Quyền để phục vụ – Suy Niệm Chúa Nhật 19 TN, Năm B

0

QUYỀN ĐỂ PHỤC VỤ

Suy Niệm: Mc 10,35-45

Quyền bính có sức hút mãnh liệt ngang với tiền bạc. Người ta tìm mọi cách để leo lên đài danh vọng. Theo dõi màn tranh cử tổng thống, chúng ta mới thấy quyền ăn trên ngồi chốc hấp dẫn con người như thế nào. Xưa cũng như nay, chức tước chi phối con người, khiến họ chăm chỉ trau dồi kinh sử để thăng hoa tiến chức. Cũng vì say mê quyền bính mà các bậc cha mẹ luôn là áp lực đối với việc học của con cái. Họ luôn kỳ vọng, mong muốn con em mình được giỏi giang hơn người để làm rạng rỡ gia môn cũng như có được tiền đồ sáng lạn. Cũng trong chiều hướng đó, mà hôm nay hai anh em con ông Dê-bê-đê đến xin Chúa dành cho mình một chức tước nào đó khi Ngài lên ngôi.

Trước khi trả lời cho hai môn đệ, Chúa Giê-su xin họ hãy cùng Ngài đi vào con đường đau khổ. Con đường này sẽ hạ bệ tính thích “ tiền hô hậu hét”, diệt thói tham quan:

 “Lễ lộc mang đến cửa quan
Khác nào như thể mang than đốt lò”( ca dao)

Và Chúa đưa ra một nguyên tắc mà người đời không dễ chấp nhận: “làm lớn là để phục vụ”.

Sở dĩ ngày nay người ta chống đối những người không lo phục vụ dân nhưng ky cóp cho bản thân mình bằng những cuộc biểu tình và nhiều hình thức nhắc nhở khác. Ngày xưa, thời phong kiến, dân không được quyền ăn nói nên người ta đã biểu lộ sự tức bực qua những câu ca dao, thành ngữ châm biếm như: “Chơi với quan Thanh Lâm như giáo đâm vào ruột.” hay câu :

 “ Quan có cần nhưng dân chưa vội.
Quan có vội, quan lội quan sang.”

Khi sự chịu đựng vỡ bờ thì người ta gửi gắm tâm sự vào một nhân vật hư cấu để trút nỗi lòng căm giận. Điển hình là nhân vật Trạng Quỳnh, một nhân vật do người dân dựng nên, nhằm mục đích chế diễu quan lại thời phong kiến, chỉ trích thói áp bức, chống tham nhũng của những người cầm quyền là vua Chúa, quan lại và đặc biệt chống lại quyền thôn tính của Đế quốc Trung Hoa. Tóm lại là đả phá mọi hà khắc bóc lột của vua chúa quan lại thời bấy giờ. Trạng Quỳnh là nhân vật nổi tiếng trong dân gian, đại diện cho tài trí, thông minh, dí dỏm, trào lộng. Ông có trí tuệ mẫn tiệp, một con người hòa hiệp, trượng nghĩa đấu tranh bảo vệ lẽ phải và sự tiến bộ xã hội. Ông đả kích, hạ bệ các đối tượng gian ác, lừa mị, bài trừ điều xấu. Ông công kích những kẻ chỉ lo “vinh thân phì da” mà không lo cho dân.

Địa vị thường đi đôi với quyền nên nhiều người thích quyền bính vì nó làm cho họ cảm thấy mình quan trọng. Người khác lại thích gây uy tín, thích tiền lương cao. Quyền giúp người ta có cơ hội để thăng hoa chính mình và để đàn áp kẻ yếu.

Jean Vanier phân biệt có hai loại quyền: Quyền theo quan niệm phàm nhân là áp đặt, thống trị và ra lệnh. Quyền theo tình yêu là đồng hành, lắng nghe, giải phóng, trao quyền giúp con người tin tưởng nơi họ và giúp họ biết ý thức trách nhiệm.

Flor McCarthy nói có ba loại quyền: quyền im lặng, quyền yêu thương và quyền giấu ẩn. Quyền tình yêu không vũ khí. Quyền này luôn chờ đợi, xây dựng sự chân thật, và đôi khi canh chừng đêm ngày trong khổ đau. Cha mẹ chờ đợi và canh chừng con mình bỏ đi và hy vọng ngày nào đó nó sẽ trở về.

Một số người đăm mê quyền như các vua chúa quan quyền ngày xưa. Họ sẵn sàng giết cha, con cái, anh em để đoạt ngai vàng để thỏa thú tính thống trị người khác. Họ lạm dụng quyền để thực hiện sự đê hèn đáng khinh bỉ. Dân lành phải chịu nhiều bi lụy vì quyền này. Ngày nay con người cũng đi vào trong vết xe cũ đó.

Khi Giacôbe và Gioan hỏi Chúa Giê-su xem họ có được một chỗ cao nào trong vương quốc của Ngài không. Các ông đã nghĩ đến tương lai của mình sau khi đã bỏ mọi sự theo Thầy. Đó là khôn ngoan vì nếu không lo xa tất sẽ phải buồn gần. Sự lo lắng cho tương lai riêng của mình đã làm nổi lên sự ghen tương giữa anh em mình. Các ông chỉ nghĩ đến vương quốc trần gian vì ở địa vị cao họ sẽ được vinh dự, vinh quang và quyền lực. Nhưng Chúa Giê-su cho họ biết vương quốc của Ngài không giống vương quốc trần thế này. Trong vương quốc Ngài thì người lớn sẽ là người phục vụ anh em hơn là phục vụ chính mình. Và quyền là cơ hội để phục vụ, chính Ngài đã đi bước trước trong tinh thần này. Quyền này không cho những người tìm quyền bính nhưng là chỉ cho những người muốn phục vụ và thi hành quyền trong sự nhân ái, yêu thương, khoan dung, thương xót và khôn ngoan. Họ phải chọn chỗ bét, chỗ của người tôi tớ, chỗ của em nhỏ. Thánh Marco đã giải thích rõ: trong anh em ai muốn làm lớn, thì ngay bây giờ phải tự nguyện làm nô lệ cho mọi người nghĩa là không lựa chọn người để phục vụ nhưng mọi người đều có quyền để được phục vụ. Thay vì tìm cách vươn lên trên anh em thì hãy nhiệt tình phục vụ họ.

Chúa Giê-su đưa ra tiêu chuẩn: Để phục vụ người đó phải sẵn sàng uống chén mà Chúa Giê-su uống, chén đau khổ và hy tế: “Các anh có uống nổi chén Thày sắp uống, hay chịu được phép rửa Thày sắp chịu không?” Các ông trả lời không cần suy nghĩ: Có! Có lẽ các ông nghĩ đó là một chén rất ngọt ngào. Và Chúa Giê-su cho hai môn đệ biết họ sẽ đi qua con đường mà Ngài sẽ qua. Điều này không dễ khi uống chén hy tế và đau khổ. Chính Chúa Giê-su đã từng xin với Cha ba lần cất chén này: “Lạy Cha nếu có thể xin cất chén này khỏi con nhưng đừng theo ý Con một xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Các Ngài không biết sự yếu đuối của mình nên các Ngài đã bỏ Thầy một mình trong cuộc khổ nạn.

Hôm nay Chúa cũng đang nói với mỗi người chúng ta: Hãy uống chén đắng của Ta khi ngự tòa với Ta. Ngai của Ta là ngai Thập giá, quyền của Ta là quyền yêu thương và phục vụ. Vương quyền của Ta là vương quyền tình yêu. Tình yêu không có sự phân biệt đối xử nhưng tất cả đều bình đẳng trong sự hiệp nhất. Những người có địa vị trong vương quốc của Ta là những người khiêm tốn phục vụ, cúi xuống rửa chân cho anh em mình.

Qua bài học này Chúa muốn dạy chúng ta đừng ham hố chức quyền đời này nhưng mong ước chỗ của hàng tôi tớ. Đó là chỗ mà Chúa Giê-su đã chọn và đã được các ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa: “Người Tôi Tớ Đau Khổ”. Đây là tiêu chuẩn để chúng ta chọn lựa khi sống ở trần gian này. Người tôi tớ của Thiên Chúa cũng là tôi tớ của anh em mình.

Ước muốn hơn người, đam mê quyền bính thuộc con người hạ giới. Chúng ta phải luôn luôn thanh luyện nhu cầu tự nhiên này bằng cách nhìn nhận những ân huệ của Chúa nơi anh em để trân trọng và giúp họ phát triển những ân huệ đó để phục vụ. Còn chúng ta hãy làm lợi những nén bạc Chúa trao để chia sẻ cho tha nhân với lòng bác ái. Chúng ta hãy luôn tâm niệm lời Chúa dạy hôm nay: Người làm đầu phải là người phục vụ. Phục vụ bằng mọi khả năng Chúa ban.

Xin Chúa giúp chúng ta sống điều Chúa mời gọi hôm nay để những người cần được phục vụ sẽ bớt khổ, bớt đau, bớt tủi, bớt bị xỉ nhục khi những người tin Chúa đi vào con đường khiêm tốn yêu thương của Chúa.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu, O.P

 

 

Comments are closed.

phone-icon