Ts. Trần Mỹ Duyệt
Mẹ lên trời giữa một ngày rực sáng,
Áo mặt trời chói lọi ánh quang vinh,
Và mặt trăng dưới chân Mẹ uy linh,
Muôn thần thánh đón chào nơi Thiên quốc.
Mẹ lên trời hưởng muôn vàn ơn phước,
Hào quang ân sủng toả khắp nơi nơi,
Ôi triều thiên muôn tinh tú rạng ngời,
Và muôn điệu nhạc thần tiên diệu vợi.
(Mẹ Lên Trời. GM. Vũ Văn Thiên)
Cùng với Đức Giám Mục Vũ Văn Thiên, nhạc sĩ Phanxicô cũng bồng bềnh trên phím nhạc để ru hồn người trần gian khi hướng nhìn Mẹ được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc:
“Trên phiến mây bềnh bồng
Mẹ lên trời ngời sáng trong vạn hào quang rực rỡ giữa trời thênh thang,
Mẹ lên trời giữa ngàn thần thánh tung hô,
xin thương đến chốn gian trần lao đao trong kiếp tội tình trầm luân.
Trọn đời Mẹ đã tin yêu,
một lòng nguyện ước trung kiên,
dù đau thương khổ trăm lần,
suốt đời Mẹ vẫn xin vâng, suốt đời Mẹ vẫn xin vâng.”
(Mẹ Lên Trời. Phanxicô)
Tôi không phải là thi nhân và tôi cũng không có tâm hồn nhạc sĩ để dệt lên những vần thơ, những nốt nhạc ca tụng vinh quang diệu vợi của Mẹ mình, đặc biệt, trong ngày mừng Mẹ được Chúa sai các thiên thần đưa về trời cả hồn lẫn xác. Và trên cao xanh kia, Thiên Chúa Ba Ngôi đã đội mũ triều thiên, phong cho Mẹ làm Nữ Vương trời đất. Nhưng tôi may mắn được nhìn lại, đi trên những phần đất mà Mẹ đã sống, đã một thời ghi dấu chân của Mẹ. Điều này có một kỷ niệm thật diệu kỳ đối với tôi qua cuộc viếng thăm đất thánh mùa chay 2019.
Không biết có phải là một quan phòng đặc biệt hay không mà ngay giây phút đầu mới đặt chân đến phi trường Tel Aviv, trên chuyến bus về Belem, linh mục Huyền, tuyên úy của phái đoàn đã gọi đây là một chuyến trở về nhà của Mẹ đối với các con từ xa. Chúng tôi những người con xa nhà lâu lắm mới được dịp về lại chốn xưa, đất mẹ dấu yêu. Linh mục Huyền đã rất có lý khi nối kết cuộc hành hương đất thánh với ý nghĩa trở về nhà mẹ. Vì quả thật, trong chuyến hành hương tìm theo dấu chân Chúa ấy, bản thân tôi cũng đã có dịp đi trên những con đường mà chính Đức Mẹ đã đi, thăm lại những nơi chính Mẹ đã sống cùng với con yêu dấu của mình là Chúa Giêsu.
Thật là cảm động khi nghĩ đến Mẹ, một thiếu nữ Sion nhỏ bé năm xưa mới bước vào tuổi trăng tròn, đã từ bỏ cuộc sống trong đền thờ Giêrusalem rất thánh thiêng, để kết hôn với một bác thợ mộc, sống cảnh nghèo tại Nazareth. Từ thôn làng và ngôi nhà nhỏ bé kia, chúng tôi đã có dịp viếng thăm căn phòng ở đó Mẹ cầu nguyện và tổng thần Gabriel đã được Thiên Chúa phái xuống truyền đạt thiên ý muốn Mẹ làm mẹ Chúa Cứu Thế. Lạ lùng và đáng kính phục, Mẹ đã không ngần ngại và bằng tiếng Fiat chấp nhận lời đề nghị. Và Thiên Chúa đã nhập thể làm người!
Từ Nazareth, chúng tôi đã đi theo con đường được mô phỏng của miền đồi núi Giuđêa đến ngôi nhà Zacaria, nơi Gioan Tiền Hô được sinh ra, và đền thờ Thăm Viếng, nơi Mẹ và chị họ Isave đã gặp gỡ. Nhờ cuộc gặp gỡ này, và nhờ Thánh Linh linh hứng, Isave đã tuyên xưng một tín điều mà nó chính là căn nguyên cho mọi danh xưng, ân sủng, sự thánh thiện và của việc Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác sau khi từ giã cõi đời này: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa viếng thăm (Lc 1. 43).
Rồi cũng từ Nazareth, Mẹ và thánh Giuse lại lên đường trở về Belem. Tại đây, Mẹ đã sinh Chúa Cứu Thế trong một ngôi chuồng nuôi thú vật. Thánh Đường Cánh Đồng Chiên còn đó với những hang đá, cảnh vật mô tả một nơi hoang sơ xưa được các mục đồng trú ở trong khi trông coi đoàn vật. Họ đã được thiên sứ đánh thức để đến Belem chiêm ngắm Chúa Hài Nhi.
Sau khi dâng Con vào đền thờ, sau khi tiếp đón ba nhà đạo sỹ là một đoạn đường dài Mẹ và thánh Giuse phải bồng bế Chúa Hài Nhi chạy trốn Hêrôđê. Những ngày tỵ nạn dong duổi, trốn chạy không dừng lại ở Ai-cập, vì không đầy 3 năm bên Ai Cập, Mẹ và thánh Giuse đã phải thay đổi chỗ ở đến hơn 20 lần do tai mắt của Hêrôđê theo dõi, rình rập. Thật là tội nghiệp cho Mẹ, cho thánh cả Giuse nơi đất khách quê người. Điều làm cho mọi người thấy gần gũi với Mẹ, với thiên chức làm mẹ của Mẹ là đền thờ “Sữa Mẹ”. Tương truyền một giọt sữa đã chảy rớt ra khi Mẹ cho Chúa Giêsu bú đã biến những viên đá quanh đền thờ thành trắng tinh, mịn màng khi được xay nhỏ. Các linh mục dòng Thánh Phanxicô tại đây đã phổ biến ý nghĩa phép lạ này, và trong thực tế đã có nhiều bảng ghi ơn của những cặp vợ chồng son nhờ uống những bột sữa này mà được diễm phúc làm cha mẹ.
Điểm cuối con đường trần gian của Mẹ là lúc Mẹ từ giã cõi đời. Tại thánh đường Mẹ ly trần, ngắm nhìn tượng Mẹ trong tư thế nằm ngủ trong căn phòng, chúng tôi ai cũng rướm lệ như đang quay quần bên xác của người mẹ thân yêu trong giờ lâm chung. Có lẽ các Tông Đồ xưa khi đứng quanh Mẹ trong lúc lâm chung cũng có cùng một cảm xúc như chúng tôi. Có ai nghe được những tiếng hát du dương của các thiên thần quanh xác thánh Mẹ không? Tuy không nghe tiếng hát các thiên thần, nhưng tiếng hát của các con cái Mẹ thì có:
“Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng.
Đàn ca, các thánh tung hô, nhân loại vui hát mừng.
Vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung,
Vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới Thiên Đàng.”
(Mẹ Lên Trời. Phụng Ca, 1976 do Dòng Đồng Công)
Trước khi từ biệt Mẹ, tất cả mọi người lại xúc động nghẹn ngào. Mẹ thương chúng con nhé. Vì chúng con là “con cháu Evà” lang thang ở thung lũng châu lệ, ngước nhìn lên Mẹ.
Hôm nay, cùng với triều đình Thiên quốc, cùng với muôn thần thánh trên thiên đàng, khi suy niệm về mầu nhiệm về trời cả hồn lẫn xác của Mẹ, tự nhiên những hình ảnh kỷ niệm lại về với ký ức. Con không nghi ngờ, và con không phân vân gì về diễm phúc Mẹ được Thiên Chúa ban tặng, vì Mẹ là mẹ con, và vì Mẹ lên trời trước cũng như Chúa Giêsu là để dọn chỗ cho chúng con. Đường trần muôn lối, thân phận mỏng dòn, xin Mẹ thương luôn đi bên con, dìu dắt và nâng đỡ con, để một ngày kia con cũng được về hưởng “cùng Mẹ trên nước thiên đàng”.
“Mẹ là vẻ đẹp huyền mơ.
Con đem gửi Mẹ hồn thơ trắng ngần.
Đường trần gió bụi hoa xuân.
Thân non, cánh mỏng con cần Mẹ thương.
Giữ gìn cho vẹn sắc hương.”