Thư cho Phi – thư 23

0

Thư thứ hai mươi ba:

CÁCH DÙNG TIỀN BẠC

Phi con,

Theo bảng thống kê những vụ rắc rối trong hôn nhân, tiền bạc luôn luôn là vấn đề dẫn đầu. Có nhiều lý do đưa đến tình trạng đó. Lý do quan trọng nhất là người vợ và người chồng thường có hai quan niệm khác nhau về cách sử dụng tiền bạc. Có thể một trong hai người đã sinh trưởng trong một gia đình giàu có, cha mẹ chiều chuộng con cái. Còn người kia thì sống trong một gia đình nghèo. Có thể người này thích mua chịu hàng hóa rồi trả góp, trong khi người kia thì muốn hễ mua là phải trả tiền ngay, còn nếu không có tiền thì phải để dành rồi hãy mua. Còn có những khác biệt nữa về ảnh hưởng. Truyền thống trong gia đình cũng đáng cho chúng ta để ý và phân tích.

Do đó ngay từ khi mới cưới, hai con phải liệt kê ra những quan niệm sống của mỗi người để có thể hòa hợp nhau mà sống cho êm đẹp. Một sự suy –  nghĩ cẩn thận sẽ giúp hai con vững vàng về mặt tài chính và bảo đảm cho cuộc sống chung của hai con.

Để có thể đạt được mục đích ấy, cha đưa ra đây ba phương châm mà mẹ con và cha đã đồng ý với nhau từ mấy chục năm nay:

1. Phương châm thứ nhất: “Phải có một thái độ đứng đắn về tiền bạc”

Điều này có nghĩa là có ít tiền hay nhiều tiền không phải là một vấn đề quan trọng. Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ chúng ta coi tiền bạc như thế nào. Cha biết một số người giàu có lắm, nhưng lòng họ đầy sự thống khổ. Trong khi ấy thì một số không giàu có gì, nhưng họ luôn luôn vui thỏa.

Con hãy tin chắc rằng chằng bao giờ con sung sướng được đâu nếu con chưa kiểm soát được tiền bạc. Cha không bảo rằng con “kiểm tra tiền” nhưng bảo con phải “kiểm soát được đồng tiền”. Hai vấn đề nầy khác nhau lắm. “Kiểm soát được đồng tiền” không có nghĩa là ngồi một chỗ canh giữ như chó giữ nhà. Cũng chẳng phải là chất chứa tiền bạc lại một chỗ rồi thỉnh thoảng lấy ra đếm, hay đem tiền gửi vào ngân hàng để kiếm lời. Nhưng cha muốn rằng con phải biết coi tiền bạc là một phương tiện phục vụ cho con, chứ không phải là con phục vụ cho nó.

Một nhà thơ vô danh nào đó đã viết như sau; “Tôi không nghĩ là nếu có một triệu thì tôi sẽ làm gì, nhưng điều hôm nay  tôi nghĩ là tôi sẽ dùng một trăm đồng tôi đang có trong túi như thế nào đây”.

2. Phương châm thứ nhì: “Hãy sống ngày hôm nay trước đã”

Chúng ta cần nhớ phương châm nầy vì ngày nay có quá nhiều người lừa dối mình. Họ tưởng rằng họ càng có thêm tiền thì họ càng sung sướng hơn. Cha thường nghe người ta tâm sự như sau: “khi chúng tôi trả xong tiền mua góp căn nhà…, khi những đứa con chúng tôi học xong đại học…, khi có thêm một số tiền để dành nữa trong quĩ tiết kiệm…, khi công việc làm ăn phát đạt hơn…, khi chúng tôi có tiền mua thảm lót căn phòng khách…, khi nào xây xong cái hồ bơi trong vườn…, khi mua xong căn nhà nghĩ mát ở Vũng Tàu…, khi nào có được chiếc xe hơi ấy…, thì thời đại này thú vị biết bao!”.

Rất dễ hiểu vì sao có quá nhiều người rơi vào cái bẫy đó. Chúng ta thường có  khuynh hướng muốn có được những gì chưa có và không vừa lòng nếu mỗi ngày không nhận được điều gì mới hơn. Ngày nay, miệng lưỡi của nhà quảng cáo lành nghề đã khiến cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày một lệ thuộc vào các công cụ máy móc hơn trước : xe hơi, máy giặt, tủ lạnh, T.V, nồi cơm điện, lò gaz v.v … Họ đã làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng đời sống này sẽ tẻ nhạt lắm nếu chúng ta chưa sắm được những thứ đó.

Dĩ nhiên là chúng ta cần ta mỗi ngày một tiến bộ hơn. Niềm trông chờ nơi tương lai sẽ khiến cho cuộc sống thêm mặn mà. Cha mong con sẽ mở một trương mục tiết kiệm, cùng dự tính những gì sẽ thực hiện với số tiền để dành được ấy. Nhưng con nhớ đừng để cho niềm mơ ước nơi ngày mai đó làm cho con quên đi hiện tại và những niềm vui thỏa của hôm nay.

Đây là một tư tương quí báu trong kinh thánh dành cho những đôi vợ chồng trẻ: “ Hôm nay là ngày chúa đã thiết lập. Chúng ta sẽ vui mừng trong ngày ấy!”

3. Phương châm thứ ba: “Hãy cho thì sẽ nhận được”

Câu này nghe có vẻ hơi kỳ lạ phải  không con? Làm sao cho nhiều thì sẽ nhận được thêm? Nhưng điều này rất đúng trong hôn nhân. Thực vậy, mỗi khi chúng ta mở cửa giúp đỡ người ngoài cần đến chúng ta thì ơn phước sẽ đổ xuống dư dật không ngờ được.

Việc này xảy ra thường xuyên đến nỗi cha đã đi đến kết luận này: “Bí quyết để giữ cho ngân sách gia đình được đầy đủ là đừng lo lắng gì đến việc kiếm thêm tiền, nhưng hãy tiêu dùng và ban phát những cái mình có vào những mục đích thích hợp”.

Chắc con cũng biết là mẹ con và cha đã giữ đúng chính sách này: “Hãy ban phát đi một phần mười số lợi tức kiếm được để dành một phần mười nữa và tiêu hết tám phần mười còn lại với lòng biết ơn và khen ngợi Chúa”.

Dĩ nhiên là không phải những kẻ cho đi một phần mười thì sẽ trở nên giàu có,cũng như chẳng phải kẻ giàu có thì thường có lòng rộng rãi đâu. Nhưng sự thực là đời chúng ta chỉ đáng sống khi nào chúng ta biết ban cho một cách thích hợp mà thôi.

Do đó, nếu cha là con, cha sẽ thiết lập một số điều luật để sống theo ngay từ lúc mới cưới nhau xong. Khi con biết dùng tiền bạc như là một phương tiện để hầu việc Chúa và giúp đỡ kẻ khác thì con đã:

– Tự giúp mình thoát khỏi nỗi khổ sở của lòng ích kỷ.

– Tránh được tình trạng mất uy tín một khi công việc làm ăn khiến con thịnh vượng

– Nhận được một niềm hân hoan hỷ kỳ lạ nhất trên đời vì con đã là một nguồn phước cho muôn người và được Chúa đổ phước dư dật cho.

Chắc con biết rằng cha không dạy con hãy cho đi là cốt để được phước đâu. Nhưng cha muốn cho con biết trọng tâm ý nghĩa của đời sống nầy là biết nhận lãnh và cho đi một cách thích hợp.

Ai tin chắc điều nầy sẽ nhận thấy rằng Chúa là Đấng Dư Dật, đang tìm những kẻ sẵn lòng ban phát để đổ phước tràn trề xuống cho họ, hầu cho họ mang phước lành ấy đến người khác nữa. Ở trong lòng vũ trụ của Ngài, Chúa đã viết ra một số luật lệ, và một trong những điều luật ấy là tình thương sẽ trở về với người ban phát tình thương ấy. Cũng vậy, niềm vui cũng sẽ quay lại người nào biết tạo niềm vui cho kẻ khác và sau cùng là sự thỏa lòng trọn vẹn sẽ đến với người nào biết ban phát cho đúng.

Hãy tiêu dùng tiền bạc một cách thích hợp.

Cha con, 

CHARLIE W. SHEDD

Comments are closed.

phone-icon