Đức Thánh Cha phát biểu trước FAO:
Chúng tôi ủng hộ nỗ lực toàn cầu để chấm dứt nạn đói trên thế giới
Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng xin quyền căn bản này
27 tháng Sáu, 2019 15:34
“Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của họ và để tìm ra những con đường giúp họ có thể duy trì sự sống và chứng kiến những quyền căn bản nhất của họ được tôn trọng.”
Hôm nay ngày 27 tháng Sáu, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này trước một phái đoàn từ Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO), trong phiên họp thứ 41 của họ nhóm họp ở Roma, từ 22 đến 29 tháng Sáu, 2019.
“Thiếu lương thực và nước không phải là chuyện riêng và thuộc nội bộ của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhưng là một việc liên quan đến từng người chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh, lưu ý rằng bước tiếp cận mà chúng ta thực hiện khiến chúng ta phải có trách nhiệm, bằng cách này hoặc cách khác, để tăng thêm hoặc giảm nhẹ sự đau khổ cho nhiều người trong anh em của chúng ta.
Đức Phanxico tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh hợp tác với FAO và để “hỗ trợ nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới” và để “bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh của chúng ta và cho nhân loại nói chung.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị và công cuộc và sự tận tâm của quý vị dành cho sự tiến bộ thật sự của đại gia đình nhân loại của chúng ta.”
Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:
****
Tôi xin chào ông Chủ tịch, ông Enzo Benech, phái đoàn của các quốc gia và cơ quan khác nhau, và tất cả quý vị tham dự trong Phiên họp thứ 41 của Hội nghị FAO. Đặc biệt, tôi xin trân trọng gửi lời chào và lòng kính trọng đến ngài Tổng Giám đốc là Giáo sư José Graziano da Silva, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ phục vụ trong Tổ chức này trong vài tuần tới. Tôi xin chúc mừng Ông Qu Dongyu được bầu làm Tổng Giám đốc của FAO. Tôi tin rằng với sự trợ giúp và hợp tác của tất cả, chúng ta sẽ tiếp tục chung sức trong việc mở rộng và nâng cao nỗ lực để đạt được Những Mục tiêu 1 và 2 của Chương trình Nghị sự 2030 với tinh thần trách nhiệm và cam kết, và từ đó chấm dứt được những tai họa phức tạp, bi thảm và không thể chấp nhận được của nạn đói và an ninh lương thực với tốc độ và hiệu quả nhanh hơn.
Mục tiêu Không có Nạn đói trên toàn thế giới vẫn còn là một thách thức lớn, dù chúng ta phải công nhận rằng đã có những tiến bộ rất lớn được thực hiện trong những thập kỷ gần đây. Để chống lại việc thiếu lương thực và tiếp cận được với nước sạch, cần phải có sự can thiệp vào những nguyên nhân gốc rễ của nó. Trước hết nguồn gốc của thảm kịch này nằm trong sự thất bại của lòng trắc ẩn, thiếu quan tâm về phía nhiều người và thiếu thiện chí xã hội và chính trị để tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế.
Thiếu lương thực và nước không phải là chuyện riêng và thuộc nội bộ của những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhưng là một việc liên quan đến từng người chúng ta. Sự tiếp cận mà chúng ta thực hiện khiến chúng ta phải có trách nhiệm, bằng cách này hoặc cách khác, để tăng thêm hoặc giảm nhẹ sự đau khổ cho nhiều người trong anh em của chúng ta (x. Diễn từ trước các thành viên của Liên đoàn các Ngân hàng Lương thực Châu Âu, 18 tháng Năm, 2019). Chúng ta được kêu gọi để nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của họ và để tìm ra những con đường giúp họ có thể duy trì sự sống và chứng kiến những quyền căn bản nhất của họ được tôn trọng.
Một trong những phương tiện này, nó nằm trong tầm tay của chúng ta, là giảm bớt sự lãng phí lương thực và nước. Để điều này được thực hiện, phải gia tăng ý thức về vấn đề và cảm thức lớn hơn về trách nhiệm xã hội sẽ chứng minh là một sự đầu tư tốt, cho cả ngắn và dài hạn. Từ đó thế hệ trẻ sẽ truyền lại chứng tá này cho những thế hệ đến tiếp sau, trong ý thức mạnh mẽ rằng thảm kịch xã hội này không bao giờ được tha thứ (x. Tông huấn Laudato Si’, 50).
Có một mối liên kết rõ ràng giữa sự bất ổn về môi trường, an ninh lương thực và những làn sóng di cư. Những con số ngày càng tăng số người tị nạn trên khắp thế giới trong những năm gần đây cho chúng ta thấy rằng vấn đề của một quốc gia là một vấn đề của toàn gia đình nhân loại. Vì lý do này, sự phát triển nông nghiệp cần được thúc đẩy trong những vùng dễ bị tổn thương nhất, đẩy mạnh khả năng phục hồi và ổn định của đất canh tác. Về một mặt, điều này chỉ có thể được thực hiện bằng việc đầu tư vào sự phát triển công nghệ, và về mặt khác, bằng cách đưa ra những chính sách đổi mới và đoàn kết cho sự phát triển.
FAO và các tổ chức quốc tế khác là những nhân tố thích hợp để phối hợp những biện pháp cần thiết và quyết định nhằm mục tiêu bảo đảm rằng tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, có được sự tiếp cận với những sự tốt lành căn bản. Những cơ quan đa phương này cần được hỗ trợ bởi những cam kết của các chính phủ, các doanh nghiệp, các học viện, các cơ quan xã hội dân sự và những cá nhân riêng lẻ. Các nỗ lực chung của tất cả mọi người sẽ làm hiện thực những mục tiêu và cam kết đã được đưa ra, qua những chương trình và chính sách đủ khả năng giúp người dân địa phương phát triển ý thức trách nhiệm về đất nước, cộng đồng, và cuối cùng là chính sự sống của họ.
Tôi muốn kết thúc bằng lời tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh cùng hợp tác với FAO và hỗ trợ nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới, và để bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho hành tinh của chúng ta và cho toàn nhân loại nói chung. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị và công cuộc và sự tận tâm của quý vị dành cho sự tiến bộ thật sự của đại gia đình nhân loại của chúng ta.
[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/6/2019]