Bài Huấn dụ của ĐTC trước và sau Kinh Truyền Tin ngày 09/9

0

Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Benedicto XVI

trước khi đọc Kinh Truyền Tin (Angelus)

Castelgandolfo, Chúa Nhật, 9-9-2012

            Anh Chị Em thân mến,

         Ở phần giữa Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 7, 31-37), có một từ xem ra rất thường, nhưng lại rất quan trọng. Một từ mà – theo nghĩa sâu xa của nó – tóm tắt tất cả sứ điệp và tất cả công việc của Đức Kitô. Thánh Sử Marcô ghi lại từ này trong chính ngôn ngữ của Chúa Giêsu, bằng ngôn ngữ đó Chúa Giêsu đã nói từ này, như thế chúng ta nghe được từ này một cách sống động hơn. Đó là từ “Effatà”có nghĩa là “Hãy mở ra”. Chúng ta hãy xem bối cảnh trong đó từ này được đặt vào. Chúa Giêsu, khi đi ngang qua miền gọi là “Thập Tỉnh”, giữa bờ biển Tiro và Sidone và vùng Galilea; vì thế đó là một miền không phải là đất Do Thái. Người ta mang đến cho Chúa một người vừa điếc vừa câm, để xin Chúa chữa người bệnh này – hiển nhiên danh tiếng của Chúa Giêsu đã được đồn ra xa tới cả vùng này. Chúa Giêsu đưa người điếc và câm này ra riêng một chỗ, đụng tới tai của anh ta và lưỡi của anh, và rồi, Chúa nhìn lên trời, thở ra một tiếng thở thật sâu, và Chúa nói : “Effatà”, có nghĩa là “Hãy mở ra”. Và ngay lập tức người bệnh bắt đầu nghe được và nói được rõ ràng (xem Mc 7, 35). Và này đây là nghĩa lịch sử, tự nghĩa của từ ngữ này: người điếc và câm đó, nhờ sự can thiệp của Chúa Giêsu, “đã mở ra”; trước đó thì đóng kín lại, ở cô đơn, và đối với anh ta thì thật là một điều rất khó khăn để truyền đạt; việc chữa lành với Chúa là một “việc mở ra” cho người khác và cho thế giới, một việc mở ra mà, khởi sự từ các cơ quan thính giác và miệng lưỡi nói ra, bao gồm tất cả con người và đời sống của anh ta: sau cùng có thể truyền đạt được và vì thế có một mối quan hệ mới.

            Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng việc đóng kín của con người, việc họ sống cô đơn, không tùy thuộc chỉ ở các giác quan. Có một sự đóng kính bên trong, nhằm vào cái chính yếu của con người, mà Kinh Thánh gọi là “con tim”. Và đó là điều mà Chúa Giêsu đến để “mở ra”, để giải thoát, để làm cho chúng ta có khả năng sống trọn vẹn mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác. Đây là điều Tôi đã nói rằng lời nhỏ này, “effatà” – hãy mở ra”, tóm lại trong nó tất cả sứ sự của Đức Kitô. Ngài đã làm người để con người, vì điếc và câm nội tâm khỏi tội, trở nên có khả năng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của Tình Yêu nói cho con tim của con người, và như thế họ học biết nói, đến lượt mình, thứ ngôn ngữ của tình yêu, và truyền thông với Thiên Chúa và với người khác. Vì lý do này lời và cử chỉ của “effatà”, được đem vào trong Nghi Thức Rửa Tội, như là một trong những dấu chỉ giải thích ý nghĩa của chúng: Linh Mục, đụng vào miệng và tai của người vừa được rửa tội, nói rằng: “effatà”, cầu xin rằng người này sớm có thể lắng nghe Lời của Thiên Chúa và tuyên xưng Đức Tin. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, con người bắt đầu, có thể nói như thế, “thở hơi” Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã cầu xin từ Chúa Cha, với một hơi thở thật sâu xa, để chữa người điếc và câm.

            Vậy bây giờ chúng ta cầu nguyện với Rất Thánh Maria, Đấng mà hôm qua chúng ta đã cử hành Sinh Nhật của Mẹ. Vì từ mối tương quan đặc biệt của Mẹ với Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ hoàn toàn “mở ra” với tình yêu của Chúa, con tim của mẹ luôn ở tình trạng lắng nghe Lời của Chúa. Xin lời chuyển cầu hiền mẫu của Mẹ cho chúng ta được cảm nghiệm mỗi ngày, trong Đức Tin, phép lạ của “effatà để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em.

Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 9-9-2012.


Sau khi đọc Kinh Truyền Tin

            [Về chuyến Tông Du sắp tới sang Nước Liban]. Anh Chị Em đang hành hương đến Rôma đây, và cả những người đang tham dự vào buổi đọc Kinh Angelus qua đài phát thanh và truyền hình, thân mến: trong những ngày sắp tới, Tôi sẽ thực hiện chuyến Tông Du sang Nước Liban để ký Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, một thành quả của Khóa Họp đặc biệt cho Vùng Trung Đông, đã được cử hành năm 2010. Tôi đã có dịp thật hân hạnh gặp gỡ những người Liban và các cấp Chính quyền của nước này, cũng như các Kitô hữu của nước quý yêu này, và những người đến từ các vùng chung quanh. Tôi không phải là không biết đến tình hình thường là thê thảm mà các người Dân của Vùng Đất này đang sống, từ quá lâu họ bị xâu xé vì những cuộc xung đột triền miên. Tôi hiểu nỗi lo âu của thật nhiều người Dân vùng Trung Đông hằng ngày bị ghìm sâu xuống các nỗi thống khổ đủ thứ đang ảnh hưởng một cách thật buồn thảm, và đôi khi gây ra chết chóc nữa, tới đời sống cá nhân và gia đình. Tôi cũng lo âu về những người, vì muốn tìm một khoảnh khắc bình an, đã phải trốn chạy xa gia đình của họ, mất hết nghề nghiệp và cảm nghiệm cảnh bấp bênh của người lưu đầy. Cho dù xem ra thật khó khăn để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề khác nhau đang chi phối vùng này, người ta không được phép đầu hàng trước bạo lực và thất vọng nản lòng trong các nỗi căng thẳng. Sự dấn thân để đối thoại và hòa giải phải là điều ưu tiên cho tất cả mọi phía liên hệ, và phải được khích lệ nâng đỡ bởi cộng đồng quốc tế, luôn luôn ý thức hơn về tầm quan trọng cho tất cả thế giới về một nền hòa bình vững bền và lâu dài trong tất cả vùng. Cuộc Tông Du của Tôi đến Liban, và như nới rộng ra tới toàn thể vùng Trung Đông, được đặt dưới dấu chỉ hòa bình khi nhắc lại lời của Đức Kitô : “Ta ban bình an cho các con” (Ga 14, 27). Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đất Nước Liban và Vùng Trung Đông! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả Anh Chị Em!

 Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến, ngày 9-9-2012.

Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 9-9-2012

(Chú ý: Lời kêu gọi huấn dụ này cũng được viết bằng tiếng Arập).

Comments are closed.

phone-icon