Hãy đứng dậy! chúng ta đi

0

HÃY ĐỨNG DẬY! CHÚNG TA ĐI!

Tóm tắt nội dung chính, những nhận định và cảm nhận cá nhân về  cuốn sách

“HÃY ĐỨNG DẬY! CHÚNG TA ĐI!” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II.

Bài thuyết trình của: Nguyễn An, Thanh Nga và Quỳnh Mai – Học viện Thánh Tôma

I. TÓM TẮT NỘI DUNG

“HÃY ĐỨNG DẬY! CHÚNG TA ĐI!” là tựa đề mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đặt cho tập hồi ký 50 năm Linh Mục của mình, đúng hơn là quãng thời gian từ lúc Ngài nhận chức Phụ tá Giám Mục ở giáo phận Cracovie, quê hương Ba Lan thân yêu của mình đến nay. Tác phẩm này được Bùi Gia Minh dịch từ bản tiếng Pháp Levez – vous! Allons! (Nguyên tác bằng tiếng Ý: Alzatevi, andiamo!) của Francois DONZY và Pierre – Marie VARENNES, nhà xuất bản Plon/ Mane, Parise, 2004. Ấn bản tiếng Việt do ban Đức Tin và Văn Hoá thực hiện, vào dịp Lễ Mai Khôi 2004, ấn bản còn đang rất “nóng hổi”. Sách in khổ A5, giá bìa 10. 000 đồng.

Tập sách gồm 6 phần:

  1. ƠN GỌI
  2. HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI GIÁM  MỤC
  3. DẤN THÂN CHO KHOA HỌC VÀ MỤC VỤ
  4. TÌNH PHỤ TỬ CỦA NGƯỜI GIÁM MỤC
  5. GIÁM MỤC ĐOÀN
  6. THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CAN ĐẢM

Phần I: ƠN GỌI

Ngay từ đầu Ngài đã khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em “(Ga 15,16). Và điều đó càng xác tín hơn khi Ngài được bổ nhiệm làm phụ tá Giám Mục. Trong một chuyến nghỉ hè cùng với một số anh em Linh Mục mà gọi là nhóm “bạn thân”, Ngài có lệnh phải trở về gặp đức Giáo Trưởng tức HY Stefan Wyszynski. Khi tới điểm hẹn, Ngài phát hiện ra không chỉ có mình mà còn 2 anh em Linh Mục khác nữa. Về sau mới biết tất cả được triệu tập cùng mục đích như nhau. Khi được Giáo Trưởng thông báo về ý định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, như  ngôn sứ Giêrêmia, Ngài đã lên tiếng: “Thưa Đức Cha, con còn qúa trẻ: con vừa mới 38 tuổi”. Không ngần ngại, Đức Hồng Y nói: “Đó là một điểm yếu mà Cha nhanh chóng thoát khỏi…”. Kể từ buổi yết kiến đó, cuộc đời Cha Karolo Wojtila đổi khác. Cha có khoảng hơn hai tháng để chuẩn bị cho lễ tấn phong của mình và tuần linh thao 6 ngày. Cha không ngừng cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài tốt lành và rộng rãi biết bao đối với tôi tớ của Ngài. Trong phần này, Ngài còn trình bày rất chi tiết buổi lễ tấn phong Giám mục của Ngài, Ngài thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình trong từng lời đọc, từng cử chỉ, biểu tượng, nghi thức… Điều mà Ngài cho là sự an bài của Thiên Chúa đó là Ngài được tấn phong tại nhà thờ chính tòa Wawel, nhà thờ chứa đựng toàn bộ lịch sử quê hương Ba Lan cũng như một phần lịch sử cuộc đời Ngài, và ngày nhậm chức Giám Mục ấy lại đúng vào ngày lễ kính Đức Mẹ Bảy Sự – Đấng mà Ngài hết sức tôn kính. Ngài nói rất nhiều về ngôi thánh đường này bởi nó không chỉ đẹp vì trang hoàng kiến trúc mà còn là nơi cất giữ các cỗ quan tài của các vị Hoàng Đế Balan, các thi hào, Thánh Lêonard và cả Hoàng Hậu Hedwige, người mà chính Ngài đã phong Thánh sau này. và Ngài còn nói đến cuộc hành hương đến đền thờ Đức Maria ở Czestochowa sau khi nhận chức nữa.

 Phần II: HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI GIÁM MỤC

Như lời Đức Tân Giám Mục tâm sự: “Tôi bắt tay vào việc đấy hào hứng”, chúng ta thấy trong suốt phần này, Ngài trình bày về những công tác mục vụ như: quản lý (cử hành, ban phát) các bí tích, thăm viếng mục vụ, chiến dấu vì Giáo hội.

Trong phần nói về người Mục Tử, Ngài trình bày rõ nét 3 hình ảnh đẹp về người Mục tử: Mục tử vác chiên trên vai, Mục tử dắt chiên trên đồng cỏ xanh, Mục tử tập họp chiên và bảo vệ chúng trước mọi nguy hiểm. Hơn ai hết, Mục tử biết chiên của mình, Ngài thao thức trước hàng triệu người ở Châu Á chưa nhận biết Chúa Kitô, Ngài cũng nói lên kỳ vọng của Ngài vào giáo hội Philippines và giáo hội Hàn Quốc trong ngàn năm thứ ba này.

Các bí tích là kho tàng lớn nhất, là sự phong phú lớn nhất được trao vào tay người Giám Mục. Ngoài việc loan báo Lời Chúa, trao ban các bí tích là mục vụ hàng đầu của người Giám Mục, nhiệm vụ này phải phụ thuộc, trước hết, vào tất cả các trọng trách khác trong đời sống và hoạt động của người Giám Muc. Ngài nói: “Việc cử hành các bí tích trước mặt mọi người là dấu hiệu rõ ràng nhất về tương quan giữa vị Giám mục với Đức Kitô và là dấu chỉ của Chúa Kitô luôn sống và hoạt động trong Giáo Hội. Ngài còn nói đến những cuộc viếng thăm mục vụ, đây là hứng thú của Ngài. Ngài chia sẻ: “Những cuộc viếng thăm ấy làm cho tôi rất thích thú bởi nhờ đó mà tôi có thể tiếp xúc trực tiếp với những con người vì tôi luôn có khao khát mãnh liệt “tạo lập” những cuộc gặp gỡ. Mục vụ gia đình là một trong những bận tâm của Ngài. Ngài thổ lộ: “Tôi luôn có cảm tình khi gặp gỡ những gia đình đông con hay những ba mẹ đang chờ đợi đứa con sẽ chào đời”; “tôi muốn diễn tả lòng quý mến của tôi đối với tình mẫu tử và phụ tử”. Ngoài ra, Ngài còn có những cuộc gặp gỡ cá nhân với các Linh Mục để chia sẻ niềm vui lẫn ưu tư  trong sứ vụ của họ nữa. Khi nói về chiến đấu vì Giáo Hội, Ngài giới thiệu cho chúng ta thấy những gương sáng về lòng can đảm đấu tranh cho việc xây dựng và bảo vệ các ngôi thánh đường, dù phải trả giá đắt như Cha Jozef, cha Ignacy Tokarczuk.

Phần III: DẤN THÂN CHO KHOA HỌC VÀ MỤC VỤ

Trong các cuộc đối thoại với chính quyền, Ngài nói: “Mục tiêu của tôi trước tiên là toàn bộ nền thần học vì lãnh vực này đặc biệt bị đe doạ. Đồng thời, tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với các ngành khoa học khác, chủ yếu qua trung gian các nhà Vật lý học”. Ngài luôn lưu tâm đến việc làm sao để tổ chức được loại hình mục vụ thích hợp với các nhà khoa học. theo Ngài, các thành viên của hàng giáo sĩ nên duy trì những tương quan thân tình với giới khoa học gia và với những “cánh chim đầu đàn” của các chuyên ngành. Đặc biệt, phải chăm lo cho những Học Viện Công Giáo cao cấp, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với toàn bộ đời sống của giới đại học … và có trách nhiệm nhắc nhở các nhà khoa học về bổn phận đối với chân lý và thiện ích cộng đồng. Chính Ngài cũng luôn tìm cách duy trì mối quan hệ thuờng xuyên với các triết gia. Ngài còn bày tỏ lòng mộ mến đối với một số trường phái triết học của các thánh nữa. Đối với sách vở và nghiên cứu, Ngài nói: “Giám mục cần có vốn thần học sâu sắc và thường xuyên được cập nhật cũng như hứng thú với đời sống tri thức và Lời Chúa. Vì thế, Giám mục cần đọc sách và phải chọn lựa loại sách đáng đọc”. Ngoài việc ham thích đọc sách, Ngài rất có khiếu về kịch nghệ. Đối với Ngài, Phụng vụ cũng là một loại Mysterium được hiện thực hoá, được công diễn. Trong phần này, Ngài còn chia sẻ: “Trong suy tư, Cha muốn dành một vị trí đặc biệt cho thiếu nhi và giới trẻ”. Vào những kỳ nghỉ, Cha thường tham gia các phong trào với giới trẻ, cùng hát, du ngoạn trên núi với họ. Đặc biệt là những Thánh Lễ cử hành ngoài trời. Những hoạt động này làm nên một phong trào mục vụ sôi nổi. Ngài còn nhắc nhở các Linh Mục cần dành thời giờ hướng dẫn các em trong việc giáo dục lương tâm. Điều cuối cùng Ngài đề cập trong phần này là việc chăm lo cho người nghèo. Đây là một trong những bổn phận của người mục tử. Ngài gợi lại cho chúng ta hình ảnh đầy bác ái của Thánh Giám Mục Nicolas (gọi là ông già Noel), của mẹ Têrêsa Calcutta để nhắc nhở chúng ta về sứ mạng loan báo Tin Mừng qua trung gian đức bác ái, được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.

Phn IV: TÌNH PH T CỦA  NGƯỜI GIÁM MỤC

Đức Thánh Cha thú nhận: “Tôi không chỉ nghĩ đến những người đang nắm giữ vị trí hàng đầu trong đời sống xã hội, nhưng nghĩ đến tất cả những ai biết biến đời sống thường nhật của mình thành lời cầu nguyện, và đặt Đức Kitô làm vị trí trung tâm của mọi hoạt động.” Ngài ý thức và đặt mình trong vị trí người cha, tiếp đón hết mọi tầng lớp và quan tâm đến các sáng kiến của giáo dân, đặc biệt, Ngài quan tâm cách riêng tới các Linh Mục, các chủng sinh. Ngài nói: “Trái tim của một bạn trẻ có khả năng để hiểu “tình yêu cuồng nhiệt” đòi hỏi phải hiến dâng cả con người mình. Không có con người nào cao đẹp hơn tình yêu với môt chữ T viết hoa!”. Ngài còn nói đến trách nhiệm đối với những người đã bỏ đời linh mục. Ở phần IV này, Ngài nói nhiều về nơi Ngài ở, nơi Ngài làm việc và nơi Ngài cầu nguyện. Tất cả đều có một ý nghĩa đặc biệt đối với Ngài. Ngài còn giới thiệu mẫu gương mà Ngài noi theo không ai khác là Đức Tổng Giám Mục Cracovie, hoàng thân Adam Sapieha, mẫu người của sự cầu nguyện. Ngài bộc bạch: ‘Tôi nhớ rất rõ trong những kỳ họp hội đồng Giám Mục, nhiều khi rất mệt đến bở hơi tai, nên sau một ngày làm việc căng thẳng, tất cả mọi người đều ùa về nơi ở, riêng con người không mệt mỏi này lại đi vào nhà nguyện lạnh lẽo và ở đó trong bóng đêm trước mặt Thiên Chúa. Nhiều đêm, phải làm việc rất khuya ở toà tổng giám mục, nhưng tôi không bao giờ nghe được bước chân của Đức Hồng Y đi ra từ nhà nguyện”.

Lại nói về tình phụ tử, Đức Thánh Cha không bao giờ bỏ qua Thánh Cả Giuse, đúng hơn Thánh nhân là người Ngài nhớ đến đầu tiên. Ngài nói: “Tôi phó thác việc mục vụ gia đình cách đặc biệt cho Thánh nhân. Thánh nhân trở thành một khuôn mẫu đặc biệt dù không sinh ra thân thể người Con của mình”. Ngài còn thêm: “Nhờ thoát khỏi mọi bận tâm về ‘cơm áo gạo tiền’ cho gia đình, người linh mục có thể toàn tâm toàn ý để dâng hiến cho sứ mạng của người mục tử”. Khi bàn về vấn đề độc thân, ngài cũng nhắc lại thông điệp “Sacerdotis Coelibatus” được tóm gọn trong ba lý do: Lý do Kitô học là vì ĐKT luôn sống độc thân để hiến dâng hoàn toàn cho việc phụng sự Chúa và phục vụ con người; lý do Giáo hội học là khi chọn đời sống độc thân, người lãnh Chức Thánh cũng thể hiện tình yêu của ĐKT dành cho Giáo Hội và cuối cùng, lý do Cánh chung là khi con người phục sinh từ cõi chết thì không còn dựng vợ gả chồng. Ngoài ra, Ngài còn cho chúng ta thấy quan điểm của Ngài khi nghe người ta về sự cô đơn của người linh mục .

Phn V: GIÁM MỤC ĐOÀN

Ngài cảm nhận được sự nâng đỡ, cộng tác rất nhiền từ phía các anh em trong Giám Mục đoàn. Trong phần này Ngài giới thiệu cho chúng ta biết vai trò của người Giám mục trong giáo phận: ân cần lo lắng và chịu trách nhiệm về đoàn dân được giao phó. Ngài nói: “Với trách nhiệm mới này, tôi hiểu sâu sắc hơn vị trí của người giám mục trong Giáo hội và với ý thức Giám Mục là dấu chỉ sự hiện diện Đức Kitô trong thế giới, “phải tính sổ với Thiên Chúa về đời sống của mình và việc quản trị của mình” (Augustino), Ngài luôn thực hiện sứ mạng của mình cách có trách nhiệm, khơi gợi nơi các tín hữu tình hiệp thông mãnh liệt qua nhân cách của mình và đặc biệt chính ngài cũng có một mối tương quan rất thân tình với các nghị phụ Công đồng thuộc nhiều quốc gia khác nhau bởi Ngài là người tham dự Công đồng từ đầu đến cuối. Chính nhờ các mối tương quan tốt đẹp này mà sau này trong vai trò Giáo Hoàng, ngài được nâng đỡ rất nhiều trong các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục đoàn, Hồng y đoàn và nhất là trong những chuyến công du không mỏi mệt . Ngài nói: “Tôi hằng tạ ơn Chúa vì sự nâng đỡ như vậy và về sự chia sẻ trách nhiệm quản trị Giáo Hội mà các Hồng y ở Tòa Thánh và ở khắp nơi trên thế giới đã quảng đại dành cho tôi” (tr. 135,1). Ngài còn chia sẻ về việc khai sinh Thượng hội đồng (1965) do đức PhaoloVI và việc ngài được giao trọng trách thành lập ban thư ký lúc ấy. Ngài còn nói về những kỷ niệm, ấn tượng không bao giờ quên trong những kỳ linh thao cho giáo hữu Rôma dưới thời Đức thánh Cha Phaolô VI và việc thực hiện Công đồng tại chính quê hương cũng như những khó khăn khi các Đức Giám Mục Balan gởi bức thông điệp cho các Đức Giám Mục Đức, tuyên bố tha thứ cho những lỗi lầm của người Đức đã gây ra cho nhân dân Balan trong đệ nhị thế chiến. Bây giờ, nhìn lại lịch sử quê hương, Ngài cũng chia sẻ ưu tư: “Phải làm sao để phát triển truyền thống lành mạnh bằng cách ưu tiên cho những mạo hiểm chung của trí tưởng tượng để có một cái nhìn cởi mở về tương lai cũng như  sự tôn trọng đầy yêu thương đối với qúa khứ đang tiếp diễn trong trái tim con người dưới mọi hình thức”. Trong này, Ngài cũng bày tỏ lòng khen ngợi và thán phục tinh thần làm việc của các Đức Cha trong Tổng Giáo phận Cracovie lúc ngài còn làm việc ở đó và các Giám Mục giáo phận khác mà về sau, có người đã cùng cộng tác với ngài trong cương vị Giáo Hoàng.

 PHẦN VI: THIÊN CHÚA VÀ LÒNG CAN ĐẢM.

 Ở phần cuối này, Đức Thánh Cha lần lượt giới thiệu cho chúng ta những mẫu gương của lòng can đảm, trung thành trong Đức Kitô từ cụ Abraham cho đến các vị chứng nhân tử đạo trong xứ sở Balan thân yêu, cách riêng các vị trong tổng giáo phận Cracovie. Trong số những chứng nhân cho lòng quả cảm vì đức tin đó có Thánh Faustina, thánh Gia Thịnh và rất nhiều vị Thánh khác mà ngài coi như các thánh bổn mạng của mình. Ngài cũng kể đến những vị tử đạo thời Đức Quốc xã và thánh Maximiliano Kolbe, đặc biệt Ngài cũng nhắc đến Đức cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận nữa như nhân chứng của Thập giá và tử đạo của thời đại chúng ta.

Ngài cũng nói đến chuyến viếng thăm Đất Thánh của Ngài với mục đích theo chân cụ Abraham và đến cả những nơi Đức Giêsu đã đến. Dù không được hoàn bị như kế hoạch nhưng như Ngài chia sẻ “bấy nhiêu cũng đủ để tôi ra đi như một nhân chứng mang theo chứng từ trải qua bao thế kỷ” (tr. 162,0).

Ngoài ra, Ngài còn mời gọi tất cả suy nghĩ về tương lai để đừng đánh mất điều quý giá nhất: nhân tính, lương tâm, và phẩm giá, hãy cam đảm ra đi như cụ Abraham, mở ra với những gì xa lạ, vượt qua những cản ngăn để có thể đến với nhau và cùng nhau tiến vào vinh quang Thiên Chúa.

Hãy đứng dậy! chúng ta đi! Đừng sợ nhưng tin tưởng vào Đức Kitô, chính Ngài sẽ đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường, đến những nơi chỉ mình Người biết. Đó là lời Ngài ngỏ cùng chư huynh trong đoàn Giám mục và điều này cũng đã khép lại tập hồi ký của Ngài.

II. CẢM NGHIỆM VỀ ƠN GỌI

Đó là toàn bộ những nội dung chính của cuốn sách“HÃY ĐỨNG DẬY! CHÚNG TA ĐI!” Của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Ở phần I – phần nói về ơn gọi là điều rất thiêng liêng và cũng rất gần gũi vì mỗi người ai ai cũng đều có những kỷ niệm, những cảm nghiệm rất riêng luôn ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn gồm có 3 điểm:

Điểm thứ nhất:  Tiếng gọi tại sông Lyna

Điểm thứ hai:  Tấn phong giữa lòng giáo hội. Trong điểm thứ hai có 3 ý:

a. Ý 1 chuẩn bị tĩnh tâm

b. Ý 2 lễ phong chức

c. Ý 3 hành hương đến đền thớ đức Maria

Điểm thứ ba: Cảm nhận cá nhân

Phần I: ƠN GI

1. TIẾNG GỌI TẠI SÔNG LYNA

Lúc ấy đang là tháng 7 năm 1958, Đức Hồng Y giáo trưởng Stefan Wyszyns gọi Cha Woltila lên vì Ngài muốn gặp. Lúc ấy cha đang có chương trình đi du thuyền với bạn bè ở xứ Mazurie, và đến mục tiêu là sông Lyna. Được lệnh, Cha lên tàu đến toà giám mục ở Varsovie. Nhưng chuyến tàu này mãi đến khuya mới bắt đầu khởi hành và suốt đêm Cha chẳng thể nào chợp mắt được. Khi tới toà giám mục Cha thấy ở đó cũng có 3 linh mục khác nữa cùng được triệu tập là Cha Wilhelm Pluta, Cha Michal Blecharczyk và Cha Jozef Drzazga. Ban đầu Cha chưa nhận ra sự trùng hợp này, mãi về sau Cha mới biết các Cha ấy cũng được triệu tập vì một lý do.

Sau đó, Cha bước vào văn phòng của Đức Hồng Y Stefan Wyszyns, Ngài cho biết Cha đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục phụ tá cho Đức Tổng Giám Mục giáo phận Cracovie. Nghe xong, Cha chần chừ do dự và nói: “Thưa Đức Cha, con còn quá trẻ, con mới 38 tuổi”. Nhưng Đức Hồng Y vặn lại: đó là yếu điểm mà Cha sẽ phải nhanh chóng thoát khỏi. Lúc này Cha đã mạnh dạn trả lời: “Con đồng ý”. Để kết thúc buổi nói chuyện, Đức Hồng Y mời 4 Cha cùng đi ăn trưa. Bữa trưa hôm đó Cha mới biết được ba cha kia cũng được bổ nhiệm làm giám mục.

Sau buổi yết kiến rất quan trọng đó, hôm sau Cha đến Cracovie để ra mắt Đức Tổng Giám Mục Eugeniusz Baziak và trình Ngài bức thư của Đức Hồng Y. Khi Cha vừa trình xong, Đức Tổng Giám Mục liền nắm tay Cha dẫn vào phòng nơi có mấy linh mục đang ngồi ở đó và tuyên bố rằng: “Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng”. Câu nói này của Đức Tổng Giám Mục hiện tại ám chỉ về Đức Giám Mục phụ tá mà sau này khi được bầu làm Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục phụ tá mới nhận ra đây là một lời nói tiên tri về mình.

Cùng lúc đó, Cha thổ lộ với Đức Tổng Giám Mục rằng: Cha muốn quay trở lại Mazurie để gặp lại nhóm bạn đang bơi xuồng trên sông Lyna. Nhưng Đức Tổng Giám Mục trả lời: “Điều ấy kể từ nay không còn thích hợp nữa!”. Cha đã buồn vì câu nói ấy, và để giải quyết nỗi buồn, gia đình có biết Cha đã làm gì trong lúc này không? Cha liền  vào nhà thờ của các tu sĩ Dòng Phan Sinh, Cha đi đàng thánh giá và suy ngắm mầu nhiệm về cuộc khổ nạn của Chúa. Vì những chặng đàng thánh giá đó vừa độc đáo vừa hiện đại, và khi cầu nguyện xong Cha trở về gặp lại Đức Tổng Giám Mục và Cha lặp lại ước vọng của mình. Cha nói: “Thưa Đức Cha, con hiểu rõ nỗi lo lắng của Đức Cha, nhưng dù sao con cũng xin Đức Cha cho phép con trở lại miền Mazurie”. Lần này, Đức Cha cho phép Cha trở về với lời nhắn nhủ: Hãy về đó để phong chức. Ngay tối hôm đó Cha đón tàu đi Olsztyn. Đến nơi Cha đã gặp lại nhóm bạn xưa cùng đua thuyền với Cha trên sông Lyna, họ đã chúc mừng Cha khi hay tin Cha được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm giám mục. Lúc này Cha rất mệt nhưng Cha cũng cố gắng đến nhà thờ dâng Thánh Lễ. Sau đó Cha mới trở về phòng nghỉ, lúc thức dậy Cha thấy lời chúc mừng về tân giám mục được loan truyền khắp nơi. Cha đã mỉm cười rồi đi tìm gặp lại các bạn để cùng với họ bơi thuyền, nhưng khi Cha vừa buông mái chèo xuống vì một cảm giác là lạ uà vào tâm hồn Cha, Cha cảm nhận có một sự trùng hợp lạ thường vì việc Cha được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá lại rơi vào ngày 4 tháng 7 năm 1958 cũng là ngày cung hiến nhà thờ chính toà ở Wawel. Cha cảm nhận như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó gây nhiều ấn tượng trong tâm trí Cha. Sau kỳ nghỉ, Cha trở về Cracovie để chuẩn bị lễ phong chức.

2.  TẤN PHONG GIỮA LÒNG GIÁO HỘI

a. Chuẩn bị tĩnh tâm:

Để đánh dấu một bước ngoặc mới trọng đại trong đời. Cha bước vào tuần tĩnh tâm 6 ngày ở Đan Viện Biển Đức cách Crocovie 12 km. Có thể nói đây là thời gian quý báu để Cha cảm nhận và khám phá ra tình yêu dịu ngọt mà Thiên Chúa đã ân ban chọn Cha làm ngươì kế vị các thánh tông đồ, một trách nhiệm hết sức quan trọng luôn đè nặng trên đôi vai cường tráng của Cha. Trong giây phút bồi hồi linh thiêng ấy, Cha kính cẩn suy nghĩ đến các tông đồ của Đức Kitô và hàng hàng lớp lớp các giám mục sẽ đặt tay thông chuyển cho những ngươì kế vị được đảm nhận trọng trách của các tông đồ, nên Cha cảm thấy mình gắn bó với các vị ấy hơn. Trong suốt thời gian đó, Cha đã tạ ơn Chúa cách đặc biệt vì Tin Mừng và Thánh Thể từ đây được truyền đến vùng đan viện biển đức và BaLan. Và hơn hai tháng sau, lễ phong chức diễn ra ở Wawel.

b. Lễ phong chức:

Ngày 28 tháng 9 năm ấy chính là ngày phong chức cho Đức Tân Giám mục. Trong buổi lễ, sau bài Tin Mừng ca đoàn hát:

Xin ngự đến lạy thánh thần Thiên Chúa

Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời

Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi

Là sản phẩm do tay Ngài mà có ( KCII lễ Chúa Thánh Thần)

Ý tưởng này gợi lên trong tâm trí Tân Giám mục một niềm tin lớn và làm sống dậy trong Đức Cha ý nghĩ: Chúa Thánh Thần là tác giả của công trình sáng tạo. Chính Thánh Thần sẽ sáng soi, ban cho Cha sức mạnh, sự an ủi và hướng dẫn Đức Cha trên những bước đường khó khăn nhất trong giai đoạn đầu của đời giám mục ….và đó chẳng phải là điều mà Đức Kitô đã hứa với các tông đồ của Người:

“Khi người ta nộp các ngươi, thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao, hay nói gì vì ngay giờ đó không phải các ngươi nói mà là thần khí của Cha sẽ nói trong các ngươi” (Mt 10,19-20).

Trong nghi thức phụng vụ còn diễn ra nhiều cử chỉ khác nhau như trao mũ, gậy, nhẫn …, mỗi cử chỉ đều có ý nghĩa khác nhau. Những cử chỉ như xức dầu thánh, trao nhẫn, mũ và gậy cùng những lời đọc tuyên xưng đức tin bằng những dấu chỉ thể hiện bên ngoài tuy có phần xem ra đơn giản, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra ân sủng ấy. Chúng ta chỉ nhận ra khi chính chúng ta biến đổi lối nhìn cũ mà nhận lấy cái nhìn mới về sự hiện diện của Chúa. Lúc đó, các dấu chỉ bên ngoài được xem như là bí tích tình yêu mà chính Thiên Chúa đã ký kết giao ước và ân ban cho con người. Và đó cũng là con đường dẫn ta đến với Thiên Chúa. Sau các nghi thức phong chức, Thánh lễ được bắt đầu do các tân giám mục và các giám mục tấn phong cử hành. Buổi lễ diễn ra trong bầu khí hết sức thánh thiêng, tràn đầy ý nghĩa vì có sự hiện diện sống động của tình Chúa và tình người. Kết thúc Thánh Lễ có bữa tiệc chung vui cùng với các tân giám mục. Sau bữa tiệc, Cha có cuộc hành hương đến thành phố Czestochowa với nhóm bạn thân thiết nhất để sáng hôm sau Đức Cha sẽ dâng lễ tạ ơn trong đền thờ Đức Maria.

c. Hành hương đến đền thờ Đức Maria

Czestochowa là thành phố lớn và cũng là một trung tâm công nghiệp quan trọng thu hút rất nhiều khách hành hương đến đây. Thánh lễ mở tay của Tân Giám Mục sẽ được cử hành tại nhà nguyện có bức ảnh kỳ lạ của Đức Trinh Nữ Maria ở BaLan, nơi có đền thánh quốc gia được gọi là Jasna Gora. Trong cuộc hành hương này đã nảy sinh trong Cha những ước muốn. Và chính ước muốn đã dẫn dắt những bước chân hành hương đầu tiên với tư cách là người lãnh đạo Giáo Hội đến đền thờ Đức Maria. Hầu như mọi tín hữu Ba lan đều hành hương đến đây. Đức Cha khi còn nhỏ và lúc tham gia vào đại hội giói trẻ cũng có lời thề sẽ đến đây mỗi năm. Vì kỷ niệm và cảm nhận sâu lắng đó, mà sau này khi được làm Giáo Hoàng: nhân chuyến công du mục vụ đầu tiên đến Mexico vào tháng 1 năm 1979, Đức Giáo Hoàng cũng đến viếng thăm Đức Trinh Nữ Maria ở Guadalupe, một đền thánh lớn nhất ở Châu Mỹ. Đến nơi Cha cảm nhận được lòng mộ mến của dân Mexico nói chung và lòng sùng kính Đức Maria của dân Balan nói riêng cũng đã hình thành nên đời sống tâm linh của Cha về lòng sùng kính Đức Maria qua chuyến hành hương này.

3.   CẢM NHẬN CÁ NHÂN

Đọc xong phần I của cuốn hồi ký, con như rơi vào bầu khí thánh thiêng của buổi lễ phong chức Giám Mục hôm ấy, và đã gợi cho con nhớ lại những phút giây thánh thiêng nhất của đời con. Ngày tuyên khấn mặc dù đã qua cách đây gần 4 tháng, nhưng trong giây phút này con vẫn đang cảm nhận một sức sống linh thiêng đang thu hút tâm hồn con. Giây phút mà có lẽ con chẳng bao giờ quên vì nó mang nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm, là động lực để con biết vươn lên trong cuộc sống, và cũng là để con biết hướng về điều mà con đã tuyên hứa: Sống khiết tịnh, thanh bần và tuân phục. Nghĩ lại, con tự hỏi: làm sao con có thể quyết định ngược lại với luật tự nhiên của con người là thích sung sướng, thích điều khiển người khác với cái tính ham vui của tuổi trẻ. Vâng tự bản thân con, con chẳng thể nào đủ can đảm đọc lên lời tuyên khấn ấy. Nhưng trong những ngày linh thao trước đó, Chúa đã soi lòng mở trí để con cảm nhận được điều này: Ơn gọi là một cái gì đó rất linh thiêng, nó rất gần nhưng cũng rất xa, có lúc nó chỉ diễn ra cách âm thầm trong cuộc sống, nhưng dần dần đã hình thành và dệt nên ơn gọi trong con. Từ đây, cây ơn gọi của con bắt đầu sinh sôi nảy lộc. Ngay thời gian đầu của Đệ Tử Viện, Chúa đã cho con cơ hội tập yêu, tập sống và tập làm theo ý của người khác, tập từ bỏ ý riêng, tập tha thứ quảng đại và cho đi. Từ những việc làm trên, con cảm nhận được tình Chúa yêu thương con rất đặc biệt, Ngài đã dắt dìu con qua biết bao đoạn trường đầy bất ngờ nhưng cũng thật lý thú.

Sau đó, Ngài lại dẫn con vào vườn ươm của môi truờng Tập Viện. Nơi đây, Ngài cho con tận hưởng sự ngọt ngào của tình yêu Chúa trong âm thầm lặng lẽ ở miền đất Nazarét. Miền đất đã làm cho cây ơn gọi của con được phát triển đâm bông kết quả qua đợt tuyên khấn vừa qua. Con thật hạnh phúc vì cảm thấy mình như đang được bơi lội trong ân sủng của Chúa. Ngày ấy, con đã trở thành chị nữ tu trong sắc áo trinh nguyên, và hạnh phúc đó sẽ không dừng ở đây nhưng sẽ được tiếp diễn trong những năm Thần Học để rèn luyện bản thân con mỗi ngày trở nên chiến sĩ thuyết giáo dưới mái ấm Học Viện. Chính nơi đây, Chúa sẽ dạy con nhiều điều qua sách vở dưới sự hướng dẫn của các Giáo Sư, qua chị em và qua những cảm nghiệm của bản thân con. Từ đấy con mới có thể nhận ra Chúa là ai và con là ai, để qua cái nhìn đó con sẽ sống ơn gọi mỗi ngày một tốt hơn theo thánh ý Chúa.

Thưa gia đình, đó là chút cảm nghiệm của con qua cuốn hồi ký của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, nói về sự cao cả và huyền nhiệm khi Ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi dành cho Ngài cách đặc biệt qua việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm Ngài làm Giám Mục. Điều đó đã trở thành động lực giúp con sống lại những kỷ niệm đẹp và hạnh phúc nhất của đời hiến dâng. Chút cảm nghiệm nhỏ bé đó tuy không là gì nhưng gia đình cũng đã chú ý lắng nghe. Con xin cám ơn gia đình.

III. NHẬN ĐỊNH VỀ CUỐN HỒI KÝ “HÃY ĐỨNG DẬY! CHÚNG TA ĐICỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II (1958-2004)

 Sau khi đọc qua cuốn Hồi ký Đức Gioan Phaolô II, chúng con xin đưa ra một số nhận định như sau:

1. Về ấn bản tiếng Việt:

Màu sắc của cuốn sách hài hoà, nhẹ nhàng, sáng sủa, và ý nghĩa, gợi lên trong lòng bạn đọc một tấm gương sáng ngời về việc nghiên cứu, học hỏi, ghi chép. “Hãy đứng dậy! Chúng ta đi !” (Mc 14,42) là tên tác phẩm và là điểm nhấn trong cuốn hồi ký của Đức Thánh Cha, như muốn mời gọi, thúc giục chúng ta phải mau mắn, sẵn sàng đứng lên ra đi vì đoàn chiên, không chút sợ hãi, đặc biệt nó lột tả được hết những gì Ngài làm, Ngài sống trong hơn 50 năm ở cương vị nguời Mục tử.

Trên góc trái bìa bốn của cuốn sách có một hình nhỏ Ngài đang cười “mỉm chi” và lời giải nghĩa câu Tin mừng Mc 14, 42 mà Đức Thánh Cha đã chọn cho tựa đề của cuốn hồi ký.

2. Về cách trình bày:

Bố cục:

Tác phẩm gồm có 174 trang, sáu phần. Các phần phân bố tương đối đồng đều từ 20 đến 30 trang, riêng phần thứ nhất nói về Ơn gọi thì dài gần 50 trang. Trong mỗi phần không có các chương và mục như cách trình bày của một văn kiện hay theo quy cách của một bài nghiên cứu, mà chỉ có các tiêu đề. Chúng ta không biết nguyên bản tiếng Ý có phân chia theo hệ thống này hay không hay đây là cách phân chia của nguyên bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt. Mỗi phần chuyển tải nội dung khác nhau, rất rõ ràng, nhưng không hoàn toàn tách biệt nhau, chúng rất logic với nhau. Một điểm rất đặc biệt là tác giả luôn mở đầu mỗi phần bằng một câu Kinh Thánh Tân Ước, cũng như chọn tựa đề của hồi ký lời của Đức Kitô được thánh sử Máccô ghi lại trong chương 14, câu 42.

Xuyên suốt tác phẩm, có rất nhiều danh từ riêng bằng tiếng Ba Lan, Tây Ban Nha, La Tinh, Ý hơi khó đọc đối với đôc giả không phải là người bản xứ. Thấy trước được khó khăn ấy nên ở cuối tác phẩm có thêm phần chú thích của nhà xuất bản về những tên riêng, tên địa danh và các mục từ quan trọng khác.

Thể loại văn chương:

Tác phẩm viết theo thể loại hồi ký văn xuôi nhưng thỉnh thoảng xen vào những bài thơ, bài hát ca tiếp liên dùng trong phụng vụ, bài dân ca về tình yêu nam nữ đã được Kitô hoá. Ở phần cuối tác giả còn ghi lại một vài đoạn trường ca từ thi phẩm do chính ngài sáng tác dành cho thánh Stanilas.

Vì là hồi ký cho nên lời lẽ văn chương giản  dị, chân thành, đơn sơ nhưng rất sáng ý và dồi dào cảm xúc, chất chứa từ nhiều biến cố, những kỷ niệm, những câu chuyện mục vụ và những kinh nghiệm tâm linh quý giá của Người.

3.  Nguồn tài liệu

Chất liệu chính cho cuốn hồi ký này chắc chắn những biến cố xảy ra trong cuộc đời của tác giả, kinh nghiệm, những suy nghĩ, nhận định về những sự kiện mà Ngài đã trải qua. Ngoài ra tác phẩm đáng được trân trọng và có giá trị cũng như thêm sức thuyết phục là do các nguồn trích dẫn từ lời Chúa đặc biệt là Tân Ước, Sách lễ Rôma và sách các nghi thức phong chức, các giáo phụ, Hiến chế của Công đồng Vatican (Gaudium et spes, Lumen gentium, Christus Dominus), Tông thư (Christifideles laici, Novo millennio ineunte…), những bài phát biểu và Huấn dụ trong các dịp quan trọng, và những mẫu gương thánh thiện có thật trong cuộc sống (như đức hồng Y Cracovie), những người bạn hữu chân thành. Hơn nữa tác phẩm này được suy tư và trình bày dưới ánh sáng của một văn kiện khác dành riêng cho sứ mạng của người giám mục, đó là tông huấn Pastores gregis, văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ X diễn ra vào Đại năm thánh 2000. Nhờ nguồn tài liệu phong phú này, tác phẩm này không chỉ là một hồi ký của một Giáo hoàng mà có thể coi là một bài giáo huấn, một tài liệu mang đượm nét Giáo hội học thật sống động và các chủ đề khác thần học.

4. Về nội dung và những ấn tượng đẹp

Hồi ký của Đức thánh Cha sẽ để lại cho người đọc những dấu ấn đẹp.

a) Khi nói về ơn gọi, ngài giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng nhân hậu tốt lành, Người luôn đi bước trước và Người muốn làm bạn với ta, điều đặc biệt là tình yêu của Người liên kết chúng ta từ những con người xa lạ thành một. Chúng ta đã giao phó cuộc đời mình cho Đức Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta trên hết, và như vị Mục Tử tốt lành, Người đã hiến dâng mạng sống mình cho chúng ta. Dưới ánh sáng của những sự kiện xảy ra, Ngài cho chúng ta thấy những sự kiện ấy mang đầy tinh ngôn sứ và ơn gọi của Ngài là một “suối nguồn”.

b) Dù với tư cách là một Giám mục phụ tá Cracovie, ngoài việc chăm lo về đời sống đức tin của con chiên, Ngài còn tha thiết đến việc thăng tiến con người trong lãnh vực khoa học và đã có những đóng góp đáng kể trong ngành khoa học, Ngài vẫn thường xuyên tiếp xúc với các nhà vật lý học, và cùng nhau bàn về những khám phá mới nhất của ngành vũ trụ học. Ngài cho độc giả biết rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, tình thương của người mục tử dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh, cũng như cần phải trao dồi kiến thức thần học và nghiên cứu.

Qua quyển hồi ký này, chúng con nhận thấy rằng Ngài có một trí nhớ rất siêu việt. vd : nhớ lần xức dầu thánh lần đầu tiên khi được rửa tội, khi thụ phong linh mục được tặng sách như thế nào, rồi tên của những vị hiện diện trong lễ phong chức Giám mục của Ngài. Ngài còn nhớ rất rõ những chi tiết khi Ngài họp Công đồng Vaticanô II, đến những việc khi Ngài đi thi hành sứ vụ của người mục tử. Ngài nhớ từng chi tiết và ý nghĩa của logô trên trang bìa cuốn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Đó là người mục tử nhân lành được tìm thấy từ thế kỷ III. Rất tiếng sách Giáo lý bằng Việt ngữ của chúng ta không in lôgô ấy (Nếu ai muốn xem xin đến Dì Giáo Sáng hỏi mượn sách Giáo lý Công giáo nguyên bản tiếng Ý, logo được in ngay trang bìa). Bên cạnh đó Ngài cũng rất nhân bản

Ngài quan tâm cũng như dành một vị trí ưu tiên đặc biệt cho thiếu nhi cùng các bạn trẻ nhất là với các sinh viên. Ngài là người biết trân trọng tình bạn.

Ngài có khả năng tổng hợp hài hoà giữa những cái siêu nhiên và cái tự nhiên : vừa là người yêu thích kịch nghệ và sự nhộn nhịp của ngành sân khấu nhưng cũng say mê cầu nguyện và nghiên cứu trong cô tịch trầm lặng. Ngài vừa đam mê với những cuộc thám hiểm bằng thuyền, bơi xuồng “hò dô ta” với chúng bạn trên sông Linda vừa là người chài lưới các linh hồn không quản ngại những đợt sóng thần và sương gió, một người mục tử biết hiến mạng vì đoàn chiên.

Cuối cùng, dẫu biết rằng Đức Giáo Hoàng đã xuất bản cuốn Ơn gọi của tôi : tặng vật và huyền nhiệm ghi lại cái thuở ban đầu của đời linh mục, nhưng con vẫn muốn Đức Giáo Hoàng viết thêm đoạn đường từ khi được làm Linh mục cho đến khi được chọn làm Giám mục, cũng như từ lúc lễ đăng quang Giáo Hoàng cho đến nay cách chi tiết hơn.

Tóm lại, cuốn hồi ký này chắc chắn sẽ được chào đón nồng nhiệt. Độc giả sẽ nhận ra cả đời của vị Cha Chung đã hiến dâng cho Thiên Chúa, phục vụ Chúa qua những chiên con, chiên mẹ của Đức Kitô hay không. Ngài vẫn ngày đêm không ngơi nghỉ, âm thầm cầu nguyện, chăm lo phần rỗi linh hồn, bảo vệ sự sống cho từng cá nhân. Bên cạnh đó hồi ký cũng là sự trợ giúp quý giá cho những ai muốn suy tư và nghiên cứu thần học. Đó là điều mà mỗi chúng ta không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, và mỗi chúng ta hãy bắt chước Ngài sống đúng, sống tốt, sống hết mình với trách nhiệm của người tu sĩ.

Comments are closed.

phone-icon