Thư thứ chín:
LÙI MỘT BƯỚC ĐỂ TIẾN HAI BƯỚC
Phi con,
Cha đã cho con biết một ít điều về cách dùng lời nói với vợ con. Bây giờ cha sẽ nói với con một bí quyết khác để đạt được những gì con muốn. Đó là chuyện một ông chồng khôn khéo đã biết cách lùi để đạt tới một bước tiến rất dài.
Vợ ông ấy đem về nhà một chiếc lọ cổ gần 200 năm do một bà cô già chia cho. Ông ấy nói rằng trông chiếc lọ ấy thật chán, trong khi bà vợ lại nhất định bảo rằng chiếc lọ thật cổ kính, quí giá vô cùng! (Dĩ nhiên như thế, vì của gia đình bà ta mà!).
Thực sự, chiếc lọ khá cồng kềnh. Bà vợ muốn chưng ở phòng khách, trên một chiếc bàn thấp họ vẫn thường ngồi uống trà. Bà cho rằng không thể có một chỗ nào khác tốt hơn để chưng chiếc lọ ấy nữa.
Trong một thời gian dài, chiếc lọ dường như muốn ngự trị cả gian phòng. Chiếc lọ cũng là đầu đề cho những câu chuyện của họ. Có buổi tối họ đã tự hỏi không biết phải bàn cải chuyện gì khác ngoài chuyện chiếc lọ đây.
Ông chồng rất khôn khéo nên ông ta đã nghĩ ra một cách. Ông vốn là chủ một hãng lớn với nhiều nhân công, ngày nào cũng có những vấn đề hệ trọng để ông giải quyết. Ông vẫn tự hào về tài khuyến khích nhân viên, điều hành công việc, ấn định giá cả, ước tính tình hình buôn bán và có một cái nhìn bao quát cho mọi vấn đề. Về vấn đề chiếc lọ cổ, ông đã hoạch định một chương trình như sau: Một tối kia, ông về nhà, bàn với vợ là họ nên xếp đặt đồ đạc lại cho gọn ghẽ hơn. Ông đề nghị kê lại phòng khách ngay tối hôm ấy. Bà vợ kêu ầm lên: “Ấy! Không được! Bộ ông muốn dẹp chiếc lọ của tôi đi sao? Nó có choán chỗ gì đâu? Ông phải biết nó là vật gia bảo của tôi chứ!”
Nhưng bà rất ngạc nhiên khi ông nói: “Em ạ, anh không đụng gì đến chiếc lọ đâu. Anh chỉ muốn chúng mình cùng bày biện lại những đồ đạc chung quanh thôi, còn chiếc lọ vẫn để yên chỗ cũ”. Khi một ông chồng đã tỏ ra biết điều như thế, có bà vợ nào lại nỡ từ chối lời yêu cầu giản dị ấy? Mà bà ta cũng thích thỉnh thoảng kê lại đồ đạc trong nhà.
Trên đây cha cũng muốn nói thêm về cặp vợ chồng nầy. Họ yêu mến căn nhà xinh đẹp và ấm cúng của họ lắm. Họ cũng rất thương yêu nhau. Họ thường ngồi bên nhau sau khi ăn tối để trò chuyện, nắm tay nhau và cùng bàn bạc chuyện nọ chuyện kia trong ngày. Cũng có lúc họ ngồi cạnh nhau hàng giờ mà không cần nói chi hết.
Vốn khôn khéo, ông chồng nầy đã cố tình sắp xếp để cho chiếc ghế của ông và bà vợ đối diện nhau. Ở giữa hai người là cái bàn trên có để chiếc lọ gia bảo của bà vợ.
Ngay tối đầu tiên, ông chồng đã thấy có vẻ thành công rồi. Trong lúc đọc báo, quả nhiên bà vợ ngẩng lên hỏi: “Nầy mình, mình có đọc bài nói về…….chưa?” Nhưng vì chưa thấy mặt ông nên bà nghiêng đầu sang để nhìn xem ông có nghe thấy bà nói không. Ông cũng nghiêng đầu qua để cho bà thấy là ông đã nghe rõ.
Lần nào cũng như vậy. Đôi khi ông dùng một số phương cách khác. Chẳng hạn ông sẽ nói: “Nầy em, em có biết anh thích làm gì nhất không? Mỗi tối anh chỉ muốn ngồi đây ngắm em thôi!” Bà đáp: “Em cũng thế!”, vừa nói bà vừa nghiêng người nhìn ông.
Sau đó một ít lâu, thỉnh thoảng ông hay bà sẽ phải người nầy qua ngồi chung ghế với người kia để có thể lại nhìn nhau, tay trong tay trò chuyện. Trong những lần di chuyển như thế, có khi ông vô tình kéo tờ báo làm rung rinh chiếc lọ cổ. Chắc chắn ông ấy không cố tình làm vậy đâu. Người đàn ông ấy tự trọng lắm!
Nhưng tại sao bà không bắt ông xích cái ghế qua chỗ khác. Cha thắc mắc như thế nên hỏi ông. Ông cho biết là ông nêu lý do để yên như vậy thì gần ánh đèn, dễ xem sách hơn.
Chắc con cũng đoán biết kết quả ra sao chứ? Vài tuần sau đó, khi ông đi làm về, con có biết là ông thấy chiếc lọ ở đâu không? Bà đã đem nó vào phòng ăn, đặt trên sàn, ngay sát góc nhà.
Ông nói với cha là suýt nữa ông đã mắc phải một lầm lỗi. Một chút nữa thì ông đã thốt lên: “A! Anh thấy em vừa…” Nhưng ông đã tự kềm chế lại và nói lấp liếm: “A, Anh thấy em mới uốn tóc lại phải không? Hồi mới gặp, anh thấy em cũng làm tóc như vậy. Anh thích kiểu tóc ấy lắm.”
Cha hỏi ông ta xem về sau ông bà có bàn luận thêm về chiếc lọ ấy không. Ông ta cười lớn tiếng: “Ái chà! Chuyện ấy mà nói lại làm gì?” (Cha thấy ông ta thực là một người tế nhị! Đạt được mục đích rồi mà không muốn nhắc lại kỳ công của mình).
Dù sao cha thấy họ cũng chẳng cần nhắc lại chuyện ấy làm gì, mà nếu có nhắc thì cũng chỉ nên nhắc cho vui mà thôi.
Không biết bây giờ số phận của chiếc lọ cổ ra sao. Bà ấy đã đem nó lên gác cất vào kho hay cho vào tủ để khỏi bụi rồi? Biết rõ ông bà ấy nên cha biết thế nào bà vợ cũng đã bỏ mặc chiếc lọ ở bất cứ chỗ nào cũng được. Chắc họ vẫn ngồi ở phòng khách, nắm tay nhau trò chuyện mỗi tối và thỉnh thoảng ngắm nhau mà chẳng bị vật gì cản nữa. Cha tin rằng bà thường mỉm cười và cảm ơn Chúa đã cho bà một ông chồng khéo léo, khôn ngoan vì biết cách đối xử với bà như vậy.
Cha chẳng biết ai nghĩ ra câu nầy: “Tôi chẳng thể thắng bằng cách chịu thua được!” Người ấy đã không biết một điều. Đó là trong hôn nhân, một người có thể đạt được những điều mình muốn ngày mai bằng cách chịu nhượng bộ một vài điều hôm nay.
Cha con, CHARLIE W. SHEDD