Đức TGM Marek Zalewski gặp gỡ Tu sĩ Giáo phận Xuân Lộc

0

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI
GẶP GỠ TU SĨ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Chiều ngày Thứ Năm 25/10/2018, hơn 700 tu sĩ Giáo Phận Xuân Lộc đã tập trung tại Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm để chào đón và gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski- Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. 
15g15: Trước khi tiếp đón Đức Tổng Giám Mục Marek, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc, đã gặp gỡ các tu sĩ, giới thiệu và hướng dẫn Chương trình Mục vụ của Giáo Phận Năm 2018-2019. Với chủ đề Năm Mục vụ “Gia đình hãy là Dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa, Đồng hành với những Gia đình gặp khó khăn”, Đức Cha Phụ Tá Gioan đã giải thích lý do tại sao Đức Cha Giáo phận lại nhấn mạnh và lập đi lập lại ý tưởng Lòng Thương Xót trong chương trình Mục vụ suốt ba năm (2016-2017, 2017-2018, 2018-2019). Tiếp đến, Đức Cha Gioan cho biết hai điểm nhấn khi thực hiện chương trình Mục vụ: (1) Loan báo Tin Mừng và (2) Đồng hành với các gia đình đang gặp đau khổ. 
16g10: Sau phần gặp gỡ của Đức Cha Gioan, là phần chào đón Đức TGM Marek Zalewski của mọi thành phần, linh mục-tu sĩ, quý thầy, nữ tu, tập sinh và thỉnh sinh. Những khoảng khắc đợi chờ đã nói lên sự hiệp thông và tùng phục, yêu mến không chỉ với vị Đại Diện Tòa Thánh, nhưng còn là với Đức Thánh Cha Phanxicô, Vị Cha Chung của tất cả mọi người trong Giáo Hội. Cùng đi với Đức TGM Marek thăm và gặp gỡ tu sĩ Giáo phận là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận.
16g20: Giờ chầu Thánh Thể kết hợp với những lời kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi đã liên kết Đức TGM Marek, Đức Cha Giuse và quý tu sĩ nam nữ nên một trong cùng một Bánh Thánh, nơi đó, Tình Yêu tự hiến và trao ban của Chúa Giêsu Thánh Thể là khuôn mẫu cho đời sống dâng hiến của mỗi người.
16g40: Sau vũ khúc chào mừng đậm nét văn hóa Việt của quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, Cha Đa Minh Đinh Viết Tiên, Đại diện Liên Tu sĩ Giáo phận đã bắt đầu chương trình chính thức với lời chào mừng Đức TGM Marek, cũng như với Đức Cha Chánh Giáo phận. Trong lời chào mừng, Cha Đại diện Gia đình tu sĩ Giáo phận cũng sơ lược thông tin về các dòng tu, nhân sự và hoạt động để Đức TGM được rõ. Những cánh hoa xinh tặng dâng lên Vị Đại Diện Tòa Thánh nói lên tâm tình của Gia đình Tu Sĩ Giáo phận dành cho Ngài ngay từ phút đầu gặp gỡ.
17g00: Phần chia sẻ của Đức TGM Marek với gia đình Tu sĩ Giáo phận. Đảm nhận phần thông dịch cho Đức TGM Marek là Nữ tu Maria Trần Thị Sâm, thuộc Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm. 
Mở đầu phần chia sẻ, Đức TGM Marek đã nói lên niềm vui và hạnh phúc của Ngài khi được hiện diện trong ngôi nhà, nơi mà rất đông đảo tu sĩ của Xuân Lộc đang có mặt. Đồng thời, Ngài cũng gửi lời cám ơn đến Đức Cha Chánh Giuse và Đức Cha Phụ Tá Giáo phận, cũng như mọi người đã tổ chức buổi gặp gỡ quý giá này. 
Khơi gợi lại cảm xúc cách chân thành, Đức TGM cho biết Ngài đã cảm thấy thật xúc động, hứng khởi, vinh hạnh khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Đại Diện cho Ngài tại Việt Nam. Đức TGM cho biết thêm, trong lần gặp gỡ rất thân tình và gần gũi với Đức Thánh Cha hôm tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Đức Tổng hai điều quan trọng. Thứ nhất, Đức Thánh Cha nhờ Đức Tổng Marek chuyển lời thăm hỏi của Đức Thánh Cha đến quý Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân. Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước mọi thành phần hãy luôn tin chắc rằng Ngài luôn cầu nguyện cho tất cả và mọi người luôn ở trong trái tim của Ngài. Lý giải cho điều này, Đức Tổng Giám Mục cho biết, Đức Thánh Cha rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam cùng mọi người dân Việt Nam, đặc biệt với những người đấu tranh cho công lý và hòa bình tại Việt Nam. Về phần Đức TGM, ngài đã hứa sẽ chuyển trao tình yêu thương của Đức Thánh Cha đến với mọi thành phần Dân Chúa của Giáo Hội Việt Nam mỗi khi Ngài có dịp gặp gỡ. Đồng thời, ngài cũng sẽ  thuyết phục mọi người về “sợi dây liên kết” trong tinh thần rất đảm bảo, gần gũi giữa Đức Thánh Cha và mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam, cho dẫu không thể gặp gỡ trên phương diện thể lý. Đức TGM hy vọng rằng một ngày nào đó, tất cả mọi tín hữu Việt Nam sẽ được gặp ĐTC tận mắt, với xương thịt hữu hình tại mảnh đất Việt Nam này, vì Việt Nam cũng là một Giáo Hội địa phương mà ĐTC luôn mong muốn đến thăm.
Với sự linh hoạt và khôn ngoan, Đức TGM Marek đã thay đổi cách thức chia sẻ khi đề nghị các tu sĩ đặt câu hỏi để Ngài có thể lắng nghe những thao thức của mọi người và trả lời trực tiếp những vấn đề nêu lên. Một số câu hỏi xoay quanh vào các nội dung như: tâm tình, cảm nghĩ của Đức TGM khi được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam; những thách đố của đời tu trong những vùng miền nghèo vật chất, hoặc nghèo tinh thần; những thao thức của Ngài cho Giáo Hội Việt Nam; người tu sĩ Việt Nam cần sống thế nào với trong bối cảnh hiện tại…
Trả lời cho các câu hỏi, Đức TGM cho biết ngài tạ ơn Chúa vì ước mơ đến Việt Nam thành hiện thực. Điều này cho thấy, đến Việt Nam, làm việc tại Việt Nam, tiếp xúc với các tín hữu Việt Nam là một mơ ước ngài đã từng ấp ủ. Khi chia sẻ cảm nghiệm trong vai trò làm Đại Diện Tòa Thánh của Ngài, Đức TGM mong muốn Giáo Hội Việt Nam cũng sẽ có những vị cộng tác với Giáo Hội trong cùng nhiệm vụ như Ngài. Đưa ra trường hợp Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Tốt đang làm Đại Diện Tòa Thánh tại Sri Lanka, Đức TGM hy vọng trong tương lai, với con số nhiều chủng sinh, linh mục, Giáo Hội VN sẽ gửi nhiều ứng viên vào Trường Ngoại Giao của Tòa Thánh để có thể tham gia và giúp đỡ Tòa Thánh trong các công việc mới (đại sứ, thâm tán, phương diện ngoại giao của Tòa Thánh…).
Với những nội dung câu hỏi liên quan đến đời tu, nhất là đời tu của người tu sĩ Việt Nam, Ngài chia sẻ, đời tu luôn là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người, và quà tặng ấy luôn có giá trị trong mỗi hoàn cảnh. Dù trong bất cứ một bối cảnh hay định chế nào của xã hội (nghèo vật chất hay nghèo tinh thần), tất cả được xem như là những thách đố mời gọi người tu sĩ sống chiều kích ơn gọi của mình cách mãnh liệt hơn, tùy theo từng phương diện cụ thể.
Riêng tại Việt Nam, Đức TGM nhận thấy rằng đất nước Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều thay đổi ở nhiều lãnh vực. Tuy nhiên, ngài chú ý rằng, điều quan trọng của tu sĩ Việt Nam đừng quên những gì là thiết yếu của đời tu, nếu chúng ta muốn sống trọn vẹn với những gì đã cam kết. Trong một xã hội với những định chế dễ dàng, chắc hẳn sẽ làm cho đời tu dễ dàng hơn. Nhưng khi xã hội thay đổi với những thách đố mới, người tu sĩ cần phải chuẩn bị để đối phó với những thách đố đó. Tuy nhiên, ngài lưu ý, nhiều khi người tu sĩ không chuẩn bị, hoặc có thể tìm thế tránh đối đầu với những thách đố mới.
Chẳng hạn như ngày nay, khi mà những “thứ ngôn ngữ mới” được giới trẻ ưa chuộng…hay những thách đố mới khác cần được người tu sĩ tỉnh thức, có tính tiên tri để đọc ra được những dấu chỉ thời đại, những thay đổi để có thể đáp ứng được. Một khi được đào tạo kỹ lưỡng, người tu sĩ Việt Nam sẽ trở thành nhân chứng của Chúa Kitô, đối diện được với những thách đố mới trong đức tin và sứ vụ của mình, loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cho tha nhân, và sẽ giảm thiểu việc đánh mất căn tính đời tu. Cần trung thực với bản thân, với Đức Kitô và mở lòng ra với thế giới là những điều cần được người tu sĩ tại Việt Nam chú ý. 
Do đó, đừng sợ hãi khi phải thay đổi, khi phải hội nhập văn hóa, bối cảnh để hòa nhập với con người và xã hội hiện tại. Và để không sợ hãi, người tu sĩ cần phải khôn ngoan, sự khôn ngoan liên quan đến sự phân định trong đời sống. Sự phân định, biện phân trong nhiều lãnh vực, có khi liên quan đến truyền thông mới, một thế giới truyền thông bao gồm giả-thật lẫn lộn. Vì thế, cần có sự phân định khôn ngoan để phân định thực-hư những vấn đề, một truyền thông giả phá rối Giáo Hội, hoặc đánh mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Đồng thời, khi mà người trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều về những mảng tiêu cực của công nghệ thông tin, người tu sĩ cũng cần mở ra sứ vụ để giúp đỡ họ không bị nhiễu sóng, giúp họ thoát ra khỏi tình trạng ảo, để sống với những mối tương quan thật. Bên cạnh đó, người tu sĩ cũng có thể giảm bớt tình trạng bị loại trừ từ mặt trái của truyền thông hiện nay trong xã hội hiện đại. Cuối cùng, ngài kết luận về lãnh vực truyền thông đối với người tu sĩ: dùng hay không dùng phương tiện truyền thông không phải là vấn đề ở đây, nhưng điểm quan trọng cần chú ý chính là người tu sĩ phải biết nhìn thấy nó đúng như nó là, biết cách phân định đúng-sai; tốt- xấu về phương diện luân lý khi sử dụng nó để có thể sống tốt đời tu.
Trước khi kết thúc, Đức TGM đã nhắc lại ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói với các tu sĩ “ Đừng sợ” khi sống đời tu, sống nhân chứng Đừng sợ… bởi vì Ta ở cùng con” (Gr 1,8), và mọi người đã hưởng ứng đáp lại bằng băng reo “ Tu sĩ- Đừng sợ!”
Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ đặc biệt này, Cha Đại Diện Tu sĩ Giáo phận đã dâng lời tri ân Đức TGM Marek, Đức Cha Chánh Giuse vì đã tạo nhiều điều kiện để tu sĩ Giáo phận có được buổi gặp gỡ này. Cha Đa Minh cũng gởi lời cám ơn đến Nữ tu M. Madalena Phạm Thị Huy, Bề trên Tổng quyền Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm, cũng như chị em trong Hội Dòng đã rất nhiệt tình để giúp đỡ, tạo điều kiện, sắp xếp về không gian, cơ sở cũng như đáp ứng nhiều nhu cầu khác để cho việc tổ chức buổi gặp gỡ giữa Vị Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam và Tu sĩ Giáo phận Xuân Lộc được thành công tốt đẹp.
Buổi gặp gỡ và chia sẻ đã kết thúc với phần lãnh nhận phép lành từ Đức TGM Marek và Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận.
Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P
Nguồn: http://giaophanxuanloc.net

Comments are closed.

phone-icon