Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 30.12.2015 – Mục 3
Đại Lễ Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Trong những ngày mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh này, Hài Nhi Giê-su sẽ được đặt trước mắt chúng ta. Cha chắc chắn rằng, vẫn còn có vô vàn các gia đình đã và đang tạo ra những chiếc Hang Đá ở nhà mình. Vì thế, họ đang tiếp tục một truyền thống cổ xưa mà nó bắt nguồn từ Thánh Phan-xi-cô Assisi, và mầu nhiệm Thiên Chúa làm người đang hỗ trợ trong tâm hồn chúng ta.
Việc tôn kính Chúa Giê-su Hài Đồng rất phổ biến. Vô vàn các vị Thánh đã thực hiện việc tôn kính này trong những lời cầu nguyện hằng ngày của các Ngài, và đã cố gắng hướng cuộc sống của mình tới Chúa Giê-su Hài Đồng. Ở đây, Cha nghĩ một cách đặc biệt tới Thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, người, với tư cách là một Nữ Tu Dòng Các-men, đã mang tên là Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Vị Thánh mà ngày nay chúng ta liệt vào trong hàng ngũ các vị Tiến Sĩ Hội Thánh, đã làm chứng bằng cả cuộc sống của mình cho “tinh thần thơ ấu thiêng liêng” mà người ta chỉ cần lĩnh hội lấy cho mình, bằng cách là người ta ngẫm nghĩ tới trường học của Đức Trinh Nữ Maria về sự khiêm nhượng của Thiên Chúa, Đấng đã tự làm cho mình trở nên nhỏ bé vì chúng ta. Và đó là một đại mầu nhiệm: Thiên Chúa tự hủy! Còn chúng ta thì lại hay tự cao tự đại và ngỡ rằng mình vĩ đại, nhưng thực chất chỉ là hư không trống rỗng! Nhưng Thiên Chúa, Đấng vĩ đại, lại khiêm hạ và tự biến mình thành một Hài Nhi. Đó là một mầu nhiệm thực sự! Mầu nhiệm Thiên Chúa tử hủy! Thật diệu kỳ biết là chừng nào!
Có một thời gian Thiên Chúa là một em bé trong ngôi vị Chúa-Người của Chúa Ki-tô, và điều đó phải có một ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Tin của chúng ta. Thật không thể chối cãi được rằng, cái chết của Ngài trên Thập Giá và sự Phục Sinh của Ngài chính là một cách diễn tả cao nhất về Tình Yêu cứu độ của Ngài, nhưng chúng ta không được phép quên rằng, toàn bộ cuộc sống dương thế của Ngài cũng đều là một cuộc mạc khải và là một sự chỉ dậy đối với chúng ta. Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy suy nghĩ về thời niên thiếu của Ngài. Để lớn lên trong Đức Tin, chúng ta cũng phải chiêm ngưỡng Chúa Giê-su Hài Đồng một cách thường xuyên hơn. Thực ra, chúng ta không biết gì về giai đoạn này trong cuộc sống của Ngài. Một chút chỉ dẫn mà chúng ta có được, liên hệ đến cuộc đặt tên cho Ngài vào ngày thứ tám sau cuộc Giáng Sinh của Ngài cũng như sau việc Ngài được hiến thánh trong Đền Thờ (xc. Lc 2,21-28); và liên hệ đến cuộc viếng thăm của các nhà chiêm tinh cũng như liên hệ tới cuộc trốn sang Ai-cập sau đó (xc. Mt 2,1-23). Tiếp theo là một quãng trống cho tới tận 12 năm sau, tức khi Ngài lên 12 tuổi và đã cùng với Đức Mẹ và Thánh Giu-se thực hiện một cuộc hành hương đi về đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhưng thay vì trở về nhà ngay sau đó cùng với cha mẹ của mình, Ngài đã lưu lại với các Luật Sĩ trong Đền Thờ.
Như người ta thấy, chúng ta biết rất ít về thời niên thiếu của Chúa Giê-su; nhưng chúng ta có thể học được nhiều về Ngài khi chúng ta quan sát cuộc sống của các em bé. Việc nhìn ngắm con của mình để xem xem chúng đang làm gì, đó là thói quen tuyệt vời của cha mẹ.
Ở đây, trước hết chúng ta khám phá ra rằng, các em bé mong muốn có được mối quan tâm của chúng ta một cách đặc biệt. Chúng phải luôn luôn đứng trong trung tâm điểm. Tại sao vậy? Phải chăng vì chúng kiêu ngạo? Không! Vì chúng muốn biết mình được bảo vệ. Vì thế, chúng ta cũng phải đặt Chúa Giê-su vào trong trung tâm cuộc sống chúng ta và nghĩ tới Ngài, ngay cả khi vấn đề nghe như có vẻ nghịch lý rằng, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ Ngài. Ngài muốn nằm trong vòng tay của chúng ta, Ngài muốn được bảo vệ và muốn ánh mắt của Ngài đắm chìm trong cặp mắt của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta còn phải làm cho Hài Nhi Giê-su luôn vui cười, và phải chứng minh cho Ngài thấy về Tình Yêu của chúng ta đối với Ngài cũng như niềm vui của chúng ta về việc Ngài ở giữa chúng ta. Nụ cười của Ngài chính là một dấu chỉ đối với chúng ta, dấu chỉ đó trao cho chúng ta niềm tin tưởng rằng, chúng ta đang được yêu thương. Sau cùng là yêu thích việc chơi đùa với các em bé. Nhưng khi chúng ta vui chơi với một em bé, chúng ta phải vứt bỏ cách suy nghĩ của chúng ta để đi vào trong cách lý luận của các em. Nếu chúng ta muốn các em có được niềm vui trong khi chơi, chúng ta phải biết được các em thích cái gì; chúng ta không được phép ép buộc các em phải chơi theo cách ích kỷ mà chúng ta thích. Đó là một bài học đối với chúng ta. Trước Chúa Giê-su, chúng ta phải từ bỏ quyền tự chủ hư ảo của mình – đó chính là cốt lõi của vấn đề: tưởng tượng rằng mình có quyền tự chủ – để đón nhận sự tự do đích thực mà nó hàm chứa trong việc chúng ta hiểu được Chúa Giê-su là ai và phục vụ Ngài. Ngài – một em bé – chính là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã đến giữa chúng ta để chỉ cho chúng ta thấy dung nhan của Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng yêu thương và từ bi nhân hậu. Vì thế chúng ta hãy ẵm lấy Hài Nhi Giê-su trong vòng tay của chúng ta và hãy phục vụ Ngài: Ngài chính là nguồn cội của Tình Yêu và của sự bình an. Thật là tuyệt vời biết bao khi hôm nay chúng ta về nhà, chúng ta ẵm lấy bức tượng Chúa Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, và rồi sau đó nói với Ngài: “Chúa Giê-su Hài Đồng ơi, con muốn trở nên khiêm nhượng như Chúa; con muốn trở nên khiêm nhượng như Thiên Chúa Cha”. Chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta ơn đó.
* Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Cha kêu gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên mà trong những ngày này, chúng liên lụy đến rất nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ, Anh, và các quốc gia vùng Nam Mỹ, đặc biệt là tại Paraguay, nơi – tiếc rằng – đã có vô vàn những nạn nhân và rất nhiều sự hủy hoại. Ước gì Thiên Chúa sẽ ban niềm an ủi xuống cho những người có liên quan, và ước chi tình liên đới của những người đồng loại sẽ đến để giúp đỡ họ trong cảnh khốn cùng mà họ đang gặp phải.
Quảng trường Thánh Phê-rô thứ Tư ngày 30 tháng 12 năm 2015
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ