Bánh Trường Sinh – Suy niệm Chúa Nhật 18 TN, Năm B

0

Bánh Trường Sinh

 

Suy Niệm: Ga 6,24-35

Ngày nay vấn đề an toàn thực phẩm đang ở mức báo động. Con người coi trọng lợi nhuận, bán rẻ lương tâm, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, khinh thường đạo đức kinh doanh, trục lợi trên sự sống của anh em mình. Bệnh tật lan tràn, một trong những nguyên nhân chính gây ung thư chính là vấn đề thực phẩm. Tại Việt Nam, các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng đến chóng mặt. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Trước mối lo về thực phẩm giết người dễ dãi như thế thì hôm nay Chúa an ủi chúng ta, những người đang mải mê tìm của ăn hay chết này: “Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không bao giờ phải đói..”

Hôm nay dân chúng tìm Chúa vì đã được ăn bánh no nê. Ngày nay con người cũng lặp lại điệp khúc đó khi lao đầu vào công việc bất kể giờ giấc để thỏa mãn những đòi hỏi hưởng thụ. Người giàu chạy theo tiện nghi vật chất, người nghèo tất bật để tìm miếng cơm manh áo. Kẻ nghèo người giàu đều bị cuốn hút bởi cái đói vật chất như nhau. Họ đã bỏ qua cái đói khát tinh thần mà hôm nay Chúa Giê-su dạy phải ra công tìm kiếm. Người ta lo tìm của nuôi sống phần xác nhưng lơ là với việc nuôi sống linh hồn. Người ta lo sợ cho vấn đề an toàn thực phẩm như vệ sinh thực phẩm, tình trạng sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm; việc sản xuất  một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ  môi trường, đang  gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Nhưng người ta lại lơ là gìn giữ an toàn cho tinh thần. Tệ nạn gia đình và xã hội tràn lan. Luân lý, đạo đức bị coi thường và còn ngàn ngàn những tiêu cực đủ loại diễn ra hằng ngày khiến những người còn chút lương tâm cũng phải đau lòng và tự hỏi: xã hội sẽ đi về đâu với những cảnh nghiệt ngã thiếu tình thương như thế!

Chính vì thế mà con người ngày nay đang bị đói về nhiều phương diện:

Đói khát tương quan: Nhiều người vì nghèo, vì thất học, vì mang tật bẩm sinh, vì mang những bệnh lây nhiễm nguy hiểm đã bị anh em mình khai trừ. Họ đã sống trong một ốc đảo của cô đơn với nhiều mặc cảm. Những anh em này đói khát một tình bạn chân thành để chia sẻ những nỗi đau, nỗi tủi nhục, nỗi oan ương chất ngất trong lòng. Họ không mong ước được những tình bạn sâu sắc như Lương Bình và Dương Lễ, cũng không mong tình bạn keo sơn như Lưu BịQuan VũTrương Phi  kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Nhưng chỉ mong có người cảm thông, yêu thương, an ủi và chia sẻ để dịu đi vết thương thể xác cũng như tinh thần, nhưng thật khó thay! 

Đói khát hy vọng: Ngày nay con người đói khát niềm hy vọng nên cuộc sống của họ mất bình an, hạnh phúc. Hy vọng là một trong ba cái chân của cái kiềng là đức tin và lòng bác ái. Hi vọng cho con người thấy bến đỗ chắn chắn của mình. Hy vọng giúp con người an vui với số phận và kiên tâm vượt khó. Nhưng người không có niềm trông cậy này dễ nao núng, thất vọng và hoảng hốt khi thấy cuộc đời mình đến thời chấm chót. Ngày nay nhiều người đang chới với trước những nghi nan, vô tín, họ không tìm được bến đỗ bình an vì không có niềm tin. Ai sẽ giúp họ tìm được chân trời mơ ước đó? Họ là những người đáng thương nhất vì đang đói khát hi vọng.  

Đói khát tình yêu: Con người cần yêu và được yêu. Ngày nay có biết bao trẻ thiếu tình yêu của cha mẹ, bao trái tim khô cứng vì không yêu và không được yêu. Bao người cô đơn sống giữa chợ đời. Bao mảnh đời bất hạnh không ai thương giúp. Bao người đau khổ tinh thần không được đỡ nâng. Bao bệnh nhân nan y bị đẩy ra ngoài xã hội và còn biết bao những người kéo lê cuộc đời trong vũng nước mắt khổ đau tinh thần và thể xác. Họ không được nếm hưởng vị ngọt ngào của tình yêu gia đình và xã hội. Họ đang khao khát tình yêu nhưng ai sẽ là người cho họ được hưởng vị thơm mát này?

Đói khát Đức Tin: Những người đói khát đức tin là những người không biết Thiên Chúa là ai, không biết Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng nên muôn vật và dựng nên chính mình. Không biết Ngài là Cha yêu thương, gìn giữ, nuôi nấng và quan phòng đời sống mình. Họ không biết Ngài luôn nhận lời để ban ơn cần thiết khi họ khiêm tốn van xin Ngài.  Họ không tin rằng Thiên Chúa có thể làm những điều vượt hơn tất cả những gì họ cầu xin hay nghĩ tới (x. Ep 3,20). Họ không biết rằng không có gì là quá khó khăn đối với Chúa, và với Ngài, mọi sự đều có thể (x. Mc 10,27; Lc 1,37). Họ không biết Thiên Chúa luôn luôn trung tín trong Lời Ngài và Đức tin bảo đảm chắc chắc Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã hứa. Những con người này đáng thương nhất nhưng ai sẽ là người dám ra đi đem Tin Mừng tình yêu cho những người đang ngồi nơi tối tăm đó?

Đói khát Thiên Chúa: Nhiều người ngày nay đói khát Thiên Chúa nhưng họ không lên đường tìm kiếm và chấp nhận buông xuôi cho số phận. Họ thật đáng thương! Khi cuộc đời bế tắc, bị dồn vào chân tường, hay gặp hoạn nạn, họ dễ dàng tìm đến cái chết để giải quyết. Ngược lại với những người đói như thế là những người thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Chúa sẽ cho họ cảm được điều mà Thánh Augustino cảm nghiệm: “Lạy Chúa, Chúa cao cả và đáng muôn lời ca ngợi: quyền năng Chúa lớn lao và trí tuệ Chúa khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, lại dám nghĩ có thể ca ngợi Chúa mặc dù chính con người đó, với số kiếp phù du, mang nơi mình tang chứng của tội lỗi và dấu chứng Chúa chống lại kẻ kiêu căng. Dù sao, con người, phần nhỏ bé của muôn loài Chúa đã tạo nên, muốn ca ngợi Chúa. Chính Chúa thúc giục con người làm như vậy, khi cho họ tìm được sướng vui trong lời ngợi khen Chúa, vì Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ ngơi trong Chúa” (Thánh âu-tinh, tự thuật 1.1,1).

Thật ra, nỗi khát khao về ĐấngTuyệt Đối chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy. Nỗi khát vọng này Thiên Chúa đã in vào đáy lòng chúng ta và chỉ khi chúng ta hướng về Ngài, tìm kiếm ngài, gặp gỡ Ngài chúng ta mới được hạnh phúc hoàn toàn. Đây là thứ lương thực cần hơn mọi thứ lương thực phần xác. Cái đói khát này còn đói hơn mọi cái đói khác. Người ta không chết vì đói thể xác nhưng đói về tinh thần. Nhật bản một nước văn minh, giầu có, tiện nghi nhưng có nhiều bạn trẻ tự tử nhiều nhất. Người ta không tự tử vì thiếu cơm bánh nhưng tự tử vì thiếu lương thực cần thiết như Chúa Giê-su nói hôm nay.

Và Ngài khẳng định: Chính tôi là Bánh Trường Sinh…Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Ai đói khát Thiên Chúa Ngài sẽ cho thỏa mãn. Thực phẩm này mới cho chúng ta no thỏa mãi mãi. Chúng ta là những kẻ hành hương trên trần thế nhưng lại ao ước cuộc sống bất tử nên Chúa Giê-su đã hứa với ta: “Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời.”

Xin Chúa cho chúng ta biết đói khát Ngài để luôn tìm kiếm Ngài trong cầu nguyện, trong việc nghe Lời và giữ Lời Ngài, trong việc dấn thân theo Ngài bằng cách chọn Ngài làm đối tượng duy nhất và trước nhất, để cuộc đời chúng ta tràn đầy những suy nghĩ, tư tưởng và lối sống yêu thương. Và cuối cùng, để Chúa sống trong ta và để ta sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống vì vinh quang Chúa, để chúng ta được no thỏa Chúa, say mê Chúa, đăm mê Chúa như Thánh Tông Đồ: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Ki-Tô sống trong tôi.” (Gl 2,20).

Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon