Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
trong Buổi Canh Thức Cầu Nguyện cho Hòa Bình tại Syria,
từ 19 giờ đến 23 giờ, tối ngày 07-09-2013
tại Quảng Trường Thánh Phêrô
****
“Thiên Chúa nhìn thấy đó là điều tốt lành” (St 1, 12. 18. 21. 25). Bài Sách Thánh khởi đầu lịch sử thế giới và nhân loại, nói cho chúng ta về Thiên Chúa, Đấng nhìn vào tạo vật, như là Ngài đang chiêm ngắm tạo vật, và Ngài lặp lại: là sự vật tốt lành. Anh Chị Em thân mến, điều này làm cho chúng ta đi vào trong con tim của Thiên Chúa và, chính từ nơi thâm cung của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra sứ điệp Ngài gửi cho chúng ta.
Chúng ta có thể nói với chính mình: sứ điệp này có ý nghĩa gì? Sứ điệp này nói gì với tôi, nói gì với Bạn, và nói gì với tất cả chúng ta?
1. Sứ điệp này chỉ nói thật đơn giản là thế giới của chúng ta trong con tim và trong tâm trí của Thiên Chúa là “ngôi nhà đầy sự hài hòa và bình an” và đó là nơi trong đó tất cả có thể tìm thấy chỗ riêng cho mình và cảm thấy như đang “ở nhà mình“, bởi vì đó là điều “tốt đẹp“. Tất cả tao vật làm nên một toàn thể hài hòa, tốt đẹp, nhưng nhất là con người, được tạo nên giống hình ảnh và theo hình ảnh của Thiên Chúa, tất là một gia đình duy nhất, trong đó các mối dây liên hệ được ghi dấu ấn bởi tình huynh đệ thực sự không chỉ được loan báo bằng lời nói: người khác, nam hay nữ là anh em và là chị em, cần được yêu thương, và mối liên hệ với Thiên Chúa, như là tình yêu, sự trung tín, lòng tốt, phản ảnh trên tất cả mọi quan hệ giữa các con người và mang lại sự hài hòa cho toàn thể tạo vật. Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới trong đó mỗi người cảm thấy mình có trách nhiệm với người khác, có trách nhiệm về điều tốt lành của người khác. Chiều hôm nay, trong khi suy tư, trong lời cầu nguyện, mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta, trong nơi thâm cung của mình của chính chúng ta: có lẽ không là thế giới này mà tôi muốn có sao? Có lẽ không phải là thế giới này mà tất cả chúng ta mang trong con tim của chúng ta hay sao? Thế giới mà chúng ta muốn có lẽ không phải là một thế giới của sự hài hòa và bình an hay sao, trong chính chúng ta, trong các mối quan hệ với người khác, trong các gia đình, trong các phố phường, trong và giữa các dân tộc hay sao? Và sự tự do chính thực trong việc chọn lựa các nẻo đường phải đi qua trong thế giới này có lẽ không phải là nẻo đường duy nhất hướng tới sự thiện của tất cả mọi người và được hướng dẫn bởi tình yêu hay sao?
2. Nhưng bây giờ chúng ta tự hỏi mình: đó có phải là thế giới mà chúng ta đang sống có phải không? Tạo thành gìn giữ vẻ đẹp của mình làm cho chúng ta ngập tràn ngỡ ngàng, vẫn còn là tác phẩm tốt đẹp phải không? Nhưng vẫn còn có “bạo hành, chia rẽ, chống đối, chiến tranh“. Điều này xảy ra khi con người, là tột đỉnh của tạo vật đã bỏ đi không còn nhìn vào vẻ đẹp và sự tốt lành và họ đóng lại trong tính ích kỷ của mình?
Khi con người chỉ nghĩ tới chính mình, chỉ nghĩ tới các tư lợi của riêng mình và lại đặt mình ở trung tấm tất cả, khi đó họ để cho mình bị mê hoặc bởi các ngẫu tượng của sự thống trị và của quyền lực, khi họ đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. lúc đó họ làm hỏng tất cả các mối tương giao, làm hư tất cả; và họ mở cánh cửa ra cho bạo lực, cho thái độ nhửng nhưng, cho chống đối. Đúng điều này là điều mà đoạn sách Sáng Thế muốn chúng ta hiểu, trong đoạn này tường thuật lại tội lỗi của con người: con người đi vào cảnh chống đối với chính mình, nhận ra mình trần truồng và phải đi ẩn núp bởi vì con người sợ (St 3, 10), họ sợ cái nhìn của Thiên Chúa; người đàn ông tố cáo người đàn bà, dù người bà này là thịt của thịt mình (câu 12); điều này làm tan hoang sự hài hòa với tạo thành, đi tới việc giơ cao tay lên chống lại người anh em của mình để giết chết họ. Chúng ta có thể nói rằng từ sự hài hòa đã chuyển sang cảnh “mất hài hòa” có phải không? Chúng ta có thể nói điều này: là từ sự hài hòa đã chuyển sang sự “bất hài hòa” có phải không? Không phải thế, không có sự “bất hài hòa”: hoặc có sự hài hòa hoặc người ta rơi vào cảnh hỗn độn trong đó có bạo lực, có chống đối, có tranh luận, có sợ hãi … Chính trong cảnh hỗn độn này, Thiên Chúa thẩm vấn lương tâm con người: “Abel em con ở đâu?”. Và ông Cain trả lời: “Con không biết. Có phải con là người giữ em con hay sao?” (St 4, 9). Ngay cả với chúng ta cũng có câu hỏi này và chúng ta cũng phải tự hỏi mình xem: có lẽ tôi là người giữ anh em của tôi hay sao? Phải, bạn là người bảo hộ anh em của mình! Là con người, điều này có nghĩa là những người bảo hộ người khác! Và trái lại, khi người ta làm tan hoang sự hài hòa, thì xẩy ra một sự biến đổi: Người anh em thay vì ta phải gìn giữ và yêu thương, thì trở nên thù địch phải chống cự lại, phải loại bỏ đi. Biết bao nhiêu bạo lực đến từ giờ phút này, biết bao nhiêu cuộc tranh chấp, biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử của chúng ta! Chỉ vào điều này cũng đủ, đó là nhìn vào nỗi đau khổ của biết bao nhiêu người anh chị em của chúng ta. Đây không phải là nói tới một điều gì theo ước đoán, theo hoàn cảnh, nhưng đây sự thật: trong mọi cuộc bạo lực và trong mọi cuộc chiến tranh chúng ta làm cho ông Cain sống lại. Tất cả chúng ta! Và ngay cả ngày nay nữa, chúng ta còn tiếp tục lịch sử này là chống đối giữa anh em với nhau, ngay cả ngày nay nữa, chúng ta còn giơ tay lên chống lại ai là người anh em của chúng ta. Ngay cả ngày nay nữa, chúng ta còn để cho mình bị hướng dẫn bởi các ngẫu tượng, bởi ích kỷ, bởi các tư lợi của chúng ta, và thái độ này còn đang tiến thêm lên: chúng ta đã làm ra khí giới của chúng ta, lương tâm của chúng ta vẫn ngủ yên, chúng ta đã suy tư một cách thật tinh tế, là làm như thế, để bảo vệ chúng ta. Như thể đây là điều bình thường, chúng ta tiếp tục gieo rắc tàn phá, đau đớn, chết chóc! Bạo lực, chiến tranh, chỉ mang lại chết chóc, chúng nói về sự chết! bạo lực và chiến tranh chỉ co ngôn ngữ của sự chết!
Sau sự hỗn loạn của Cơn Hồng Thủy, thì không còn mưa nữa, người ta nhìn thấy cầu vồng hiện ra và con chim bồ câu mang về cành oliu. Cả ngày nay, tôi cũng nghĩ tới cành ôliu đó mà các vị Đại Diện của các Tôn Giáo khác nhau đã đem trồng ở Buenos Aires, tại Quảng Trường Plaza de Mayo, vào năm 2000, khi nguyện xin rằng không còn cảnh hỗn loạn nữa, xin rằng không còn chiến tranh nữa, xin được sự bình an.
3. Và vào lúc này tôi tự hỏi: Có thể đi vào con đường tiến tới hòa bình không? Chúng ta có thể đi ra khỏi cái vòng xoáy của đớn đau và chết chóc không? Chúng ta có thể học biết một lần nữa, để đi vào con những nẻo đường dẫn tới hòa bình không? Khi cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa, dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ, Là sự cứu thoát của Dân thành Rôma, là Nữ Vương Bình an, Tôi muốn trả lời: Có, có thể cho tất cả mọi người! Chiều nay tôi muốn rằng từ khắp nơi trên trái đất này chúng ta hãy kêu gào lên: Có, điều này có thể được cho tất cả mọi người! Và hơn nữa tôi muốn rằng mỗi người chúng ta, từ những em bé nhỏ nhất cho tới người lớn tuổi, cho tới cả những người được mời gọi để lãnh đạo các quốc gia, hãy trả lời: Phải, chúng tôi muốn điều đó! Đức Tin Kitô Giáo của tôi thúc bách tôi nhìn vào Thập Giá. Tôi thật mong muốn điều này biết bao: là vào một lúc nào đó, tất cả mọi người nam cũng như nữ có thiện chí, hãy nhìn lên Thánh Giá! Ở đó người ta có thể đọc được câu trả lời của Thiên Chúa: ở đó, với bạo lực không có câu trả lời bằng bạo lực, ở đó với sự chết, không có câu trả lời bằng ngôn ngữ của chết chóc. Trong thinh lặng của Thánh Giá sự hãi hùng của súng đạn khí giới im tiếng và ngôn ngữ của hòa giải, của tha thứ, của đối thoại, của hòa bình, đang vang lên. Tôi muốn khẩn cầu Thiên Chúa, chiều nay, là chúng ta, những Kitô hữu và các các anh chị em của các Tôn giáo khác và mọi người nam nữ có thiện chí, hãy gào thét lên thật mạnh mẽ: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường đưa tới hòa bình! Mỗi người hãy lấy sức lực mà nhìn vào trong tận nơi thâm cung nhất của lương tâm của mình và hãy lắng nghe lời nói: hãy đi ra khỏi các tư lợi riêng của bạn đang làm cho con tim của bạn héo mòn đi, hãy vượt lên trên thái độ nhửng nhưng đối với người khác là thái độ đang làm cho con tim nên mất nhạy cảm, hãy thắng các lý do của sự chết và hãy mở con người bạn ra cho sự đối thoại, cho hòa giải: hãy nhìn vào sự đau đớn của người anh chị em của bạn – Tôi nghĩ tới các trẻ em: chỉ nhìn vào những em bé này . . . hãy nhìn vào sự đau đớn của người anh chị em của bạn, và đừng thêm một đau đớn nào khác vào đó, hãy dừng tay bạn lại, hãy tái thiết cảnh hài hòa đang bị tan nát ra thành từng mảnh; và làm điều này, không qua sự đối nghịch, nhưng qua sự gặp gỡ! Tiến súng đạn hãy im đi! Chiến tranh luôn ghi dấu ấn sự tan vỡ của hòa bình, và luôn là sự thất bại cho nhân loại. Chúng ta hãy làm vang lại một lần nữa những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Không còn cảnh người này chống lại người kia nữa, cảnh tượng này không còn tồn tại nữa, không bao giờ tái diễn điều này nữa! . . . không còn chiến tranh nữa, không còn chiến tranh nữa!” (Bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ngày 4 tháng 10 năm 1965: AAS 57 [1965], 881). “Hòa bình chỉ được xác quyết bằng hòa bình, hòa bình không tách rời khỏi các bổn phận tuân giữ luân lý, nhưng được nuôi dưỡng bằng hy sinh riêng của mỗi người, bằng lòng khoan dung, bằng tình xót thương, bằng bác ái” (Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 1976: AAS 67 [1976], 671).
Anh chị em thân mến,
Tha thứ, đối thoại, hòa giải là những lời nói của hòa bình: trong đất nước Siria thân yêu, tại vùng Trung Đông và trên toàn thế giới! Chiều hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho việc hòa giải và cho hòa bình. Chúng ta hãy làm việc cho sự hòa giải và cho hòa bình, và tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, trong mọi môi trường, hãy trở nên những con người mưu cầu hòa giải và hòa bình. Chớ gì được như vậy. Amen!
Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 07-09-2013.
Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 08-09-2013
___________________________________