy vọng và sống trong ánh sáng, trong ánh sáng của Thiên Chúa, Đấng là Cha, trong ánh sáng của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng thôi thúc chúng ta tiến về phía trước trong cuộc sống.

Còn có một dấu chỉ rất đẹp nữa của Phụng Vụ Bí Tích Thanh Tẩy mà nó nhắc chúng ta nhớ tới ý nghĩa của ánh sáng. Khi gần kết thúc nghi thức Thanh Tẩy, trong trường hợp một em bé, thì người ta sẽ trao cho cha mẹ của em, hoặc trong trường hợp người trưởng thành, thì người ta sẽ trao cho chính đương sự một cây nến, mà lửa để đốt cây nến này sẽ được lấy từ cây nến Phục Sinh. Đó là một cây nến lớn mà trong đêm Phục Sinh nó được mang vào trong Nhà thờ đang hoàn toàn tối nghịt, để diễn tả mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giê-su. Từ cây nến ấy, một số ngọn nến khác sẽ được đốt lên, và những ngọn nến này lại tiếp tục trao ngọn lửa cho những người chung quanh: sự chuẩn bị dần dần cho sứ điệp về sự phục sinh của Chúa Giê-su trong đời sống của tất cả mọi Ki-tô hữu nằm trong dấu chỉ đó. Đời sống của Giáo hội – giờ đây Cha xin sử dụng một từ ngữ có nhiều sức mạnh – chính là một sự tháp nhập nhờ vào ánh sáng. Các Ki-tô hữu chúng ta càng có nhiều ánh sáng của Chúa Giê-su, trong đời sống của Giáo hội càng có nhiều ánh sáng của Chúa Giê-su, thì Giáo hội càng trở nên sống động. Đời sống của Giáo hội chính là sự tháp nhập nhờ vào ánh sáng.

Lời khuyên tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau, chính là việc luôn luôn nhớ tới Bí Tích Thanh Tẩy của chúng ta. Cha muốn hỏi anh chị em: bao nhiêu người trong anh chị em nhớ tới ngày giờ mình lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy? Xin anh chị em đừng trả lời, vì một số người sẽ xấu hổ! Hãy nghĩ xem, và nếu anh chị em không nhớ tới ngày đó, thì hôm nay anh chị em sẽ có một bài tập về nhà: Hãy đến với mẹ mình, với bố mình, đến với cô hay chú của mình, đến với ông bà của mình để hỏi họ xem: “Con được Rửa Tội vào ngày nào?” Và xin anh chị em đừng quên nữa! Anh chị em đã rõ chưa? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? Bài tập hôm nay hệ tại ở chỗ kinh qua thời gian mình được Rửa Tội hay nhớ tới thời gian đó: đó là thời gian của sự tái sinh, đó là thời gian của ánh sáng, đó là thời gian mà trong đó, chúng ta – Cha xin phép được sử dụng từ này -, trong đó, chúng ta được tháp nhập bởi ánh sáng của Chúa Ki-tô. Chúng ta được sinh ra hai lần: lần thứ nhất là sự sống tự nhiên, và lần thứ hai trong giếng Rửa Tội nhờ vào sự gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Ở đó, chúng ta đã chết cho tử thần để sống với tư cách là con Thiên Chúa trong thế giới này. Ở đó, chúng ta trở nên người hơn là chúng ta nghĩ. Vì thế, tất cả chúng ta phải toát ra hương thơm của dầu Thanh Tẩy, mà chúng ta đã được xức trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa. Thần Khí của Chúa Giê-su, trưởng tử của những người anh chị em, của tất cả những ai chống lại sự tất yếu của bóng tốt và của sự chết, sống và hoạt động trong chúng ta.

Thật phúc đức biết chừng nào nếu một Ki-tô hữu trở thành “Christo Phorus”, tức “Người Mang Chúa Ki-tô”, trên thế gian này! Đặc biệt là đối với những ai đang phải trải qua những hoàn cảnh đau buồn, tuyệt vọng, đen tối và hận thù. Và người ta nhận ra điều đó nơi rất nhiều những chi tiết nho nhỏ: nơi ánh sáng mà một Ki-tô hữu duy trì trong con ngươi mình; nơi sự khước từ có tính căn bản và sự thanh thản mà nó không hề bị gây ảnh hưởng xấu trong những ngày dù là khó khăn nhất; nơi ý muốn bắt đầu thực hiện Đức Ái, ngay cả khi người ta đã trải qua nhiều nỗi thất vọng. Nếu trong tương lai người ta viết lịch sử về những ngày của chúng ta, thì người ta sẽ nói gì về chúng ta? Liệu chúng ta có khả năng hy vọng hay không? Hay phải chăng chúng ta đã đặt ánh sáng của mình dưới đáy thùng? Nếu chúng ta trung tín với Phép Rửa của mình, thì rồi chúng ta sẽ phát tán ánh sáng của niềm hy vọng – Bí Tích Thanh Tẩy chính là sự khởi đầu của niềm hy vọng, niềm hy vọng của Thiên Chúa – và sẽ có thể giới thiệu cho các thế hệ tương lai một nền tảng căn bản cho cuộc sống, cũng như một ý nghĩa về cuộc sống.

Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 02 tháng 08 năm 2017

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon