Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (21,33-43)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.
Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.
***
Chúa Giêsu trong khi rao giảng, đã nhiều lần mạc khải về sứ mạng của Người. Nhưng các thượng tế và kỳ mục, vốn lòng đầy tự mãn nên đã không đón nhận những lời giảng dạy của Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn nghiêm khắc này nhằm ám chỉ đến họ là những người lãnh đạo tôn giáo của dân Israel, vốn được coi là dân riêng của Thiên Chúa. Thực vậy, qua dụ ngôn, Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa yêu thương dân Người như người trồng nho yêu vườn nho của mình. Trong Kinh Thánh, Dân Chúa thường được ví như vườn nho, như chúng ta được nghe trong bài đọc I của ngôn sứ Isaia. Thế nhưng, những người được Chúa trao phó chăm sóc vườn nho này, tức là các thượng tế và kỳ mục, lại cho rằng vườn nho này là tài sản của riêng họ. Thay vì thu hoạch và trao lợi tức lại cho chủ, họ lại muốn chiếm đoạt vườn nho, vì thế họ không ngần ngại ngược đãi và giết những đầy tớ được chủ sai đến, tức là các ngôn sứ. Và qua việc họ giết luôn người con của ông chủ, Chúa Giêsu tiên báo rằng Người cũng sẽ bị họ giết chết.
Những nhà lãnh đạo Do Thái tưởng giết Chúa Giêsu để nắm trọn vận mạng dân tộc. Nhưng họ sẽ bị truất quyền và bị trừng phạt; Chúa ám chỉ sự tàn phá đền thờ Giêrusalem sau này. Còn Nước Thiên Chúa là vườn nho của Người thì sẽ được ban cho dân khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Dân mới này là Giáo Hội quy tụ lại từ mọi dân thiên hạ.
Nếu Mátthêu có ý đưa vào sách Tin Mừng của mình câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái, là vì có điều gì đó thánh sử muốn nói với các thế hệ Kitô hữu tiên khởi và với chúng ta hôm nay.
Thực vậy, vườn nho là dân Chúa nhưng cũng chính là thế giới của chúng ta đang sống hôm nay. Thiên Chúa là chủ vườn nho, chính Người chăm sóc vườn nho của mình, nhưng Chúa cũng tin tưởng và trao cho chúng ta trách nhiệm trông coi vườn nho của Người là mọi loài thụ tạo. Việc ông chủ đi phương xa ám chỉ rằng Chúa muốn chúng ta được tự do trong trách nhiệm chăm sóc thế giới, như Chúa đã nói với ông Ađam và bà Evà: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều... và thống trị mặt đất” (St 1,28). Giáo Hội đã nhiều lần nhắc lại phẩm giá cao cả này của con người.
Đôi lúc chúng ta oán trách Chúa vì sự vắng mặt của Người trước sự dữ. Nhưng qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn hiện diện cách kín đáo. Người luôn bên cạnh, nhưng Người không can thiệp vào những quyết định của chúng ta, vì Người tôn trọng sự tự do đã được ban cho chúng ta. Phần chúng ta, mỗi người phải chịu trách nhiệm và phải trả lời cho Chúa về cách mình sử dụng sự tự do trong trách nhiệm chăm sóc và phát triển thế giới này.
Chúng ta không sở hữu Thiên Chúa và các chân lý của Người, cũng không sở hữu Giáo hội hay Vương quốc của Người. Nước Thiên Chúa được giao phó cho chúng ta không phải để chúng ta chiếm hữu cho riêng mình, nhưng là để chúng ta làm cho Nước ấy được lan rộng đến với hết mọi người. Đó là một hồng ân nhưng cũng là một trách nhiệm. Trách nhiệm của người môn đệ Chúa Giêsu là vun trồng và phát triển những gì họ đã nhận một cách nhưng không, làm sinh hoa kết trái những ân ban, những tài năng đã lãnh nhận. Và đừng bao giờ quên rằng chính Chúa Kitô mới là “đá tảng góc tường” của mọi công trình, và Người luôn hoạt động trong thế giới hôm nay.
Nếu Chúa Kitô luôn xây dựng Giáo Hội “của Người”, nếu Người là “viên đá góc” của ngôi nhà Giáo Hội, thì đó không phải là công trình của con người, nhưng, như trong Thánh vịnh 117, câu 22-23 mà chính Chúa Giêsu đã trích dẫn trong đoạn Tin Mừng này: “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.”
Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cách mình đang chăm sóc “vườn nho” mà Chúa trao phó cho chúng ta. “Vườn nho” đó có thể là những ơn riêng, những tài năng mà Chúa ban cho mỗi người, nhưng đó cũng có thể là những trách nhiệm mà chúng ta đang đảm nhận trong gia đình, trong giáo xứ hoặc ở trường lớp, nơi công sở, ngoài xã hội, v.v… Liệu chúng ta có đang làm cho vườn nho của Chúa sinh hoa lợi, hay chúng ta đã chiếm đoạt nó làm của riêng mình?
Xin cho mỗi người chúng ta, với sự dấn thân và lòng can đảm, nhất là với ơn Chúa ban, chúng ta biết làm cho vườn nho của Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào như lòng Chúa mong ước. Amen.