Giáo án Phụng Vụ. Bài 5 – Khối Vào Đời

0

        Bài 5MÙA CHAY VĐ2

I. ỔN ĐỊNH

1. Thánh hóa

2. Kiểm tra bài trước: Mùa Giáng sinh là gì? Em làm gì để xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban trong Đức Giêsu?

3. Giới thiệu bài mới: Chúng ta đã học hỏi về Mùa Giáng sinh, để cảm nhận tình yêu Nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Hôm nay  Chúa mời gọi chúng ta cùng tìm hiểu về Mùa Chay để biết sống đúng tinh thần Mùa Chay Thánh.

II. NGHE LỜI CHÚA

A. Dẫn nhập:

Các em thân mến,

Ngày từ thời đầu, Phụng vụ Giáo Hội đã khởi đầu với việc cử hành “Ngày Chúa Nhật” để tôn kính Ngày Chúa Phục Sinh. Và riêng ngày trước Chúa Nhật Phục Sinh đã được cử hành long trọng cách đặc biệt, bằng cách tổ chức “TAM NHẬT VƯỢT QUA”, tức là ba ngày trước lễ Phục Sinh. Họ ăn chay, hãm mình … hiệp thông với cuộc tử nạn của Chúa để được xứng đáng mừng việc Người sống lại.

Nhưng 3 ngày thì quá ít với những tội nhân muốn có thời gian tập lại đời sống đạo đức, nên chẳng bao lâu, Tam Nhật Vượt Qua đã trở thành nhiều tuần lễ. Và để mở đầu, người ta tổ chức ngày rắc tro trên đầu và mặc áo nhặm để đưa tội nhân muốn thống hối vào Mùa Chay đền tội. Vì thế, Hội Thánh đã khởi sự bước vào Mùa Chay qua việc sám hối vào ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Tất cả chúng ta đã nhiều lần trong cuộc đời cúi đầu chịu tro với lời nhắn nhủ của Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Lời mời gọi đó vẫn luôn được lặp lại với chúng ta. Chúng ta cùng chuẩn bị tâm hồn để gặp Chúa trong Lời của Người.

B.  Công bố Lời Chúa: Mc 1,12-15

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

 (Gợi ý)

Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Xin Chúa giúp chúng ta khiêm tốn đón nhận lời mời gọi của Chúa, để được đổi mới tâm hồn nhờ việc học và biết sống Mùa Chay Thánh.

(Thinh lặng giây lát – ngồi)

C. Diễn giảng:

1.  Ý nghĩa Mùa Chay:

Mùa Chay nhằm chuẩn bị mừng Đại lễ Vượt Qua, vì thế mọi cử hành phụng vụ nhằm giúp các dự tòng và tín hữu sống trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm này.

  • Đối với tín hữu đây là thời gian chuyên chăm cầu nguyện, chay tịnh, thi hành bác ái và luyện tập nhân đức.
  • Đối với các dự tòng đó là thời kỳ chuẩn bị trực tiếp để lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm vào đêm Phục Sinh.
  • Đối với hối nhân đây là thời kỳ sám hối, đền tội để lãnh ơn tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa.

Điều quan trọng nhất của Mùa Chay không phải là những hình thức bề ngoài, mà quan trọng là “nội tâm” biết quay về với Chúa: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”. Việc xức tro mở đầu Mùa Chay nhắm đến thái độ nội tâm của con người…

2. Thời gian Mùa Chay:

Mùa Chay là thời gian 40 ngày. Con số 40 được nhiều giáo phụ cắt nghĩa theo nhiều cách: hoặc thời gian 40 năm sống lang thang trong sa mạc của Dân Chúa (Ds 14,33), hoặc thời gian Môsê diện kiến Giavê trên núi Sinai (Xh 24,18), hoặc cuộc hành trình của Elia đến núi Horeb (1V 19,8) , hay theo Mt: Thần Khí dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã 40 mươi đêm ngày (Mt 4,1-2).

Thực ra, con số 40 ngày chay tịnh của mùa chay chỉ mang nghĩa biểu tượng, của nhiều sự kiện biến cố trong Kinh Thánh, chứ không chính xác theo cách tính của toán học.

Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc trước lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh. Vào ngày thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh mọi người ăn chay để biểu lộ tâm tình sám hối và hoán cải, nhằm xứng đáng lãnh ơn tha tội.

3. Tâm tình Mùa Chay:

a/  Ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và khiêm tốn tin tưởng vào lòng thương xót Chúa:

Trong bộ truyện sưu tập về các vị ẩn tu , có một chuyện kể rằng: Có hai tội nhân nọ quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm trời, mỗi người giam mình trong một túp lều, ngày đêm đánh tội cầu nguyện. Ngày ngày các tu sĩ của một nhà dòng mang thức ăn và nước uống cho hai ông.

Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: Một thì khoẻ mạnh vui vẻ – một thì lại ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước bề trên của cộng đoàn chờ đợi phán quyết họ có xứng đáng gia nhập vào cộng đoàn không.

Khi được hỏi trong suốt năm qua đã suy niệm và nghĩ những gì, ông ốm o  buồn phiền trả lời như sau: Trong suốt một năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại tội tôi đã phạm, từng giây từng phút tôi nghĩ đến hình phạt tôi sẽ gánh chịu. Tôi sợ hãi đến độ mất ăn mất ngủ. Tôi nghĩ tội tôi phạm quá nhiều, sợ Thiên Chúa không tha thứ cho tôi.

Đến lượt mình, ông kia trình bày như sau: suốt năm qua từng giây phút tôi hằng nhớ đến những ơn lành và tình thương của Chúa. Dù biết rằng tôi tội lỗi, bất xứng trước mặt Chúa, tôi vẫn tin rằng Chúa đầy khoan nhân sẽ tha thứ cho tôi. Tôi được an bình và tôi cảm thấy đời vui sướng hạnh phúc.

Các em thân mến,

Càng ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, chúng ta càng phải nhận tình yêu thương xót của ủa Thiên Chúa. Dù chúng ta có tội lỗi xấu xa thế nào thì Thiên Chúa vẫn yêu thương đi tìm chúng ta, như mục tử tìm chiên lạc (Lc 15, 4-7), như người đàn bà tìm đồng bạc bị mất (Lc 15,8-10) và đón nhận chúng ta như người cha đón nhận người con phung phá trong Tin Mừng (Lc 15,11-32). Vì Đức Giêsu đã chết và Phục sinh là để cứu chuộc chúng ta. Bạn hãy hy vọng và tin tưởng: Chúa rất yêu thương chúng ta.

b/  Thực hiện việc trở lại bằng chay kiêng, thi hành bác ái và cầu nguyện: (Glv có thể dùng những câu chuyện sau để dẫn vào hành động sám hối)

  • Người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng Lc đã can đảm đi vào giữa đám đông Biệt Phái, những người luôn tỏ ra mình là mẫu mực để bắt bẻ người khác. Nàng đã thực hiện những việc mà người khác không dám làm, để bày tỏ lòng sám hối vì cảm nhận tình yêu tha thứ của Chúa (Lc 7,36-50). (Theo Ga thì dầu thơm mà cô Maria em Matta xức chân Đức Giêsu được Giuda Iscariot đánh giá là 300 quan tiền (Ga 11.2;12,3-5) – trong khi đó, giá bán Đức Giêsu có 30 đồng bạc…).
  • Da-kêu khi bắt gặp được “ánh mắt” và “Lời” của Đức Giêsu, ông vội vàng tụt xuống khỏi cái tính kiêu hãnh gian lận của ông, Ông đón nhận tình thương tha thứ của Chúa, Ông “đứng” và công khai thưa : “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
  • Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta sống Mùa Chay Thánh bằng những hình thức cụ thể thích hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh, vì Thiên Chúa không đòi điều gì quá sức của bạn.
  • Chay kiêng: (Cho các em góp ý từng việc) Cụ thể bớt ăn quà vặt  – nhất là cố gắng giữ chay Thánh Thể để có thể rước lễ. Việc ăn uống chừng mực, đúng cách, cũng giúp cho tinh thần minh mẫn, sức khỏe cường tráng…
  • Bác ái: Có thể bớt một phần nhỏ những chi tiêu hàng tuần để chia sẻ cho những anh em nghèo khó, nhất là trong dịp này để cứu trợ Miền Trung, vì đó là bạn dâng tặng cho chính Chúa (Mt 26,40). Việc bác ái bạn có thể thực hiện dưới nhiều hình thức…
  • Cầu nguyện: Mùa Chay là thời gian tốt nhất để bạn gặp gỡ Chúa, thưa chuyện với Chúa, và để Chúa nói với bạn, ở bất cứ nơi nào, lúc nào… Chính trong cầu nguyện, bạn sẽ sống tốt Mùa Chay Thánh.

D. Hướng ý cầu nguyện:

Sám hối không phải là điều dễ, bởi chúng ta không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng chước cám dỗ của Sa-tan trong hoang địa, giúp chúng ta biết  chiến thắng tội lỗi, nhờ thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, để được ơn hoán cải. Bạn hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện…

III. SỐNG LỜI CHÚA:

  1. 1.  Bài học: Số 11, 12, 17 trg 12
  2. 2.  Gợi ý sống đạo: x. trang 15 phần gợi ý và rút ra một điểm thực hành cụ thể thích hợp với đời sống của các em.

IV.  KẾT:

Qua bài học hôm nay, chúng ta ý thức: Mùa Chay là thời gian Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ tội lỗi, hoán cải, chuyên chăm cầu nguyện, giữ chay tình và thi hành bác ái.

Kinh Sáng Danh – hoặc hát bài thích hợp.

 

Comments are closed.

phone-icon