Nét đẹp đời dâng hiến

0

 Một đặc điểm tồn tại trong tương quan xã hội mà người ta gọi là “có qua có lại”, thường được tận dụng để lượng giá sự “biết điều” khi sống chung với nhau trong một cộng đồng. Nếu ai đó chỉ biết nhận mà không biết cho thì sẽ bị coi là kẻ ích kỷ; ai đó chỉ biết cho mà không biết nhận sẽ bị coi là người khù khờ và rồ dại. Cho nên, nếu muốn thu góp thì cũng phải bỏ ra ít nhiều; còn nếu muốn cho đi thì cũng chỉ có thể cho đi trong một giới hạn nào đó. Và trong những cách hành xử như thế thì hành vi cho đi trong một “giới hạn” nhất định luôn được mọi người trân trọng. Tuy nhiên, thông thường thì người ta vẫn thích nhận hơn là thích cho, hoặc nếu có trao đổi thì cái mình nhận mà to hơn cái mình cho thì vẫn thích; chẳng vậy mà cổ nhân có câu: “Bỏ con tép, bắt con tôm” là thế. Nhưng tự thân sự cho đi mang ý nghĩa cao cả gián tiếp nói lên tình người xuất phát từ tấm lòng biết hướng đến một đối tượng khác ngoài mình, muốn đồng hoá mình với anh chị em để tạo nên một thực thể không biên giới, và muốn cộng hưởng những giá trị của mình với người khác trong tình liên đời hỗ tương. Chính ở điểm này đã làm cho người biết cho đi trưởng thành hơn, nhân bản hơn và nhân vị bền vững hơn.
ẢnhĐời sống thánh hiến tự bản chất là một hành vi trao ban, nên đời sống này rất đáng quý trọng, bởi đó là hồng ân phát xuất từ Thiên Chúa chứ không do con người. Hành vi cho đi này chỉ đẹp khi người dâng hiến biết khước từ những đối tượng tương đối để hướng về Đấng Tuyệt Đối đã Sáng Tạo ra của lễ để hiến dâng. Mỗi lần tham dự lễ khấn, trong con luôn nhắc lại ý nghĩa ấy. Khác với trước đây, khi ước muốn sống đời thánh hiến mới thành hình, con cũng thấy đời sống thánh hiến thật đẹp, nhưng chỉ dừng ở sự hiếu kỳ trước một kiểu sống khác thường là lạ. Cho đến nay con đã nhận thấy nét đẹp đó nằm ở một khía cạnh khác đúng nghĩa hơn, đó là sự chiến đấu để bảo vệ cho một tình yêu không chia sẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không mấy dễ để thực hiện; nói là trao ban nhưng nhiều khi còn giữ lại, tận hiến nhưng có khi còn chia sẻ rải rác đây đó một cách không chính thức và không công khai… Đó là những yếu đuối của con người thánh hiến, nhưng có lẽ vì sự yếu đuối này mà cuộc đời dâng hiến được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc cách riêng một khi người tu sĩ còn nỗ lực để chứng tỏ tình yêu với Ngài.
Bước vào sống ơn gọi tu trì, càng ngày con càng nhận thấy sự bất lực và giới hạn khi đứng trước một cách sống có vẻ như rất nghịch lý, đó là : vừa phải giữ trọn một tình yêu không chia sẻ nhưng vừa phải biết trao ban; giữ trọn tình yêu để có thể trao ban luôn mãi và trao ban tất cả để tình yêu luôn trọn vẹn, phong phú và sinh động mỗi ngày … Đó chính khuôn mẫu tình yêu được Đức Giêsu thể hiện trọn vẹn trên Thánh Giá hy tế. Do đó, con biết rất rõ trách nhiệm của một người muốn trở thành bản sao của Đức Kitô giữa trần thế; con biết con phải học từ đâu và phải làm những gì … Tất cả đều đòi con phải chết đi cho những cái thường tình nhân loại trong cách xử thế mang tính trao đổi đang tồn tại trong con để phục sinh trong tình yêu không chia sẻ nhưng luôn biết ban tặng. Con biết, một khi con sống như thế thì con sẽ trở thành kẻ dại khờ trong mắt người khác, sẽ phải từ bỏ đến đồng xu cuối cùng của tính thích sở hữu và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng như Thánh Phaolô con coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của con. Vì Người, con đành mất hết, và coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô (Pl 3,8).

Maria Thúy Vân (Tập Sinh)

Comments are closed.

phone-icon