Tông thư của Đức Giáo Hoàng PIO XI gửi các Bề Trên Dòng

0

UNIGENITUS DEI FILIUS

 Bức Tông Thư Đức Thánh Cha Pio XI đề ngày 19-3-1924 gửi các Bề Trên Cả Dòng

 Trích trong “Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh”,

Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969, Văn thư VIII, tr. 57-74

Nữ Tu viện Đaminh Bùi Chu (Tam Hiệp)

I. BẬC DÒNG ĐƯỢC KHƠI NGUỒN VÀ PHÁT TRIỂN

1- Con Một Đức Chúa Trời xuống thế cứu nhân loại đã chỉ rõ những luật đàng thiêng liêng chung cho mọi người phải tuân giữ để được mục đích Chúa đã chỉ cho (là hưởng Chúa đời đời); Còn những ai muốn theo Chúa cách trung thành hơn, Chúa lại dạy riêng phải giữ thêm các điều trong Phúc âm nữa. Bất kỳ ai muốn cũng được dâng mình cho Chúa để khấn giữ các điều khuyên trong Phúc âm, để được thoát khỏi những cái hay làm cho người ta phải dừng lại trên đường thánh thiện như của cải, gia đình, và tự do quá trớn. Như thế, họ tiến tới bậc trọn lành thẳng thắn, dễ dàng và chắc chắn được phần rỗi đời đời hơn. Vì thế, ngay từ hồi Giáo Hội sơ khai đã vốn có những người đại độ cao thượng theo tiếng Chúa gọi, bỏ mọi sự vào đường trọn lành, lo tiến tới và bền đỗ đến cùng. Lịch sử còn ghi lại rõ ràng cho ta thấy từng đoàn người không ngớt, nam cũng như nữ, đã tận hiến cuộc đời cho Chúa và khấn sống trong các Dòng mà qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn tiếp tục công nhận và bảo tồn.

II. BẬC DÒNG LÀ MỘT, NHƯNG HÌNH THỨC VÀ HOẠT ĐỘNG KHÁC NHAU.

2- Tuy bậc Dòng tựu trung chỉ là một nhưng mặc nhiều hình thức khác nhau. Tuy mọi Dòng điều hiến thân phụng sự Chúa cả, nhưng mỗi Dòng theo Quy luật, Hiến Pháp và mục đích riêng của mình mà mưu vinh danh Chúa và làm ích cho tha nhân, nghĩa là mỗi Dòng lo mến Chúa và yêu người bằng những việc làm khác nhau. Cũng như có nhiều thứ cây khác nhau ở trong một khu vườn của Chúa, sinh ra rất nhiều thứ quả khác nhau để làm ích cho phần rỗi nhân loại, không cảnh nào xinh đẹp ngoạn mục bằng cảnh đồng chất, hòa hợp êm đềm của các Hội Dòng khác nhau, tất cả đều hướng về một cứu cánh duy nhất tuy việc Tông đồ của Dòng này có chỗ khác với Dòng kia. Đây là cách Chúa khôn ngoan an bài: Thành lập và phát triển một Dòng mới lạ là để đáp ứng với nhu cầu mới đòi hỏi.

III. BẬC DÒNG ĐƯỢC GIÁO HỘI SĂN SÓC

3- Các Hội dòng đã xiết chặt hàng ngũ dưới lá cờ Tòa Thánh và chiến đấu anh dũng. Còn Tòa Thánh thì nhớ ơn các Hội dòng đã làm cho Giáo Hội và nhân loại nên đã tỏ lòng biết ơn, và yêu quý săn sóc đến các Dòng cách riêng. Chính vì thế, mà Tòa Thánh tự dành quyền cho mình chấp nhận và châu phê Hiến Pháp của các Dòng. Mỗi khi Dòng gặp phải nguy cơ khó khăn, Giáo Hội đều hết sức chống đối kẻ thù, bênh vực và bảo vệ Dòng. Hơn nữa, mỗi khi thấy có hoàn cảnh đòi buộc, Giáo Hội không bỏ qua mà không khuyến khích cho Dòng thêm phấn khởi và sốt sắng lên như lúc mới bắt đầu.

4- Giáo Hội hằng ân cần và thúc giục các Dòng phải giữ luật pháp và tấn tới trong đàng trọn lành. Điều đó thấy rõ trong sắc chỉ và huấn lệnh của Công đồng Tridentiô: “Các Dòng tu nam nữ triệt để sống theo luật Dòng mình đã khấn. Phải trung thành mến giữ cách riêng các nhân đức trọn lành của bậc Dòng: vâng lời, khó khăn và sạch sẽ. Cũng  phải giữ các lời khấn và các điều buộc riêng của Dòng nữa, để bảo thủ cái đặc tính và sự đồng đều nhất về trong cách sinh hoạt và ăn mặc của Dòng”.

5- Giáo luật trước khi ra những khoản luật về bậc Dòng đã định nghĩa rõ ràng về bậc Dòng như sau:

“Bậc Dòng là bậc vĩnh viễn có đời sống chung –  trong đó, không kể các giới răn chung buộc mọi người, các tín hữu còn khấn: Vâng lời, Khó khăn và Sạch sẽ, để thực hiện các điều Chúa khuyên trong Phúc âm, hầu đạt tới sự trọn lành trong Phúc âm Chúa dạy.” Bậc Dòng hiểu đúng như thế Giáo luật còn chính thức truyền: “Buộc mọi người phải tôn trọng bậc Dòng” nữa. (c. 487).

IV. BẬC DÒNG ĐƯỢC GIÁO HỘI TÍN NHIỆM

6- Ta tin tưởng bậc Dòng có mãnh lực lôi cuốn và giúp việc rất đắc lực. Ta đã nêu lên một bằng chứng hiển nhiên trong Thông điệp: “UBI ARCANO” Thông điệp thứ nhất Ta thiết tha thân gửi các Giám Mục Công giáo khắp hoàn cầu. Trong đó, Ta có đề nghị các phương dược để chữa bệnh thời đại của xã hội đang suy đồi – mà về kết quả Ta có lý để hy vọng nhiều ở hàng Giáo sĩ Dòng.

7. Trước đây, Ta cũng gửi cho Đức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Chủng Viện và Đại Học Công Giáo bức Tông Thư “Offi-ciorum omnium”nói về việc học vấn của hàng Giáo sĩ. Sự suy tư lo lắng của Ta về vấn đề huấn luyện các chủng sinh được gọi chịu chức Thánh cũng nhằm vào cả các Tu sĩ Dòng nữa, vì hầu hết các lời Ta huấn dụ là chủ ý áp dụng cho tất cả những ai sẽ chịu chức Linh mục.

8- Nhưng, các con thân yêu! Lòng ưu ái nhiệt thành săn sóc đến lợi ích các con đã cho Ta thấy cần phải gửi đến các con một bức Tâm Thư riêng nữa. Nếu các Tu sĩ của các con  biết lo sống đều đặn theo đúng lời Ta nhắn nhủ đây thì đời sống và hoạt động của họ mới xứng đáng với ơn cao trọng siêu việt Chúa gọi họ.

V. NGƯỜI DÒNG PHẢI THEO SÁT CHÂN ĐẤNG LẬP DÒNG

9- Trước hết, Ta khuyên các Tu sĩ Dòng hãy luôn luôn soi gương Đấng sáng lập Dòng mình mà giữ luật phép Dòng, nếu muốn được hưởng chắc chắn nhiều ơn dư dật khác bởi ơn Thiên Triệu nữa. Hỏi các Đấng nhân đức đã làm gì khi lập Dòng nếu chẳng phải là vâng lời làm điều Chúa soi cho. Cho nên tất cả những ai muốn mang cái đặc sắc mà chính Đấng sáng lập đã có ý định dấu cho Dòng Ngài hẳn không thể bỏ được tinh thần của Tổ Phụ mình. Bởi vậy, kẻ làm môn đệ phải như người con ngoan thảo hết lòng làm nở mặt Cha mà giữ luật phép cùng những lời khuyên dạy cho thấu đáo đúng với tinh thần của Đấng Tổ Phụ mình, có theo đúng lốt chân đấng sáng lập Dòng mới kể là trung thành với ơn Thiên Triệu của mình. Nhờ đấy Dòng mới tồn tại mãi mãi (Eccl. XLIV, v13). Chớ chi những người Dòng vâng giữ luật Dòng một cách khiêm nhường và bảo thủ cặn kẽ được đường lối của Tổ Phụ xưa để càng ngày càng tỏ ra xứng đáng là người Dòng hơn. Trung tín như thế mới chắc được Chúa ban ơn phù hộ cho trong việc Tông đồ.

VI. MỤC ĐÍCH CỦA MỌI VIỆC TÔNG ĐỒ

10- Các hoạt động của Dòng chỉ được có một mục đích duy nhất là: “Mở nước Chúa và làm sáng tỏ sự công chính của Người” (Mt 6,33), chỉ được chú nhằm vào mục tiêu đó mà thôi. Trong các việc mà hầu hết các Dòng hiến thân phục vụ phải coi việc ta đặt cho đây là việc bổn phận: “Truyền giáo và huấn luyện thanh thiếu niên”.

11- Vì thế, khi thi hành việc Tông đồ, các Dòng phải chăm chú theo đúng tiên ý của Đức Tiên Giáo Hoàng (Beneđictô XV đã nói trong Thông điệp Maximum illud ra ngày 30-11-1919) là đừng có biến việc truyền bá Phúc âm nơi dân ngoại ra việc truyền bá ảnh hưởng hay lập quyền đô hộ cho quê hương mình. Chỉ được lo tìm phần rỗi cho dân ngoại, dầu khi phải lo cho họ về bề sinh sống, ấm no, miễn là việc ấy có thể giúp họ đạt tới sự sống đời đời.

12 – Còn những ai nhận trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên, trước nhất  phải tránh sự hăng hái quá độ là chỉ lo dạy khoa học đời cho giỏi mà coi thường việc in vào tâm trí học sinh một nền đạo đức chắc chắn – nếu không, học sinh khi mãn trường cũng sẽ bỏ họ vì chỉ thông giỏi văn chương mà dốt hẳn về Giáo lý. Những học sinh không được học Giáo lý sẽ thiếu hẳn vẻ xinh đẹp  cao quý nhất của linh hồn, và sẽ sống trong sự thiếu thốn nghèo nàn mọi đàng. Kinh Thánh nói:  “Những người không biết Chúa, là ngu dốt” (Sách khôn ngoan XIII,1) – Thánh Tiến sĩ Thiên Thần cũng quyết như thế: “Kết quả của mọi khoa học phải là xây dựng đức tin, biết tôn thờ Chúa và làm cho Giáo lý thêm chắc chắn. Phải rút ở Khoa học ra được những an vui như kết quả của sự hiệp nhất Chúa Giêsu với Giáo Hội mà Giáo Hội là công trình của Đức Ái vậy.”

VII. NÓI CHUNG CẦN PHẢI HỌC GIÁO LÝ

13- Về khoa học thánh, cần các người giúp việc Giáo Hội phải coi trọng và hiểu biết cho sâu xa thấu đáo! Bức thư này có chủ ý cốt yếu là thúc giục các người Dòng, hoặc đã, hoặc sẽ được chịu chức Linh mục phải lo chăm chú học các khoa học Thánh. Nếu về các môn ấy mà họ không thể làm Thầy dạy nổi, thì chắc họ cũng sẽ bất lực không thể chu toàn các việc bổn phận theo Ơn Thiên Triệu được. Sứ mệnh nếu không phải là duy nhất, thì ít ra cũng là trước hết, của những người dâng mình cho Chúa lại không phải là cầu nguyện và chiêm niệm các điều về Chúa hay sao? Mà phận sự quan trọng như thế làm sao có thể chu toàn được nếu họ không có sự hiểu biết sâu rộng những điều về Đức Tin.

VIII.  RIÊNG VỀ DÒNG CHIÊM NIỆM

14- Đấy là những điều cha khuyên và mong được thấy thi hành trước hết bởi các kẻ đã hiến thân giam mình trong khu cấm, để chiêm niệm các chân lý đời đời. kẻ coi thường môn Thần học trước khi chịu chức, hoặc sau khi đã chịu chức rồi lại bỏ qua không học nữa vì nghĩ rằng không hiểu biết về Chúa và các sự mầu nhiệm Đức Tin Giáo lý dạy cũng có thể đứng vững trên đỉnh trọn lành và nhắc lòng lên kết hợp cùng Chúa được thì thật là lầm lắm.

IX. VỚI CÁC DÒNG HOẠT ĐỘNG

15 – Còn các Tu sĩ Dòng khác dầu là dạy học, dầu là giảng thuyết, dầu là ngồi tòa để hòa giải tội nhân, dầu là thừa sai truyền giáo hay sống giữa dân chúng và tiếp xúc với họ hằng ngày, hễ càng trau dồi tinh luyện sáng suốt chắc chắn về Giáo lý hơn bao nhiêu thì càng hoạt động hăng hái kết quả hơn bấy nhiêu. Học hành cho thông thạo những khoa học Thánh, duy trì và trau dồi cho thêm sung túc sâu sắc đó chính là phận sự của Linh mục.

16 – Xưa Đức Chúa Thánh Thần đã dùng miệng Tiên tri mà tuyên bố “Môi miệng Đấng tế lễ giữ gìn sự khôn ngoan thông thái”(Malachias 2,7) – kẻ làm sứ giả của Chúa các khoa học, lấy quyền gì mà ra đứng trước dân chúng nếu không có một nền Giáo lý chắc chắn? (1Sanuel 2, 3) – Là uỷ viên, là Thầy dạy của (Thánh Kinh) Tân Ước, là muối đất, là ánh sáng thế gian (Math 5, 13-14) – hỏi ai là người được mang cái biệt hiệu ấy để giáo dân đợi nghe lời hằng sống? Thật, phải run sợ thay cho người nhận chức vụ Thánh mà đã không tài nào lại không học! vì Chúa sẽ không dung thứ cái dốt nát của kẻ ấy bởi chính Chúa đã đe phạt kinh khủng: Vì ngươi đã chê bỏ sự hiểu biết về Ta, thì đến lượt Ta, Ta cũng chê bỏ ngươi, ngươi không được làm Thầy tế lễ của Ta nữa.” (Oséas 4,6)

X. NÓI CHUNG VỀ HỌC THỨC

“Có học mới đáp ứng được nhu cầu của thời đại”

17 – Nếu xưa còn cần các Linh mục phải thông giỏi như thế, thì ngày nay sự học lại càng cần thiết và thúc bách hơn gấp mấy nữa. Quả thật, đời ta đây, trong sinh hoạt thường ngày, sự thông thái cho một ích lợi rất lớn lao – Nó hòa trộn với đời sống đến nỗi người ta đắc chí phô trương: Cái gì cũng làm theo khoa học hết – cả đến những người kém học kém tài cũng rất hay tự phụ như thế mà thường là như thế vế hầu hết mọi vấn đề. Cho nên phải hết sức cố gắng đưa tất cả các khoa học đời tiếp vào Đức Tin để các khoa ấy giúp ta bênh đỡ bảo vệ Đức Tin. Nếu biết quy tụ ánh sáng các khoa học đời lại thì sẽ làm cho cái vẻ đẹp của chân lý mặc khải (Đức Tin) càng được sáng láng rực rỡ hơn trước mặt mọi người, và như thế, đỡ phải vất vả phân giải những thắc mắc thâm hiểm của khoa học giả danh đang ùn ùn chồng chất lên để phản đối các tín điều Ta tin.

18 – Đức Tin của chúng ta, theo kiểu nói thật xác đáng và hài hước của Tertuliano, chỉ còn duy có một hy vọng: “Là không bị đả kích bởi người không biết” (Apolog.1). Cũng nên nhớ những lời sau đây của Thánh Giêrônimô: “Sự thánh thiện mà không có học, thì chỉ có người có nó mới xài nổi nó thôi. Còn chính người ấy thì càng có công xây dựng Giáo Hội Chúa bao nhiêu, lại càng phá hoại bấy nhiêu, nếu họ không phản công được địch… Nhiệm vụ của Linh mục là phải trả lời khi có ai hỏi về Đức tin”(Epist. LIII). Thế nên, bổn phận của Linh mục triều cũng như Dòng, là giảng dạy Giáo lý Công Giáo, là liệu sao cho Giáo lý được hợp với tầm trí khôn ngoan của mỗi người, là ra tay bênh đỡ Đức Tin. Giáo lý tích chứa mọi lẽ có sức bác bẻ và thắng phục kẻ thù. Hơn nữa, nếu biết giảng giải rõ ràng một chút thì tự nhiên cũng dễ lôi kéo được người thiện chí. Đó là điều mà các Đấng theo Thánh Thomasô và Thánh Bonaventura hướng dẫn, miệt mài học hiều sâu rộng Giáo lý rồi mới truyền thông cho kẻ khác.

XI. GIÁO LÝ GIÚP THẮNG DẸP CÁC TÌNH DỤC

“Ơ hờ lười biếng vội vàng hấp tấp – bê tha sắc dục”.

19 – Sự vận dụng hết chủ tâm, trí tuệ và khả năng vảo việc học hành để đưa các Tu sĩ của chúng  con đến chỗ được tận hưởng mạch sống đồi dào của đời sống Tu trì và giữ trọn được cái vẻ sáng đẹp tarng nghiêm trong bậc cao cả của họ.

20 – Thật thế, người chuyên cần về Khoa học Thánh là người khởi công một việc gay go khó nhọc, phải gắng gượng, phải hy sinh lắm, vì phải làm điều đố kỵ với tánh lười biếng, ươn ái, là mẹ và là thày các nết xấu (Eccl. XXXIII,29). Sự học hành buộc phải cố gắng, cầm trí, thành ra tập được thói không hấp tấp khi phải quyết định điều gì, không thi hành việc mà không suy tính. Nó còn giúp ta biết cầm hãm, trị dẹp dễ dàng các tình dục, vì ai không sửa trị các tình dục sẽ bị các tình dục xô đẩy vào đàng trụy lạc cách mau lẹ và sẽ phải đầm đìa trong đống bùn nhơ tội lỗi. Về điều này, Thánh heerionimô dạy: “hay ham đọc sách Thánh để khỏi ham mê thú vui nhục dục”. (Epist. c.XXV) – “Thánh Kinh như mẹ sinh kẻ khiết trinh”.

XII.  GIÁO LÝ KÍCH THÍCH TA TIẾN TRÊN ĐƯỜNG TRỌN LÀNH

21 – Một lý do nữa khiến người Dòng buộc siêng năng học hành đó là lương tâm trách nhiệm, vì “ơn kêu gọi buộc họ phải lo lắng tìm đường trọn lành”.

22 – Nếu không thực hành đời sống nội tâm, không ai có thể cố gắng trên đường trọn lành cho tới thành công chắc chắn được. Nhưng tìm đâu ra được của ăn thiêng liêng dồi dào để nuôi dưỡng và phát triển sự sống ấy nếu không phải là trong sách Giáo lý? Thật, hằng ngày ngắm nhìn những ơn lạ lùng trong thế giới tự nhiên và siêu nhiên mà Chúa phép tắc vô cùng đã rộng lượng ban phát trên khắp vũ trụ và trong mỗi người thường cho sự suy nghĩ và sự nhắc trí khôn lên như thế một tính chất đạo đức và cao siêu đến tận trời. Hơn nữa, nhờ Đức Tin, sự chiêm ngưỡng ấy cho linh hồn được sự trọn lành và được kết hợp với Chúa một cách thiết tha bền chặt. Hỏi “ai đã được nên giống Chúa Giêsu hơn kẻ đã thấm nhuần các chân lý Đức Tin và cách ăn ở Chúa dạy?”.

XIII.  HỌC HIỂU GIÁO LÝ LÀ CHẶNG ĐẦU CỦA ĐƯỜNG NÊN THÁNH

23 – Vì thế, các Đấng lập Dòng đã rất khôn ngoan theo gương các Tiến sĩ và các Thánh Tổ Phụ trong Hội Thánh, mà luôn luôn thiết tha khuyên dạy các môn đệ phải chuyên cần học hiểu Giáo lý. Hởi các con yêu dấu! Nào Ta đã chẳng từng thấy kinh nghiệm cho biết rằng: những Tu sĩ chăm chỉ mộ mến khoa Thần học đều đã tiến tới độ siêu việt trong đường thánh thiện hay sao? Trái lại, biết bao nhiêu kẻ lười biếng bỏ qua việc bổn phận thánh ấy đã bị sa sút và đã rơi vao tình trạng đáng thương tâm đến nỗi phạm cả lời Khấn! Xin ai nấy hãy nhớ lấy lời sau đây của Richard de Saint Victor: “Giá mà ai cũng kiên gan bền chí học cho đến khi mặt trời lặn thì dần dần lòng ham hố những sự phú vân giả trá sẽ nguôi đi – rồi những thú vui nhục dục cũng sẽ được chế ngự và những điều sự khôn khoan xác thịt xui giục, người ta cũng sẽ ít nghe theo”. Ta xin các tu sĩ hãy nhận lấy cho mình lời nguyện của Thánh Augutinh sau đây: “Xin thánh giá nên sự hoan lạc trong sạch cho tôi, nhờ đó, tôi sẽ không bị ai lừa dối, và cũng nhờ đó, tôi sẽ không lừa dối ai”(Conf.XI,c.2,3).

XIV. VỀ THỜI GIAN HỌC

24 – Vì sự chăm chỉ kiên tâm học hiểu Giáo lý là mạch chảy ra muôn lợi ích quý trọng cho người Tu sĩ, nên hỡi các con yêu dấu! Các con đã thấy: các con phải ân cần lo lắng đến mức nào cho Tu sĩ các con được thấu hiểu Giáo lý và suốt đời được trau dồi thêm mãi mãi. Về điểm này, nếu các thanh thiếu niên muốn sống bậc Tu trì, được rèn luyện học tập ngay từ đầu, thì lợi ích biết chừng nào?

XV. THIẾU NIÊN XIN VÀO TU PHẢI ĐƯỢC TUYỂN LỰA RÕ RÀNG

25 – Vì các tai ương đau khổ hiện thời, mà trong các gia đình, việc giáo dục con em đã biếng nhác hơn. Khắp nơi thanh thiếu niên bị thả rổng, thi đua chơi bời trụy lạc, không được dạy Giáo lý cho chắc chắn. Chỉ có Giáo lý mới có thể chuẩn bị cho các tâm hồn biết vâng giữ các điều răn Chúa dạy hay mới sống theo luật ăn ngay ở lành được. Về điều này, các con không thể bắt đầu bằng một việc gì có lợi hơn là thành lập Tiểu chủng viện và các trường học để thu nhận những thanh thiếu niên tỏ dấu có ơn Thiên Triệu. Ta hài lòng vì có nhiều nơi đang xây cất.

26 – Tuy nhiên, trong việc tuyển mộ này, phải cận thận tránh cái nguy hiểm mà Đức Tiên Giáo Hoàng đáng kính nhớ là Đức Piô X đã nêu lên cho các Bề trên Dòng Đaminh.

27 – Chúng con đừng hấp tấp nhận ồ ạt từng đoàn, từng lũ những thanh thiếu niên mà không biết chắc họ có vì ơn Chúa soi sáng thật mà chọn bậc sống trọng lành không? Phải khôn ngoan, nhẩn nha, từ từ mà tuyển chọn các thiếu niên xin vào tu Dòng – Rồi một khi đã nhận, các con phải hết sức lo lắng: một trật vừa rèn luyện cho họ về đạo đức xứng hợp với tuổi thọ, vừa phải lo cho họ được học hành theo chương trình Trung học – Họ không được bắt đầu năm Tập trước khi đã học hết chương trình ấy, chỉ trừ họa huần, nhỡ có lẽ can hệ mới nên đoán định cách khác thôi.

28 – Để huấn luyện các thánh thiếu niên ấy, các con hãy dốc hết sức hăng hái nhiệt thành ra mà làm. Điều đó không phải chỉ có đức thương yêu mới đòi mà thôi đâu, cả đức công bằng cũng buộc nữa. Nếu vì Dòng chưa phát triển được, hay bất cứ vì lẽ nào khác, mà một tỉnh hạt tự mình chưa đủ khả năng lo việc giáo dục theo đúng Giáo-luật được, thì phải gửi các học sinh qua tỉnh hạt khác, hay sang học đường khác, để họ được học hành theo đúng Giáo luật khoản 587.

XVI. VỀ SÁCH GIÁO LÝ

29 – Trong các lớp dưới cần phải giữ tỉ mỉ khoản Giáo – luật 1364, 1o như sau:

“Giáo lý phải là môn học chính. Dạy Giáo lý phải hết sức cẩn thận, phải liệu sao cho dễ hiểu, hợp với tuổi và tâm trí mỗi người”. Về sách Giáo lý, chỉ được dùng các sách đã được các Đấng bản quyền ưng nhận. Nhân tiện phải chú ý điều này là chính các sinh viên triết học kinh viện không được bỏ học Giáo lý – Họ sẽ thấy có lợi khi dùng bộ “sách bổn Rôma”, một bộ sách tuyệt hảo đáng khen vì Giáo lý sung túc, rõ ràng, và là văn hay. Nếu các Giáo sĩ chúng con, ngày từ lúc thiếu thời đã quen học bộ Giáo lý ấy thì không kể cái lợi là họ được chuẩn bị chu đáo trước để bước vào khoa Thần học, mà còn được đủ lực để dạy Giáo lý cho dân chúng, và phi bác các lẽ nghịch đạo thường gặp nữa.

XVII. VỀ LA VĂN

30 – Trong bức Tông thư “OFFCIORUM OMNIUM”, ta đã ngỏ lời với các Đức Giám Mục, khuyên giục việc học La văn – nay Ta nhắc lại những lời ấy với chúng con. Hỡi các con yêu dấu! Ta truyền cho các con phải thi hành đúng với các lớp học văn chương, vì các học sinh chúng con cũng phải giữ các điều Giáo Luật buộc các chủng sinh: “Về các ngôn ngữ, phải chú ý hai môn học này hơn: La ngữ và quốc ngữ” (c. 1364,20) – cái quan hệ buộc các Tu sĩ phải giỏi La văn không phải là chỉ ở chỗ là Giáo Hội dùng nó như phương tiện và như sợi dây thống nhất của Giáo Hội mà thôi, nhưng còn ở chỗ biết La văn mới đọc Kinh Thánh mới nguyện và làm lễ được, mới thi hành các lễ nghi Phụng vụ được. Đàng khác nữa, khi Đức Giáo Hoàng nói với thế giới Công Giáo để công bố các Giáo huấn cũng dùng La văn – Và Tòa Thánh Roma cũng không dùng tiếng nào khác nữa khi phải xét cử công việc và soạn thảo các sắc lệnh nói chung. Người kém La văn khó có thể lợi dụng được những nguồn rất phong phú là sách của các Thánh Giáo Phụ và các Thánh Tiến sĩ của Giáo Hội vì các Đấng ấy hầu hết cũng chẳng dùng ngôn ngữ nào khác để diễn giải và bênh vực Giáo Lý Công Giáo, cho nên chúng con phải tận tâm lo cho Giáo sĩ chúng con, những ai mai ngày sẽ ra giúp việc Giáo Hội phải học La văn cho thực cẩn thận.

XVIII. VỀ NHÀ TẬP

31- Khi đã mãn Trung học rồi, các học sinh và các dự tu, ai định dâng mình cho Chúa, và được Bề trên nhận thấy có tính tình tốt, trí khôn minh mẫn, lòng đạo đức chắc chắn, nết na hẳn hoi sẽ được nhận vào nhà Tập. Ở đây, như ở trường huấn luyện, các Tập sinh phải học cho sâu rộng và có phương pháp, những nguyên tắc và các nhân đức để biết sống cho xứng bậc tu trì.

XIX. CHƯƠNG TRÌNH DUY NHẤT CỦA NHÀ TẬP

32 – Việc huấn luyện các Tập sinh quan hệ biết chừng nào! Tầm quan hệ ấy, ta thấy các Đấng dạy đàng thiêng liêng đã làm chứng mà nhất là kinh nghiệm lại càng cho thấy rõ hơn. Trong năm Tập, nếu không xây nền các nhân đức cho chắc chắn, không thể ào đạt được kết quả gì và cũng không thể nào giữ sự trọn lành trong bậc Dòng được. Vì thế, trong năm Tập phải bỏ hết các môn học khác hay những gì có thể làm chia trí. Tập sinh chỉ được chuyên lo một việc là hết sức thi hành đời sống nội tâm và tập tành các nhân đức nhất là các nhân đức đi liền với lời khấn Dòng: Khó khăn, vâng lời và sạch sẽ.

33 – Ích lợi nhất là chăm đọc và nghiền ngẫm các sách thiêng liêng của Thánh Bernardo, Thánh Tiến sĩ Thiên Thần, Thánh Bonaventura, Thánh Alphonso, Rodriguez và các Đấng thuộc về Dòng đã có thế giá uy tín về đường thiêng liêng. Giá trị cũng như ảnh hưởng của các sách ấy đã không vì thời gian mà sút kém di chút nào, trái lại ngay nay còn vẫn tăng thêm hơn nữa là khác.

34 – Tập sinh không bao giờ được quên rằng: ở nhà Tập thế nào, Khấn ra cả đời cũng như vậy. Hy vọng sau sẽ đạo đức sốt sắng hơn để bù lại những chỗ hổng của 1 năm tập ơ hờ hay vô hiệu quả, thường chỉ là cái hy vọng viển vông hoàn toàn lầm lạc.

XX.  VỀ NHỮNG NGƯỜI MỚI KHẤN RA THEO TRIẾT LÝ VÀ THẦN HỌC

35 – Hỡi các con yêu dấu! Các con phải cẩn thận đặt các người mới Khấn ở các nhà giữ luật nghiêm ngặt, và ở đấy phải hết sức chuẩn bị làm sao cho họ có thể theo học được đầy đủ hết Triết lý và Thần học đúng như đã định với một chương trình thực rạo riết và chắc chắn có lợi. Ta vừa nói: “Đúng như đã định và đầy đủ hết”. Nói thế là Ta có ý nói: Không được lên lớp, nếu ở lớp dưới không đủ điểm để lên – và không được bỏ qua một phần nào của chương trình – Thời gian học theo Giáo luật đã chỉ, không được bớt xén đi chút nào. Không nói gì khác, hãy nói: nếu chỉ vì nhằm vào nhu cầu tạm thời mà các Bề trên đã muốn rút vắn đi bằng cách nào đó để cho Tu sĩ được chịu chức Linh mục sớm hơn thôi thì đấy đã là dại lắm rồi.

36 – Kinh nghiệm đã chứng quả: những người học vội vàng gặp chăng hay chớ, sau nay dù có thể có, cũng phải nói là khó lắm lắm mới sửa lại được cái khốn nạn gây nên do sự huấn luyện hững hờ như vậy. Giả sử có trường hợp sự chịu chức sớm hơn kia có cho thấy được một cái lợi mong manh nào đó thì nó cũng sớm tan biến hoàn toàn, chỉ vì rằng sẽ thấy người Tu sĩ ấy kém cỏi quá, không thể khả kham được những việc mà Thánh vụ đòi.

37 – Đàng khác nữa, hỡi các con yêu dấu! Các con lại phải chăm lo săn sóc, đừng để cho các sinh viên Triết lý Thần học ngơi cố gắng trên đường trọn lành – Trái lại, bổn phận họ đòi buộc họ phải luôn luôn thực hành những điều các bậc đại Thánh dẫn đàng thiêng liêng đã chỉ dạy, để một ngày kia giáo dân được xem thấy những điều họ đang mong đời ở nơi các Linh mục Dòng, đó là” Giáo lý chắc chắn và đời sống gương mẫu thánh thiện.

XXI. TƯ CÁCH CỦA GIÁO SƯ

38 – Ta kéo chúng con chú ý đến điểm tối quan trọng này: là các Giáo sư chúng con  đưa vào dạy Đại Học phải thật xứng đáng với nhiệm vụ. Họ phải là gương mẫu sống thánh thiện và có học lực cao về các môn họ phải dạy. Vì thế, không được chọn Tu sĩ nào làm giảng viên, nếu người ấy chưa học hết Triết lý Thần học và các khoa liên hệ với một kết quả khả quan hay nếu không có đủ năng khiếu hoặc sư phạm. Chớ có coi thường khuôn thước sau đây của Giáo Luật: “Phải chỉ định các Giáo sư riêng cho mỗi một môn, ít là các môn sau đây: Kinh Thánh – Tín lý Thần học – Luân lý Thần học và Giáo sử” (c.1366,30).

39 – Các Giáo sư đó phải hết sức lo cho các sinh viên của mình nên Tông đồ thực của Chúa Kitô, một trật vừa thánh thiện vừa đảm đang, vừa thông thái lại vừa khôn ngoan vì sau này họ vừa phải dạy dỗ người đơn sơ quê mùa, vừa phải đối phó với các kẻ lên mặt tri thức. Họ phải giữ được người giáo hữu cho khỏi bị tiêm nhiễm những sai lầm, nó càng âm thầm thâm nhập bao nhiêu, càng nguy hiểm tai hại cho các linh hồn bấy nhiêu. Nếu các con được hạnh phúc thấy các Tu sĩ các con thiết tha sốt sắng lợi dụng đường huấn luyện Tông đồ mà Ta vừa vạch ra đây và đạt được những kết quả mỹ mãn  đang mong chờ thì hỡi các con yêu dấu, những thành quả phong phú vô hạn ấy sẽ là phần thưởng sung mãn không tưởng tượng được cho những công lao lo lắng khó nhọc mà các con đã tự sắm lấy cho mình trong việc lành thánh ấy.

XXII. PHẢI THEO PHƯƠNG PHÁP KINH VIỆN

40 – Trước nhất, các con coi là luật thánh, luật bất khả xâm phạm theo đúng Giáo luật, mà Ta đã ra trong bức Tông thư của Ta nói về Chủng viện và về việc học vấn của hàng Giáo sĩ: “Khi dạy Triết học và Thần học, buộc các giảng viên phải theo sát phương pháp Kinh viện, noi giữ các nguyên tắc và Giáo lý của Thánh Thomas.” (c. 1366,20).

41 – Thực sự, không ai không biết quy phạm Kinh viện và Giáo lý Thánh Tiến sĩ Thiên Thần mà Đức Tiên Giáo Hoàng đã không ngớt ca tụng bằng những lời tán dương vẻ vang nhất,  có lợi tuyệt đối để minh chứng các chân lý mặc khải, và đẩy lui các tà thuyết của hết mọi thời đại với một sức mạnh lạ lùng. Là vì, như lời Đức Tiên Giáo Hoàng đang ghi nhớ muôn đời là Đức Leo XIII đã nói: “Thánh Thomas được Chúa ban đầy ơn hiểu biết về Chúa và nhân loại. Người giống như mặt trời … một mình vừa chiến thắng hết các tà thuyết ngày xưa, vừa sản xuất những khi giới vô địch, để bình trị các tà thuyết luôn luôn tiếp tục nổi dậy mãi sau này” (Thông điệp: “AETERNI  PATRIS” ra ngày 4-8 – 1879). Người còn nói đích đáng hơn nữa: “Những ai muốn là triết gia thực thụ mà nhất là các Tu sĩ Dòng phải muốn được điều đó, buộc phải đặt nguyên tắc và nền tảng Giáo lý ở Thánh Thomas.” (Ngọc thư “NOSTRA ERGA”đề ngày 25-11-1898 gửi Bề trên cả Dòng Phanxicô khó khăn).

42 – Như vậy, cần nhất phải làm sao cho các sinh viên của chúng con đừng bỏ qua điểm nào của Kinh viện. Một lẽ khác  để làm chứng nữa đó là vì có một liên quan mật thiết giữa Triết lý và Mặc khải (Thần học). Phải nhờ ở Kinh viện mới có thế đưa đúc kết hai môn đó hiệp lại với nhau, để môn nọ soi hướng cho môn kia, và giúp nhau một cách rất đắc lực. Thực ra, cả hai đều bởi Chúa là Chân lý tối cao đời đời mà ra. Có điều, Triết lý thì dạy theo lý trí, còn Mặc khải (Thần học) thì dạy theo Đức Tin. Hai môn không thể xung khắc nhau, mặc dù đã có những người đã lầm quyết là nó mâu thuẫn nhau, trái lại, nó hòa hợp đến nỗi bổ túc lẫn cho nhau

Kết luận: một người triết lý kém, không có thể nào trở nên một người Thần học giỏi được và không biết Thần học, không bao giờ sẽ là người Triết lý siêu quần được.

43 – Thánh Thomas đã chính xác về điểm này như sau: “Do nguyên lý Đức Tin (Thần học), Ta đưa ra được những kết luận có giá trị đối với những người có Đức Tin còn do nguyên lý Triết học, Ta đưa ra được những kết luận có giá trị đối với hết mọi người. Như thế, Thần học là một khoa học”. Nói cách khác, triết lý lấy nguyên lý đầu tiên ở lý trí, mà lý trí là một phần của Ánh Sáng Thiên Chúa giải ra, triết lý nói lên các nguyên lý ấy, rồi suy luận rộng ra, còn Thần học thì lấy chân lý Đức Tin ở ơn Mặc khải siêu nhiên (Chúa ban). Ơn ấy chiếu soi trí khôn, và cho trí khôn một sức tăng cường mạnh mẽ để tin. Như  thế, Triết lý và Thần học chẳng qua như hai luồng ánh sáng cùng từ một mặt trời chiếu xuống cả hay như dòng suối cùng một mạch nước chảy ra hay như hai tòa nhà cùng xây trên một nền móng. Khoa học nhân loại (Triết lý) quả là một kỳ công đại sự, nhưng miễn là phải thuần phục Đức Tin, thì bắt buộc nó phải sập sa xuống hố lầm lạc và phi lý.

44 – Vậy, hỡi các con yêu dấu! Nếu các sinh viên chúng con biết lấy khoa học đời đã được học mà phục vụ cho Giáo lý. Hơn nữa, nếu họ nhiệt thành sốt sắng mộ mện hăng say Chân lý Mặc khải thì hẳn sẽ là người của Thiên Chúa – phải nói như thế – và các lời nói cùng việc làm gương sáng của họ sẽ có ích lợi cả thể cho giáo dân vì thật: “Mọi lời Kinh Thánh được Chúa linh ứng”, hay nói cách khác theo kiểu nói của Thánh Tiến sĩ Thiên Thần: Giáo lý được Chúa Mặc khải “rất có lợi để dạy dỗ – chiến thắng – sửa trị và rèn luyện ta nên công chính. Như thế, người của Thiên Chúa đã hoàn bị và sẵn sàng làm được mọi việc lành.”(2 Tim 3,16-17).

XXIII. PHẢI CÓ ĐỨC TIN VÀ Ý NGAY LÀNH TRONG VIỆC HỌC

45 – Để các Tu sĩ khỏi uổng công làm việc trong cánh đồng mênh mông bát ngát của khoa học tự nhiên và siêu nhiên. Trước nhất, họ phải giữ vững tinh thần Đức Tin. Nếu để tinh thẩn Đức Tin suy yếu, họ sẽ giống như người bị bưng mắt, không thể nào thấu hiểu được những chân lý siêu nhiên nữa. Một điều không phải là kém can hệ nữa là phải học vì ý ngay lành. Thánh Bernerdo đã xác nhận như sau: “Có kẻ muốn học chỉ vì để được biết vậy thôi, đó là tính tò mò đang xấu hổ – có kẻ lại mê học  để sau được bán cái thông giỏi lấy tiền, lấy danh, lấy tiếng, đó là cái học vụ lợi ô nhục. Nhưng lại có kẻ hiếu học để xây dựng cho người đồng loại, đó là Đức Ái. Sau cùng, có người ham học để cho minh được nên người, ấy là Đức Khôn ngoan.” (In Cant. Sermo XXXVI). Vậy trong việc học hành, các sinh viên của các con phải quyết tâm chỉ chú ý học để làm đẹp lòng Chúa và rút ở cái học ra được thực nhiều lợi ích về đang thiêng liêng cho mình và cho kẻ khác.

XXIV. NGƯỜI CÓ HỌC PHẢI CÓ ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG VÀ YÊU MẾN

46 – Có học mà không có nhân đức thì còn phiền phức và nguy hiểm gấp mấy, chứ thực sự không lợi ích gì. Thật, ta thường thấy những kẻ khoe khoang kiêu ngạo cậy mình thông thái hay mất đức tin, ra mù quáng tối tăm và đâm đầu vào chỗ chết về phần linh hồn. Nên các sinh viên Tu sĩ chúng con phải cố gắng kiên quyết sao cho Đức khiêm nhường là nhân đức chẳng những cần thiết cho mọi người nói chung, mà đối với sinh viên nói riêng lại càng cần thiết hơn nữa – được thấu vào xương tủy để nhớ rằng: Thật chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng tự mình khôn ngoan thông biết vô cùng, còn loài người có thông giỏi đáng kể đến đâu đi nữa, nếu đem sánh với tất cả những sự mình chưa biết thì cũng chỉ là như không. Hãy nghe những lời vàng ngọc sau đây của Thánh Âugutinh: “Thánh Tông đồ (Paulo) nói: “Sự thông thái làm ta kiêu ngạo”( 1Cor 8,1) – Ôi! sao vậy? Thế buộc phải trốn sự thông thái, và chọn lấy sự dốt nát để khỏi phải kiêu ngạo chăng? Ồ! Nếu dốt lại tốt hơn giỏi, thì tôi còn nói với anh em làm gì nữa? – Không! Hãy thích được thông giỏi đi! Miễn là hãy tôn trọng Đức Ái hơn. Thông giỏi mà làm ta ra kiêu ngạo được là tại chỉ thông giỏi không mà không có Đức Ái đấy! Tại vì Đức Ái xây dựng, nó không chịu để cho sự thông giỏi sinh ra kiêu ngạo được. Ở nơi ai sự thông thái sinh ra kiêu ngạo, đó là tại nơi người ấy không có Đức Ái xây dựng gì cả. Còn ở đâu có Đức Ái xây dựng thì nó cũng cố sự thông thái (Sermon CCCLIV, c.6).

47 – Vậy nếu các sinh viên của chúng con tập được đức kính mến, và lòng đạo đức sốt sắng là mạch sống của các nhân đức khác, thì họ sẽ như có một thứ thuốc thơm để giữ mình cho khỏi hư hỏng và chính họ vì có Giáo lý nên chắc chắn sẽ được đẹp lòng Chúa và ích lợi cho Giáo Hội hơn.

XXV. VỀ CÁC TRỢ SĨ

48 – Còn điều nữa là Ta muốn quay về với các Tu sĩ Chúa không gọi ở bậc Linh Mục mà cũng khấn Dòng như các Linh mục, cũng buộc mình với Chúa và có bổn phận lương tâm buộc phải theo đang trọn lành. Dầu không thông giỏi chữ nghĩa, không ở bậc cao trọng (Linh mục) nhưng họ vẫn có thể tiến tới đỉnh trọn lành thánh thiện được. Bằng chứng là đã có nhiều Đấng xưa ở bậc đó đã sống đạo đức thánh thiện đã được giáo dân tôn trọng trong mọi thời. Có nhiều Đấng đã được Đức Giáo Hoàng Roma ghi vào sổ các Thánh, và đã được nhận làm Quan Thầy phù hộ bênh vực, và cầu bầu trước tòa Chúa cho Giáo Hội.

49 – Bậc Trợ sĩ đỡ gặp những nguy hiểm, mà bậc Linh mục Tu sĩ có khi chính vì ở bậc cao mà dễ bị. Đàng khác, các Trợ sĩ cũng được hưởng những ân huệ phần xác và ơn ích thiêng liêng phần hồn y như các Tu sĩ Linh mục vì nhà Dòng như người mẹ hiền, ban phát rộng rãi đồng đều mọi sự cho tất cả các con cái như nhau, không thiên vị. Vì thế, đức công bằng đòi các Trợ sĩ phải biết quý trọng ơn Chúa đã kêu gọi mình và phải cảm tạ Chúa vì ơn ấy – họ phải nhắc lại luôn lời mình đã thề hứa ngày Khấn Dòng: Quyết ăn ở đúng với ơn Chúa kêu gọi cho tới hơi thở cuối cùng.

XXVI. CÁC BỀ TRÊN PHẢI LO GIÁO LÝ CHO CÁC TRỢ SĨ

50 – Hỡi các con yêu dấu! Đây Ta không thể bỏ qua mà không dặn riêng các con điều này là: đối với Trợ Sĩ, các con có một tâm hồn rất quan trọng trong thời kỳ ở nhà Tập cũng như trong trót cả đời họ, các con phải lo cho họ có đủ phương tiện thiêng liêng cần thiết để họ tấn tới trong đàng trọn lành và bền đổ đến cùng. Bậc họ càng thấp kém, công việc họ càng hèn mọn, các con phải liệu cho họ đầy đủ hơn. Vì thế, khi chỉ định chổ ở, khi cắt giao công tác, các Bề trên phải xét kỹ khả năng của họ, phải chú ý phòng ngừa trước những nguy hiểm họ có thể vấp. Nếu đôi khi thấy họ bê trễ việc bổn phận, các Bề trên đừng ngại lấy tình cha, cương quyết nhưng âu yếm, dẫn dụ để họ siêng năng hơn. Nhất là các Bề trên, đừng bỏ dạy dỗ họ, hoặc chính mình, hoặc nhờ một Linh mục nào đáng tin cậy, để dạy họ liên tiếp những Chân Lý Đức Tin. Dầu ở giữa đời, hay ở trong các Đan viện, họ cũng phải  hiểu biết và năng suy ngắm các Chân Lý đời đời mới có thể hăng hái tiến đức được.

51 – Điều Ta vừa nói đây cũng phải áp dụng cho Hội Dòng không chịu chức Linh mục, các Tu sĩ này lại càng cần phải có một nền Giáo-lý sâu rộng hơn, và một nền học thức khác thường vì hầu hết họ đảm nhận trách nhiệm giáo dục các con em và thanh thiếu niên.

XXVII. KẾT

52 – Các con yêu dấu! Đấy là những lời căn dặn về việc học hành và về các vấn đề quan hệ phát ra từ đáy lòng ta thương yêu các con. Sự các con tôn phục Ta và lòng sốt sắng nhiệt thành của các con đang cổ động cho Dòng mỗi ngày được phát triển làm Ta chắc các con sẽ vui lòng đón nhận lời Ta và tuân hành. Ta cầu mong các điều trên đây được ghi tạc vào lòng các Tập sinh và thư sinh của các con và nhờ các Đấng sáng lập Dòng mạnh thế cầu bầu, Ta nguyện cho các điều Ta nói được sinh mọi lợi ích cho các con.

Để bảo đảm ơn trên trời ban xuống và để tỏ lòng Ta tha thiết yêu thương, Ta lấy tình thân ái ban phép lành Tòa Thánh cho các con và cho mỗi phần tử Dòng các con.

 Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ Thánh Phêrô ngày 19 tháng 3 năm 1924

Lễ Thánh Giuse, Bạn Thanh Sạch Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa

Năm thứ 3 Triều đại Ta, đương kim Giáo Hoàng

                                                                                                                                                                                     PIO XI

Les Enseignements Pontificaux (Les Instiiuts de vie parfaite)

Desclée et Cie – p.272

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon