Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG: (Mt 9, 35 – 10, 1.6-8)
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
* * *
1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
1. «Bầy chiên không người chăn dắt»
Đức Giê-su thấy đám đông và Người nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử:
- Chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi.
- Chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi.
- Và kết cục, không sớm thì muộn, chúng cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại.
Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay. “Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhóm người, hay cả một xã hội, nhưng nhất là những người trẻ, mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, nhân linh truyền thống bền vững, chạy theo các thần tượng hay ngẫu tượng.
Và chính chúng ta nữa, ở mức độ nào đó, cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Đức Giê-su là mục tử, chăn dắt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài, mỗi khi chúng ta không đón nhận sự nghỉ ngơi và bình an mà Chúa ban cho chúng ta.
2. «Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương»
Tuy nhiên, Đức Giê-su lại coi tình trạng khốn khổ của đám đông như mùa gặt, và không như một mùa gặt tầm thường, nhưng đó là quang cảnh «lúa chín đầy đồng», nghĩa là trúng mùa và đem lại niềm vui ! Lời này của Thánh Phao-lô giúp chúng hiểu tâm tình sâu xa của Đức Giê-su: «Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội» (Rm 5, 20). Lí do tận cùng, đó chính là vì Đức Giê-su chạnh lòng thương, nhận chăm sóc với tư cách là Người Mục Tử tốt lành, là Chủ Mùa gặt.
Ngài là Chủ Mùa Gặt, nghĩa là Ngài có trách nhiệm, nhưng Ngài lại mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa: «Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về!» Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (Mt 10, 1-8). Đơn giản là vì đó là chuyện khẩn cấp! Hình ảnh «bầy chiên không người chăn» và hình ảnh «mùa gặt đã đến» diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin ngài sai thợ ra gặt lúa về! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.
Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi để áp đặt, dọa nạt, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.
Kinh nghiệm thiêng liêng nào đã có thể làm phát sinh ra một lời nguyện trọn vẹn như thế, nếu không phải là kinh nghiệm được diễn tả trong lời này của Đức Giê-su:
Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10, 8).
Khi nói ra lời này, với tư là Con của Thiên Chúa, chính Đức Giê-su đã có kinh nghiệm này và Ngài sẽ sống đến cùng.
3. «Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy»
Ngoài ra, kinh nghiệm «nhưng không» còn đi đôi với Lời rao giảng «Nước Trời đã đến gần». Hay nói cách khác, Nước Trời đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ «nhưng không». Có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời không đến được. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ khi sinh con, người con chưa sinh ra, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có; hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con sau này, có ra nông nỗi gì.
Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể vượt qua thử thách khó khăn để sống đến cùng ơn gọi của mình; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, cộng đoàn của chúng ta.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. «Nhưng không» thì ngược với «sòng phẳng», «ân oán phân mình» hay công bình theo lề luật. Nếu Thiên Chúa là «sòng phẳng», thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta không thể sống với nhau như hiện giờ.
Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) một cách nhưng không, chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống, giống như sứ mạng của các môn đệ: sự sống thể lí (quan tâm đến những người nghèo hèn, bệnh tật) và sự sống nhân linh (con người sống không nguyên bởi không khí, nghĩa là nhu cầu, nhưng còn bởi bầu khí nữa; ma quỉ thường làm ô nhiễm và tấn công vào bầu khi cộng đoàn và gia đình, tương quan giữa chúng ta, khiến chúng ta mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau). Những dị tật và vết thương như thế, những hiểu lầm và hiểu sai về mình, về Chúa, về nhau… là các thứ bệnh thật sự và thật khó chữa, nhưng cần phải chữa để cho sự sống đích thực trong bình an và niềm vui được phát sinh ngay hôm nay trong đời sống của chúng ta.
* * *
Và Thập Giá, trên đó Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chính là «Cây Thuốc» chữa bệnh tuyệt vời nhất, hiệu quả nhất và tận căn nhất, bởi vì Thập Giá vừa chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ muốn hủy diệt sự sống và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, và vừa bày tỏ cho chúng ta tình yêu đến cùng của Thiên Chúa, để chinh phục con tim chúng ta và khởi dậy nơi tâm hồn chúng ta lòng ước ao cũng yêu Chúa và yêu nhau đến cùng.