Lời kinh Tình yêu – Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Chúa Nhật 27 TN, Năm B

0

Suy Niệm: Lc 1,26-38

Mỗi lần tháng mười về, chúng ta lại được đặc biệt dâng lên Mẹ những bông hoa tình yêu của lời kinh Mân Côi như một bản hòa âm diệu kỳ, với những cung nhạc trầm bổng du dương nâng tâm hồn những ai yêu mến Mẹ. Lời kinh khi đọc lên, người trong cuộc cảm được vị ngọt ngào ý nghĩa lời chào của sứ Thần Gabriel. Rồi cũng cảm được sự che chở yêu thương của Mẹ khi khẩn cầu Mẹ xót thương thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình trên hành trình Đức Tin này.

Lời kinh đẹp về hình thức, hay về ý nghĩa, và súc tích về thần học luôn được mọi tầng lớp dân Chúa yêu thích dùng như lời nguyện thường hằng trong khi bình an cũng như lúc nguy khốn. Lời kinh khi đọc rồi để lại trong tâm hồn sự bình an sâu thẳm và chan chứa niềm hạnh phúc. Lời kinh của kẻ học thức cũng như bình dân, của người già cũng như người trẻ. Lời kinh không thể thiếu nơi các gia đình, nơi giáo đường cũng như nơi các viện tu nhất là nơi các linh địa của Mẹ. Khi lời kinh vang lên là cả vũ trụ như được hòa nhịp vào giây phút quyết định của công trình Cứu độ: “Mừng vui lên hỡi Đấng Đầy Ơn Phúc! Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ và Con lòng Bà gồm phúc lạ!”

Lời kinh này cuốn hút chúng tôi đến nỗi ngày nào bỏ quên là ngày ấy như thiếu một điều gì quan trọng chưa hoàn thành trước khi ru mình vào giấc điệp. Chúng tôi, những chị em thuộc gia đình Mẹ thăm viếng, những người thuộc lứa tuổi về chiều: “Những người đến giai đoạn chán cơm, thèm đất, khoái nghe kèn!” luôn luôn canh cánh bên mình xâu chuỗi để thay lời nguyện tâm sự với Mẹ.

Chúng tôi nhớ mãi cái đợt tĩnh tâm gây ấn tượng nhất tại Tu Hội Cao Thái. Trước khi vào tuần tĩnh tâm, vị tĩnh tâm chuẩn bị cho chúng tôi món ăn khai vị tinh thần đậm đà ý nghĩa. Ngài nói với chúng tôi những lời lẽ rất tự nhiên, đơn sơ cởi mở: Thưa các lão bà bà, hôm nay các lão bà bà bước vào tuần tĩnh tâm, tôi chỉ xin các lão bà bà nhớ cho rằng: các lão bà bà chẳng còn nhan sắc như “hoa nhan nguyệt mạo, hoạt sắc sinh hương” như trước nữa. Các bà cũng không còn sức khỏe, hoạt bát, lanh lẹ của tuổi trẻ nữa. Nước da đã ngã màu, nhăn nheo, đồi mồi. Mái tóc muối tiêu, trắng như cước. Mắt xệ, má hóp, răng rụng, bàn tay bàn chân nổi rõ những đường gân xanh… các lão chẳng còn vẻ gì hấp dẫn nữa nên xin các lão bà bà trong tuần tĩnh tâm này chỉ suy niệm và cầu nguyện như sau: “ Sức khỏe, bình an, ăn khoai lang. Lang thang lần hạt, chầu Thánh Thể.”

Điều này chúng tôi cũng đã biết rồi nhưng trong tuần tĩnh tâm nó để lại nơi chúng tôi một ấn tượng nhớ đời. Tuổi xế chiều rồi còn bay nhảy mơ mộng gì được nữa. Đến ngưỡng cửa này chúng tôi chỉ cầu có sức khỏe , tâm hồn bình an, say mê cầu nguyện là hạnh phúc rồi.

Ngoài giờ chầu Thánh Thể, chiều chiều khi hoàng hôn ngã bóng chị em chúng tôi từng đôi lang thang lần hạt trong làn gió hiu hiu thấy mà sướng. Miệng chúng tôi nhẩm nhẩm câu kinh kính mừng mà lòng cảm thấy bình an hạnh phúc. Lời kinh ý nghĩa ấy đã cuốn hút chúng tôi.Tôi thấy lão nào cũng mân mê tràng chuỗi với nét mặt rạng rỡ sự thanh thoát. Có lần tôi hỏi các lão: các lão thích lần hạt không? Các lão phấn khởi trả lời cách rất tự tin:

 “Có chứ! Đọc kinh thấy nó ngọt ngào làm sao ấy.” Thảo nào nơi hành hương Fatima và Lộ Đức, những người hành hương lần hạt cả đêm lẫn ngày.

Hồi còn trẻ tôi rất cảm động khi thấy bố tôi thức rất sớm lẩm nhẩm lần hạt và ban ngày tay phải cầm chỗi quét nhà, tay trái lần chuỗi. Và khi đi đường tôi thấy những cụ già ngồi một mình vân vê tràng hạt. Nhờ những hình thức cầu nguyện bình dân này mà nhiều gia đình, xứ đạo còn giữ được đức tin và lòng đạo đức. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxico ngày 13-10-2017 trong sứ điệp video gửi các tín hữu tham dự buổi lễ kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Sứ điệp được chiếu trên màn hình tại nhiều phòng ở Đền thánh Đức Mẹ Fatima trong cuộc hành hương quốc tế. ĐTC nói: “Tôi để lại cho anh em một lời khuyên: đừng bao giờ rời bỏ tràng hạt, hãy đọc kinh Mân Côi như Đức Mẹ yêu cầu… Đừng bao giờ rời bỏ Mẹ; như một người con nhỏ cạnh mẹ và cảm thấy được an ninh, cạnh Đức Mẹ chúng ta cũng cảm thấy an ninh, đó là sự bảo đảm của chúng ta”.

Khi ban phép lành cho các tín hữu, cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha đã rút trong túi áo Ngài xâu chuỗi Mân Côi và Ngài mong ước cho các tín hữu cũng luôn mang trong mình (Ecclesia 13-10-2017).

Tôi rất thích tư tưởng của tác giả Antôn Lương Văn Liêm nói về chuỗi mân côi: “Tràng chuỗi Mân Côi tuy đơ sơ, rẻ tiền, nhưng ta có thể ví sản phẩm này như chiếc điện thoại di động hoàn hảo nhất, bền nhất; không tốn năng lượng, không phải bỏ ra kinh phí thuê bao dù trả trước hay trả sau; không bao giờ lỗi thời, người già và trẻ em, sống đời tận hiến hay giữa đời thường đều sử dụng được, người sáng tạo ra nó không ai khác là Thiên Chúa Ba Ngôi, người giới thiệu sản phẩm là Mẹ Maria, nhà phân phối chính là Giáo Hội. Sản phẩm tuyệt vời này có chức năng liên lạc, tâm sự, xin trợ giúp về mọi mặt và mọi phương diện rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cũng như cuộc sống đời sau; mạng nối kết vượt thời gian, không gian, liên lạc được giữa trời và đất, giữa ta và Đấng Tạo Hóa, giữa ta với các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn nơi luyện ngục, qua tổng đài tuyệt đối hoàn hảo không bao giờ bị mất sóng, tắc nghẽn, gián đoạn, lại kết nối nhanh như chớp, đó là Đức Trinh Nữ Maria, phím nối kết là lời kinh Kính Mừng rất đơn sơ. Ấy thế mà lại rất ít người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ và các đấng mày râu.”

Biết bao người đã dùng chuỗi Mân Côi để lướt thắng ba thù, và giải quyết vấn đề khúc mắc trong cuộc sống cách dễ dàng. Mẹ sẽ cùng đi, cùng chiến đấu với chúng ta. Ðức Thánh Gioan XXIII cảm nghiệm được hồng ân lớn lao cho những ai biết đến với Mẹ bằng chuỗi Mân Côi nên Ngài đặc biệt khuyên các gia đình: “Chớ gì kinh Mân Côi là hương thơm, là sự bình an cho gia đình các con; ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ Maria, để được gìn giữ sự trong trắng ngây thơ; ước chi các bạn thanh niên học được nơi Ðức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Ðức Nữ Trinh.”

Trong tháng mười này, chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta năng đến với Mẹ bằng lời kinh mà Mẹ yêu thích, để chúng ta tìm cho mình một con đường nên thánh như Mẹ: Sống tin yêu phó thác, khiêm tốn phục vụ anh em bằng tình yêu của Mẹ.

Xin Mẹ giúp chúng ta vững bước trên cuộc hành trình đức tin dẫu phải trải qua những đau khổ ngặt nghèo mà tự sức chúng ta không thể vượt qua. Mẹ sẽ đỡ nâng, dìu dắt, an ủi để chúng ta không gục ngã giữa đường, vì Mẹ đã từng trải nghiệm những thương đau trong cuộc đời trước chúng ta.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon