MẶC CẢM
Bài thuyết trình của Tập sinh Anna Nguyễn Thị Bích Hồng
Trong cuộc sống, chúng ta đã nghe nói và vẫn thường nói đến từ mặc cảm.
Ví dụ: Tôi mặc cảm về “chiều cao khiêm tốn”, tôi mặc cảm vì quá ốm hay quá mập… hoặc về một lỗi lầm nào đó trong quá khứ… Cũng có khi ta nhận xét về ai đó như: Cô ấy là người thiếu tự tin, chị ấy là người hay mặc cảm…
1. MẶC CẢM LÀ GÌ ?
Mặc cảm là những tình cảm u tối, phức tạp trong trạng thái dồn nén của tâm hồn con người.
2. NHỮNG LOẠI MẶC CẢM THƯỜNG GẶP:
Mặc cảm có nhiều loại, chúng ta đã nghe nói đến Mặc cảm Edipe, Mặc cảm tự tôn, Mặc cảm tự ti… (phổ biến nhất là mặc cảm tự ti).
a. Mặc cảm Edipe:
Nhà phân tâm học Sigmond Freud đã giải thích “Mặc cảm Edipe” bằng một câu chuyện thần thoại Hi Lạp như sau:
Một ông vua Hi Lạp sinh được một hoàng tử. Sau khi ra đời, có một lời tiên tri về hoàng tử rằng: “Đứa trẻ này lớn lên sẽ giết cha và lấy mẹ mình.” Nhà vua rất đau lòng và sợ hãi. Ông quyết định đem bỏ hoàng tử trên một ngọn núi, để lời tiên tri ấy sẽ không xảy ra. Nhưng một người chăn cừu đã thấy đứa trẻ bị bỏ rơi liền đem về nhà nuôi mà không biết đó là một hoàng tử. Đứa trẻ này dần dần lớn lên và trở thành một chàng trai thông minh tuấn tú.
Thời đó có một con Nhân Sư rất dữ đang hoành hành ghê gớm, dân chúng vô cùng sợ hãi và khổ cực. Con Nhân Sư ra một câu đố như sau: “Con gì sáng đi bằng bốn chân, trưa đi bằng hai chân và tối đi bằng ba chân.” Nếu ai trả lời được thì sẽ cứu được mọi người thoát khỏi những hiểm hoạ. Nhà vua lúc đó truyền lệnh đi khắp nơi: Nếu ai trả lời được câu đố này thì sẽ được phong làm làm Quốc vương. Và Edipe, đứa con nuôi của lão chăn cừu đã trả lời được. Sau khi được phong làm Quốc vương, Edipe giết Vua và lấy Hoàng hậu mà không biết đó chính là cha mẹ mình. Về sau có một người đã nói cho Edipe biết về nguồn gốc của mình. Lúc ấy, Edipe mới biết người mà mình giết chính là cha mình, và người mà mình đang ăn ở cùng lại chính là mẹ của mình. Edipe vô cùng xấu hổ, đau khổ, dằn vặt về tội lỗi của mình. Edipe tự móc mắt mình rồi đi lang thang để tự đày đoạ, trừng phạt mình vì mặc cảm tội lỗi.
Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã từng gặp những người mang mặc cảm Edipe, ngay bản thân ta cũng có những lần mang loại mặc cảm này. Bởi vì trong cuộc đời, có lẽ không ai tránh được những vấp váp, sai lầm, vì thế có những lúc chúng ta cảm thấy mình sao mà tội lỗi… rồi chúng ta đau khổ, dằn vặt về chính những yếu đuối, bất toàn của mình. Đó chính là lúc ta mang mặc cảm Edipe. Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại ở đó, mà sau mỗi lần sai là một lần sửa, mỗi lần vấp ngã là mỗi lần vực dậy, đứng lên bước tiếp. Bởi chúng ta tin rằng mình được Chúa yêu thương và tha thứ. Tình yêu của Ngài còn lớn hơn cả tội lỗi của chúng ta.
– Về phía chúng ta: Đôi khi chúng ta cũng phải rộng lượng với chính mình, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho mình để rồi bắt đầu lại. Cha Anthony de Mello đã nói: “Hãy hoán cải, hãy thức tỉnh. Đừng rên rỉ vì tội lỗi của bạn nữa. Mà sao lại phải khóc lóc về những tội mình phạm khi mình còn đang ngủ mê? Bạn sẽ dằn vặt vì những gì bạn đã làm trong tình trạng thôi miên ư? Đừng thế! Hãy thức tỉnh! Thức tỉnh đi! Hoán cải đi! Hãy mặc lấy một tinh thần mới. Hãy nhìn mọi sự bằng một cách nhìn mới.”
VD: Trong Tin Mừng, chúng ta đã bắt gặp nhiều nhân vật quen thuộc như: Maria Mađalêna, Matthêu, Giakêu… Họ là những “con điếm”, những “quân thu thuế” và được xếp vào “phường tội lỗi”. Thế nhưng họ đã dám vượt lên trên dư luận, vượt lên trên cái nhìn khinh bỉ, xét nét của người đời, họ đã vượt thắng được mặc cảm tội lỗi để đến với Đức Giêsu và tất cả đều được biến đổi.
Đáng kể nhất là trường hợp của Phêrô và Giuđa, hai môn đệ phản bội Đức Giêsu. Một kẻ bán Thầy lấy tiền và một kẻ thì chối bỏ Thầy một cách phũ phàng. Có thể nói cả hai đã phạm một tội tày đình đó là phản bội. Sau khi Thầy bị bắt, cả hai đều nhận ra tội lỗi của mình. Phêrô đã bắt gặp cái nhìn nhân từ của Đức Giêsu, ông đã hối hận và trở lại, tiếp tục vai trò của người môn đệ và trung thành đến phút chót cuộc đời. Còn Giuđa, anh ta đã không vượt qua được mặc cảm tội lỗi và đã tìm đến cái chết để tự trừng phạt mình.
Chúng ta thừa nhận rằng: Ánh mắt của Đức Giêsu nhìn Phêrô lúc đó phải là một cái nhìn hết sức trìu mến và thương yêu vô hạn, thì mới có thể cảm hoá được lòng người ngay tức khắc như vậy. Song chúng ta cũng không thể không chú ý đến thái độ của Phêrô. Phêrô đã dám ngước mắt lên, thì ông mới có thể bắt gặp được cái nhìn vị tha của Thầy mình. Giả như lúc đó Phêrô cúi gầm mặt xuống thì có lẽ ông cũng bước vào ngõ cụt như Giuđa. Nhưng không, Phêrô đã vượt qua được mặc cảm tội lỗi và ông đã được biến đổi.
b. Loại mặc cảm tự tôn
Biểu hiện của loại mặc cảm này là: Cá nhân quá đề cao mình và mong muốn mọi người phải thừa nhận khả năng của mình hơn thực tế của nó. Nói cách khác, họ muốn mình được đề cao. Và khi không được như ý, thậm chí còn bị đánh giá thấp, thì họ dằn vặt, đau khổ, vỡ mộng vì mình không được thừa nhận như mình tưởng.
Trong Tin Mừng cũng có rất nhiều những nhân vật mang loại mặc cảm này như: Adam, Eva, những luật sĩ, những người Pharisêu… họ luôn lấy mình là trung tâm trong lịch sử cứu độ.
Theo cha Anthony de Mello thì Đức Giêsu xem ra không gặp nhiều rắc rối với loại người khác cho bằng với loại người này. Cha viết: “Ngài cứ phải đụng độ hoài với những người chắc mẩm rằng mình tốt. Còn những người khác, những người công khai ích kỷ và biết rằng mình ích kỷ, xem ra đã không gây lộn xộn cho Ngài bao nhiêu.”
– Loại mặc cảm này chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống và có lẽ nó cũng không vắng mặt trong cộng đoàn của chúng ta. Những người ở trong mặc cảm này rất khó đón nhận lời góp ý và thường bị cô lập trong cộng đoàn.
c. Mặc cảm tự ti:
Theo các nhà tâm lý thì mặc cảm tự ti là toàn bộ những cách ứng xử nhằm gạt bỏ những cảm giác sợ hãi, lo âu, tự ti, khó chịu… Đó là một sự phản ứng có tính chất tâm bệnh lý về sự thua kém của mình so với người khác.
Đây là một tâm bệnh phổ biến nhất trong các loại mặc cảm đã nêu. Vì thế con xin được phân tích sâu hơn về loại mặc cảm này:
– Cần phân biệt mặc cảm tự ti với tình cảm tự ti:
Ví dụ: Ta là người có giọng hát khá hay, khi nghe ca sỹ Hồng Nhung, Cẩm Vân hay một ca sỹ nào đó hát, ta thấy mình thua xa và điều đó ta thấy rất rõ và rất tự nhiên. Đó là tình cảm tự ti. (Tức là điều đó ta ý thức được và không có gì khiến ta phải đau khổ hay so bì… )
Nhưng nếu trong ta bị dày vò bởi một sự thua thiệt âm thầm nào đó mà ta không ý thức nổi thì đó là: mặc cảm tự ti.
– Mặc cảm tự ti khiến người ta luôn tìm cách gỡ gạc để bù đắp vào chỗ yếu kém của mình. Nhà tâm lý học Adler gọi đó là luật bù trừ. Nói cách khác: Khi đã có mặc cảm tự ti, con người tạo thế cân bằng cho mình bằng cách bù đắp cho mình (và có khi còn bù đắp quá đáng) những sự thua kém về thể xác hay tinh thần tâm lý mà họ phải chịu.
– Không chỉ chính sự thua kém gây nên hiện tượng bù trừ mà chính cảm giác dựa vào một ảo ảnh hoặc thông thường, dựa vào những quan niệm hiện hành của xã hội, gắn liền với sự thua kém gây nên hiện tượng bù trừ.
– Hiện tượng bù trừ cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó.
· Mặt tích cực: Nó đóng vai trò là động lực thúc đẩy con người cố gắng hơn. Ví dụ: Một thiếu nữ biết mình kém nhan sắc, cô ta sẽ cố trau dồi đức hạnh, tài năng… Hoặc một người nghèo khổ, họ biết cố gắng học hành, lao động để thoát khỏi cái nghèo.
Một triết gia đã nói: “Là con người, chúng ta luôn bị dày vò bởi mặc cảm tự ti. Nhưng nhờ biết chống lại nó, chúng ta có thể vươn đến những điều cao cả.”
Ví dụ: Louis Bralle vì bị đui mù mà ông đã tìm ra chữ viết cho những người khiếm thị.
· Mặt tiêu cực: “Bù trừ cũng có thể làm cho người ta rơi vào sự “gỡ gạc giả tạo”.
Ví dụ: Có những ông chồng bị vợ bắt nạt quá đáng dẫn đến trả thù trên chiếc xe của mình.
Theo kinh nghiệm của các nhà tâm lý: Những người chạy xe quá tốc độ, lạng lách trên đường, hầu hết có vấn đề tâm lý. (nếu không phải tự thấy thấp kém, bất tài thì cũng bị chèn ép nào đó trong cuộc sống… )
Một ví dụ khác về bù trừ tiêu cực: Người dốt luôn sợ người khác biết mình dốt nên hay nói chữ, mà càng nói thì lại càng lòi cái dốt của mình ra. Vì thế mà người đời có câu: “đã dốt lại hay nói chữ” hoặc “thùng rỗng thường kêu to”.
– Do cá nhân đang mặc cảm tự ti về một cái gì đó nên khi nghe người khác vô tình nói đến vấn đề anh ta đang mặc cảm. Lập tức anh ta có phản ứng như họ đang đụng chạm tới điểm yếu của mình, và cảm thấy dằn vặt, đau khổ…
Ví dụ: Nhân vật AQ trong tác phẩm AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn: “Có lần AQ bị người ta túm tóc, đập đầu vào tường đến chảy máu và chỗ vết thương thành sẹo. Từ đó, hễ ai nói đến tiếng “sẹo” là anh ta coi như họ đang xỉa xói mình. Thậm chí, người ta nói đến tiếng “trầy, lở, loét”… anh ta cũng lườm một cách giận dữ, nghĩ rằng người ta nói xấu mình. Cuối cùng anh ta sợ cả tiếng “trơn”, tiếng “láng”. Cả đến tiếng “sáng” anh ta cũng đâm nghi ngờ vì người ta vẫn quen nói “sáng láng”. Rồi đến tiếng “đèn”, AQ cũng đâm ngán luôn, vì đèn ắt nó phải “sáng”, mà “sáng” thì nhất định “láng”, đã “láng” thì đích thị là “sẹo” rồi còn gì.”
– Trong cuộc sống, có lẽ cũng đôi lần chúng ta giống anh chàng AQ.
– Có thể nói: Mặc cảm là một tâm bệnh rất phổ biến không riêng gì những người tầm thường mang mặc cảm, mà ngay cả những người rất nổi tiếng cũng có những mặc cảm riêng của họ.
Ví dụ: Hitler, một nhân vật khét tiếng trong thế chiến thứ II. Vốn có tài cầm quân, Hitler đã đưa quân đội Đức trải qua rất nhiều chiến thắng. Hitler nuôi một tham vọng làm bá chủ thế giới, nhưng cuối cùng Hitler đã bị thất bại thê thảm. Tháng 06.1940 khi tiến tới Dunkerque, tại sao Hitler lại dừng quân ngay trước biển Manche mà không tấn công Anh Quốc trong khi có đủ khả năng? (vì quân đội Đức lúc đó đang rất mạnh)
Nhiều nhà tâm lý cho rằng: Ở trong đáy lòng của con người hãnh tiến này vẫn có mặc cảm tự ti trước sức mạnh của Đế Quốc Anh.
3. NGUYÊN NHÂN:
Mặc cảm tự ti rất phức tạp, nhiều khi phải tìm hiểu sâu xa cội nguồn, lai lịch một con người mới rõ hết được ý đồ và hành động của họ.
a. Nguyên nhân khách quan:
Theo các nhà tâm lý: Đa số các trường hợp mặc cảm phát sinh từ sự thiếu tình thương trong tuổi ấu thơ, hoặc từ sự nghiêm khắc quá đáng của cha mẹ. Sau sự thiếu thốn tình thương là sự thất bại trong học tập cũng dẫn đến hậu quả nặng nề.
b. Nguyên nhân chủ quan:
– Do chúng ta không dám đối diện với sự thật, quá lệ thuộc vào những lời khen, tiếng chê. Nói cách khác, chúng ta dễ bị tác động bởi dư luận quần chúng.
– Do chúng ta ngại cố gắng: Đứng trước những khó khăn, thay vì phải đương đầu thì ta lại tránh né, cho rằng mình không có khả năng…
4. HẬU QỦA:
Từ trạng thái mặc cảm có thể dẫn người ta đến thái độ sống tiêu cực và có thể làm hủy hoại nhân cách con người.
Ví dụ: Tháng 7 vừa qua, một người bạn học chung lớp với con đã thắt cổ tự tử. Và có lẽ lý do dẫn đến cái chết oan nghiệt đó cũng là do mặc cảm tự ty. Bạn là đứa con độc nhất trong gia đình. Hoàn cảnh gia đình bạn cũng khó khăn song bạn cũng đã cố gắng vượt qua những thách đố của thời sinh viên. Sau khi học hết năm III bạn không may mắc bệnh, phải nghỉ học dở dang để về quê chữa trị. Và bi kịch cuộc đời bạn đã xảy ra trong thời gian này. Trước cái chết đau thương của bạn, con cứ băn khoăn suy nghĩ: Vì sao bạn lại buồn chán đến nỗi phải tìm đến cái chết? Hơn nữa bạn là một sinh viên, một người trí thức cơ mà? Phải chăng vì bạn mang nặng mặc cảm tự ty? Có thể do bạn nghĩ là mình vô dụng, mình chỉ là gánh nặng cho bố mẹ… và bạn tưởng rằng cái chết là một giải pháp tốt nhất để bạn thoát khỏi những dằn vặt, đau khổ.
Qua đó chúng ta nhận thấy rằng: Mặc cảm tự ty có thể dẫn đến những hậu quả ghê gớm, đôi khi ta không thể lường trước được. Theo các nhà tâm lý: Trong những biểu lộ tàn tệ nhất của sự hằn thù, người ta luôn tìm thấy dấu vết của mặc cảm tự ty đã không có gì làm thoả mãn.
– Mặc cảm tự ty có thể làm thui chột khả năng tiềm tàng trong ta (mà lẽ ra những khả năng ấy phải được phát triển). Vì thế có những người hết sức thông minh lại cứ nghĩ mình không có khả năng và không ít những thiếu nữ khả ái lại cứ nghĩ mình vô duyên… và vì thế mà ít thành công trong cuộc sống.
5. BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Trong cuộc sống, nếu chúng ta luôn cảm thấy thấp bé hơn những cái gì chúng ta mong ước đạt đến, nếu chúng ta không biết hài lòng với những gì mình có thì dù cuộc đời có cho ta mọi ân huệ, ta cũng đành cam thúc thủ mà thôi.
Cha Anthony de Mello đã nói: “Đời là một bữa tiệc lớn. Trớ trêu thay, rất nhiều người lại đang chết đói.” Cha đã kể một câu chuyện lý thú về những người nằm chết khát trên chiếc bè lênh đênh ngoài khơi bờ biển Brazil: “Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi nó tống ra biển xa đến hai dặm và nước ngay chỗ họ cũng là nước sông. Nhưng họ không hề biết.” Cha viết tiếp: “Cũng tương tự như vậy, quanh chúng ta là biết bao niềm vui, hạnh phúc, yêu thương… nhưng phần lớn người ta chẳng hay biết gì. Vì chúng ta đang ngủ mê.”
– Để khắc phục mặc cảm tự ti, điều đầu tiên chúng ta phải biết mình: biết nhìn nhận những khả năng cũng như những giới hạn của mình. Nói cách khác, ta phải biết những mặt mạnh và mặt yếu của mình, để từ đó ta biết phát huy những yếu tố tích cực và khắc phục những nhược điểm, những yếu tố tiêu cực trong ta.
Điều thứ hai giúp ta xoá được mặc cảm là phải biết chấp nhận và hài lòng với những gì mình có, không nên so bì với người khác. Đó là đối với mặc cảm của chính mình.
– Đối với mặc cảm của người khác:
Trong cuộc sống, qua sự giao tiếp hàng ngày, chúng ta có thể vô tình gây đau khổ cho người khác, vì ta đã đụng chạm hay khoét sâu vào mặc cảm của họ. Đôi khi vì quá vụng về, ta lầm tưởng rằng: nói phụ hoạ theo một người nào đó khi họ thở than về sự yếu kém hay nỗi thua thiệt của họ là ta biểu hiện được sự đồng cảm hoặc chia sẻ. Nhưng thực sự chỉ làm họ xót xa, đau khổ nhiều hơn và ngày càng thu mình vào trong cái vỏ sò khép kín của họ. Đôi khi chúng ta cần phải phản bác lại những lời than thở ấy, để giúp họ xoá bỏ phần nào mặc cảm.
Chúng ta cần phải truyền sự tự tin cho họ bằng cách chỉ ra những yếu tố tích cực, mặt mạnh của họ, để họ biết phát triển những khả năng tiềm ẩn của mình. Từ đó họ có thể vươn lên, sống vui và hạnh phúc.
Cần nói những lời động viên, khích lệ, tránh những lời chê bai hoặc chỉ trích.
Ví dụ: Chị Marry là một đầu bếp rất giỏi. Nhưng có lẽ tạo hoá hơi khắt khe với chị, nên chị phải mang một hình dáng xấu xí. Chị luôn mặc cảm về điều đó và rồi chị an phận. Chẳng bao giờ chị để ý đến việc trang điểm cho mình như những cô gái khác, bởi vì chị nghĩ rằng chẳng ai thèm quan tâm, để ý đến chị.
Một lần ông chủ gọi chị và bảo: “Chị Marry! Chị có biết là chị đẹp lắm không? Chị là một đầu bếp rất cừ. Chị luôn làm hài lòng khách hàng. Nhờ vậy mà cửa hàng của tôi ngày càng ngày đông khách hơn. Chắc chắn chị sẽ là một người nội trợ tuyệt vời trong gia đình.”
Chị Marry bỗng nóng bừng mặt, chị cười rạng rỡ. Từ đó chị bắt đầu chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm sao cho phù hợp với dáng vẻ của mình.
Một năm sau, ông chủ nhận được tấm thiệp hồng của chị kèm theo những dòng ngắn gọn: “Cám ơn ông chủ đã cho tôi những lời khích lệ. Quả thật, tôi đang là một người phụ nữ tuyệt vời nhất đối với người chồng sắp cưới của tôi.”
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy: Những lời động viên, khích lệ, những lời nói tích cực có tác dụng rất lớn đối với người nghe.
KẾT THÚC:
Tục ngữ Việt Nam có câu “Sống phải biết người – biết ta.” Con xin mượn câu tục ngữ này để thay cho lời kết. “Biết ta”: Tức là biết nhìn nhận bản thân để biết mình, biết chấp nhận mình và tôn trọng mình. Chỉ khi nào biết mình, chúng ta mới có thể cảm thông và tôn trọng người khác. Cần phải “biết người” để ta có những thái độ, những cách ứng xử phù hợp, đúng đắn.
http//:daminhtamhiep.net