Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN, 23.09.2018
Anh chị em thân mến,
Bài Đọc I được trích từ sách Khôn Ngoan đã nói về những người công chính bị bách hại, về những con người mà chỉ cần có sự hiện diện của họ thôi cũng đủ làm cho những kẻ vô tín phải khó chịu. Kẻ vô tín được mô tả là kẻ chuyên áp bức người nghèo, không có sự cảm thông với các cô nhi, quả phụ, và thiếu kính trọng đối với những bậc cao niên (xc. Kn 2,10). Kẻ vô tín vênh váo tin rằng, sức mạnh của họ chính là thước đo cho công lý. Chúng bắt những người yếu kém làm nô dịch, sử dụng bạo lực thuộc bất cứ hình thức nào, cưỡng bức người khác phải có cùng cách nghĩ, phải đi theo một ý thức hệ, và phải có cùng một thế giới quan; chúng dùng bạo lực hay sự áp bức để bắt người khác phải khom lưng cúi mình, trong khi những người bị khuất phục ấy thường là những con người chất phác và giản dị với những thái độ chân thành, khiêm tốn, chịu thương chịu khó và sẵn sàng giúp đỡ, mà với những thái độ như thế, họ cho thấy rằng, có thể làm cho thế giới và xã hội trở nên khác đi. Người vô tín không cảm thấy thỏa mãn trước việc mình được tùy thích làm cái mà mình muốn, cũng như để cho mình bị lôi kéo bởi tính khí của mình; hắn không muốn rằng, cách thức hành động của mình bị lôi ra ánh sáng bởi sự chính trực của người khác. Nơi những kẻ vô tín, sự ác luôn luôn cố gắng tiêu diệt sự thiện.
Cách nay 75 năm, quốc gia này đã phải trải qua một sự hủy hoại hoàn toàn bởi Ghettos de Vilnius; trong biến cố đó, sự tiêu diệt hàng ngàn người Do-thái đã đạt tới đỉnh điểm kể từ khi nó được bắt đầu trước đấy hai năm. Như được viết trong sách Khôn Ngoan, dân tộc Do-thái đã phải bước qua những phỉ báng và những nỗi nhục hình. Chúng ta hãy nhớ tới thời điểm đó, và chúng ta hãy cầu xin Chúa, ước chi Ngài ban cho chúng ta ơn biết biện phân để nhờ đó, chúng ta kịp thời phát hiện ra mầm mống mới của thái độ nguy hại đó – cũng như phát hiện ra tất cả những gì đang lôi cuốn con tim của các thế hệ mà họ đã không phải trải qua thời gian đó, và đôi khi bị cám dỗ muốn chạy theo những lời đầy tính quyến rũ ấy.
Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta nhớ tới một cơn cám dỗ mà chúng ta phải đặc biệt lưu ý, vì cơn cám dỗ đó có thể làm tổ trong bất cứ con tim nhân loại nào: đó là cơn cám dỗ khát khao có được những địa vị quan trọng, khát khao được hơn người. Vẫn thường xảy ra chuyện một dân tộc cảm thấy mình ưu việt, và đòi hỏi cho mình có được nhiều quyền lợi hơn, nhiều đặc quyền đặc lợi hơn, mà những đặc quyền đặc lợi đó phải được duy trì hay phải được thủ đắc. Chúa Giê-su đã đã đưa ra cách thức nào để chống trả khi những cảm giác đó biểu lộ trong con tim chúng ta hay trong đời sống của một xã hội hay của một quốc gia? Trở nên người cùng rốt cũng như trở thành người phục vụ mọi người; chọn đứng vào chỗ không ai muốn bước chân vào, nơi chẳng có gì để mong chờ, đi tới những vùng biên thùy xa xôi hẻo lánh nhất; và phục vụ bằng cách tạo ra những không gian cho sự gặp gỡ với những con người phận nhỏ, với những người bị loại trừ. Nếu những kẻ có quyền lực quyết định làm như vậy, nếu chúng ta để cho Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô đụng chạm tới nơi thẳm sâu nhất của mình, thì rồi “sự toàn cầu hóa tình liên đới” sẽ trở thành hiện thực. Trong một thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia, mà ở đó những hình thức chiến tranh và đụng độ khác nhau vẫn thường tái xuất hiện, thì các Ki-tô hữu chúng ta cứ kiên tâm với lời đề nghị hãy nhìn nhận người khác, chữa lành những vết thương, kiến tạo những cây cầu, thắt chặt các mối tương quan, và giúp nhau để “người này có thể mang giúp gánh nặng cho người khác” (Gal 6,2) (Tông Huấn Evangelii gaudium, 67).
Ở đây, tại Litauen này có một ngọn đồi mà trong suốt nhiều thế kỷ, hàng ngàn người đã tạo nên những cây Thánh Giá tại đó. Cha mời gọi anh chị em, trong khi đọc Kinh Truyền Tin, hãy cầu xin cùng Đức Maria, xin Mẹ giúp chúng ta biết bố trí những cây Thánh Giá phục vụ và tận hiến của chúng ta tại những nơi mà người khác đang cần tới chúng ta, trên những ngọn đồi mà những người hèn yếu nhất đang sống tại đó, nơi đang cần có sự quan tâm đầy tinh tế đối với những người bị loại trừ và những người thuộc nhóm thiểu số. Vì thế, trong môi trường sống và trong các nền văn hóa của chúng ta, chúng ta có thể ngăn cản việc người khác bị hủy hoại, bị đẩy ra bên lề hay tiếp tục bị loại trừ, chỉ vì người ấy gây khó chịu cho chúng ta hay gây nhiễu cho sự an nhiên tự tại của chúng ta.
Chúa Giê-su đã đặt một em bé vào giữa, Ngài đặt em trước mọi người với những khoảng cách giống hệt nhau, để tất cả chúng ta đều cảm thấy bị thách đố phải đưa ra câu trả lời. Giờ đây, khi chúng ta nhớ tới Đức Maria, chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ, xin Mẹ làm cho lời thưa Xin Vâng của chúng ta được trở nên quảng đại và phong nhiêu như lời thưa Xin Vâng của Mẹ.
Quảng trường Santakos, Kaunas, Lithuania
Trưa Chúa Nhật ngày 23 tháng 09 năm 2018
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ