Độc thân ngày nay (tt)

0

PHẦN 3: ĐỘC THÂN NGÀY NAY

25. Chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa

Ngày nay người nói nhiều về tình yêu nhưng cũng như mọi thực tại căn bản khác của cuộc sống, tình yêu là cái gì không thể định nghĩa được. Đức Kitô đã đến chỉ để làm cho mọi sự rắc rối thêm vì Người cũng cho biết rằng Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta, nghĩa là phải yêu thương như Người yêu mến Cha Người và Cha Người yêu mến Người. Đức Kitô đã chỉ cho ta thây làm sao có thế sống tình yêu ấy ngay trong cuộc sống con người. Nơi Người chúng ta thấy có đủ mọi hình thái của tình yêu, ngoại trừ tình yêu vợ chồng. Nhưng Người cũng nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng mình vì người mình yêu”. Bởi vậy, sau khi san sẻ cuộc sống của mình qua các buổi trò chuyện, Người còn thông ban cho họ sự sống ấy bằng cách tự hiến qua cái chết và sự sống lại để mãi mãi Người vẫn là sự sống nơi chúng ta.

Đức Kitô không ban hành luật lệ cho đời sống tận hiến, nhưng Người sống đời ấy một cách gương mẫu tới mức những ai được hứng khởi đi theo Người đều bắt chước cách sống của Người. Người không cưỡng ép. không thuyết pháp để hướng dẫn họ quyết định, nhưng chỉ mạc khải cho họ thấy mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. ‘Ai có thể hiểu được thì hãy cố gắng hiểu’. Các truyền thống tu hành lớn đều bắt đầu như thế. Trong tiểu sử của Đức Phật có kể rằng một ngày nọ ngài ngắt một cánh hoa và chẳng nói chẳng rằng gì hết ngài trao cho các môn đệ xem. Chỉ có một người trong số họ mỉm cười… Người đó đã hiểu, giữa anh ta và Đức Phật đã có một tương giao nhiệm mầu. Tín đồ của đạo Thiền đã nhìn nụ cười của người môn đệ ấy như cội nguồn khai sinh ra truyền thống tu hành của họ, một truyền thông không cần dùng đến sách vở, giảng dạy để thông truyền.

Những người hiến dâng trinh khiết của mình cho Chúa cũng phải vượt qua những ngôn từ để bắt cho được tình yêu của Chúa đã dành cho họ và họ phải thông truyền cho Người khác. Tuy nhiên tình yêu này không phải là một tình yêu trừu tượng, lý thuyết, không hương vị. Những ai đã gặp Đức Kitô đều cảm thấy tâm hồn họ bừng cháy lên khi nghe Người nói. Các Người Biệt phái chỉ nhìn thấy những lời Người nói là những lời phạm thượng, nhưng đám đông chú ý nghe Người, Nicôđêmô, Người phụ nữ Samaria, Gioan Anrê và nhiều người khác nữa như Martha, Maria, tất cả đều biết mình được yêu thương, kể cả người phụ nữ ngoại tình bị mọi người lên án.

Trong mối tình mà Đức Kitô bày tỏ với bạn hữu, thánh Giuse và Mẹ Người, có một sự nồng nàn tuy không theo những ước lệ tập quán nhưng cũng sẵn sàng vượt qua những thứ đó. Ta có thể ngạc nhiên khi thấy câu nói lạnh lùng Người dùng để nói với Mẹ mình. Thế nhưng trong chư ‘bà’ của câu nói đó có cả một sự tôn trọng và đề cao hết mực. Người gọi Đức Maria là ‘bà’ cũng như đã tự xưng mình là con người’. Đức Kitô, cũng như những kẻ biết yêu thương đúng nghĩa? không phải là người quá nặng tình cảm. Đàng khác, Người cũng tỏ ra tự do một cách đáng phục trong tình cảm của mình, không bao giờ một cử chỉ biểu hiện tình cảm của Người làm người ta khó chịu hay ngạc nhiên cả.

Linh mục và tu sĩ phải là chứng nhân của tình Chúa thương yêu con người. Họ phải có khả năng bày tỏ một sự chú ý thật sự quan tâm không giả tạo, sự lo lắng vô vị lợi, một tình bạn không hàm hồ, một tình thương không mềm yếu quá cũng không say sưa quá, một tình yêu làm cho tâm hồn mình được tự do và không làm xáo trộn tâm hồn người khác.

Tình thương và tình bạn của họ vừa là tình thương và tình bạn của chính họ vừa là của chính Thiên Chúa. Vì thế họ không phải chỉ là những trung gian chia sẻ một tình yêu nằm ngoài mình cho mọi người. Họ đưa hết cả con người mình vào trong những gì họ bày tỏ về tình yêu ấy.

Bởi vì làm sao có thể tin vào tình yêu Chúa nếu tình yêu ấy không nhập thể nơi một con người cụ thể, nếu tình yêu ấy không sáng lên trên một khuôn mặt cụ thể? Một linh mục không thể nói với một phụ nữ: ‘Tôi yêu cô’, như một người đàn ông nói với một phụ nữ mà ông muốn tỏ tình âu yếm, nhưng linh mục đó sẽ nói rằng ‘Thiên Chúa yêu cô’ và tôi có trong tình yêu ấy. Linh mục có thể nói: ‘Tôi yêu cô’. Ông yêu người phụ nữ ấy, nhưng yêu bằng tình yêu mà Đức Kitô đã dùng để yêu bạn hữu mình. Nơi đáy lòng ta tình yêu đó có thể mãnh liệt hơn cả cái chết nhưng những sự biểu lộ tình yêu ấy rất giản dị, trong sáng, hơn hết mọi tình bạn. Tuy vậy đó không phải là lấy tình bạn để che đậy tình yêu. Tình yêu của chính Thiên Chúa đúng là một ngọn lửa nóng thiêu đốt con người chúng ta, nhưng lại không dính bén chút xác thịt nào; không có tình yêu nào cao như thế. Nhưng làm sao điều ấy có thể xảy ra được? Chúng ta phải tin rằng đó là điều có thể thực hiện được bởi vì chính Đức Kitô đã làm gương cho ta và đã tự đặt mình làm khuôn mẫu cho ta. Sở dĩ ta không hiểu được điều này, đó là vì ta đã cố tình liên kết hay bị hoàn cảnh thúc đẩy phải liên kết tình yêu với sự kết hợp vợ chồng, liên kết tình yêu với việc bày tỏ tình yêu trong thân xác. Những cặp vợ chồng đã sống sự kết hợp ấy một cách hòa hợp nhất, những người đã ở trong tình trạng hài hòa cao nhất về thể lý, là những người đầu tiên nhìn nhận đó chỉ là một cách để làm tăng trưởng tình yêu, tình yêu đó không thể nào diễn tả trọn vẹn được trong sự quấn quít ôm hôn, nếu trước đó không có sự tha thiết với nhau trong tâm hồn. Tại sao ta không dám coi sự độc thân của mình là cơ hội để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa, do Đức Kitô mạc khải, trong thân phận tự nhiên của mình, bên cạnh đông đảo các Kitô hữu đang cố gắng thực hiện và bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân? Hai con đường đã gặp nhau để tỏ bày cùng một tình yêu, dưới hai bộ mặt hôn nhân và trinh khiết.

26. Vì nước trời

Sở dĩ ta hiến dâng cuộc đời của ta cho Chúa bằng cách sống độc thân, đó trước tiên là vì ta muốn đáp lại một tình yêu của Thiên Chúa, và ngoài cách đó không còn cách nào khác hơn để đáp lại tình yêu ấy. Quyết định dâng hiến này vượt xa mọi lý lẽ của trí khôn con người, nhưng không phải vì thế mà nó bị kết án. Quyết định ấy vượt khỏi mọi lý luận của con người. Đó chính là chỗ mạnh của quyết định ấy. Nhưng trước mắt những người không tin đó cũng là chỗ yếu của quyết định ấy. Hiến thân cho Chúa trong đời sống độc thân là một sự đáp trả của tình yêu đối với tình yêu Thiên Chúa, một câu trả lời riêng tư đối với một tình yêu tư riêng.

Sự độc thân vì yêu thương như vậy cũng là sự độc thân vì Nước Trời. Khi nói Nước Trời chúng ta muốn ám chí tới lời Đức Kitô đã hứa với những người độc thân: họ sẽ được một chỗ đặc biệt trong Nước Trời. Nhưng độc thân vì Nước Trời trước hết là độc thân vì Tin Mừng, vì Tin Vui. Tin Vui này không phải chỉ là sự phát triển con người, sự triển nở nhân bản, như ngày nay người ta thường hiểu.

Dù cống hiến tất cả, ban phát tất cả những gì mình có, nhưng nếu không biết yêu thương thì kể như chưa cho gì hết. Nhiều linh mục và tu sĩ bỏ cuộc đời độc thân chỉ vì họ muôn gần gũi thân phận con người hơn. Nhưng khi nghe họ trình bày những động lực từ bỏ đó, điều làm tôi kinh ngạc nhất là họ đã quay về mình quá nhiều. Họ muốn lập gia đình chỉ vì muốn mình được triển nở, mình được quân bình, mình không còn phải cảm thây khác người nữa. Dù có nhiều người tin rằng họ có thể làm chứng về Tin Mừng nhiều hơn trong đời sống hôn nhân, nhưng vẫn luôn luôn có những người từ bỏ độc thân chỉ vì đã tập trung chú ý vào vấn đề riêng của mình quá nhiều. Có lẽ chính vì lý do đó mà khi quyết định họ cảm thấy thật đau đớn. Nếu đặt nặng Nước Trời và lời chứng cho Đức Kitô nhiều hơn, hẳn nhiều linh mục và tu sĩ đang gặp khó khăn sẽ nhìn sự độc thân như một giá trị khách quan hơn và sẵn sàng giữ độc thân vi yêu thương người khác.

Dựa vào thực tế ta có thể nghĩ rằng những người mất đức tin trong cơn khủng hoảng hiện nay thường là những người đã cần sự nâng đỡ về nhân bản lân thiêng liêng, mà chỉ có những người nào hoàn toàn mở lòng trước mầu nhiệm Thiên Chúa và hoàn toàn lưu tâm đên mầu nhiệm của anh em mình mới có thể cống hiến được. Phần đông những người từ bỏ chức linh mục hay đời tu là những người đã bỏ qua không cống hiến một sự nâng đỡ quí báu cho những người đang cần đến họ. Đành rằng càng ngày giáo dân càng có khả năng giúp nhau tìm gặp Chúa, nhưng làm chứng cho sự tuyệt đối vẫn còn là ơn gọi ưu tiên của các linh mục và nữ tu. Đó chính là sứ mạng chủ yếu của họ, một sứ mạng sẽ phải còn mãi dù các việc kia không còn nữa.
Giới Kitô giáo hiện nay hết sức nhạy cảm với cảnh nghèo nàn vật chất của nhân loại, nhưng họ cũng có thể đang lâm vào cảnh nghèo nàn về tình thương và tinh thần. Con người không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần được thông cảm, được yêu thương. Ai cũng có thể xả thân làm công việc này. Một khi đã tìm thấy trong hôn nhân tình yêu và sự nhiệt thành tận tụy cho nhau, vợ chồng có thế xả thân phục vụ người khác một cách rất tự nhiên. Nhưng những gì họ làm đó đang hướng họ nhìn tới một sự hiến thân theo đoàn sủng, một thứ đoàn sủng lôi kéo toàn bộ con người vào việc hiến thân cho người khác, san sẻ cho họ không những bánh nuôi thân và tâm hồn nữa. Thế nhưng đoàn sủng này chắc chắn sẽ triển nở một cách tự nhiên hơn trong đời sông độc thân. Nếu vì độc thân mà lòng ta khép lại, thì đó chính là vì ta đã không tìm được hứng khởi nơi tình yêu của Chúa và nơi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Thời đại nào cũng có những người nam lẫn nữ, từ khước hôn nhân vì một nguyên nhân nào đó. Biết bao thiếu nữ không lập gia đình để săn sóc cha mẹ già. Nhiều người đàn ông và đàn bà đã từ chốỉ không lập gia đình vĩnh viễn hay trong một thời gian dài để xả thân cho một mục tiêu chính trị hay để theo đuổi một nghề nghiệp nào đó. Không có lý do tôn giáo nào trong quyết định của những người đó. Họ là những người hy sinh hạnh phúc cá nhân cho một lý tưởng. Nhân cách của họ không vì thế mà triển nở kém đi, nhưng nó được triển nở một cách khác với những người có gia đình. Trước tình trạng đó, những người được Chúa kêu gọi phục vụ Người trong đời sống độc thân vì yêu Người và vì Tin Mừng, đừng vội cho mình là những người xa lạ, kỳ cục. Nếu có gì làm ta xa lạ và kỳ cục khó hiểu, thì đó chính là ta từ khước một tình yêu mà mọi người đều thây, để chọn một tình yêu mà họ không thấy. Nhưng nêu họ không thấy được tình yêu kín đáo đó thì ít ra họ sẽ thầy hoa trái của tình yêu đó trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

27 Như những người trưởng thành

Cơn khủng hoảng hiện nay đã đụng trực tiếp đến động lực độc thân hết sức yếu ớt của nhiều linh mục và tu sĩ . Trước khi từ bỏ đời sống độc thân không chút thương xót, những người đó hẳn không còn thấy đức tin mình có ý nghĩa gì nữa. Hoàn cảnh thực tế đã hậu thuẫn cho họ trong việc này. Thay vì tập trung chú ý tới những thực tại đức tin người ta đã dồn hết sang những thực tại nhân loại. Người ta tạm gác tình yêu Thiên Chúa sang một bên để đề cao tình yêu đối với con người. Từ đó không có khó khăn gì để cho rằng phải đi tìm tình yêu của một con người còn cụ thể gấp mấy lần Thiên Chúa (của những năm qua).

Nếu đứng từ ngoài nhìn vào thì thế giới của các linh mục tu sĩ trông giống như thế giới của những người con đã lớn đang tha hồ nhảy nhót dưới ánh đèn. Nhưng cũng chính sự tự do đó, sự tự do rộng rãi mà nhờ hiến thân cho Chúa họ có được, chính sự tự do này đã ngăn cản không cho họ lớn lên được. Vì theo lẽ họ được tự do như thế là để làm thành một ‘típ’ người, nam lẫn nữ, có nhân cách đầy đủ nhờ đã thâu hợp và thống nhất được các thực tại đức tin nơi mình. Những người không đạt được trình độ này thường đổ lỗi rằng chỉ vì họ đã bị cách ly với thế giới. Kỳ thực không phải là vì họ đã không chấp nhận thế tuyệt đối của các thực tại đức tin sao? Đức tin của họ yếu đến nỗi không thể giúp họ sống các thực tại đức tin cho sâu xa, không thể giúp họ đem lại cho các thực tại nhân loại ý nghĩa thật của chúng.

Không phải hễ chìm sâu trong những thực tại con người là có nhân cách, nhưng phải có khả năng đem lại cho các thực tại ấy một ý nghĩa, làm chủ và bày tỏ chúng ra trong một đời sống hay một công việc nào đó. Một người không còn quyền lựa chọn gì nữa sẽ bị các thực tại ấy tiêu diệt, bị nhai nghiến và chỉ còn là đống giẻ rách mà không phản ứng lại được. Ngược lại người có lý tưởng hay có một công việc để hoàn thành sẽ đứng vững giữa các thực tại nhân loại và vạch cho chúng một hướng đi. Đó là khả năng hổ trợ của con người. Một nhân cách càng mạnh, nó càng có khả năng thống nhất. Và để nhân cách có thể làm chủ mình và tự đào tạo mình ta phải có một dự phóng, một kế hoạch. Nhưng dự phóng hay kế hoạch đó chỉ được thực hiện được khi biết tập trung mọi năng lực vào một cực. Một người chỉ đào tạo thực hiện được con người của mình và chỉ trở nên trưởng thành khi nó chọn được một quyết định có thể định hướng toàn bộ cuộc đời nó.

Để thực hiện một dự phóng cục bộ ngắn hạn, chỉ thu hút một phần trong cuộc của tôi, tôi không cần phải có một động lực toàn diện và sâu sắc như khi thực hiện một dự phóng lôi cuốn toàn bộ cuộc đời tôi. Vì vậy tôi có thể dời ngày đám cưới chỉ vì một lý do là để được thong thả hơn mà thực hiện một dự phóng nào đó- Nhưng dự phóng nào càng liên hệ nhiều đến tòan bộ cụộc đời tôi, càng lấy mất nhiều thời giờ và sức lực của tôi, tôi càng phải có một động lực hành động sâu xa hơn. Ngược lại, đôi khi có những động lực sâu xa đến nỗi chúng đòi hỏi phải biến cả cuộc đời mình. Như vậy giữa tầm mức sâu xa của một dự phóng và thờỉ gian thực hiện dự phóng có một mối quan hệ mật thiết. Một tình yêu chỉ được coi là có giá trị vĩnh cửu khi nó thu hút hết cả con người tôi trong mọi chiều kích.

Đó chính là ý nghĩa của việc cam kết vĩnh viễn trong đời sống độc thân tu trì. Chỉ có cam kết vĩnh viễn ta mới hiểu được tầm sâu xa vô tận của việc cam kết ấy. Nếu tình yêu giữa con người với nhau có thể đòi hỏi tới mức vĩnh viên như thế, thì huống nữa là tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đẩy ta đi sâu nhiều hơn nữa. Nếu tình yêu con người có thể giúp những kẻ yêu nhau lớn lên và trở nên người trưởng thành, thì tại sao tình yêu Thiên Chúa không thể làm được điều đó? Nếu tình yêu này không giúp cho một người trưởng thành được, đó chính là vì người ấy đã không đặt mình dưới tác động của Chúa, tình yêu Thiên Chúa không phải là một tình yêu trừu tượng. Đó là một tình yêu có thật, tác động lên chính con người chúng ta như bao tình yêu khác. Nó soi sáng, lay động, sưởi ấm ta, thúc đẩy ta hành động và xô ta vào những công việc thật khó khăn. Tình yêu Thiên Chúa phát xuất từ phía bên kia thế giới, nhưng khi xuất hiện nó sẽ đi qua vùng vô thức, cảm quan và toàn vẹn nhân tính của ta. Nó khác với tình yêu nhân loại ở nguồn gốc và định hướng cuối cùng. Nhưng nó biểu lộ trong và qua tình yêu nhân loại, biểu lộ ra như một tình yêu nhân loại thuần khiết nhất. Đồng thời ta thấy được nó xuất phát ở phía bên kia mọi tình yêu và hướng ta nhìn tới một tình yêu mà không có con tim nào chứa nổi, không lời nói diễn tả được.

Như thế tình yêu Thiên Chúa là một trong những tác nhân mạnh nhất khiến nhân cách con người tăng triển. Đức Kitô và các thánh nhân thuộc đủ mọi tôn giáo đã làm chứng hùng hồn về điều đó. Con người hiện đại có nên đánh mất kho tàng đó không (tức là sự hòa hợp và thống nhất của các sức mạnh ân sủng và tự nhiên nơi một người)? có lẽ trở nên trưởng thành là một việc khó khăn cho người độc thân vì Tin Mừng nhiều hơn cho người đã kết hôn. dù tôi không dám quá quyết như thế. Sự trưởng thành của nguời độc thân cốt là thu vào những yếu tố mà người kết bạn không làm. và ngược lại. Đó là hai cách làm nguời … và nhân loại đang cần cả hai.

28. Cho hôm nay và mai sau
Người ta đang làm hết cuộc điều tra này sang cuộc điều tra khác để xem các linh mục có cần phải kết bạn hay không. Phải chăng Giáo hội sẽ đưa ra kết quả của các cuộc điều tra đó để quyết định nên huỷ bỏ luật độc thân linh mục chăng? Tôi không tin Giáo hội sẽ làm điều đó nếu Giáo hội còn trung thành với tinh thần của Đấng sáng lập mình, Người đã không đến để ra một lý tưởng hợp với nguyện vọng của đa số. Khi đề ra lý tưởng độc thân vì Nước Trời, Người đã nói rõ rằng rất ít người có thể hiểu được điều đó. Ngày nay hẳn Người cũng sẽ nói như vậy. Đức Kitô đã ‘thực hiện’ lề luật bằng cách phá tung và mở rộng lề luật ra. Người đã dứt khoát với chức tư tế cơ chế của dân Người để lập ra một chức tư tế mới. Nói rằng mọi tín hữu từ đây đều là tư tế, đó mới chỉ là một phần, bởi vì Đức Kitô cũng quy tụ quanh Người một nhóm môn đệ và một nhóm tông đồ hạn hẹp hơn. Phải thú nhận rằng chúng ta chưa giải quyết được vấn đề chức tư tế trong Kitô giáo, nhưng đừng vội vì thế mà la toáng lên rằng từ nay chức linh mục phải có tính cách ‘chức năng’ nhiều hơn… không còn là một đoàn sủng nữa.

Trong thế giới xáo trộn hôm nay, người trẻ thì mơ mộng, người già thì như thấy nhiều thị kiến. Đám trẻ như đang trở với cơn khủng hoảng của tuổi mới lớn, họ cũng đi tìm mình dù đã lên 40 tuổi. Cuối cùng họ bỏ đời sống độc thân để sống đời vợ chồng mà họ hằng mơ ước. Đám già thì đem quá khứ phóng vào tương lai, làm như thế chưa có gì thay đổi cả. Tốt nhất là nên trở lại với vấn đề một cách cụ thể, thay vì phóng những ước vọng và quá khứ của mình vào tương lai. Thế giới hôm nay và ngày mai có còn dành một chỗ nào cho đời sống độc thân không ?

Người ta đã rêu rao quá nhiều rằng đời độc thân sẽ không còn ý nghĩa gì nữa một khi đã hiểu được sự cao cả của hôn nhân. Nếu phải đau khổ vì sự cô đơn do đời độc thân gây ra, thì quả thật hôn nhân có thể là một giải pháp cho mọi vấn đề. Trong hôn nhân người ta yêu thương, phát triển, thực hiện cuộc đời mình. Nếu đứng ở một cuộc sống độc thân khổ cực mà nhìn thì quả thật hôn nhân là hạnh phúc. Thế nhưng cũng có biết bao nhiêu vợ chồng ghen tị với những người độc thân, ít nữa là trong một số giờ! Nếu nhìn linh mục, tu sĩ nam nữ đã thật sự tìm được dấu triển nở trong đời hôn nhân như mình hằng mơ ước, thì ngược lại cũng có biết bao người đã chỉ gặp toàn là cô đơn và thất vọng trong đời sống ấy. Không bao giờ được quên khía cạnh này khi đặt vấn đề độc thân có ý nghĩa gì hiện nay và mai sau.

Nhiều người đã đi sai đường khi bước vào đời độc thân, đó làm một điều không thể chối cãi được. Nhưng nói rằng linh mục ngày mai phải kết hôn, đời độc thân không còn ý nghĩa nữa, đó lại là một vấn đề khác. Như tôi đã có dịp nói, Đức Kitô không muốn cột trói đời độc thân với chức linh mục, nhưng Người còn hành động nhiều hơn thế nữa. Người tự giới thiệu mình là người độc thân, hay nếu nói thẳng thắn hơn, là người ‘yếm hoạn’. Có thể Người đã nói về mình và các tông đồ như sau: ‘Vâng, chúng tôi là những người yếm hoạn’. Và chúng tôi biết tại sao mình làm thế. Người không muốn lấn sang đại hạt pháp lý. Do đó, Người nói tiếp: ‘Ai có thể hiểu được thì hãy hiểu’. Người không nói: ‘Nếu anh em muốn làm môn đệ tôi, thì đừng kết hôn’. Nhưng nếu hiểu đúng điều Người muốn nói thì phải cho rằng Người đã nói như sau : ‘Nếu ai có vợ, thì hãy để vợ lại’. Một lời nói thật cứng cỏi, nhưng Chúa đã nói và nói nhiều lần. Tuy nhiên, Người không ép buộc. Người chỉ đề nghị.

Đề nghị đó hôm nay vẫn còn giá trị và mai sau cũng thế! Dù nó làm thế giới khó chịu, ta cũng đừng ngạc nhiên. Thế giới không tin rằng độc thân là chuyện có thể làm được, đó là việc của thế giới. Chỉ cần biết rằng Đức Kitô đã sống độc thân, các tông đồ cũng vậy. Và Người đã chia sẻ tâm tư ý nghĩ của Người cho chính những tông đồ này. Người đã bày tỏ con người mình rất thân mật với nhiều người, với Maria, Martha, Nicôđêmô và nhiều người khác nữa. Nhưng sứ điệp của Người, Người đã trao cho chính nhóm người thân mật được gọi là các tông đồ đó.

Đó không phải là loại chứng nhân Đức Kitô muốn có sao? Người đã đưa họ vào cõi thâm sâu mầu nhiệm của mình để họ làm chứng cho sự thật vừa nhân loại vừa thần linh của Người. Đó không phải mẫu chứng nhân Người muốn để lại khi rời trần gian sao? Tại sao những người được gọi là ‘linh mục’ không được định nghĩa trước tiên là ‘chứng nhân’ của mầu nhiệm Thiên Chúa đã từng được mạc khải nơi trần gian? Thế mà, theo tôi thì Tin Mừng có sức thúc ép là ở chỗ đó, Đức Kitô đã đào tạo những chứng nhân đặc biệt từ những con người đã được Người hướng dẫn vào mầu nhiệm của Người một cách đặc biệt như thế đó, những người quen gọi là tông đồ vì đã bỏ mọi sự để đi theo Người.

Hiểu được các sự việc thần linh, đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Khi rời trần gian, Đức Kitô đã hứa ban Thánh Thần của Người. Thánh Thần ấy đã đến và không ngừng thôi thúc những người nam lẫn nữ trong Giáo hội từ bỏ tất cả và từ khước hôn nhân vì yêu Chúa và anh em đồng loại. Cuộc chiến sẽ tiếp tục diễn ra cho đến tận thế giữa Chúa Thánh Thần và thế giới, theo nghĩa của thánh Gioan. Thế giới sẽ ghét sự độc thân vì không có khả năng hiểu điều ấy. Nhưng Chúa Thánh Thần cứ tiếp tục khích động lòng khao khát sống độc thân trong Giáo hội.

Giữa một thế giới đang vứt bỏ cơ chế không chấp nhận thói rập khuôn theo công thức và đang ngưỡng vọng sự tự do chân thật, Chúa Thánh Thần đang muốn lên tiếng. Thế mà độc thân là một sự chiến thắng của Người. Sự độc thân là bằng cớ chứng minh rằng tình yêu chân thật ‘của con người’ hay ‘của Thiên Chúa’ sẽ chiến thắng trong nơi sâu xa nhất của con người ở bên kia xác thịt. Sự độc thân đang bày tỏ cho những người đang ngạc nhiên sửng sốt và không tin thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu, Người có thể thôi thúc nhiều người khước từ tình yêu vợ chồng để yêu thương Thiên- Chúa -Tình -Yêu ấy ngay ở đời này, trong những điều kiện sống cụ thể của mình. Sau cùng, sự độc thân cho thấy rằng dù tình yêu này thần thánh thế nào đi nữa, nó cũng mang lại cho những ai theo đuổi nó một sự phong phú nhân bản hết sức lạ lùng. Nhờ sự đáp trả tình yêu Thiên Chúa như thế mà nhân loại đã có được biết bao vĩ nhân. Chúng ta có nên bắt thời đại này và những thời đại tương lai phải thiếu mất kho tàng phong phú của Thiên Chúa phản chiếu trên các khuôn mặt cụ thể của con người không?

Muội Muội sưu tầm

(Hết)

Comments are closed.

phone-icon