Tích trữ của cải thiêng liêng – Suy Niệm CN 25 TN, năm C

0

A. DẪN NHẬP

          Người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhiều người cho rằng với đồng tiền thì làm gì cũng được, muốn gì cũng có vì đồng tiền là vạn năng! Nhưng có những cái mà với đồng tiền người ta không thể sắm được, ví dụ Nước Trời, phần rỗi linh hồn. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn “Người quản gia bất lương” để khuyến khích chúng ta phải biết cách dùng của cải, nhất là phải khôn ngoan trong việc lo cho tương lai của mình, tức là phần rỗi đời đời của mình trên Nước Trời.

          Dụ ngôn hôm nay có thể gây hiểu lầm cho nhiều người. Mới đọc qua, ta thấy Đức Giêsu như khen người quản lý bất lương đã khôn khéo dùng mánh lới để kiếm được bạn hữu sau khi bị ông chủ thải hồi. Xem ra Đức Giêsu cho phép chúng ta theo gương người quản gia này để dùng mọi mánh lới khôn khéo mà tìm lợi cho mình. Nhưng đọc kỹ, ta thấy Đức Giêsu không khen việc làm bất lương của anh ta mà chỉ khen cái khôn khéo của anh ta trong việc biết lo cho tương lai của mình. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu khuyến khích chúng ta phải biết lo cho cho phần rỗi của mình giống như người quản gia bất lương biết lo cho tương lai vật chất của anh ta.

          Tất cả chúng ta đều là quản gia của Chúa vì tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban, như thánh Phaolô nói: “Có gì mà bạn đã không nhận nơi Chúa”. Với tư cách quản gia, chúng ta phải trung thành quản lý tài sản mà Chúa đã trao phó, phải biết làm lợi ra, phải biết chia sẻ và biết dùng tài sản này mà mua được phần rỗi của mình trên Nước Trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

          Bài đọc 1: Am 8,4-7

          Tiếng kêu của tiên tri Amos cách Đức Giêsu 800 năm mà hôm nay vẫn còn hợp thời. Ông được đời sau đánh giá là lương tâm của thời đại ông, một thời đại đầy dẫy bất công xã hội và người nghèo bị bóc lột đến tận xương tủy. Ông lên án những tội của người giàu:

          – Ngay những ngày lễ cũng bị sử dụng  cho việc buôn bán để kiếm lời.

          – Họ gian lận bằng cách thu hẹp đấu lại và làm nặng thêm quả cân.

– Khai thác và bóc lột những người nghèo khó.

          Nhà tiên tri đã cảnh cáo: “Chẳng bao giờ Ta sẽ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8.7).

          Bài đọc 2: 1Tm 2,1-8.

          Thánh Phaolô chỉ dẫn cho Timôthêô tổ chức lời kinh cho mọi người trong cộng đoàn phụng vụ. Phải có tinh thần liên đới trong khi cầu nguyện, nghĩa là Kitô hữu đại diện cho nhân loại, liên kết với nhân loại trước mặt Thiên Chúa.

          Khi cầu nguyện, người Kitô hữu mở rộng lòng ra ôm lấy thế giới để tạ ơn, để cầu xin với mọi người và cho mọi người. Tại sao lại có nhiệm vụ ấy? Bởi vì Thiên Chúa của người Kitô hữu là Thiên Chúa của tất cả mọi người và Ngài muốn tất cả được ơn cứu rỗi. Riêng vị sứ giả Tin mừng càng phải làm chứng về điều này cách hăng say hơn.

          Bài Tin mừng: Lc 16,1-13

          Truyện người quản gia bất trung ta gặp thấy hằng ngày trong cuộc sống . Đối với dân Do thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý, miễn sao có lợi cho chủ thôi. Quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.

          Đức Giêsu không khen cái hành vi bất chính của anh ta, nhưng khen cái sự khôn khéo biết lo cho tương lai. Bài học rút ra cho người Kitô hữu là khi phải lo phần rỗi linh hồn thì phải làm mọi chuyện để được cứu rỗi. Bằng cách nào? Bằng cách chia sẻ với người nghèo. Không có cách nào giữ của chắc chắn hơn.

          Trong khi sử dụng tiền của phải rất khôn ngoan, phải biến nó thành tôi tớ trung thành, đừng để nó trở thành ông chủ khắc nghiệt vì “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,13).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Cách dùng tiền của đời này

I. DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG

          Để dạy ta phải biết lo xa cho đời sống tương lai của linh hồn mình, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn nói về một người quản gia biết lo xa cho đời sống vật chất của mình.

1. Người quản gia ở Palestine

          Tại Palestine có nhiều địa chủ vắng mặt ở lãnh địa của mình nên tất cả công việc của ông được trao vào tay người quản gia của ông. Theo luật Do thái, người quản gia không phải là một nhân viên được trả công, nhưng toàn quyền thay mặt chủ và chủ phải tôn trọng những dịch vụ buôn bán của người quản gia.

          Trong trường hợp người quản gia bất trung phung phí của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt buộc ông phải hoàn lại của đã mất, chỉ có cách là sa thải. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia phải tính sổ liệt kê tài sản, việc này cần một thời gian chuẩn bị. Trong thời gian này ông vẫn là người đại diện của chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ. Ở đây, người quản gia bị ông chủ là nhà phú hộ khiển trách, vì đã phung phí của chủ và đó là hành vi bất lương và gian dối của người quản gia, khiến ông chủ sa thải.

2. Kế hoạch của người quản gia

          Ở trong tình tình trạng này, người quản gia phải suy nghĩ về số phận tương lai của mình sau khi bị sa thải. Làm việc bằng chân tay thì không quen vì xưa nay chuyên ăn trên ngồi trốc rồi. Phải liệu cách nào để sau khi mất chức quản gia, thì sẽ có người đón tiếp mình về nhà họ.

          Thế là không chút chần chừ, ông cho gọi “từng con nợ”của chủ lại, và trước mặt mình, anh ta cho phép họ sửa lại số nợ. Đúng là dịp may hiếm có, bởi vì thủ đoạn này cho phép giảm món nợ từ 100 thùng dầu xuống chỉ còn 50 (bớt khoảng 2000 lít), và từ 100 giạ lúa xuống chỉ còn 80 (bớt khoảng 6000 ký).

          Từ nay mọi người đều đồng lõa với nhau giữ kín bí mật : đám con nợ dĩ nhiên sẵn lòng giữ thinh lặng để được hưởng một vụ làm ăn quá lời; còn người quản gia thì an tâm “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.

          Dụ ngôn người quản gia bất lương là một trong những đoạn Tin mừng từng bị hiểu sai nhiều nhất: bao nhiêu người đã xem đây như bằng chứng Đức Giêsu cho phép làm điều bất lương. Thoạt nghe ta lấy làm vấp phạm khi Đức Giêsu lên tiếng khen người quản lý bất lương đã hành động cách tinh quái. Lẽ ra thì Ngài phải kết án việc làm gian lận của người quản lý hay ít ra cũng chỉ trích cái hành động cướp gạt của anh ta như tiên tri Amos đã tố cáo những tệ đoan xã hội thời bấy giờ. Amos mô tả việc người giàu có nóng lòng chờ đợi cho qua ngày lễ nghỉ để họ có thể lường gạt và bóc lột người nghèo (Am 8,5-6).

          Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề ta thấy Đức Giêsu không khích lệ việc người quản gia phung phí tài sản của chủ. Thực ra, Ngài chỉ khen cái mánh lới của anh ta mà thôi. Ngài khen người quản gia có khả năng hành động kịp thời và quyết liệt khi bị dồn vào thế chân tường. Rồi từ đó Ngài kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn hơn con cái ánh sáng” (Lc 16,8).

          Và rồi Đức Giêsu thách thức ta: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước các con vào nơi ở vĩnh cửu (Lc 16,9). Nghĩa là con cái ánh sáng cần phải xử sự cách khôn khéo để làm sao tiền bạc không trở nên một thế lực thống trị và biến chúng ta thành nô lệ; trái lại, cần phải biến nó thành phương tiện phục vụ con người  thông qua làm phúc bố thí chứ không phải bo bo giữ cho riêng mình. Người Kitô hữu nhớ rằng, tiền bạc không phải là cùng đích mà chỉ là phương tiện. Chúng ta xử sự thế nào để tiền của không cản trở  bước đường đi đến đời sống vĩnh cửu khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.

II. NÓI VỀ TIỀN CỦA

1. Tiền của là những gì ?

          Tiền của đây nói chung là gia tài hay tài sản, là tất cả những gì mình có. Gia tài vật chất là của cải, là thân xác, là địa lợi chung quanh. Gia tài tinh thần là tài năng, tâm trí, đức hạnh, linh hồn. Gia tài vô cùng quí giá là nguồn sống vô biên tuôn trào từ các bí tích, từ lời hằng sống , từ trái tim và thần khí của Đức Giêsu…  Tất cả những cái đó ta phải “quản lý”.

           Chúa sẽ yêu cầu chúng ta phải phúc trình về chúng. Ta không có quyền “phung phí” những ơn mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta. Ai là người quản lý trung tín và khôn ngoan thì biết khôn khéo dùng những gia tài ấy để kinh doanh, phát triển, đầu tư vào những công trình chân chính mà mua lấy bạn bè, sắm lấy những kho tàng, sắm lấy những viên ngọc quí trong Nước Thiên Chúa. Đó là cách xử sự khôn khéo của con cái sự sáng.

2. Sức mạnh của tiền bạc

          Người đời thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược không xong” (Tục ngữ).Tiên là bà tiên, cô tiên, một hạng người đẹp cả người lẫn nết, không bao giờ chết, lúc biến lúc hiện do trí tưởng tượng người ta hình dung ra. Tiên là một hạng người không có thực, vậy có tiền cũng không có thể mua.

          Câu này cực tả cái giá trị của đồng tiền, đại ý nói rằng có tiền thì việc khó đến đâu, cũng làm được, của hiếm đến đâu cũng mua được. Không tiền thì cái tầm thường nhất cũng không mua được. Có câu tục ngữ tiếp theo câu trên: “Không tiền mua lược không xong”.

          Người có tiền thì có thế, được nhiều người kiêng nể, có thể sai khiến được nhiều người, khiến họ phải hầu hạ, đưa rước và tạo thêm được nhiều kẻ nịnh

Có tiền chán vạn người hầu,
có dầu chán vạn người khêu. 
 (Ca dao)

          Đồng tiền cũng có sức mạnh phi thường, nó có thể đổi trắng thay đen lòng người, nó có thể biến những con người lương thiện thành con người bất lương, mà nhiều người không thể cưỡng lại được:

                                                        Đồng tiền không phấn không hồ,                                                                          Đồng tiền khéo điểm, khéo tô lòng người. (Ca dao)

          Cổ nhân cũng đã có kinh nghiệm nên đã từng nói: “Hoàng kim hắc thế tâm nhân”: tiền của làm hoen ố lòng người.

          Hành động của Giuđa đã nói lên kinh nghiệm đó. Giuđa là một trong 12 tông đồ thân tín của Đức Giêsu, được Ngài yêu thương tận tình, nhưng vì tham tiền, anh ta đã bán rẻ lương tâm, không còn nghĩ gì đến tình nghĩa thầy trò, sẵn sàng bán Ngài cho người Do thái với giá 30 đồng bạc. Quá rẻ! Anh ta đã bị đồng tiền chi phối, không thể chống lại được.

3. Nguy hiểm của tiền bạc.

          Có phải “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò so, là thước đo lòng người” chăng?

          Qua tin tức báo chí và kinh nghiệm thực tế, có lẽ ta phải nhìn nhận  sức mạnh của tiền tài quả là đáng sợ. Nó có thể làm mờ lương tri, biến chất lòng người, sụp đổ ý chí, lụi bại thanh danh, tiêu tan trách nhiệm… Thế nên có tiền tài và sử dụng làm sao cho tốt đẹp không phải là chuyện dễ.

                    Biết bao câu tục ngữ: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu”. Tiền tài vừa nguy hiểm vừa đáng sợ mà ai cũng thích có nhiều, chỉ vì cái sức mạnh của nó, như câu tục ngữ của  nước Nga: “Với một túi tiền treo nơi cổ, không ai có thể bị chết treo”.

 Nhà thơ Tú Xương còn mỉa mai:

                                                             Ví thử trong tay tiền bạc có,                                                               Nói dối như cuội chán người nghe.

 Có thể nói tiền bạc là con dao hai lưỡi. Theo đó, càng nhiều tiền thì con dao hai lưỡi càng khó sử dụng.

 Truyện: Lời khuyên của vị giáo trưởng

          Một lần kia, có một người giàu có nhưng keo kiệt  đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói:

          – Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy cái gì”?

          Ông nhà giàu đáp :

          – Tôi thấy người ta đi qua, đi lại.

          Rồi giáo trưởng đưa ông ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói:

          – Ông hãy nhìn vào tấm gương này và nói ông thấy gì”.

          Ông nhà giàu đáp ;

          – Tôi thấy chính tôi”.

          – Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có trát lên một lớp bạc. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính ông. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính ông” (McCarthy).

4. Tiền của và hạnh phúc

          Tiền của là phương tiện chứ không phải là mục đích, nhưng có nhiều người coi đó là mục đích, là chúa tể. Càng có nhiều tiền của càng muốn có nhiều hơn. Họ theo đạo thờ thần Mammon. Tiếng Mammon chỉ chung những gì nghịch với Thiên Chúa, mà tiền của đứng hàng đầu.

           Nhiều tiền bạc chưa chắc đã sung sướng, chưa chắc đã hạnh phúc. Có những trường hợp con người sa đọa, tội lỗi, hư hỏng, vì dư thừa tiền bạc, phủ phê vật chất thì sao? Hoặc những gia đình giầu có nhưng sống ngột ngạt, bất hòa thường xuyên, chúng ta giải thích thế nào? Bởi vì tiền là bạc. Bạc không chỉ là một kim loại quí, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mà mất cha mất mẹ, mất vợ, mất chồng, mất bạn hữu, mất họ hàng.

Thi sĩ Nguyễn Du trong thi phẩm Kim Vân Kiều đã phải thú nhận:

                                                           Trong tay đã có đồng tiền                                                            Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

          Nhà thơ Nguyễn bỉnh Khiêm cũng chua xót nói rằng :

Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.

          Chúng ta không tìm thấy sự thỏa mãn và ý nghĩa cuộc sống trong của cải. Nhưng khi chúng ta sốt sắng phục vụ người khác, điều này đem lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Cho người khác là điều làm cho chúng ta cảm thấy mình sống mãi.

          Henrik Ibsen nói: “Tiền bạc có thể mua vỏ ngoài của sự vật nhưng không thể mua cái lõi của chúng. Nó đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng, thuốc men nhưng không phải sức khỏe, sự quen biết nhưng không phải bạn bè, tôi tớ nhưng không phải lòng trung tín, những ngày đầy lạc thú nhưng không phải sự bình an và hạnh phúc”.

 Đúng là:

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.

III. NGƯỜI QUẢN GIA  TRUNG TÍN

1. Người giàu có là quản gia của Thiên Chúa

Có lẽ một phần do ảnh hưởng của cuộc sống khó khăn, phần khác do quá tham lam mù quáng mà chúng ta đã có một suy nghĩ lệch lạc về của cải, đó là chúng ta cứ tưởng mình luôn làm chủ của cải. Nhưng nếu biết suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra của cải vật chất mà chúng ta đang có đều thuộc về Thiên Chúa, vì chính Ngài mới là Chủ vật chất và Đấng sở hữu đích thực; còn chúng ta, nói một cách trung thực, chỉ là những người quản lý, coi sóc tạm thời. Cho nên, nếu chúng ta cứ tưởng lầm  mình là chủ, tất nhiên chúng ta sẽ không tránh khỏi sự lạm dụng quyền hành hoặc bo bo giữ lấy của cải như lẽ sống đời mình để rồi dùng nó theo ý ngông cuồng của mình, sẽ dẫn tới sai trái.

Và một ngộ nhận nữa là chúng ta cứ nghĩ của cải mãi mãi thuộc về mình. Đây là một ngộ nhận tai hại vì không những chúng ta giả điếc làm ngơ trước bao cảnh tay trắng hoàn tay trắng xảy ra hằng ngày do nhiều nguyên nhân như cháy nhà, bị trộm cướp, bị tai họa, bị tù tội, nhất là bị chết, mà còn cố tình đâm đầu vào làm giàu, tham lam vơ vét của cải như là cùng đích của đời mình. Do đó, kẻ khôn ngoan không phải là kẻ giữ của mà là kẻ biết dùng của cho thật hữu ích vì chúng ta chỉ được phép giữ và sử dụng của cải trong thời hạn nào đó mà thôi.

2. Người quản gia biết chia sẻ

Nếu người giàu có là quản gia của Thiên Chúa thì không có quyền giữ bo bo cho mình hoặc sử dụng một cách hoang phí. Họ phải biết chia sẻ nữa.

Theo ông Robert Karris: “Tiền bạc (mammon) đều thuộc về thế hệ xấu xa này. Môn đệ phải chuyển mammon thành kho tàng trên trời bằng cách chia sẻ của cải với những người khác, đặc biệt những người túng thiếu. Như thế, tiền của có thể mở lối vào Nước Trời, và lúc ấy tiền của là tên đầy tớ tốt cho ta. Phải biết trung tín khi dùng của cải đời này để có thể được trao phó của đời sau, nghĩa là biết sử dụng của cải như phương tiện chứ không phải như mục đích và sử dụng theo ý Chúa”.

Các Rabbi Do thái có câu : “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo giúp kẻ giàu trong đời sau”. Khi chú giải truyện người giàu ngu dại xây kho vựa lớn hơn để tích trữ của cải, thánh Ambrôsiô có nói: “Bụng của người nghèo, nhà của bà góa, miệng của trẻ nhỏ là những kho vựa còn mãi đời đời”.

 Người Do thái tin rằng của bố thí cho kẻ nghèo được ghi vào trương mục đời sau của kẻ cho. Sự giàu có thật của con người không tùy những gì mình nắm giữ, nhưng ở những gì mình cho đi. “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm”(Cn 19,17)

 Truyện: Mạnh Thường Quân

          Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

          – Ngài có định mua gì về không?

          – Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

          Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.

          Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng :

          – Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.

          Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

          – Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước

3. Người quản gia phải trung tín

          Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã khẳng định: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”(Lc 16,16).

           Ngày xưa, chủ chiếm hữu nô lệ cách tuyệt đối. Ngày nay thì đầy tớ hay lao công có thể làm công việc cách dễ dàng và có thể làm việc cho hai chủ. Anh ta có thể đảm nhận một công tác trong giờ bình thường và một công tác khác trong giờ rảnh rỗi. Tỷ như có người làm thư ký ban ngày và làm nhạc sĩ ban đêm. Nhiều người làm thêm để kiếm tiền hay làm theo sở thích trong những giờ tự do. Thế nhưng một nô lệ không có giờ tự do, mọi giây phút trong ngày, tất cả sức lực của anh ta thuộc về chủ. Anh ta không có thời giờ riêng nào.

          Cũng vậy, phục vụ Thiên Chúa không thể nào là một công việc làm bán thời gian hay công việc của giờ rảnh rỗi. Ai đã chọn sự phục vụ Chúa thì tất cả thời giờ, sức lực của người ấy đều thuộc về Chúa trọn vẹn. Thiên Chúa là chủ tuyệt đối trên mọi người chủ, chúng ta hoặc thuộc trọn về Chúa hay không thuộc về Ngài chút nào.

Sách có chữ rằng: “Trung thần bất sự nhị quân”: tôi trung không thể làm tôi hai chúa. Đức Giêsu cũng đồng ý như vậy khi đem ra dụ ngôn người quản gia bất lương và kết luận: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”.

          Người ta thường nói: “Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ rất xấu”, nghĩa là khi chúng ta dùng tiền của như một phương tiện mưu sống, thì lúc ấy tiền bạc rất tốt cho chúng ta. Trái lại, khi chúng ta tôn thờ tiền bạc như một ông chúa, thì lúc ấy tiền bạc là một điều tai hại; do đó, chúng ta phải dùng tiền bạc như một tên đầy tớ, còn việc tôn thờ  thì chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi.

4. Người quản gia phải biết dừng lại

          Thái độ của người quản gia khôn ngoan là phải biết dừng lại và bằng lòng với những cái mình đang có và cố gắng làm cho tốt hơn, nếu không thì lòng tham vô đáy sẽ đòi hỏi mãi, có thể làm cho chúng ta trở nên mù quáng mà trở thành một quản gia bất lương. Nhà hiền triết Seneca ngày xưa nói rất đúng: “Nếu bạn không coi những gì bạn đang có thì dù bạn có cả thế giới bạn vẫn cảm thấy thiếu”.

Tư tưởng này đông tây gặp nhau :

                                                  Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,                                                                                         Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn ?

                                                   Biết đủ ấy là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ,                                                                                    Biết nhàn ấy là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn. (Cổ ngạn)

5. Người quản gia biết lo cho tương lai.

          Đức Giêsu so sánh: “Con cái đời này đối xử với đồng loại thì khôn hơn con cái ánh sáng” (Lc 16,8). Rồi từ đó Ngài kết luận: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

          Lời thách đố của Chúa có nghĩa là ta phải biến đổi tiền của vật chất thành phương tiện để mở mang xây dựng Nước Chúa. Lời thách đố của Chúa có nghĩa là ta phải biến đổi tiền của vật chất thành phương tiện để mở mang, xây dựng Nước Chúa.

 Bài học Chúa muốn dạy ta hôm nay là phải khôn khéo và mạo hiểm, phải dùng óc sáng kiến và tài sáng nghiệp để tạo cho ta một tương lai trong Nước Chúa, như người quản gia bất lương sửa soạn cho tương lai của mình trong nước trần gian.

Tại sao ta sẵn sàng mạo hiểm trong những lãnh vực khác của cuộc sống và cảm phục người khác làm như vậy? Nhưng còn việc liên hệ với Chúa ta lại thường đắn đo và dè dặt. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa muốn so sánh cái cách thế người ta dùng trong những trường hợp có liên can đến những sự vật trần thế với những cách thế mà người ta dùng để đương đầu với những sự vật thiêng liêng.

Truyện: Đồng tiền trên trời

          Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán:

          – Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

          – Chỉ một đồng thôi.

          – Còn tô lớn kia?

          – Cũng chỉ một đồng thôi.

          Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :

          – Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?

          Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình. Nhưng chủ quán nói :

          – Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.

          – Thế tiền-cho-đi là tiền gì?

          – Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.

          Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.

          Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiều đồng tiền để dành cho đời sau vậy.

                                                                                                                        Lm. Giuse Đinh Lập Liễm                                                                                                                                                                    

Comments are closed.

phone-icon