Sr. Teresa Nguyễn Thị Phượng, OP
“Không thể có trẻ em hư, nếu chúng được dẫn đến với Chúa Giêsu Thánh Thể” (T. Don Bosco)
1. Chuẩn bị xa:
- Soạn lịch giảng dạy XT3, TS3: cần hoàn tất việc thi học kỳ II trước hai tháng để xét duyệt– báo kết quả lên Khối, BTS, Cha Tuyên Úy.
- Sau khi xét duyệt, gửi thư báo phụ huynh và mời họp, để phụ huynh biết chương trình ôn tập của con và tham gia góp ý nếu cần.
- Trong buổi họp đầu tiên này, cần thông báo “Nội quy khóa học”. Cha Tuyên úy hay vị Trợ úy… sẽ mời gọi sự hợp tác của phụ huynh trong việc giáo dục đức tin…
Giáo dục đức tin trong năm 3:
- XT3: Hướng dẫn các em đọc kinh Rước Lễ Thiêng Liêng riêng – khi mọi người hiệp lễ.
- Khuyến khích các em năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.
- Mỗi tháng/1, 2 lần, GLV chủ nhiệm dẫn các em đến cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa 15 phút tại nhà thờ hoặc Nhà chầu Thánh Thể của Giáo xứ. Nên có những phút thinh lặng để các em chiêm ngắm Chúa và thưa chuyện với Chúa.
- Mục đích: Khơi gợi tâm tình yêu mến, khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày một hơn, và nhất là mong ước được rước Chúa vào tâm hồn.
- TS3: Mỗi tháng/1 lần, GLV chủ nhiệm lớp tổ chức riêng cho các em cầu nguyện với Lời Chúa 15 – 20 phút: lắng nghe Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần.
- Mục đích: Giúp em hiểu biết Chúa hơn. Tạ ơn Chúa Giêsu đã thương ban Thánh Thần cho em, và cảm nhận sự cần thiết phải có Chúa Thánh Thần trong đời sống.
2. Chuẩn bị gần:
Soạn lịch giảng dạy trong vòng hai tháng (từ ngày đầu cho tới ngày cử hành thánh lễ). Chương trình gồm:
- Thời gian thực hiện…
- Các bài phải học, các kinh phải thuộc theo Tài liệu “Sách ôn tập chuẩn bị lần đầu lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể”, hoặc “Sách ôn tập chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức”;
- Kiểm tra bài học, khảo Kinh.
- Thư mời họp phụ huynh lần 2
- Ngày các em tập nghi thức,
- Các em tập nghi thức với phụ huynh, người đỡ đầu
- Địa điểm, thời gian nộp và nhận lại sổ Gia Đình Công Giáo.
- Thời gian tĩnh tâm.
- Thời gian các em lãnh nhận Bí tích Hòa Giải,
- Thời gian cử hành thánh lễ.
Sau khi được sự chấp thuận của cha xứ hoặc cha Tuyên Úy, hướng dẫn GLV hợp tác thực hiện cách nghiêm túc.
2.1. Sách Ôn tập chuẩn bị lần đầu lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể gồm 7 bài: (Xem tại đây)
Bài 1. Tội lỗi
Để có thể hiểu về sự tác hại của tội, cần giúp các em cảm nhận tình yêu Chúa. Tội không chỉ là lỗi luật, nhưng chính là không đáp lại tình yêu của Chúa.
Bài 2. Bí tích Hoà giải
Bí tích Hoà giải là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Tòa giải tội là nơi của lòng thương xót, và để cho chính chúng ta được chạm đến bởi tình yêu xót thương của Thiên Chúa, là Đấng hằng tha thứ cho chúng ta, vì thế cuộc gặp gỡ này phải diễn ra trong niềm vui và mang lại bình an.
Bí tích Hoà giải nhằm đổi mới tâm hồn và đời sống mỗi người. Do đó, Bí tích Hoà giải không chỉ xoá tội đã phạm nhưng còn đổi mới, cải thiện, đánh dấu một chặng đường mới.
Bài 3. Xét Mình
Hướng dẫn các em phân định về tội, đọc “Bản gợi ý xét mình” và viết bản xét mình cách ý thức. Đây chính là giai đoạn GLV phải kiên tâm, nhẫn nại giúp các em làm quen với việc xét mình cẩn thận. Cách làm này giúp các em có một thói quen tốt xét mình kỹ lưỡng vào các lần xưng tội về sau.
Khi các em viết xong bản xét mình, Giáo lý viên xem lại và giúp các em thực hiện tốt hơn. Đây là việc huấn luyện lương tâm nghĩa là giúp các em biết kiểm điểm và đánh giá các hành vi của các em trong ánh sáng của tình yêu Chúa.
Bài 4. Ăn năn dốc lòng chừa
Hối hận vì những sai lỗi xúc phạm đến Chúa và khiêm nhường xin ơn tha thứ.
Quyết tâm sửa lại những sai lỗi ấy. Đây là việc quan trọng nhất của việc lãnh nhận Bí tích Hoà giải.
Bài 5. Xưng tội
GLV giúp các em thuộc cách nói khi vào tòa xưng tội theo bản “Chuẩn bị lần đầu lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể”.
Khi cha giải tội đọc lời tha tội, cần lưu ý: Một mặt phải tránh hình thức đọc kinh ăn năn tội cách máy móc mà cũng không xong; đồng thời tránh tình trạng mơ hồ: các em không biết làm gì để xin ơn tha thứ. Tốt nhất, nên hướng dẫn các em: Lắng nghe cha đọc lời tha tội và thầm thĩ xin ơn tha thứ, hoặc đọc thầm lời cầu xin ngắn như: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội”.
Phải tập cho từng em vào tòa xưng tội từ đầu tới cuối. Tuy nhiên, khi tập vào tòa các em chi cần nói: “Thưa cha con xưng tội lần đầu. / Con đã xưng xong” (khi xưng tội thật các em mới kể tội)
GLV đọc lời tha tội để các em tập thưa: “Amen. Con cám ơn cha.”
Bài 6. Đền tội
Việc đền tội mà cha giải tội chỉ có thể là đọc kinh, hay làm một việc bác ái, hy sinh, một lời cầu xin Chúa tha thứ… Đó chỉ là góp phần rất nhỏ vào việc Chúa đã hy sinh chịu chết trên thánh giá để đền tội chúng ta.
GLV kiên trì hướng dẫn nhiều lần cho các em biết cách xét mình, ăn năn tội, xưng tội và làm việc đền tội.
Bài 7. Bí tích Thánh Thể
– Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nuôi dưỡng và đổi mới ta.
– Tích cực tham dự thánh lễ, năng rước lễ thiêng liêng, viếng Chúa khi có thể…
– Rước lễ là hiệp nhất với Chúa Giêsu: Chúa Giêsu ở trong ta và ta ở trong Người. Nhờ đó sự sống của Chúa Giêsu được ban cho ta. Ta được sống bởi Người.
– Rước lễ là chia sẻ tâm tình và lối sống của Chúa Giêsu. Nhờ rước lễ, Chúa Giêsu giúp ta:
* Biết yêu mến, vâng phục, thờ lạy Chúa Cha như Người.
* Biết suy nghĩ, phán đoán mọi sự như Người.
* Biết nghĩ tới người khác, tha thứ, phục vụ như Người.
– Rước lễ là liên kết với anh em. Nhờ Chúa Giêsu, ta được liên kết với mọi người. Do đó, ta biết chú ý đến anh em, gần gũi và chia sẻ với họ những gì ta có.
– GLV luyện tập các em biết tin tưởng và tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Lòng tin kính và tôn thờ này cần được cụ thể hoá bằng thái độ bên ngoài: Khi bước vào nhà thờ, em nhìn lên Chúa Giêsu Thánh Thể, nghiêm trang, không nói chuyện trong nhà thờ, trong thánh lễ, hay khi đọc kinh cầu nguyện.
GLV hướng dẫn các em chuẩn bị thân xác và chuẩn bị tâm hồn khi tham dự thánh lễ.
– Cho các em học thuộc kinh “Dọn mình rước lễ” và “Cám ơn sau rước lễ của Thiếu Nhi” để các em dựa vào đó mà cầu nguyện và tạ ơn.
* GLV tập cho các em 2 cách Rước lễ theo sách hướng dẫn.
2.2. Sách Ôn tập Chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm Sức gồm 6 bài:
- Bài 1: Thiên Chúa là Cha, và Con, và Thánh Thần
- Bài 2: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
- Bài 3: Ơn và hoa trái của Chúa Thánh Thần
- Bài 4: Bí tích
- Bài 5: Bí tích Thêm Sức
- Bài 6: Sống Bí tích Thêm Sức
Gợi ý:
Với tuổi Thiếu Nhi (lớp Thêm sức), các em đã bắt đầu biết suy luận, nên thật là tốt khi chúng ta giúp các em làm quen với sách Tin Mừng (x Lc 1,35; 3,21-22; 4,1-2; Mt 11,25-27; Ga 1,18; 5,19-26; 6,57; 7, 38; 10,30.38b; 14,9-12a.16.26; 15,26; Mt 28,19; Cv 2,1-38; 10, 38.45-47; Tt 3, 5-6) để nhận ra:
– Chính Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
– Chính Chúa Giêsu xin Chúa Cha và Người ban Thánh Thần của Người cho chúng ta.
– Chính Tin Mừng cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần hiện diện trong suốt cuộc đời Đức Kitô.
– Chính Tin Mừng minh chứng Hội Thánh Chúa Kitô luôn sống bằng sức linh hoạt của Chúa Thánh Thần, dầu trải qua bao cơn bách hại, từ thuở sơ khai cho đến hôm nay, Hội Thánh vẫn kiên vững trên nền đá Phêrô mà sức mạnh hỏa ngục không thắng nổi (x Mt 16,18).
Vì vậy, khi lãnh nhận BTTS, chúng ta được hòa mình sâu hơn vào đời sống Hội Thánh, được ghi dấu ấn bởi các ân huệ Thần Khí; Thần Khí ghi dấu ấn trên chúng ta; Thần Khí thay đổi chúng ta; Thần Khí biến cải chúng ta. Không phải do chúng ta xứng đáng, nhưng do Lòng thương xót của Thiên Chúa, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. (x Tt 3,5-6)
3. Tĩnh tâm
3.1. Nội dung Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu:
– Chúa Giêsu yêu thương em. Người ban chính Máu Thịt Người dưỡng nuôi em. Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, Bánh ban sự sống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống đời đời (x Ga 6, 51)
– Em đáp trả tình thương của Chúa bằng cách đổi mới cuộc sống: Càng thêm tuổi càng nên giống Chúa Giêsu hơn: Vâng lời cha mẹ; sống tốt với mọi người; siêng năng tham dự thánh lễ hằng ngày và chuẩn bị tâm hồn trong sạch để rước Chúa Thánh Thể.
– Theo gương thánh trẻ Savio với 4 quyết tâm dịp Rước Lễ Lần Đầu:
Em sẽ năng xưng tội và rước lễ.
Em muốn thánh hóa những ngày lễ
Bạn của em sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Thà chết chẳng thà phạm tội.
Sau khi đã XTRLLĐ, các em cần được quan tâm đồng hành để giữ việc xưng tội mỗi tháng một lần, nhằm luyện tập những thói quen tốt lành thánh thiện. Tuy nhiên vẫn tùy thuộc quý cha trong mỗi giáo xứ.
******
NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO CÁC EM LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC
1. Phép Thêm Sức là Lễ Hiện xuống cho mỗi người chúng ta. Khi được Thêm Sức, các em sẽ được thay đổi nhờ quyền năng Thánh Thần, miễn là các em vâng lời Ngài.
2. Qua ân sủng của Bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần làm cho các em trở nên người con đích thực của Thiên Chúa, trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Các em phải mở rộng lòng đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, cộng tác vào công việc mà Chúa Thánh Thần muốn thực hiện nơi em.
3. Bí tích Thêm Sức không làm cho ta trưởng thành và thánh thiện ngay tức khắc, nhưng ban cho ta sức mạnh và năng lực kiên trì để phát triển từng ngày, từng tháng, từng năm…, để sau cùng chúng ta đạt được tiềm năng sung mãn trong Đức Kitô.
1. Sự cộng tác của các phụ huynh
Để việc lãnh nhận Bí tích Hoà giải và Thánh Thể, cũng như lãnh nhận Bí tích Thêm Sức được thực hiện tốt, các phụ huynh cần ý thức trách nhiệm cộng tác với Cha xứ và các Giáo lý viên, trong việc giáo dục đức tin:
- Tạo điều kiện cho các em đi lễ hằng ngày.
- Tích cực tham gia các buổi học tập chuẩn bị
- Quan tâm và đồng hành với con cái trong việc lãnh nhận các Bí tích
- Cha mẹ cũng xưng tội để mừng ngày hồng phúc của con.
2. Tổ chức thánh lễ
Đây là lần đầu tiên các em được Rước lễ, là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ, nên cần được tổ chức long trọng. Chúng ta cùng GLV hợp tác với Cha Tuyên Úy để chuẩn bị:
- Sắp xếp chỗ ngồi cho các em : từ thấp tới cao (Các em ở hàng ghế giữa, phụ huynh hoặc người đỡ đầu ở hai bên)
- Tập cho các em một số bài hát cộng đồng trong Thánh lễ.
- Tập cho các em đọc sách, hát đáp ca.
- Tập cho các em dâng lễ vật.
- Tập cho các em và phụ huynh hay người đỡ đầu di chuyển khi lên lãnh nhận các Bí tích.
- Trang trí nhà thờ.
- Trang điểm cho các em.
- Phát quà kỷ niệm.
- Chụp hình, quay phim.
- Soạn bài cám ơn và tập cho một em đọc lời cảm ơn này sau Thánh lễ Rước Lễ lần đầu.
Riêng thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức thường do Cha xứ và TVBHG tổ chức.
NGUYỆN XIN CHÚA GIÊSU VÀ THẦN KHÍ CỦA NGƯỜI HƯỚNG DẪN CHÚNG TA.