Tìm hiểu Mùa Vọng

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

 

1. Nguồn gốc Mùa Vọng

Từ “Mùa Vọng” xuất phát từ tiếng la-tinh Adventus, có nghĩa là đến, việc ngự đến (tiếng Pháp : Avent, avènement).

Đây là một từ có nguồn gốc thế tục. Quả vậy, trong phụng tự ngoại giáo, adventus dùng để chỉ việc thần minh đến trong đền thờ, và cũng áp dụng cho việc một nhân vật quan trọng đến hay đi vào do công vụ. Đối với các Ki-tô hữu vào các thế kỷ đầu, từ này được sử dụng để gợi lên việc Chúa Ki-tô đến giữa con người vào lễ Giáng Sinh, “Adventus Domini”, Chúa ngự đến ; sau đó được dùng để nói rộng ra để chỉ cả thời kì chuẩn bị cho việc Chúa đến.

Để giúp các bạn hiểu rõ hơn phụng vụ hiện nay của Mùa Vọng, tôi muốn giải thích qua cho các bạn lịch sử của Mùa Phụng vụ này.

Chính tại xứ Gaule (tên thời Thượng Cổ dùng để chỉ lãnh thổ gồm Pháp, Bỉ và Bắc Ý) và ở Tây Ban Nha cuối thế kỷ IV và trong thế kỷ V, người ta bắt đầu tìm thấy những bản văn chính thức liên quan đến Mùa Phụng vụ này. Mùa này kéo dài ba tuần, gồm việc chay tịnh với sự cầu nguyện mạnh mẽ hơn và cộng đoàn tập họp thường xuyên hơn.

Tại Giáo Hội các xứ Gaule, Đức giám mục Perpétue thành Tours (490) đã thiết lập việc ăn chay bắt buộc ba ngày một tuần, kéo dài sáu tuần : từ lễ thánh Mác-ti-nô giám mục (11/11) tới lễ Giáng Sinh. Việc chay tịnh không nghiêm ngặt như trong Mùa chay và chỉ giới hạn vào việc kiêng một số thức ăn.

Thói quen một thời gian sám hối trước lễ Giáng sinh đã lan rộng từ xứ Gaule sang các nước thuộc Giéc-ma-ni. Tuy nhiên , từ “Mùa Vọng” chưa được dùng để chỉ thời kỳ chuẩn bị được gợi hứng từ Mùa Chay này. Lúc đó, người ta gọi thời kì này là Quadragesima sancti Martini (năm mươi ngày của thánh Mác-ti-nô).

Ở Rô-ma, Mùa Vọng chỉ xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ VI và chỉ kéo dài khoảng bốn Chúa nhật. Trái với cách thực hành đã được thiết lập ở xứ Gaule, Mùa Vọng ở Rô-ma không có một việc ăn chay ấn định nào. Do tầm ảnh hưởng chủ yếu của phụng vụ thời kỳ này được coi như một thời gian hân hoan và chờ đợi lễ Giáng Sinh.

Đến thế kỷ VIII, Giáo Hội ở xứ Gaule đã chấp nhận phụng vụ Rô-ma, Mùa Vọng Rô-ma, với tính cách hân hoan, đã “cạnh tranh” với Mùa Vọng xứ Gaule, vốn cổ xưa hơn và mang tính cách sám hối. Sau một thời gian, hai, ba thế kỷ do dự, một dạng cử hành Mùa Vọng mới được chấp thuận, dung hòa cả hai truyền thống. Rô-ma chấp nhận khía cạnh khổ chế của Mùa Vọng xứ Gaule, và Giáo Hội xứ Gaule chấp nhận thói quen của Rô-ma với Mùa Vọng chỉ có bốn tuần, thay vì sáu tuần.

Phụng vụ Mùa Vọng hiện nay được đánh dấu bởi hai khía cạnh bề ngoài xem ra mâu thuẫn nhau giữa niềm vui và sự sám hối.

Một đàng, phải chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho xứng đáng bằng tinh thần ăn chay và sám hối. Mặc dù việc chay tịnh đã hoàn toàn biến mất khỏi Mùa Vọng, nhưng tinh thần sám hối vẫn được biểu lộ trong phụng vụ bằng việc sử dụng âm nhạc cách chừng mực, các áo lễ mang mầu tím và bỏ kinh Vinh Danh.

Đàng khác, các bản văn phụng vụ Mùa Vọng thường nói đến sự hân hoan của việc chờ đợi Chúa Giê-su Ki-tô giáng trần, đặc biệt là trong Chúa nhật thứ ba : không chỉ trong các bài đọc mà qua cả áo lễ: mầu tím chuyển sang mau hồng để mời gọi các tín hữu hân hoan một cách kín đáo; màu tím sáng lên thành màu hồng tuy nhiên vẫn chưa chuyển hẳn sang màu trắng là màu của Lễ Giáng Sinh

2. Ý nghĩa Mùa Vọng

Năm phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, thời kỳ chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh để cử hành việc Con Chúa Nhập Thể.

Nhưng Mùa Vọng còn mang một ý nghĩa khác. Nếu như ta có thể trải dài mầu nhiệm của Chúa Ki-tô ra suốt năm phụng vụ thì mầu nhiệm này không được tách rời thành những yếu tố độc lập với nhau. Nói cách khác, chúng ta không thể cử hành lễ Giáng Sinh mà lại quên lễ Phục Sinh vốn là lễ duy nhất làm cho lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa đích thực.

Điều này được diễn tả rõ trong lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật IV Mùa Vọng : “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin…”.

Vậy trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ chuẩn bị đón Hài Nhi Giê-su, mà cả Chúa Ki-tô chết và phục sinh, chúng ta đang chờ đợi Người đến trong vinh quang.

Mùa Vọng có liên hệ rất mật thiết với các việc Chúa Ki-tô vinh quang ngự đến. Do vậy ta nói tới Mùa Vọng cánh chung.

Các Qui chế tổng quát của năm phụng vụ Va-ti-ca-nô II, ở số 39 nói rõ ràng rằng :

“Mùa Vọng có tính cách kép : đó là thời gian chuẩn bị mừng trọng thể lễ Giáng Sinh là lúc chúng ta kỷ niệm Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất giữa loài người, và đồng thời là thời gian mà nhờ kỷ niệm này, tâm hồn chúng ta hướng về niềm trông đợi Chúa Ki-tô ngự đến lần thứ hai khi kết thúc thời gian. Vậy vì hai lý do trên đây Mùa Vọng được xem như là một thời gian trông đợi sốt sắng và hân hoan”.

Nếu như hai khía cạnh này của Mùa Vọng được nhấn mạnh, thì lại còn một khía cạnh thứ ba phát sinh từ hai khía cạnh đầu tiên : giữa biến cố lịch sử Chúa Giê-su đã đến tại Be-lem và biến cố Người sẽ đến vào lúc chung kết của thời gian, còn có biến cố Người đến trong hiện tại nhờ ân sủng trong các tâm hồn. Các Ki-tô hữu tiên khởi hy vọng được thấy cuộc tái lâm của Chúa Ki-tô khi họ còn sống. Nhưng họ cũng đã hiểu rằng họ không được nhìn về quá khứ hay hướng tới tương lai, nhưng phải nhìn vào hiện tại và mỗi ngày làm cho Triều Đại Chúa “trị đến” cho tới giờ, chỉ có mình Thiên Chúa biết, khi Chúa Giê-su ngự đến trong vinh quang

Sống Mùa Vọng là cố gắng để ý đến các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay. Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện trong Giáo Hội, trong các cộng đoàn Ki-tô hữu, trong các Bí tích. Người hiện diện giữa chúng ta, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta. Như thế Vương Quốc tương lai được xây dựng ngay từ bây giờ.

Như vậy, Mùa Vọng được đánh dấu bởi ba chiều kích quá khứ, hiện tại và tương lai : Chúa Giê-su đã đến, đang đến và sẽ đến.

Thần học về Mùa Vọng rất phong phú, bởi vì ôm trọn cả mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô cho đến mầu nhiệm Người đến trong vinh quang.

3. Phụng vụ Mùa Vọng

Bốn tuần Mùa Vọng gồm hai giai đoạn :

– Giai đoạn đầu từ Chúa nhật thứ nhất đến ngày 16 tháng 12. Thời kì này gồm ba tuần gợi lên cách đặc biệt sự kết thúc của thời gian và việc Chúa Ki-tô đến trong vinh quang.

– Giai đoạn thứ hai từ 17 đến 24 tháng 12 liên quan trực tiếp đến lễ Giáng Sinh.

a/ Các kinh Tiền tụng

Hai kinh Tiền tụng Mùa Vọng tóm tắt lại từng giai đoạn này.

  • Kinh Tiền tụng I Mùa Vọng được dùng từ Chúa nhật thứ nhất đến ngày 16 tháng 12 : Khi ngự đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con; để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bấy giờ được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ…”
  • Kinh Tiền tụng thứ hai được đọc từ ngày 17 tháng 12 : Người là Đấng các tiên tri loan báo, Đức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gioan đã loan tin sắp đến và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Đấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh…”

b/ Các bài đọc Chúa nhật

  • Bài đọc I. Trong ba năm, chúng ta nghe những lời các ngôn sứ chính loan báo về Đấng Thiên Sai, các đoạn sách I-sai-a (năm A và B), Giê-rê-mi-a, Ba-rúc và Xô-phô-ni-a (năm C).

Những lời ngôn sứ vào Chúa nhật IV là quan trọng nhất vì những lời này trực tiếp loan báo cuộc hạ sinh của Đấng Thiên Sai.

Năm A : Is 7, 10-16 (“Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”.)

Năm B : 2 Sm 7, 1-16 (“Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị… Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với ta, nó sẽ là con”.)

Năm C : Mk (Mi-ka) 5, 1-14 (“Hỡi Be-lem, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en”.)

  • Bài đọc II. Các thư của bốn Chúa nhật tập trung vào việc Chúa Ki-tô đến, sự chờ đợi Người trở lại trong vinh quang và nỗ lực sống theo sứ điệp của Người. Đây là ba yếu tố truyền thống của giáo lý Mùa Vọng.
  • Các bài Tin Mừng.

– Chúa nhật I : sự chờ đợi Chúa ngự đến : “Anh em hãy tỉnh thức, sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

– Chúa nhật II và III : Gio-an Tẩy Giả mời gọi đám đông dọn đường cho Chúa và hoán cải cách sống.

– Chúa nhật IV : báo tin cho Đức Maria (A), báo tin cho thánh Giu-se (B) và cuộc Thăm Viếng (C).

Trong Mùa phụng vụ này, ba gương mặt Thánh Kinh nổi bật, là đặc tính của Mùa Vọng : ngôn sứ I-sai-a, Gio-an Tẩy Giả và Đức Maria. Khác với các Mùa phụng vụ khác vì các Mùa này không thấy sự hiện diện của Đức Maria, trong Mùa Vọng, nhất là vào tuần sau cùng, chúng ta thấy mối liên quan và sự cộng tác của Đức Maria vào mầu nhiệm cứu độ được làm nổi bật.

c/ Các lời nguyện

Trong các lời nguyện phụng vụ, hai chủ đề về việc Chúa đến trong thân xác và việc Người trở lại trong vinh quang đan xen vào nhau. Chẳng hạn, lời nguyện nhập lễ ngày thứ hai tuần I Mùa Vọng : “Lạy Chúa là Đấng chúng con tôn thờ, xin cho chúng con hằng tha thiết đợi chờ Đức Ki-tô ngự đến, để khi đến gõ cửa, Người thấy chúng con đang tỉnh thức cầu nguyện, và hân hoan ca tụng Người”.

d/ Các giờ kinh phụng vụ

Có hai điểm lưu ý :

– Trong bài đọc Thánh Kinh, sách I-sai-a chiếm một vị trí vượt trội ;

– Vào các giờ kinh chiều từ 17 đến 23 tháng 12, các điệp ca đi kèm thánh ca Tin Mừng ( Magnificat) là những “Điệp ca Lạy” vì những điệp ca này luôn bắt đầu bằng “Lạy”. Giáo Hội Rô-ma hát những điệp ca này từ thời Charlemagne (742-814). Thí dụ : điệp ca ngày 17 tháng 12 : “Lạy Ngôi Lời khôn ngoan thượng trí, phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao, Ngài điều khiển mọi nơi và an bài mọi sự, mạnh mẽ nhưng dịu dàng, xin đến mà chỉ dạy đường lối chúng con”, qua những hình ảnh cổ xưa trong Thánh Kinh, mỗi điệp ca này thưa lên với Đấng Thiên Sai bằng một danh hiệu thần linh và khẩn nài Người đến cứu độ.

Tôi xin để các bạn có được niềm vui khám phá ra sáu danh hiệu khác của Đấng Thiên Sai.

Comments are closed.

phone-icon