LỀ LUẬT RIÊNG CÁC CHỊ EM
DÒNG THỨ BA ÔNG THÁNH DUMINHGÔ
Đức Giám Mục Barnabê
Thiên Chúa Giáng Sinh, năm 1865
Đây là bản luật thường được gọi là LỀ LUẬT NHÀ MỤ
Dịch theo bản chữ Nôm
Nữ tu Đaminh B. C. Tam – Hiệp, Biên-Hòa
12/2/1972
Lề luật riêng các chị em Dòng thứ Ba đã họp lại làm một nhà Đức Chúa Lời phải lấy làm cứ
TỰA
Trước này đã chép chính Lề-Luật dòng thứ Ba ông Thánh Duminhgô, là Lề-Luật chung các anh em chị em Dòng này phải giữ. Song le sau này có ý định ra Lề-Luật riêng cho các chị em ở nhà chung làm một nhà Đức Chúa Lời được biết các phép kẻ ở làm vậy phải giữ. Vậy trong Lề-Luật sau này thêm ra nhiều sự khác chính Lề-Luật chẳng có dạy giữ, vì chưng chính Lề-Luật có một dạy những sự chung, dù kẻ ở nhà riêng, dù kẻ có vợ chồng cũng giữ được. Song le nhưng phép sau này có một chị em đã vào nhà Dòng thứ Ba ông Thánh Duminhgô phải giữ mà thôi. Vì chưng các chị em ấy đã dốc lòng bỏ gánh phần đời cùng đã có lòng dâng mình cho Đức Chúa Lời cùng giữ ba sự: một là chịu lụy, hai là ở khó khăn, ba là giữ mình sạch sẽ, bắt chước các chị em đồng trinh Dòng thứ hai Ông Thánh Duminhgô, cho nên trong Lề-Luật này thêm một hai sự thuộc về chị em Dòng thứ Hai ấy, cùng một hai sự vừa phải thôi cho được hợp ý cùng nhau mà đi đàng nhân đức. Trong tựa này phải chép những lời Đức thánh Pha Pha Ventô thứ 13 trong sắc “Vula” đã ra năm từ Đức Chúa Giêsu ra đời là 1727 năm, là những sự thưộc về Dòng thứ ba Ông Thánh Duminhgô mà ta có ý chép trong sách này, vì những sự ấy một là thuộc về chị em ở chung trong một nhà ấy.
Trước hết ta kể 14 Đức thánh Pha Pha trước mà phán rằng: bấy nhiêu Đức thánh Pha Pha trước thì đã có sắc chỉ, sau sẽ kể ra, mà trong ấy ban cho Dòng thứ Ba Ông thánh Duminhgô nhiều phép riêng về phần đạo và về phần đời, và cho các anh em chị em, cùng các nhà riêng dòng này khỏi quyền các đấng vít-vồ sửa phạt. Vì vậy ta cũng cứ như bấy nhiêu sắc chỉ trước cùng các phép về phần đời hay về phần đạo cho thế nào mặc lòng, thì ta chỉ truyền lại như mới ban vậy cho vững vàng. Nhất là truyền cho bấy nhiêu phép ấy cho các anh em chị em ở cùng nhau trong một nhà, hay là nhà dòng các thầy, hay là nhà dòng các chị em, cùng các kẻ chẳng có ở thế ấy, một là ở nhà riêng hay là ở cùng anh em họ hàng mà đã khấn một sự giữ mình sạch sẽ cho đến lọn đời, cùng mặc áo dòng, và giữ lề luật Dòng thứ Ba cho nên, lại hoặc là có sắc chỉ, hay là phép nào xưa nay nghịch cùng bấy nhiêu điều trước thì ta đánh phi sắc ấy cùng phép ấy đi.
Thứ hai, người phán cho cả và thiên hạ biết tỏ Dòng thứ Ba thật là dòng như các dòng thánh Ighêrixa, nhất là các anh em chị em ở làm một như đã nói trong điều trước cùng mặc áo dòng và tập cùng khấn giữ Lề-Luật dòng thứ Ba. Vì sự ấy, dòng này chẳng phải như họ kia họ nọ, thí dụ như họ Rôsariô hay là họ chị em Mến Câu Rút Đức Chúa Giê-su, cùng các hộ khác nữa. Dòng này thật là dòng thánh, các Đức thánh Pha Pha đã nhận cùng kể vào trong các dòng thánh Ighêrixa.
Thứ ba, trong sắc ấy người dạy: trong các anh em chị em đã khấn giữ phép dòng thứ Ba, ở khắp thiên hạ, dù mà có quyền chức thế nào mặc lòng, nhất là kẻ ở làm một nhà như đã nói trước, dù mà gọi tên nào mặc lòng, thì tự ấy về sau phải chịu lụy tôn kính, cùng nhận đấng Bề-Trên Cả cai cả và Dòng Ông thánh Duminhgô làm Bề-Trên mình thật, thay mặt ông Thánh Duminhgô đã ở trên trời làm cha chung dòng thứ Nhất, dòng thứ Hai, dòng thứ Ba.
LỀ LUẬT RIÊNG CÁC CHỊ EM DÒNG THỨ BA ÔNG THÁNH DUMINHGÔ
Sách này chia ra làm 18 điều:
Điều thứ 1. Khi ai muốn vào nhà chị em dòng thứ Ba ông Thánh Duminhgô phải làm những việc nào (kiến ngũ trương).
Điều thứ 2. Dạy về mặc áo dòng. «lục»
Điều thứ 3. Dạy từ ngày vào dòng cho đến khi khấn phải giữ những điều nào. «thất»
Điều thứ 4. Dạy về sự khấn. «bát»
Điều thứ 5. Dạy về sự nguyện ngắm cùng xưng tội chịu lễ. «cửu»
Điều thứ 6. Dạy về sự ăn chay cùng kiêng thịt. «thập nhị»
Điều thứ 7. Dạy về dự chẳng nên để của riêng. « == »
Điều thứ 8. Dạy khi chị em ra ngoài nhà phải cứ phép nào. «thập tam»
Điều thứ 9. Dạy vể sự thăm viếng kẻ liệt. «==»
Điều thứ 10. Dạy chị em liệt phải coi sóc cho nhau là thế nào. «thập tứ»
Điều thứ 11. Dạy khi người nào trong nhà sinh thì đoạn phải làm những việc gì. «===»
Điều thứ 12. Dạy về sự khi ai gửi thư cho chị em hay là chị em gửi thư cho người nào. «thập ngũ»
Điều thứ 13. Dạy chị em phải họp nhau mà chọn người làm mụ, làm chị ả là thế nào. «===»
Điều thứ 14. Dạy cho biết chính việc Mụ là thế nào. «thập thất»
Điều thứ 15. Dạy khi chị em làm ăn phải giữ phép nào. «thập cửu»
Điều thứ 16. Kể các sự lỗi trong phép Dòng cùng các sự phạt là thế nào. «nhị thập»
Điều thứ 17. Dạy cho biết các lề luật trước này buộc mình là thế nào. «nhị thập nhị»
Điều thứ 18. Dạy cho biết xét cùng phạt hay tha chị em vừa phải. «nhị thập tứ»
ĐIỀU LUẬT RIÊNG CHỊ EM Ở CHUNG TRONG NHÀ DÒNG ÔNG THÁNH DUMINHGÔ
ĐIỀU THỨ NHẤT: Dạy khi ai muốn vào ở nhà chị em dòng thứ Ba ông Thánh Duminhgô phải làm những sự nào.
Ai muốn vào ở nhà chị em dòng này, trước hết phải nguyện cùng Đức Chúa Lời mở lòng cho được biết mà theo ý Đức Chúa Lời. Lại cầu xin Ông Thánh Duminhgô soi sáng cùng thêm sức cho nhiều người nguyện làm vậy, đoạn thì có thấy lòng mình ước ao muốn vào ở nhà chị em Dòng này, nhưng mà còn ngăn trở sự gì thì phải liệu cho được xong sự ấy, kẻo còn mắc sự gì trong các sự đã kể trong điều thứ nhất và lề luật chính, thì chốc ấy chẳng được vào nhà chị em Dòng này.
Sau nữa, kẻ đã lấy chồng đoạn, có một khi hai bên bởi có lòng kính mến Đức Chúa Lời mà dốc lòng tha nhau mà lại thề sự lìa nhau cho đến chết, thì mới nên vào nhà chị em Dòng này. Bằng kẻ đã phải hỏi giầu cau mà sự ấy chưa xong, vì chưa giả của cùng kẻ hỏi chưa tha, thì chẳng nên vào nhà chị em. Sau nữa, khi kẻ có chồng mà chồng đã qua đời, song le đàn bà có thai hay là có con thơ còn phải nuôi thì cũng chẳng được vào nhà chị em. Bằng kẻ có tật lây hay là có bệnh thường cho nên chẳng giữ được phép chung trong nhà chị em mà lại ra như thêm khó lòng cho chị em thì cũng chẳng được vào ở trong nhà chị em. Nhược bằng kẻ thong dong chẳng có ngăn trở sự gì mà muốn cùng xin vào ở nhà chị em Dòng thì cũng đợi hai ba tháng đã cho Mụ cùng các chị em tra hỏi cung xem xét nết na người ấy. Vả lại, Mụ cũng bảo người ấy mọi phép tắc trong nhà chị em phải giữ, cùng cách ăn ở, cùng những sự khó kẻ vào nhà ấy phải chịu, cùng tập tành các việc lành ấy như thể thử sức mình có chịu được chăng thì mới nên ở nhà chị em Dòng. Đến khi Mụ đã quyết chịu ai vào làm bạn cùng chị em, thì cũng phải liệu cho bằng lòng các chị em, lại phải trình Bề-Trên dòng hay là thầy cả coi sóc đấy cho được thưa đến Bề-trên, mà Bề-trên hay là thầy cả coi sóc có cho thì mới nên vào, mà người chỉ ngày nào hay là dạy thế nào thì cứ thế ấy. Mà hễ ngày nào vào dòng, hay là ngày Bề-Trên cho mặc áo dòng, thì phải xưng tội chịu lễ và dọn mình mà chịu mặc áo dòng cho nên, cùng cho được in dấu các Đức Pha Pha đã ban cho kẻ mới vào dòng.
ĐIỀU THỨ HAI: Dạy về sự ăn mặc
Khi Ông Thánh Duminhgô mới lập dòng, bấy giờ Người cùng các thầy dòng chưa mặc áo lông chiên như rầy, một mặc áo như áo các thầy cả Canônicô là áo gai trắng, vì chưng khi trước ông thánh Duminhgô cũng đã vào dòng các thầy cả Canônicô giữ lề luật ông thánh Augutinh. Đến ngày sau khi thầy cả tên là Rêginaldô đã vào dòng mà người phải mắc bệnh nặng, các thầy thuốc đã chê, chẳng có trông thầy ấy sống nữa thì bấy giờ Đức Bà hiện đến cùng thầy ấy và xức dầu cho người, nên người liền khỏe. Vả lại Đức Bà đem cho người một giống áo lông chiên mà phán rằng: Rêginaldô, hãy xem áo này là áo dòng con. Cho nên tự đấy về sau ông Thánh Duminhgô và các thầy dòng Người bỏ áo cũ mà mặc áo lông chiên hình như áo Đức Bà đưa cho thầy ấy. Song bởi vì trong nước này chẳng có lông chiên, thì phải tha phép cho được mặc áo vải vậy. Nhưng mà chẳng nên mặc áo lụa cùng vóc lĩnh, cũng chẳng nên nhuộm mùi kia mùi nọ. Một phải cứ hai mùi mà thôi: một là mùi trắng nghĩa là sự sạch sẽ phải giữ trong linh hồn, hai là mùi thâm nghĩa là sự chịu lụy cùng các sự khó hãm mình phải chịu trong dòng. Vả lại, phải mặc áo cho vừa phải cho được tỏ sự khó khăn, vì chưng dù mà áo ấy ra hèn bề ngoài trước mặt người ta, song le càng nên trọng trước mặt Đức Chúa Lời. Sau nữa, trong nước này bởi vì cấm đạo, cho nên chẳng được mặc áo như các chị em dòng này ở nước người quen mặc, vậy phải tha phép mà cho mặc áo như thói người ta ở nước này vậy. Song le trong mình cũng phải mặc áo vải con con là áo thầy cả đã làm phép mà chẳng nên bỏ áo ấy bao giờ.
ĐIỀU THỨ BA: Dạy tự ngày vào dòng cho đến khi khấn phải giữ những sự nào.
Tự ngày vào dòng cho đến khi khấn gọi là năm tập, dù tập một năm, dù tập hai ba năm mặc Bề-Trên dạy, thì phải thử lòng cùng ra sức giữ các phép trong nhà dòng. Bằng Mụ trong năm ấy phải dạy dỗ người ấy cho được biết mọi phép trong nhà, cùng phải dạy học hành lề luật này. Ví bằng kẻ mới vào còn vụng, hay là trễ nải, thì phải ra sức sửa dạy, cùng năng bảo cho biết ở khiêm nhường đừng theo ý riêng mình, một cứ giữ phép trong dòng, cùng chịu lụy Bề-Trên, cùng yêu và nhịn các chị em, hoặc có nói nhời gì, làm việc gì mất lòng chị em, thì phải dạy quỳ gối xuống trước mặt chị em mà xin tha, bằng khi làm gương mù gì thì cũng phải xin chị em tha như vậy. Lại Mụ phải bảo người ấy chớ ngờ sự trái cho ai, chớ nói kháo láo, chớ kể truyện thế gian, chớ có hỏi han cho biết tin nọ tin kia vô ích, chớ hay cuồi cợt, chớ nói cả tiếng quá, cùng chớ nói những lời hư từ, chớ cười chê nhạo báng những việc kẻ khác. Vả lại, phải bảo cho biết xét mình mà xưng tội chịu Lễ, cùng các lành khác, hoặc là các kẻ mới vào chưa biết nghề nghiệp gì, thì Mụ dạy nghề nghiệp nào, mặc Mụ xét sức người ấy.
ĐIỀU THỨ BỐN: Dạy về sự khấn.
Khỏi một năm hay là hơn, tự khi vào dòng, hoặc là kẻ nào muốn khấn, ví bằng kẻ ấy đã thuộc, cùng đã học lề-luật dòng này nên, vả lại cũng đã đến 25 tuổi, mà Mụ đã quyết rằng người ấy đã nên khấn, thì chốc ấy Mụ phải trình cho Bề-Trên cả cho Người xét lại, mà ví bằng có bằng lòng hơn nữa phần chị em đã khấn, bấy giờ Bề-Trên sẽ cho khấn, như lời đã chép trong đoạn thứ 4 lề luật chung. Trong chị em hoặc là có ai muốn khấn ba sự sau này: một là chịu lụy, hai là ở khó khăn, ba là giữ mình sạch sẽ, mà Bề-Trên cho khấn sự nào trong ba sự ấy thì cũng nên khấn. Kẻ nào khấn trước thì ngồi trước. Ví bằng người nào chưa khấn, hay còn trong năm tập mà lại muốn ra, thì cũng nên, vì năm ấy là năm thử lòng cùng sức mình, có giữ được phép trong nhà dòng cho giọn chăng, nhược bằng khi đã khấn đoạn thì chẳng nên ra khỏi nữa, nhưng mà hoặc có ai muốn ra, thì chẳng có phạm tội trọng như trong điều thứ 17 sẽ dạy.
ĐIỀU THỨ NĂM: Dạy về sự nguyện ngắm, cùng xưng tội chịu Lễ.
Có lời trong Sấm Truyền rằng: mỗi giờ ta phải tạ ơn Đức Chúa Lời, vì ta ở trước mặt Đức Chúa Lời liên, mà Đức Chúa Lời mọi giờ mọi ban ơn cho ta. Lại có lời vua thánh Đavít rằng: tôi một ngày bảy lần ngợi khen Đức Chúa Lời, cho nên cả và Hội Thánh cùng các dòng làm thầy cả cũng cứ như vậy, ấy là nguyện một ngày bảy giờ mà ngợi khen Đức Chúa Lời, vì Đức Chúa Lời trong bảy sinh ra trời đất muôn vật để cho ta dùng, lại ngợi khen Đức Chúa Lời 7 giờ, vì Đức Chúa Giêsu trong 7 giờ chịu trăm nghìn sự thương khó chuộc tội chịu chết cho cả và loài người ta được lên thiên đàng. Vì vậy chị em vào dòng này, thì cũng phải nguyện ngắm như làm vậy, và mỗi lần nguyện, phải ngắm và nhớ ơn nọ ơn kia Đức Chúa Lời đã ban cho ta, phải ngắm một giờ một ơn, như thấy Đức Chúa Lời sinh ra giời đất, cùng mặt trời mặt trăng, cùng các giống vật trong trời đất này, hay là khi Đức Chúa Lời sinh ra ta, cùng cho ta biết sự đạo thánh Đức Chúa Lời, hay là sự nào trong 15 ngắm khi lần hạt, hay là thể khác, mặc Đức Chúa Phi ri sang tô soi sáng cho, hay là ngắm như thế sau này: phép nguyện chia ra làm 7 giờ: thứ nhất giờ tí thì ngắm những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu nửa đêm khi quân dữ bắt Người, chúng trói và điệu và nộp cho quan. Thứ hai giờ dần thì ngắm khi quân dữ gió vả mặt, xỉ vả nhạo cười Đức Chúa Giêsu. Thứ ba giờ mão thì ngắm khi quân Philatô luận giết Đức Chúa Giêsu mà Người vác Câu Rút nặng cho đến núi Calvariô. Thứ bốn giờ thìn thì ngắm khi quân dữ đóng đanh Đức Chúa Giêsu cùng các sự thương khó Đức Chúa Giêsu chịu trên cây Câu Rút. Thứ năm giờ ngọ thì ngắm khi Đức Chúa Giêsu đã chết đoạn, phải các quân đâm cạnh nương long. Thứ sáu giờ mùi thì ngắm khi tháo đanh Đức Chúa Giêsu. Thứ bảy giờ thân thì ngắm khi cất xác Đức Chúa Giêsu xuống mà táng trong hang đá. Bấy nhiêu giờ nguyện, chẳng nên bỏ giờ nào, hoặc là ai bỏ giờ nào thì phải ăn chay. Hễ là bỏ một giờ thì phải ăn chay một ngày. Sau nữa, sự đọc kinh chiều hôm sớm mai, cùng sự lần hạt Rosariô một ngày một trăm ruởi, thì cũng chẳng nên bỏ, vì sự lần hạt là sự đẹp lòng Đức Bà và ông thánh Duminhgô lắm, mà khi nguyện kinh lần hạt, phải cầm trí lại kẻo tưởng đi đàng khác, một phải suy ngắm những sự thiêng liêng linh hồn mà thôi. Vả lại, hễ bao giờ chị em đọc tên Giêsu hay là tên Maria thì phải cúi đầu xuống. Bao giờ chị em hợp nhau mà nguyện kinh lần hạt, thì phải chia ra làm hai hàng: kẻ đàn em ở trước, kẻ đàn chị ở sau, Mụ thì ở chính giữa sau hết cho được xem sóc các chị em. Về sự đọc sách thì chị em khi nào thong dong, phải đọc một ngày một truyện thánh, hay là một đoạn sách vườn hoa, hay là sách khác chẳng kỳ, mặc ý Bề-Trên dạy. Vả lại, khi ăn cơm thì phải đọc sách, các chị em phải ở lặng mà nghe, kẻo đang khi miệng chịu lương mà lỗ tai khát nhời Đức Chúa Lời. Sau hết, hệ mọi ngày sớm tối phải đọc một hai lẽ ngắm, khi đọc sách đoạn, phải ở lặng mà suy ngắm trong lẽ ấy cho chị em được sửa nết sửa lòng mà đi đàng nhân đức, mà hệ các ngày thứ sáu ban tối khi ngắm đoạn phải đọc kinh Ba Ngôi mà đánh tội, và đọc và đánh tội, chẳng nên theo ý riêng mình mà quá hạn ấy. Sự về xưng tội chịu lễ, chị em phải giử ít là một tháng một lần.
ĐIỀU THỨ SÁU: Dạy về sự ăn chay cùng kiêng thịt.
Về sự ăn chay cùng kiêmg thịt, thì chị em phải cứ như trong đoạn thứ 9, thứ 10, trong lề luật chính đã dạy. Song le đây thêm có một sự sau này: hễ các ngày thứ bảy thì các chị em phải ăn chay kính Đức Bà. Vả lại, trước lễ ông thánh Duminhgô cùng ngày trước lễ kính bà thánh Catarina đồng trinh, là thánh thứ nhất dòng thứ Ba này, thì chị em cũng phải ăn chay.
ĐIỀU THỨ BẢY: Dạy chẳng nên để của riêng.
Chị em ở làm một cùng nhau, chẳng nên để của gì riêng sốt, một phải để làm của chung, ăn mặc chung. Mọi của trong nhà Bề-Trên chia ra cho chị em cho đủ ăn mặc. Ví bằng có ai trong chị em có của gì, dù đồng tiền, dù quần áo, dù con sách, dù của người ta cho mình, thì cũng phải trình cho Bề-Trên coi sóc chị em biết. Ví bằng ai có hòm thì chẳng nên khoá lại, ví bằng có đóng khoá, thì phải nộp khoá cho Mụ, mà Mụ cùng chị Ả một năm ba bốn lần, khi vắng mặt chị em thì phải xem xét phòng cùng giường cùng mọi nơi trong nhà, hoặc có ai trong chị em có giấu của gì chăng, ví bằng có thấy của gì mà chẳng có lời trình Mụ trước, thì Mụ phạt kẻ ấy, chẳng nên tha, vì hễ của gì ai cho, dù cùa hèn mà chẳng trình Mụ thì có lỗi, nhất là cho đàn ông của gì, hay là chịu lấy của gì đàn ông nào cho mà chẳng cho Mụ hay thì cũng có lỗi. Sau nữa, hoặc có ai gửi của gì cho người nào trong nhà ấy thì người ấy cũng phải trình cho Mụ biết nữa.
ĐIỀU THỨ TÁM: Dạy khi chị em ra ngoài nhà phải cứ phép nào.
Hễ bao giờ chị em có việc gì, dù việc chung hay là việc riêng, mà phải ra khỏi nhà thì phải trình Mụ trước, Mụ có cho đi thì mới nên, chẳng có thì chớ, mà khi Mụ cho chị em đi đâu, thì chẳng nên cho một người đi một mình, ít là hai em đi làm một cùng nhau, chẳng nên lìa nhau bao giờ, dù mà có việc gì riêng, cũng chẳng nên lìa nhau, cũng chẳng nên đi một người một đàng, hằng phải đi cùng về làm một, khi có việc gì, hay là phải nói khó cùng ai, thì phải ở làm một cho cả và hai chị em biết, ra vào cửa nhà ai thì cũng thì cũng đi cả và hai nữa, nhất là kẻ còn trẻ tuổi phải giữ điều ấy. Đang khi chị em đi đàng chẳng nên nói khó cùng nhau những nhời hư từ chẳng có ích gì. Ví bằng đàng ấy vắng vẻ, thì cũng nên đọc kinh lần hạt cùng nhau. Hoặc là đến đâu gặp kẻ mê muội hay là làm biếng việc linh hồn, thì phải dạy dỗ khuyên bảo kẻ ấy, ví bằng gặp kẻ buồn giận hằn thù nhau, thì phải khuyên bảo cho được hoà thuận cùng nhau.
ĐIỀU THỨ CHÍN: Dạy về sự thăm viếng kẻ liệt.
Khi Bề-Trên cùng chị em mắng tiếng trong làng nước chị em ở, hay là chung quang địa phận ấy có ai liệt lào, thì Mụ cắt hai người chị em đi thăm viếng, an ủi, dạy dỗ cho được dọn mình mà xưng tội chịu lễ, cùng chịu các phép Đức Chúa Giêsu đã truyền, hoặc người liệt ấy có thiếu của gì về phần xác thì chị em phải ra sức mà giúp, hoặc là kẻ liệt khó khăn, thì Mụ phải thí ít nhiều cho người liệt ấy.
ĐIỀU THỨ MƯỜI: Dạy khi chị em liệt phải coi sóc cho nhau là thế nào.
Các chị em phải thương yêu nhau, nhất là khi liệt lào. Ví dụ trong nhà chị em có ai liệt lào, thì chị em phải coi sóc nuôi nấng cho đến khi sinh thì, và cầu cùng Đức Chúa Lời cho người liệt ấy biết đàng dọn mình, cùng an ủi, khuyên bảo chịu khó cho bằng lòng, phải đọc sách an ủi và kể những sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Mặc Mụ chọn lấy chị em nào có lòng nhân đức hay chịu khó mà coi sóc việc ấy, nhất là chị em phải rước thầy cả làm các phép Sa ra men tô cho người liệt ấy. Vả lại, dù mà nhà chị em khó khăn, cũng phải tìm thầy thuốc chữa, chẳng nên tiếc sự gì cho được chữa người liệt ấy.
ĐIỀU THỨ MƯỜI MỘT: Dạy khi người nào trong dòng sinh thì đoạn phài làm những sự gì.
Điều ấy đã dạy trong đoạn thứ mười sáu lề luật chính phải cứ đấy. Hễ là người nào trong dòng sinh thì, các chị ở nhà ấy phải lần một người là ba tràng trăm rưởi, cùng xưng tội chịu lễ 3 lần, dâng những việc lành ấy cầu cho linh hồn người ấy. Bằng khi người nào trong dòng khác sinh thì, thì các chị em phải lần một tràng trăm rưởi, cùng xưng tội chịu lễ một lần cầu cho linh hồn người ấy.
ĐIỀU THỨ MƯỜI HAI: Dạy về sự khi chị em gửi thư cho ai hay là khi người nào gửi thư cho chị em.
Hễ ai gửi thư cho chị em, phải đem vào cho Mụ mở ra xem đã, đoạn chị em mới được xem, cùng thư nào chị em muốn gửi cho ai, thì phải trình Bề Trên đã, có cho gửi thì mới nên gửi, mà khi làm thư ấy đoạn, lại đem cho Mụ xem cùng phong lại mặc Mụ, có một khi Bề-Trên gửi thư cho chị em, thì Mụ mở ra đã, đoạn xem thấy tên Bề-Trên thì phải trao cho chị em ấy, Mụ chẳng nên xem cùng hỏi đến thư ấy, cùng khi chị em gửi thư cho Bề-Trên, làm rồi đem đến cho Mụ phong lại, thì Mụ cũng chẳng nên xem nhời gì trong thư ấy, cùng hỏi đến thư ấy nữa.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BA: Dạy chị em phải họp nhau mà chọn người làm Mụ, làm chị Ả là thế nào.
Hễ 3 năm một lần, ngày nào Bề-Trên đã hẹn, thì các chị em đã khấn phải họp nhau lại m chọn người làm Mụ, cùng người nào làm chị Ả cho được giữ việc coi sóc các chị em cho đủ 3 năm. Song le cho được liệu sự ấy cho nên thì chị em phải xưng tội chịu lễ trước đã, Mụ phải có ý cầu cùng Đức Chúa Lời soi sáng cho chị em được chọn người nối việc ấy, cho đẹp lòng Đức Chúa Lời. Người nào có phần khôn ngoan nhân đức, biết yên ủi dạy dỗ chị em, cùng làm nổi các việc trong nhà dòng. Chị em có muốn chọn người nào nhà khác đã khấn trong dòng thì cũng nên, nhưng mà chẳng nên chọn người chưa khấn, chẳng nên chọn người nào đang khi còn giữ việc Mụ ở nhà khác, song le chị em nhà nào có muốn chọn người nào đã làm Mụ 3 năm trong nhà ấy cho được giữ việc 3 năm nữa thì cũng nên, song le đủ 6 năm thì thôi, bấy giờ phải chọn người khác giữ việc ấy, có một khi có lẽ cần mà Bề-Trên cho chọn người đã giữ việc 6 năm thì mới nên chọn. Vậy chị em xưng tội chịu lễ và cầu cùng Đức Chúa Lời đoạn, bấy giờ sẽ rước Thày cả đến nhà chị em, hay là chị em đến nơi người ở, thì mặc ý Bề-Trên dạy. Bề Trên dạy Thày cả nào, thì Thày cả ấy cùng các chị em sẽ đọc kinh Đức Chúa Phi-ri-sang-tô, cùng kinh Thiên Chúa, kinh A-ve, kinh tin kính, đoạn hoặc là có thư Bề-trên thì Thầy cả sẽ đọc, mà trong thư ấy Bề Trên sẽ kể 3 tên mà để mặc chị em muốn chọn tên nào làm Mụ thì chọn người ấy. Vậy Thày cả ấy sẽ biên tên 3 người ấy ngoài 3 lọ, mà lại cho chị em mỗi người một hạt đỗ trắng cùng hai hạt đỗ đen, mà chị em bỏ trong 3 lọ ấy một lọ một hạt, mà muốn chọn bên nào thì tra hạt đỗ trắng vào trong lọ có tên ấy, đoạn thày cả lấy ba lọ ấy mà đổ ra trước mặt chị em mỗi khi một lọ, mà lọ nào có nhiều hạt đỗ trắng hơn nửa phần chị em đã bỏ hạt ấy, thì người có tên biên ngoài ấy được làm Mụ. Hoặc là chẳng có lọ nào có nhiều hạt đổ trằng hơn nửa phần chị em, chốc ấy lại phải bỏ lại cho đến khi được lọ nào có hạt đỗ trắng hơn nửa phần chị em đã bỏ vào, bấy giờ mới nên. Song le người đã có tên Bề-Trên kể trong thư, thì người ấy chẳng nên bỏ hạt vào lọ có tên mình. Ví bằng từ ngày Mụ sinh thì cho đến khỏi một tháng, các chị em chẳng thuận nhau cho nên chẳng có khi nào hợp nhau mà được hơn nửa phần chị em bỏ hạt trắng vào lọ nào, chốc ấy chị em chẳng còn phép mà chọn làm Mụ nữa, bấy giờ Thày cả Bề-Trên đặt người nào thì phải chịu người ấy. Chị em chọn Mụ đã đoạn, có muốn chọn người nào làm chị Ả thì cũng phải cứ phép trước. Chọn Mụ đã đoạn, Thày cả sẽ dạy Mụ mới ngồi nơi mụ đã quen ngồi, thì các chị em sẽ tạ ơn Đức Chúa Lời, mà Thày cả cùng đọc kinh tạ ơn ngợi khen Đức Chúa Lời, đoạn thì chị em lạy tạ Thầy cả cho người về, mà khi Thày cả về đoạn thì các chị em sẽ lạy Mụ mới, đoạn thì lạy chị Ả mới. Sau nữa, khi Mụ hay là chị Ả sinh thì, thì chị em phải gửi thư cho Bề-Trên được hay cho kíp.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BỐN: Dạy cho biết chính việc Mụ là thế nào.
Chính việc Mụ phải coi sóc cho các chị em cứ phép trong dòng cho giọn, là sự nguyện ngắm, ăn chay hãm mình cùng đi đàng phúc đức. Hoặc là trong chị em có ai chẳng giữ thì Mụ phải khuyên bảo dạy dỗ, sửa phạt, cứ như trong điều thứ mười sáu sau này. Vậy ai còn mê muội thì Mụ phải năng nắn khuyên bảo cho biết phép, cùng phải ra sức xét cho được biết nết na các chị em là thế nào, lại phải ra sức ở cho có nhân đức, cùng giữ các phép trong dịng cho được làm gương sáng cho chị em được soi mà bắt chước, hoặc Mụ đi vắng thì chị Ả phải xem sóc mọi việc như Mụ vậy. Nhân vì sự ấy, Mụ cùng chị Ả chẳng nên bỏ nhà vắng vẻ bao giờ, Mụ đi có việc gì thì chị Ả phải ở nhà, hoặc là chị Ả đi đâu thì Mụ phải ở nhà. Vả lại nơi chị em làm ăn thì phải có mặt Mụ hay là chị Ả hằng ở đấy liên, cho chị em được năng nắn giữ nết na. Sau Mụ phải phát cho chị em cho đủ áo mặc, hễ một năm một tấm vải là hai mươi thước mắc, cùng kim chỉ cho đủ khâu vá kẻo chị em thiếu mà lấy dịp ấy mà để của riêng, lại phải coi sóc cho chị em siêng năng làm việc phần xác cho đủ ăn mặc, cùng chia các việc ra cho các chị em làm, một người một việc, cùng xem xét tài năng chị em. Vậy phải chọn kẻ nào giữ kho cùng một hai kẻ nuôi nấng cùng làm các việc thuộc về coi sóc cho kẻ liệt trong nhà. Sau nữa, Mụ chẳng nên dạy chị em làm những nghề nghiệp vốn ngăn trở việc đi đàng nhân đức, và làm cho chị em chia lòng ra, cùng liều mình phạm tội. Vậy chẳng nên buôn bán tham lam quá lẽ, cùng chẳng nên đặt nợ ăn lời, cùng đặt tiền thóc quá giá chợ giữa mùa khi đã có thóc bán, vì chưng Đức Chúa Lời cũng cấm sự ấy.
ĐIỀU THỨ MƯỜI LĂM: Dạy khi chị em làm ăn phải giữ phép nào.
Chị em trong cửa nhà chẳng nên làm biếng ở nhưng bao giờ, vì sự làm biếng ở nhưng là cội rễ mọi tội lỗi cùng mọi nết xấu. Vậy hễ mọi ngày sớm mai, đọc kinh lần hạt đoạn, ai có nghề nghiệp gì thì phải làm nghề nghiệp ấy, mà Mụ hay là chị Ả phải ở cùng chị em khi làm ăn, thì một ít lâu một lần, phải bảo chị em tưởng nhớ có Đức Chúa Lời ở trước mặt chị em kẻo chị em mất nết na, cùng một hai khi bảo chị em nhớ đến sự thương khó Đức Chúa Giêsu cùng những mồ hôi máu chảy ra, cùng chịu vác thánh giá cho đến nỗi chịu chết vì tội ta cho chị em chịu khó làm ăn cho bằng lòng. Vả lại, một hai khi bảo chị em nhớ đến Đức Bà khi làm việc kia việc nọ mà dâng cho Đức Bà việc chị em làm. Sau nữa, các việc chị em làm về phần chung cho đủ ăn mặc, Mụ chỉ dạy ai làm việc nào thì phải làm việc ấy, hoặc dạy chị em nào để việc nọ mà làm việc kia, thì phải vâng lời Mụ tức thì. Còn sự việc riêng chị em như khâu vá áo mình, thì Mụ phải cho hễ là một tháng một ngày cho chị em làm việc riêng ấy, hoặc người nào yếu đuối chẳng làm được việc nặng thì phải trình Mụ cho người dạy làm việc nhẹ, mà kẻ làm được việc nặng thì chẳng nên rẽ cùng chê trách kẻ làm việc nhẹ làm chi. Đức Chúa Lời cho ai sức nào thì làm bằng sức ấy mà chớ. Ngày lễ Cả chẳng nên may vá, vì ngày ấy phải nghỉ xác, phải cầu nguyện hơn mọi ngày, cùng phải học chữ nghĩa cho được xem đủ các sách chị em quen đọc, hoặc ngày lễ chị em có chải đầu cùng gội đầu thì cũng nên, hoặc khi chị em đang học hay là đang làm việc gì mà có muốn đi làm việc riêng khác thì phải trình Mụ thì mới nên đi làm việc riêng ấy, ban đêm khi các việc đã rồi, thì phải đi nằm nghỉ, phỏng một đêm là 3 trống canh, cùng phải riêng một người một giường hay là một phản nơi Mụ đã chỉ. Đêm ngày, dù mùa bức sốt thì cũng phải mặc quần áo cho kín đáo.
ĐIỀU THỨ MƯỜI SÁU: Kể các sự lỗi trong phép dòng cùng các sự phạt là thế nào.
Trước hết phải biết: có bốn bậc sự lỗi trong phép dòng. Thứ nhất là lỗi nhẹ, thứ hai là lỗi nữa nặng nữa nhẹ, thứ ba là lỗi nặng, thứ bốn là lỗi nặng hơn nữa, hay là rất nặng. Vậy lỗi nhẹ là khi phạm những sự sau này: khi chị em nghe đánh chuông đọc kinh, hay là làm việc khác mà chẳng đến cho kịp, hay là khi đọc kinh, có ai nói điều gì ngăn trở kẻ khác, hay là chẳng giữ áo mặc cùng sách cho sạch sẽ tốt lành, hay là bỏ mất của gì hư đi, hay khi xem lễ cùng đọc kinh có ngủ gật, hay là xin của gì quá lẽ, hay là khi làm cho kẻ khác cười, hay là khi làm điều gì, hay là đi đâu chẳng giữ con mắt mà xem rông dài, thì bấy nhiêu sự là lỗi nhẹ, mà kẻ làm sự lỗi ấy phải phạt đứng chắp tay mà đọc 5 kinh Thiên Chuá, 5 kinh Ave. Lỗi nửa nặng nửa nhẹ là khi phạm những sự sau này: như nửa mùa làm lễ, haylà nửa mùa đọc kinh, hay là nửa mùa làm ăn mới đến, hay là khi xem lễ cùng đọc kinh, có cười cùng giở mặt bên nọ bên kia, hay là khi phải đọc sách mà chẳng có xem sách trước đã, hay là khi ăn uống của gì mà chẳng có làm phép của ấy trước, hay là kẻ giức lác mắng người khác quá lẽ, hay là chối sự thật. Bấy nhiêu kẻ ấy thì phạm sự lỗi nửa nặng nửa nhẹ mà kẻ ấy phải phạt lần hạt năm chục, cùng đánh tội một lần.
Lỗi nặng là khi giức lác mắng chị em cùng kẻ khác, hay là chửi rủa những lời xấu xa mất lòng chị em, hay là nói nhời gì bày đặt làm cho chị em bất thuận cùng buồn giận nhau, hay là nói hành chị em, hay là kể sự lỗi chị em trong dòng, hay là nói dối mà thề, hay là trách sự ăn mặc, hay là ăn thịt ngày kiêng, hay là chẳng giữ ngày ăn chay, hay là con mắt xem ai có ý trái, hay là nói lời tục tĩu, hay là lấy ý riêng mà cất của gì chị em đã cho chị em, hay là đi nằm nơi khác Bề-Trên chẳng biết. Bấy nhiêu sự lỗi ấy là lỗi nặng, mà kẻ phạm đến những sự ấy, phải phạt ăn chay ba ngày, mà ngồi đất chẳng có chiếu, cùng đánh tội ba lần.
Lỗi rất nặng là khi chị em nào kết nghĩa trái cùng ai, hay là lỗi điều răn thứ sáu, hay là của gì trọng người ta cho hai ba ngày mà chẳng nộp cho Bề-Trên, hay là gửi thư cho ai, hay là đọc thư ai gửi cho mình mà chẳng có trình Bề-Trên trước, hay là kể sự kín trong nhà ra cho kẻ bề ngoài biết, mất tiếng tốt chị em về sự nặng. Kẻ có lỗi bấy nhiêu sự ấy, ví bằng có ở khiêm nhường ăn năn khóc lóc cùng xưng mình là kẻ có tội mà chịu Bề-Trên phạt, thì phải cởi áo sau lưng ra cho các chị em đánh một người ba roi, mà lại nên rốt hèn trong nhà dòng, mà trong ba tháng phải ăn chay một lễ là ngày ăn muối không chẳng cho ngồi chiếu, mà khi chị em đi nguyện nhà thờ, thì người ấy phải sấp mình xuống cho các chị em ra vào bước qua trên mình người ấy, ví bằng người ấy ở khiêm nhường chịu bấy nhiêu sự phạt, thì Mụ cùng các chị em phải thương an ủi, ví bằng chẳng chịu bấy nhiêu sự phạt, thì Mụ cùng các chị em phải hợp nhau mà đuổi người ấy ra khỏi nhà dòng. Nhưng mà Mụ cùng chị em khi luận việc ấy, thì cũng phải trình Thày cả coi sóc nhà dòng ấy cho người luận vuối.
ĐIỀU THỨ MƯỜI BẢY: Dạy cho biết những lề luật trước này buộc mình là thế nào.
Có nhiều kẻ trong chị em phạm tội khi chẳng có giữ các phép trước này, bởi chẳng có hiểu ý các lề luật này buộc mình là thế nào, cho nên đây phải dạy một hai lời sau này cho được biết tỏ sự ấy kẻo nhầm. Thứ nhất, chị em phải biết các điều trước này chẳng có buộc chị em ra tội gì trước mặt Đức Chúa Lời đâu, một có ý dẫn đàng phúc đức cho chị em được chết cho mình mà sống cho Đức Chúa Lời cho xứng kẻ đã dâng cả và mình mà thờ phượng Đức Chúa Lời cho nên, ấy vậy kẻ nào một hai khi chẳng có giữ một hai phép trong nhà, thì mất phần phúc ấy mà thôi, cùng buộc mình cho phải vâng chịu phần phạt đã định trong lề luật về sự lỗi ấy, song le chẳng có phạm tội gì trước mặt Đức Chúa Lời, có một khi sự làm biếng việc lành mà bỏ nhiều lần, cho nên mình lấy lề luật ấy làm khi, cùng nên gương mù cho chị em khác, và khi Đức Chúa soi lòng cho mình làm việc lành ấy mà mình bỏ, cùng cưỡng ý Đức Chúa Lời chẳng làm thì mới có tội mọn mà thôi.
Thứ hai: khi chị em ngăn trở việc gì mà chẳng giữ được phép nhà, ví bằng sự ấy là sự cần hơn giữ phép nhà, thì khi ấy thà bỏ phép nhà mà chẳng thà bỏ việc ấy. Thí dụ: như kẻ đi đàng xa vì việc chung cho cả nhà, chẳng được ăn chay, đánh tội, nguyện ngắm cho đủ như khi ở nhà, thì thà bỏ bấy nhiêu sự làm ích riêng cho mình mà đi làm việc kia là sự làm ích chung cho cả và nhà, nhân thế mình phải có ý dâng mình cho Đức Chúa Lời về việc chung ấy, thay về việc mình bỏ, ắt là khi ấy mình được nhiều phúc hơn, vì mình chịu luỵ kẻ Bề Trên dạy làm việc ấy, cùng chịu khó nhọc mà làm việc chung là sự trọng hơn. Vả lại khi ấy mình chẳng có mất phần phúc riêng bằng kẻ ở nhà mà làm các việc lành ấy, vì mình đã có lòng thật giữ bấy nhiêu phép nhà.
ĐIỀU THỨ MƯỜI TÁM: Dạy cho Mụ biết xét cùng phạt hay là tha chị em cho vừa phải.
Trước hết, phải xét sự lỗi chị em kín hay là trống, ví bằng thấy kẻ nào làm sự lỗi kín chị em khác chẳng biết, thì Mụ phải bảo riêng kẻ ấy mà thôi, đừng có quở phạt trước mặt chị em khác làm chi, kẻo bởi Mụ vô ý mà cho sự kín hóa ra sự trống, cùng nên gương mù cho kẻ khác mà mất tiếng tốt người ta, vì vậy chốc ấy Mụ phải dạy riêng kẻ ấy sửa mình cùng phạt làm vậy thì kẻ ấy được nhiều ích, vì chịu bằng lòng sự ấy, hơn chịu phạt trước mặt người ta mà trong lòng ra giận dữ thẹn thò, cùng chẳng có ý sửa mình.
Thứ hai, khi nào Mụ xét cho công bằng mà tha cho chị em nào đừng giữ một hai phép trong nhà, thì Mụ cũng được phép tha sự ấy, vì đấng Bề-trên đã có ý truyền cho Mụ được phép tha, vì vậy chị em khi nào ngăn trở vì lẽ nào mà chẳng giữ được phép nhà, thì phải xin Mụ tha cho.
Thứ ba, có nhiều khi Mụ nên lấy lòng nhân từ mà tha sự lỗi cho chị em, là khi Mụ luận rằng, lấy lòng lành mà khuyên kẻ ấy không vậy, thì được nhiều ích cho nó hơn lấy phép thẳng mà phạt, cùng khi thấy kẻ ấy thật lòng lo buồn vì sự lỗi mình mà dóc lòng chừa cho thật, thì Mụ nên tha cho kẻ ấy, vì chưng các lề luật định phạt kẻ có lỗi, thì có ý làm cho người ta nên lành hơn khi trước, vì vậy khi Mụ thấy chị em nào thật có lòng sửa mình cho nên lành và nên gương phúc cho chị em khác, thì Mụ nên tha phần phạt cho kẻ ấy, song le khi nào kẻ ấy đã làm sự lỗi ấy nhiều lần, cùng đã nên gương mù cho chị em khác, thì Mụ dạy kẻ ấy chịu phạt cho vừa phải, cùng dạy kẻ ấy xin chị em tha và cầu cho mình được chừa. Ấy là bấy nhiêu nhời xin Đức Chúa Lời phù hộ cho các chị em được giữ các lề luật này cho được mọi sự lành đời này và đời sau vô cùng.
++++++++++++
Tư giao: Năm Tự Đức Chúa Giêsu ra đời, 1787 năm, ngày lễ Rôsariô Đức Bà, các bà Mụ dòng ông thánh Duminhgô, họp nhau tại nhà thờ ông thánh Duminhgô ở Trung Linh mà giao cùng nhau trước mặt nhà ông Chính Phê những điều này. Thứ nhất: hễ người nào trong dòng qua đời thì Mụ cùng các chị em trong các nhà phải cứ lần hạt, cùng xưng tội chịu lễ dâng cho linh hồn ấy, như trong điều thứ 11 lề luật riêng chị em dạy. Thứ hai: hễ chị em nào Mụ cùng chị em đã chịu nuôi làm bạn cùng chị em, mà người ấy sinh thì khi chưa mặc áo dịng, thì Mụ cùng chị em nhà ấy phải xin một lễ Mồ cùng một lễ Misa. Thứ ba: khi nào chị em đã mặc áo dòng qua đời khi chưa khấn thì nhà ấy phải xin cho linh hồn người ấy một Mồ, cùng hai lễ Misa, vả lại phải góp tiền chung mỗi một nhà là ba tiền nộp tại nhà Mụ có người qua đời, và Mụ nhà ấy phải xin Thày cả làm lễ mỗi một lễ là một quan tiền, có rư thì xin lần hạt. Thứ bốn: bao giờ người nào đã khấn qua đời, thì nhà ấy phải xin một lễ Mồ, bốn lễ Misa, ví bằng chị ấy có công trong nhà lắm, chốc ấy bà Mụ cùng chị phải trình cụ địa phận coi sóc chị em mà lại thêm ít lễ nữa, vừa sức nhà ấy, các nhà khác sẽ xin mỗi một nhà là một lễ Misa cho linh hồn ấy, nhà nào thì xin Thày cả địa phận nhà ấy. Thứ năm: bao giờ Mụ nào qua đời, thì chị em nhà ấy phải trình với Thày cả mà tùy công bà ấy đã coi sóc chị em cửa nhà siêng năng thế nào, khi có công nhiều thì xin cho linh hồn ấy hai Mồ,15 lễ Misa, khi công vừa vậy thì sẽ xin hai Mồ, 5 lễ Misa, ví bằng chẳng có thêm ích gì về linh hồn cùng cửa nhà, chốc ấy sẽ xin như các chị em đã khấn mà thôi, các nhà khác phải cứ mỗi một nhà xin một lễ Misa cho linh hồn ấy. Vả lại mỗi một nhà phải xin một năm 3 lễ Misa cho các linh hồn kẻ sống cùng kẻ đã sinh thì. Sau nữa, trong nhời giao này có ý nói về những kẻ sinh thì khi còn ở với chị em trong một nhà, cùng kẻ mặc áo và khấn khi còn khỏe, chẳng có ý nói về kẻ bởi bệnh mà vừa khấn liền qua đời. Vì vậy ai qua đời trong nhà nào, thì Mụ hay là chị Ả phải thông tin cho các nhà biết tỏ kẻ qua đời về bậc nào trong các bậc đã nói trước này. Sau hết, các Mụ phải lĩnh một bản nhời giao này mà viết vào cuốn sách lề luật để cho được lấy làm cứ về sau.
CHUNG TẤT
**************