Giá máu – Suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh

0

Hôm nay là ngày Đại Tang của Công giáo và của những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Nếu cuộc đời là một bộ phim thì cảnh tượng hôm nay là bộ phim buồn nhất, thê lương nhất.

Cái gì cũng có cái giá của nó,hạnh phúc cũng phải “mua” bằng ít nhiều đau khổ, nhưng không gì mắc bằng “giá máu”. Máu màu đỏ, giúp cơ thể sống: Thiếu máu thì yếu, mất máu thì chết.

Mỗi phút, trái tim của một người trưởng thành, khoẻ mạnh bình thường, đập khoảng 70 lần, mỗi lần đẩy ra 150 ml máu. Mỗi ngày tim đập 105.000 lần và bơm hơn 6.000 lít máu vào các mạch máu dài 96.000 km. Trong suốt đời người, tim lần lượt đập khoảng 3 tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu. Tim và máu liên quan lẫn nhau. Vô cùng kỳ diệu!

Sách ngôn sứ Isaia có bốn “Bài Ca Người Tôi Trung” (Is 42:1-9; Is 49:1-7; Is 50:4-11; Is 52:13-15), nói về nỗi đau khổ của Người Tôi Trung, thế nên cũng gọi là Người Tôi Tớ Đau Khổ.

Bài đọc I trong nghi thức Đại Tang hôm nay là một trình thuật dài. Đây là bài ca thứ tư trong số các “Bài Ca Người Tôi Trung”, và là bài ca dài nhất: Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ”. Người Tôi Trung chịu đủ thứ đau khổ, từ tinh thần đến thể lý, và không còn gì là hình dạng một con người nữa! (*)

Sau đó, trình thuật Is 53:1-12 cho biết chuỗi đau khổ nối tiếp của Người Tôi Trung. Ngôn sứ Isaia đã đặt vấn đề: “Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?” (Is 53:1). Vâng, thật không thể tin nổi lại có người chịu nhục hình quá đỗi đến như vậy, và cũng chẳng thể tin nổi lại có những kẻ tàn ác đến thế. Họ không chỉ thay phiên nhau đánh Chúa Giêsu, mà còn đánh hội đồng, đánh không nương tay với những chùm dây da có gắn nhiều cục chì hoặc móc. Kinh khủng vô cùng!

Hôm nay, trước khi hôn kính Thánh Giá, chúng ta hãy lắng nghe thật kỹ chuyện về Người Tôi Tớ Đau Khổ để thấy chính mình trong đó, để thương khóc cho tội lỗi mình, chứ Chúa Giêsu không cần chúng ta khóc thương Ngài đâu!

Người Tôi Trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn, nhưng chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.

Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn ngườican thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Nghe từng câu, thấm từng lời, chúng ta sẽ thấy mình khốn nạn, nhưng Chúa Giêsu vẫn chịu tất cả vì yêu chúng ta.

Dù chịu đựng nỗi đau khổ tột cùng, Người Tôi Trung vẫn một lòng thành tín: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2 và 6).

Và dù “nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng” bị “bạn bè thân thích kinh hãi”, dù “ai cũng tránh xa”, hoặc bị lãng quên như kẻ chết không người tưởng nhớ” và “hoá thành đồ hư vất bỏ”, nhưng Người Tôi Trung “vẫn tin tưởng nơi Ngài”, vẫn dám thưa rằng: “Ngài là Thượng Đế của con” (Tv 31:12-15). Số phận có thế nào thì cũng là do Thiên Chúa định liệu, Người Tôi Trung nhất quyết trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ” (Tv 31:16-17).

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy nhìn lại chính mình, và hãy lắng nghe lời động viên: “Hỡi mọi người! Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25).

Vâng, hãy cậy tin vào Ngài! Thánh Phaolô vừa phân tích vừa động viên: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thươnglãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:14-16).

Nói đến đau khổ thì vô cùng, đau khổ quá nhiều, đủ hình dạng, đủ kiểu cách. Gặp đau khổ thì ai cũng sợ, chán ngán hơn bất cứ thứ gì khác, nhưng nếu không có đau khổ, cuộc đời chúng ta sẽ nhàm chán. Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Vâng phục là nhân đức quan trọng, nhưng để học được bài học vâng phục thì phải trả giá rất đắt. Và chính Chúa Giêsu đã phải trả bằng GIÁ MÁU.

Trình thuật Ga 18:1–19:42 như một bộ phim dài, kể từ đêm Vườn Dầu cho tới chiều Đồi Sọ. Trong đó biết bao là tình tiết, nếu làm phim thì phải là bộ phim nhiều tập nói về bi kịch của một Con Người Công Chính – Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Khi ông Giuđa dẫn đầu một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu, có vũ trang đầy đủ. Đức Giêsu tiến ra và hỏi họ tìm ai. Họ nói thẳng là tìm Giêsu Nadarét. Ngài nói ngay: “Chính tôi đây”. Nghe vậy, họ lùi lại và ngã xuống đất – trong đó có cả Giuđa. Vậy mà họ vẫn không sợ. Đức Giêsu lại hỏi họ tìm ai. Họ vẫn khăng khăng là tìm Giêsu Nadarét. Đức Giêsu cho họ bắt, nhưng xin không bắt các đệ tử. Thế là ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai”.

Khi đó, ông Phêrô máu bốc tới chỏm đầu, ông liền vung gươm chém đứt tai phải của Man-khô, đầy tớ của thầy thượng tế. Đức Giêsu bảo ông Phêrô xỏ gươm vào bao, vì Ngài chấp nhận uống Chén Đắng mà Chúa Cha đã trao. Rồi họ trói và dẫn độ Đức Giêsu đến ông Kha-nan, nhạc phụ của thượng tế Cai-pha. Ông Phêrô và một môn đệ khác (Gioan) đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế nên được vào sân trong của tư dinh. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nhận ra ông Phêrô thuộc nhóm môn đệ, nhưng ông liền chối phăng. Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó, ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ.

Thượng tế Caipha tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Ngài, nhưng Ngài nói: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì”. Đức Giêsu vừa dứt lời, một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài vì cho Ngài trả lời như thế là vô lễ với thượng tế. Nhưng Ngài hỏi vặn lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”. Tất nhiên họ câm họng. Họ chỉ muốn dùng quyền lực mà thay trắng đổi đen thôi!

Những kẻ thủ ác tội lỗi ngập đầu mà dám xét xử và kết án người vô tội. Chúng ta có như họ? Có đấy. Chúng ta không xét xử Chúa Giêsu nhưng chúng ta xét nét và khinh chê tha nhân, mà ghét người khác tức là ghét Chúa.

Trong khi đó, ông Phêrô vẫn đứng sưởi, chợt có người khác nhận ra ông thuộc nhóm môn đệ của Chúa Giêsu, và ông cũng lại chối ngay lập tức. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, cũng nhận ra ông Phêrô, nhưng ông vẫn nhất quyết nói không quen với Đức Giêsu. Ngay lúc ấy gà liền gáy. Ông Phêrô giật mình nhớ lại lời Thầy, và ông chạy ra chỗ khác mà khóc òa…

Sau đó, họ điệu Đức Giêsu tới dinh tổng trấn Philatô. Lúc đó trời vừa sáng. Ông Philatô hỏi họ tố cáo Đức Giêsu về tội gì. Họ không trả lời rõ mà vòng vo: “Nếu ông này không làm điều ác thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan”. Ông Philatô bảo họ cứ xét xử theo luật của họ, nhưng họ nói rằng họ không có quyền xử tử ai.

Ông Philatô hỏi Đức Giêsu có phải là vua hay không, nhưng Ngài bảo đó là chính Philatô nói, và Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, Ngài sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Không biết dốt thật hay cố ý mà ông Philatô đã hỏi: “Sự thật là gì?”. Ngày nay, vẫn có nhiều người cố ý “giả nai” như vậy!

Tục lệ của người Do-thái thường tha một người nào đó vào dịp lễ Vượt Qua. Ông Philatô hỏi họ muốn tha “vua Do-thái” hay không, họ la toáng lên: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!”. Thật tồi tệ, vì Chúa Giêsu đã bị họ ghét còn hơn tên cướp khét tiếng Baraba.

Vì hèn nhát, ông Philatô chiều ý họ mà truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Ngài. Họ kết vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Ngài, và khoác cho Ngài chiếc áo choàng đỏ, rồi vừa mỉa mai vừa vả vào mặt Ngài: “Kính chào Vua dân Do-thái!” (βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων). Sau đó, ông Philatô dẫn Đức Giêsu ra ngoài cho thấy mà thương, và muốn cho họ biết ông ta không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Nhưng vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!”. Ông Philatô lắc đầu, đành giao Ngài cho họ. Ông Philatô không dám hành động vì công lý, không dám bảo vệ sự thật, không có lập trường. Còn chúng ta? Đã bao lần chúng ta hèn nhát như ông Philatô?

Họ bắt chính Đức Giêsu vác lấy thập giá đến Đồi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Gôn-gô-tha. Tại đây, họ đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Cùng bị đóng đinh với Ngài là hai tử tội khác.

Trước đó, tổng trấn Philatô đã cho viết một tấm bảng bằng ba ngôn ngữ – Do Thái, Latin và Hy Lạp. Bảng đó ghi rõ: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19:20). Tiếng Do Thái: תשווע מנצרת, מלך היהודים; tiếng Latin: INRI hoặc IN-RI (Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum); tiếng Hy Lạp: ΙΝΒΙ (Ο Ιησούς από τη Ναζαρέτ, ο βασιλιάς των Εβραίων) – và tiếng Anh: Jesus the Nazarene, King of the Jews; tiếng Pháp: Jésus le Nazaréen, roi des Juifs. Tấm bảng này được treo ngay phía bên trên đầu Chúa Giêsu. Họ cũng không muốn viết vậy nhưng ông Philatô quyết không thay đổi. Họ cũng không có ý xác nhận, mà họ có ý mỉa mai. Nhưng, tất cả không ngoài Thánh Ý Chúa.

Đóng đinh Đức Giêsu xong, lính tráng chia nhau y phục của Đức Giêsu. Tay nào cũng hí hửng, cười toe toét, nhưng vẫn không giấu được nét bặm trợn của những kẻ tà tâm. Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyền tự do của họ.

Đứng gần Thập Giá có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu đã trao Đức Mẹ cho Gioan, và xác nhận Đức Mẹ là mẹ của Gioan. Sau đó, Đức Giêsu kêu: “Tôi khát!”. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Trời nắng chang chang mà bỗng tối sầm lại, sấm chớp rung động cả đất trời. Nhiều người đấm ngực ăn năn và nhận biết chính tử tội Giêsu là Con Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ và thương xót chúng con!

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế, họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu, họ thấy Ngài đã chết nên không đánh giập ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, cũng là môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Giô-xếp và ông Ni-cô-đê-mô hạ thi hài Ngài xuống. Họ lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái, các ông mai táng Đức Giêsu tại một ngôi mộ trong khu vườn gần đó. Người đời thấy vậy là hết. Chấm hết. Nhưng với Thiên Chúa thì đó lại là một khởi đầu mới của điều lạ mới…

Hôm nay, khi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện theo cách của Thánh nữ Bernadette: “Con không xin thoát khỏi khổ đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau”.

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài, xin tha thứ và giúp chúng con biết đi qua thung lũng đau khổ để có thể tới miền ánh sáng. Xin giúp chúng con biết chết cho tội lỗi mình hằng ngày để sống xứng đáng với Giá Máu của Con Yêu Dấu của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Xem “Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu”, có lồng tiếng Việt – https://www.youtube.com/watch?v=YthiJ07xRAs

Comments are closed.

phone-icon