Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loài muôn vật và thiết lập trật tự tự nhiên theo một hệ thống hợp lý, logic và vô cùng tuyệt vời … Có thể nói, vườn địa đàng là “Ngôi Nhà Chung” đầu tiên và hoàn hảo mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người và ban cho con người được cộng tác vào công trình sáng tạo với Người, không phải bằng sự thống trị hay tùy ý sử dụng cách vô ý thức, nhưng là cùng sống chan hòa với nhau và với muôn vật trong tinh thần yêu thương, đồng trách nhiệm để duy trì và phát triển sự sống. Thế nhưng, sự kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa của ông bà nguyên tổ với hành vi bất tuân đã làm đảo lộn trật tự ban đầu; rồi sự ghen tương của Cain với Abel đã làm cho đất và môi trường sinh thái lần đầu tiên bị ô nhiễm bởi máu vô tội của Abel đổ xuống… Và từ đó, môi trường sống – Ngôi Nhà Chung của nhân loại mỗi ngày mỗi ô nhiễm nhiều hơn bởi những tham lam, ích kỷ, … của con người. Quả vậy, “việc môi trường tự nhiên bị ô nhiễm có nguyên do sâu xa là từ sự ô nhiễm trong trái tim tham lam ích kỷ và nghiêng chiều về tội lỗi của con người”[1]. Hơn bao giờ hết, những năm gần đây, hậu quả của ô nhiễm môi trường sinh thái đang là hồi chuông báo động cho toàn thế giới và cho cá nhân mỗi người. Là những người con của Chúa, đặc biệt với tư cách là các tu sĩ Đa Minh, những người rao truyền chân lý, tình yêu và sự sống của Chúa Kitô, chúng ta phải làm gì trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng của toàn thể môi sinh và tiếng kêu ai oán, bi đát của Mẹ Đất? Trong tâm tình mừng kính Thánh Phaolo (25.01), chúng ta cùng tìm hiểu xem Thánh Phaolo nói gì đến môi trường sinh thái và từ đó cùng khám phá cách thức bảo vệ “Ngôi Nhà Chung” theo tinh thần của Thánh Phaolô.
Trước hết, Thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta một môi trường sinh thái mang tầm vĩ mô, với một nền thần học sinh thái và đạo đức môi sinh trong tương quan với Thiên Chúa là chủ tể muôn loài.
1/ Thiên Chúa là nguồn gốc, chủ thể thực sự của toàn thể vũ trụ và nhờ Đức Kitô nhân loại và muôn loài được hiện hữu
Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, dựng nên muôn loài muôn vật và “là nguồn gốc nguyên thủy của mọi hữu thể”[2]. Thật vậy, Thánh Phaolô khẳng định: “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài” (Dt 2,10) và “đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,6; Ep 3,9; Dt 1,2). Như thế, con người cũng như muôn loài muôn vật không tự mình mà có, không tự mình hiện hữu nhưng tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng nhờ và qua Đức Giêsu Kitô “vì trong Người muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,15-16; x. Dt 1,2). Rõ ràng, không chỉ các sách Cựu ước, đặc biệt Sách Sáng Thế cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa (x. St 1,1tt) mà thần học của Thánh Phaolô cũng khẳng định và chứng minh cách rõ ràng Thiên Chúa là “Đấng tạo thành vạn vật” (Ep 3,9; Cl 1,15-16) nên duy một mình Thiên Chúa là chủ thể và có quyền trên mọi thọ tạo, loài người cũng như loài vật, hữu tri cũng như bất tri. Chính vì thế, con người (cá nhân cũng như tập thể) hoàn toàn không có quyền chế ngự, sử dụng vô lối hay lạm dụng thiên nhiên và tất cả mọi thứ trong vũ trụ này một cách bừa bãi, vô ý thức, khiến chúng bị hư hoại, tổn thương hay thậm chí bị diệt chủng.
Thực tế, từ xa xưa con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa và phá vỡ môi trường sinh thái cách này hay cách khác. Nhưng tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Đức Giêsu Kitô – Đấng là Con Thiên Chúa, là Trung Gian, là Đầu, Trưởng Tử đã hy sinh đổ máu mình để cứu chuộc toàn thể nhân loại và muôn loài, như Thánh Phaolô khẳng định: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người… Nhờ máu người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 17-20). Chính cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, con người và cả vũ trụ này được cứu chuộc và hòa giải (x. 2 Cr 5,17-19; Cl 1,20), đặc biệt chúng ta được tái sinh theo hình ảnh của Chúa và trở nên thọ tạo mới (Cl 3,10; Rm 8,29; 1Cr 15,49; 2 Cr 5,17); tiếp tục hiện hữu và phát triển. Trong Đức Kitô, con người và muôn loài được tham dự vào vinh quang bất diệt của Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã diễn tả: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19); và “khi Đức Kitô, nguồn sống mới của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4)…
Như thế, vì yêu thương Thiên Chúa dựng nên tất cả muôn loài cho con người, để con người sử dụng trong tâm tình tạ ơn và quy hướng về Thiên Chúa và qua Đức Giêsu Kitô mọi thọ tạo đều phải quy hướng về Chúa Kitô “tất cả đều thuộc về anh em; … dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).
Tiếp đó, Thánh Phaolô cho thấy vai trò của chúng ta đối với Ngôi Nhà Chung và tương quan của chúng ta cần có đối với môi trường sinh thái.
2/ Con người được chia sẻ và tham dự vào công trình tạo dựng “Ngôi Nhà Chung” và mối tương quan ba chiều kích
Chúng ta biết: Trong muôn loài thọ tạo đã được dựng nên thì con người là loài cao quý nhất, vì được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của chính Chúa và được chia sẻ sự sống thần linh của Chúa cũng như được tham dự vào công trình tạo dựng của Người (x. St 1.26-31). Thật vậy, Thiên Chúa không phải là người thợ gốm chỉ nhắm mục đích lợi nhuận hay kinh doanh, cũng không vì đam mê nghệ thuật, nhưng trên hết và trước hết, Thiên Chúa là Cha yêu thương đã tạo dựng và chuẩn bị sẵn sàng mọi sự rồi mới dựng nên con người. Bởi thế, con người có giá trị cao quý hơn tất cả mọi loài thọ tạo khác (x. Tv 8,4-7) và “con người là chóp đỉnh của công trình tạo dựng, mọi vật mọi loài đều hướng về và phục vụ con người để giúp con người hướng về Thiên Chúa”[3]. Trong thực tế, Thiên Chúa đã không dựng nên con người rồi để con người không không, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho con người như lời Thánh Phaolô xác tín: “Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6,17). Đồng thời, Thiên Chúa ban cho con người có khả năng để cùng với Thiên Chúa làm chủ và “cai quản” thiên nhiên, vũ trụ. Nói đúng hơn, con người được cộng tác với Thiên Chúa ở trần gian để giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ và bằng sự hiểu biết, sáng kiến Chúa ban làm cho muôn loài trong vụ trụ nhân sinh, trong Ngôi Nhà Chung ngày càng sung túc hơn, phát triển và tươi sáng hơn (x. St 1, 26-30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã quả quyết: “Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10).
Theo Thánh Phaolo, con người chỉ là người thực sự khi biết sống mối tương quan gồm 3 chiều kích: với Thiên Chúa, với tha nhân và với vạn vật (môi trường sinh thái). Thiên Chúa không tạo dựng nên con người như một hồn đảo cô lập và chính mỗi cá nhân cũng không có khả năng tự hiện hữu và tự sinh tồn. Con người sống là sống với, sống nhờ và sống cho. Thực vậy, con người không thể sống và tồn tại nếu không có những mối tương quan chiều dọc (với Thiên Chúa) và chiều ngang (với tha nhân cùng vũ trụ vạn vật): “Một con người trưởng thành nhân bản toàn vẹn là người biết giữ gìn và làm triển nở nhân cách và những đức tính cao đẹp trong ba mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với vạn vật”[4].
Mối tương quan chiều dọc giữa con người với Thiên Chúa là một mối tương quan thánh thiêng, siêu nhiên, bất cân xứng giữa Đấng là Tạo Hóa, Đấng toàn năng, ngàn trùng chí thánh và là chủ muôn loài muôn vật với chúng ta là những thọ tạo nhỏ bé, bất toàn, tội lỗi, … Tuy nhiên, một khi Thiên Chúa đã hạ mình làm người và sống giữa nhân loại qua Người Con Một – Đức Giêsu Kitô thì chúng ta không còn phải sợ hãi như những kẻ nô lệ nhưng như những người con, được gọi Thiên Chúa là Cha “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6) và đồng thừa kế với Đức Giêsu là “Trưởng tử” (Cl 1,15; Rm 8,29; Dt 1,6), là Anh Hai của chúng ta. Thánh Phaolo quả đã cảm nghiệm sâu xa điều này nên đã viết cho các tín hữu Êphêsô một cách rất xác tín: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19) … Chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ… Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15; x. Dt 2,12). Phần chúng ta, chúng ta sẽ là bạn hữu, là anh chị em, là thành viên của gia đình Thiên Chúa nếu chúng ta thực hiện những điều Chúa truyền dạy. Một trong những điều Chúa đã và đang truyền dạy chúng ta chính là cộng tác với Chúa để xây dựng, bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái – Ngôi Nhà Chung của nhân loại nơi Thiên Chúa cũng đang cùng hiện diện với con người trên trần gian này.
Mối tương chiều ngang giữa con người với con người là một mối tương quan bình đẳng, tôn trọng và yêu thương. Kinh Lạy Cha – Lời Kinh Chúa Giêsu dạy và chúng ta vẫn đọc hằng ngày cho thấy rõ ràng: chúng ta chỉ xứng đáng là con Thiên Chúa khi chúng ta đối xử với mọi người như anh chị em của mình, do đó chúng ta phải biết yêu thương, tha thứ và luôn tìm cách làm điều lành, điều tốt cho anh chị em mình. Quả vậy, tất cả chúng ta bất kể ngôn ngữ, màu da, văn hóa, tuổi tác, … chúng ta đều là anh chị em với nhau, đều thuộc về cùng một thân thể: “Tất cả chúng ta, dẫu là Do Thái hay Hy Lạp, (Việt Nam hay Trung Quốc), nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Khí duy nhất” (1 Cr 12,13) . Thánh Phaolô quả là chí lí khi ví mỗi người chúng ta là một bộ phận quan trọng, thiết yếu trong thân thể duy nhất là Chúa Kitô “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận…” (1 Cr 12,27) và “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn” (1 Cr 12,18) và chắc chắn, Thiên Chúa muốn chúng ta hiệp nhất, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như lời Thánh Phaolô khẳng định: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau…” (1 Cr 12,25). Như thế, chúng ta có dám nói là mình đang yêu thương, tôn trọng các anh chị em của chúng ta – những người cùng với chúng ta làm nên thân mình Chúa Kitô – khi chúng ta đã và đang phung phí điện nước, thức ăn, các nguồn năng lượng và thậm chí là phá hoại, làm ô nhiễm môi trường sinh thái – Ngôi Nhà Chung, nơi không chỉ chúng ta mà là tất cả mọi thành phần nhân loại đang cư ngụ?
Bên cạnh đó, con người còn có mối tương quan hỗ tương, mật thiết với vũ trụ vạn vật (1 Cr 8,6; Cl 1,15-16; 1 Tm 4,1-5). Thật vậy, con người không thể sống và tồn tại nếu không có vũ trụ, vạn vật. Con người sẽ sống thế nào nếu không có không khí, nước, ánh sáng, thức ăn, … và những yếu tố này chính là những thành phần căn cốt của vũ trụ, là quà tặng Thiên Chúa ban để nuôi sống, duy trì và bảo đảm sự sống và sự phát triển của con người “trái đất đã có trước chúng ta và được ban cho chúng ta”[5]. Quả vậy, Thánh Kinh và Giáo Lý Hội Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa đặt con người sống trong môi trường trái đất, tự nhiên và chỉ trong môi trường đó, con người mới tồn tại, phát triển và sống mối tương quan hạnh phúc với Thiên Chúa và với tha nhân”[6]. Thế nên, có thể nói rằng con người được tạo dựng và hiện hữu bởi Thiên Chúa, được cứu độ bởi máu Chúa Kitô, được sống động bởi Chúa Thánh Thần, … thì nhờ tình thương và ân sủng Chúa, con người được nuôi sống bởi chính thiên nhiên, được sinh tồn và phát triển trong môi trường sinh thái như những phương tiện cần thiết và hữu ích đến từ Chúa. Chính vì thế, theo thánh ý từ ban đầu của Thiên Chúa, con người không chỉ có mối tương mật thiết với Thiên Chúa là Cha, với tha nhân là anh chị em của mình, mà con người còn phải có tương quan hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, vạn vật như anh em, bạn hữu (Thánh Phanxicô) và nên phải tôn trọng, yêu thương, bảo vệ Ngôi Nhà Chung nơi con người tọa lạc. Trong ý nghĩa này, con người (cá nhân hay tập thể) phải biết hưởng dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban “trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1 Tm 4,1-5) và hoàn toàn:
– không có quyền hủy hoại trật tự tự nhiên và sự quân bình trên trái đất này; cũng không có quyền hủy diệt sự sống của các loài khác;
– không một ai hoặc nhóm người nào có độc quyền quyết định sự tồn vong của Ngôi Nhà Chung.
Trái lại, con người phải thực thi trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ Ngôi Nhà Chung ấy theo luật tự nhiên và siêu nhiên. Đây chính là điều Thánh Phaolô và Giáo Hội đang tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta.
3/ Trách nhiệm của con người trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái “Ngôi Nhà Chung” theo Giáo huấn của Giáo Hội và tinh thần của Thánh Phaolô
Con người không phải chủ nhân nhưng chỉ là những người quản lý nên cần phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc sử dụng tất cả mọi thành phần, mọi yếu tố trong môi trường sinh thái, trong Ngôi Nhà Chung. Quả vậy, việc sử dụng Ngôi Nhà Chung và mọi sự trong đó cách ý thức, có trách nhiệm và tìm mọi cách để gìn giữ, bảo vệ cũng như phát triển hầu Ngôi Nhà Chung ấy ngày một xinh đẹp và an toàn hơn không phải chỉ là bổn phận của những nhà lãnh đạo, những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, ngoài xã hội nhưng còn là nghĩa vụ bắt buộc của mọi người và mỗi người chúng ta.
Thật vậy, yêu mến, trân trọng và bảo vệ Ngôi Nhà Chung giúp chúng ta không chỉ biểu lộ tâm tình tri ân, cảm tạ Thiên Chúa vì đã yêu thương, quan phòng tạo dựng tất cả mọi sự cho chúng ta; mà còn giúp chúng ta thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các bậc tiền bối, ông bà tổ tiên, những người đi trước đã có công gầy dựng, với biết bao gian khổ, những hy sinh chan hòa mồ hôi nước mắt, thậm chí cả những giọt máu đào và sinh mạng để cộng tác với ơn Chúa gìn giữ, bảo vệ và để lại biết bao công trình tốt đẹp cho chúng ta hưởng dùng. Một cách đặc biệt, việc cố gắng không làm hư hoại nhưng góp phần bảo vệ, phát triển Ngôi Nhà Chung chính là hành vi công bằng và yêu thương đối với các anh chị em – những người sống đồng thời với chúng ta cũng như với các thế hệ tương lai, sống sau chúng ta. Quả vậy, Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Quyền thống trị các tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người, không thể được tách biệt khỏi việc phải tôn trọng những nghĩa vụ luân lý, kể cả những nghĩa vụ đối với các thế hệ tương lai” (x. GLHTCG, 2456). Và chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở: “Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai”[7]. Thế hệ tương lai đó là ai nếu không phải là các anh chị em, là con cháu, những người thân yêu của chúng ta. Chẳng lẽ, chúng ta lại không muốn họ cũng được hưởng một nguồn sinh thái lành mạnh, một Ngôi Nhà Chung ấm cúng và an bình sao? Ngược lại, nếu chúng ta sử dụng cách bừa bãi, vô trách nhiệm, thiếu ý thức, không tôn trọng, không tích cực gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái – Ngôi Nhà Chung của nhân loại là chúng ta đang hủy hoại sự sống của chính chúng ta, của anh chị em và con cháu đang sống cùng chúng ta cách này hay cách khác; chúng ta cũng đang thể hiện sự bất hiếu, bất kính với tổ tiên, cha ông chúng ta cũng như sự bất công, thiếu bác ái ghê gớm đối với các thế hệ tương lai, những người sống kế tiếp và sau chúng ta. Và tệ hại nhất là chúng ta đang xúc phạm trầm trọng đến chính Thiên Chúa và bất tuân lệnh Thiên Chúa vì lẽ bảo vệ môi trường sống chính là “một lệnh truyền từ chính Thiên Chúa”[8]. Nếu xúc phạm trực tiếp đến sự sống của con người là một tội rất nặng “tội giết người” (ĐR 5) thì có thể nói việc làm ô nhiễm môi sinh, làm hư hỏng và thậm chí hủy hoại Ngôi Nhà Chung bằng cách này hay cách khác, hữu ý hay vô tình, … cũng là một tội nặng ghê gớm, vì hành vi ấy cũng góp phần gián tiếp và có khi trực tiếp vào việc hủy hoại không chỉ sự sống của các sinh vật, thực vật, không khí, nguồn nước (nói chung là môi trường sinh thái) mà còn là hủy hoại sự sống của chính mình và của tha nhân[9].
Theo Thánh Phaolô, chúng ta được tự do sử dụng các nguồn năng lượng trong vũ trụ, nhưng chúng ta phải quản lý các nguồn năng lượng đó cách ý thức, khôn ngoan và có trách nhiệm để xây dựng một môi trường toàn vẹn, lành mạnh cho tất cả mọi người và muôn loài. Muốn vậy, chúng ta cần phải thực hiện lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô về “sự sám hối nội tâm sâu thẳm”[10] và “sự sám hối thuộc sinh thái”[11] để chúng ta có cái nhìn tích cực và biết yêu mến thế giới chung quanh – môi trường sinh thái của nhân loại và của chúng ta. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải thường xuyên “gặp gỡ Đức Giêsu Kitô”[12], gắn bó mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, yêu mến và thực thi Lời Chúa trong mọi giây phút, chính Lời Chúa sẽ dạy chúng ta biết phải làm gì và phải sống thế nào. Và chính Chúa Giêsu sẽ nhận lấy mọi hy sinh âm thầm nhỏ bé của chúng ta và làm “cho tất cả nở hoa” [13] trong cuộc sống của chúng ta. Thực vậy, chúng ta có thể thực hiện việc bảo vệ môi trường sinh thái “Ngôi Nhà Chung” trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của mình bằng việc: sống thanh đạm, điều độ, tiết kiệm trong việc sử dụng thức ăn, thời gian, đồ dùng, các nguồn năng lượng, …; tôn trọng, yêu thương súc vật, thiên nhiên …; tôn trọng những trật tự tự nhiên; quan tâm đến lợi ích chung và lợi ích của tha nhân;…
Và hơn bao giờ hết, chúng ta phải dừng lại những hành vi “gian ác” của chúng ta dưới mọi hình thức để cứu vãn môi trường sinh thái, Ngôi Nhà Chung của chúng ta và cũng là cứu lấy chính sự sống của chúng ta. Thật hữu ích và thích hợp để lắng nghe Thánh Phaolô mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa (tham lam, ích kỷ, xả rác bừa bãi, không phân loại rác, xả thải những chất độc hại thể chất và tinh thần, nói hành nói xấu…),… anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Và mỗi người chúng ta một khi đã được “Thiên Chúa cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6, 17b) thì cũng “phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1 Tm 6, 18). Mặt khác, “là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương”, chúng ta “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3,12) và “trên hết mọi đức tính”, chúng ta “phải có lòng bác ái” (Cl 3,14). Nếu chúng ta thực sự có được những phẩm tính này, chắc chắn chúng ta sẽ không dám làm bất cứ điều gì xúc phạm đến Thiên Chúa và cũng không dám làm điều gì hại cho tha nhân cũng như cho vạn vật. Trái lại, với trái tim yêu thương và chia sẻ, chúng ta sẽ luôn biết tìm mọi cách để làm điều lành cho chính mình và cho mọi người, mọi loài sống với và sống xung quanh chúng ta. Chẳng hạn, với cái tâm lành, tâm yêu thương, chúng ta sẽ sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng (điện, nước, thực phẩm, …); chúng ta sẽ không thải những chất độc hại, dơ dáy sang nhà người khác;… Thánh Phaolô khẳng định: “Yêu thương thì không làm hại người đồng loại” và “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).
4/ Trách nhiệm với Ngôi Nhà Chung “Đa Minh Tam Hiệp”
Cuối cùng, thiết nghĩ chúng ta không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, bảo vệ Ngôi Nhà Chung theo nghĩa đen là môi trường sinh thái, là vũ trụ, vạn vật thiên nhiên nhưng chúng ta cũng phải gìn giữ, bảo vệ Ngôi Nhà Chung là chính Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp của chúng ta. Chúng ta phải làm gì và sống thế nào để Ngôi Nhà Chung “Đa Minh Tam Hiệp” của chúng ta ngày càng sạch đẹp, sáng tươi và tràn đầy sức sống và tình yêu thương hơn? Chúng ta phải làm sao để mỗi chị em chúng ta ngày càng cảm thấy hạnh phúc trong đời dâng hiến vì hằng ngày được thực sự hít thở bầu khí trong lành, thánh thiện của Chúa Kitô và tình yêu thương của chị em thay vì phải khổ sở trong sự ngột ngạt của những hiểu lầm, thiếu quan tâm, thờ ơ, lãnh đạm hay thậm chí ghen tương, đố kỵ, … Chúng ta phải sống thế nào để Ngôi Nhà Chung “Đa Minh Tam Hiệp” của chúng ta ngày càng trở nên xinh tươi, mát mẻ và trở nên “đất lành” cho chim đậu, trở nên cộng đoàn ấm áp, yêu thương thu hút được nhiều ơn gọi tốt lành cho Chúa và Giáo Hội? Trách nhiệm bảo vệ Ngôi Nhà Chung “Đa Minh Tam Hiệp” thuộc về ai đây? Thuộc về Bề trên Tổng quyền và các Chị trong ban Tổng? Thuộc về các Bề trên, các Chị Giáo, các Chị Hữu trách, …? Xin thưa, trách nhiệm này thuộc về tất cả và từng người, từng chị em chúng ta, từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất, từ người có chức vụ đến người không chức vụ, từ các Dì Nhà An Dưỡng, các chị khấn trọn, khấn tạm, Tập sinh, Tiền tập sinh đến từng em Thỉnh sinh, bởi lẽ Đa Minh Tam Hiệp là Nhà, là Gia đình của tất cả chúng ta và là môi trường sinh thái – nơi mỗi chị em chúng ta sống và hiện diện, nơi chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, và hơn thế nữa, Ngôi Nhà Chung “Đa Minh Tam Hiệp” còn là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Do đó, theo lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Sống ơn gọi là một người bảo vệ cho công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của một hiện sinh đạo đức; đó không phải là điều gì của định kiến, cũng không phải là một phương diện thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo”[14], nhưng là một bổn phận, một nghĩa vụ tất yếu của tất cả chúng ta.
Chúng ta phải làm gì đây? Không chỉ nghĩ, không chỉ mơ ước hay tưởng tượng nhưng mỗi người phải quyết tâm thực hiện cách tích cực tất cả những gì tốt đẹp và hữu ích nhất cho thể xác – linh hồn của chính mình, của chị em và của cả sự sống còn, sự phát triển của Hội Dòng chúng ta.
Một cách cụ thể và tiên quyết, thiết nghĩ, Ngôi Nhà Chung – Đa Minh Tam Hiệp chỉ sạch, chỉ trong lành khi cá nhân mỗi chị em chúng ta luôn có được cái tâm lành, tâm ngay, tâm sạch. Thật vậy, nếu mỗi người trong chúng ta sống ngay thẳng, tốt lành từ trong tư tưởng, lời nói và việc làm để không bao giờ vì cố ý hay vô tình gây thiệt hại cho người khác. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy sống chân thành với nhau, chứ đừng sống hai mặt hay gian dối và “một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,25). Điều này chỉ có được khi ta có trái tim yêu thương thực sự. Yêu thương là gì nếu không phải là luôn muốn làm sự lành cho tha nhân, cho anh chị em và cho tất cả mọi người. Yêu thương là gì nếu không phải là ta không những không bao giờ làm điều xấu cho người khác mà còn luôn tìm cách làm điều lành, điều tốt nhất bao nhiêu có thể cho người khác. Trong ý nghĩa đó, nếu chúng ta sống tâm tình yêu thương thực sự thì chúng ta sẽ không dễ dàng nghĩ, nói hay làm bất cứ điều gì gây tổn thương cả về vật chất, thể lý lẫn tinh thần cho chị em mình.
Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta, cách này hay cách khác, phải quyết tâm gìn giữ, bảo vệ và góp phần tái tạo môi trường sinh thái – Ngôi Nhà Chung của chúng ta và của cả nhân loại. Ngôi Nhà Chung – Ngôi Nhà Trái Đất, chúng ta tưởng nó chỉ là một không gian, một nơi chốn hoang dại, vô hồn nhưng kỳ thực đó là một chốn xinh đẹp và thánh thiêng bởi trong ngôi nhà ấy không chỉ có con người và muôn loài cư ngụ, nhưng tuyệt vời hơn cả còn có chính Con Thiên Chúa nhập thể làm người cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Thật vậy, “với mầu nhiệm nhập thể Thiên Chúa đã làm cho Ngôi Nhà Trái Đất, môi trường sống của con người vốn đã rất đẹp ngay từ thuở tạo dựng, trở thành một chốn thánh thiêng”[15]. Và trong Ngôi Nhà Chung ấy, mỗi người chúng ta đều có vai trò hết sức quan trọng như thể Thánh Phaolô ví mỗi người là một bộ phận trong thân thể Chúa Kitô. Và ở nơi khác, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta phải tôn trọng thân xác chúng ta vì mỗi chúng ta đều là “Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19) thì có thể nói chúng ta cũng phải tôn trọng, gìn giữ và sống thế nào để Ngôi Nhà Chung – môi trường sinh thái – Ngôi Nhà Trái Đất cũng luôn là Ngôi Nhà xinh đẹp, trong lành, thánh thiêng của Thiên Chúa, Ngôi Nhà mà chính nhờ máu thánh của Chúa Kitô đã được tái lập và trở nên mới mẻ “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,21). Trong Thư gửi tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết: “Đức Kitô thì trung thành với tư cách là người con đứng đầu nhà Thiên Chúa. Mà nhà Thiên Chúa là chính chúng ta” (Dt 3,6). Như thế, phá hoại hay làm ô nhiễm Ngôi Nhà Chung – Nhà Thiên Chúa cũng chính là phá hủy chính chúng ta.
Thiết nghĩ, Ngôi Nhà Chung của nhân loại và Ngôi Nhà Chung Đa Minh Tam Hiệp chỉ trong lành, thoáng mát, sạch đẹp khi mỗi người chúng ta biết giữ cho ngôi nhà riêng là thân xác, tâm hồn của chúng ta được trong sạch với những suy nghĩ lành mạnh, tích cực, những lời nói yêu thương, xây dựng và với ý thức, quyết tâm sống yêu thương, tha thứ, bác ái, chia sẻ, … trong từng giây phút của ngày sống. Tất cả sẽ chỉ mãi mãi là lý thuyết nếu chúng ta không quyết tâm hành động một cách cụ thể, thiết thực ngay từ hôm nay và bây giờ. Ước mong những lệnh truyền của Chúa trong Thánh Kinh, cùng những tư tưởng của Thánh Phaolo và các giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt Thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ môi trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ không trở nên vô ích, vô hiệu nơi mỗi chúng ta nhưng sẽ được thực hiện cách tích cực và sinh hoa kết trái dồi dào trong cuộc sống của từng chị em chúng ta. Amen.
Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương
[1] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi về gìn giữ và bảo vệ môi trường, 2019, Bài 2: Tại sao con người phải bảo vệ môi trường, tr.18.
[2] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), 25/12/2005, số 10.
[3] Bài 12: Con Người Được Tạo Nên Giống Hình Ảnh Thiên Chúa, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/TuSachGiaoLyGP/GiaoAnThemSucI/Bai12.htm.
[4] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi về gìn giữ và bảo vệ môi trường, 2019, Bài 4: Bảo vệ môi trường là trưởng thành nhân bản toàn vẹn, tr.31.32.36.
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato sì về “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung”, 24/5/2015, số 67.
[6] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi về gìn giữ và bảo vệ môi trường, 2019, Bài 4: Bảo vệ môi trường là trưởng thành nhân bản toàn vẹn, tr.23.
[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), 01.5.1991, số 31.
[8] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi về gìn giữ và bảo vệ môi trường, 2019, Bài 2: Tại sao con người phải bảo vệ môi trường, tr.18.26.
[9] x. Sđd, tr. 28.
[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si, số 217.
[11] Ibid.
[12] Ibid.
[13] Ibid.
[14] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato sì, số 217.
[15] Tòa Giám mục Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi về gìn giữ và bảo vệ môi trường, 2019, Bài 2: Tại sao con người phải bảo vệ môi trường, tr.24.