Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
gửi các tín hữu Công giáo Trung Hoa và Giáo hội hoàn vũ
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100,5)
Kính gửi quý hiền đệ khả kính trong hàng Giám mục,
quý Linh mục,
quý nam nữ Tu sĩ,
và tất cả các tín hữu thuộc Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa,
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng nhân hậu của Ngài vững bền mãi mãi: “Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 100,3).
Trong khoảnh khắc này, Cha lại chợt nhớ tới những lời mà với chúng, vị tiền nhiệm đáng kính của Cha đã kêu gọi anh chị em: “Hỡi Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa, bạn là đoàn chiên nhỏ, nhưng bạn sống và hoạt động trong sự mênh mông rộng lớn của một dân tộc khổng lồ, mà dân tộc ấy đang bước đi trong lịch sử, và những lời có tính đầy khích lệ sau đây của Chúa Giê-su có vẻ như đang được dành riêng cho bạn: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32) […]: Vì thế, “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16) (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thư gửi các Đức Giám mục, các Linh mục, các Tu sĩ nam nữ và các tín hữu của Giáo hội Công giáo tại cộng hòa nhân dân Trung Hoa [27.05.2007], 5).
1. Trong thời gian vừa qua, nhiều giọng nói trái ngược nhau về sự hiện diện, và đặc biệt là về tương lai của các Cộng đoàn Công giáo tại Trung Hoa, đã được lưu hành. Cha ý thức rằng, một sự ồn ào như thế nơi những ý kiến và những quan sát đã tạo nên một sự hỗn loạn không hề nhỏ, mà sự rối loạn ấy đang khơi lên những cảm xúc tương phản trong nhiều tâm hồn. Sự nghi nan và sự lúng túng đang bất thần xuất hiện nơi một số người. Những người khác thì có cảm tưởng rằng, họ đang bị Tòa Thánh bỏ rơi ngay trong lúc cùng khốn, và đồng thời đặt ra những câu hỏi đau đáu về giá trị của sự khổ đau mà người ta phải hứng chịu vì sự trung thành với Đấng kế vị Thánh Phê-rô. Nhưng nơi nhiều người khác, những mong chờ và những suy nghĩ tích cực mà chúng được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng vào một tương lai an bình hơn trong mối liên hệ đến một sự làm chứng đầy phong nhiêu cho Đức Tin tại mảnh đất Trung Hoa, lại đang chiếm ưu thế.
Tình trạng này dễ dàng được nhận ra cách đặc biệt trong mối liên hệ đến Hiệp Ước tạm thời giữa Tòa Thánh và cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mà, như anh chị em đã biết, nó đã được ký kết tại Bắc Kinh cách nay một ít ngày. Trong một khoảnh khắc rất ư là quan trọng đối với đời sống Giáo hội, thông qua Sứ Điệp vắn gọn này, Cha muốn bảo đảm với anh chị em một cách đặc biệt rằng, anh chị em luôn luôn hiện diện trong lời cầu nguyện hằng ngày của Cha. Thêm vào đó, Cha cũng muốn chia sẻ với anh chị em những tình cảm mà chúng đang có trong con tim của Cha.
Đó là những tình cảm biết ơn đối với Thiên Chúa cũng như những tình cảm khâm phục chân thành – sự khâm phục về phía Giáo hội Công giáo hoàn vũ – đối với hồng ân tín trung của anh chị em, hồng ân kiên định trong cơn thử thách và niềm tín thác được bén rễ sâu trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ngay cả khi những biến cố nào đó đã biểu lộ như là những điều đặc biệt hiểm hóc và khó khăn.
Những biến cố khổ đau luôn thuộc về kho tàng thiêng liêng của Giáo hội tại Trung Hoa cũng như của toàn thể dân Thiên Chúa lữ hành trên khắp hoàn cầu. Cha bảo đảm với anh chị em rằng, thông qua chiếc lò đúc của những cơn thử thách, Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua việc đổ đầy trên chúng ta những niềm an ủi của Ngài, đã vậy, còn chuẩn bị cho chúng ta một niềm vui lớn hơn. Với Thánh Vịnh 126, chúng ta càng xác tín hơn rằng: “Gieo trong nước mắt sẽ gặt giữa tiếng cười” (Tv 126,5).
Vậy chúng ta hãy hướng cái nhìn tiếp theo đến mẫu gương của nhiều tín hữu Giáo dân cũng như của nhiều mục tử mà họ đã không hề do dự trong việc đưa ra “lời tuyên xưng cao đẹp” (xc. 1Tim 6,13) đối với Tin Mừng, đến độ hy sinh mạng sống mình.
2. Về phía mình, Cha vẫn luôn luôn nhìn đất nước Trung Hoa là một đất nước có những khả năng to lớn, và luôn nhìn về dân tộc Trung Hoa với tư cách là người sáng tạo và bảo vệ một kho tàng vô giá của nền văn hóa và sự khôn ngoan. Di sản này được nâng cao giá trị nhờ vào việc nó luôn kiên định trước những nghịch cảnh và tiếp nhận những khác biệt, dù không tiếp xúc với sứ điệp Ki-tô giáo ngay từ những ngày đầu. Với ý định khơi lên nhân đức tín thác, Cha Matteo Ricci – một Linh mục Dòng Tên – đã từng nhận xét một cách rất sáng suốt rằng: “Trước khi người ta kết bạn, người ta phải quan sát; và một khi người ta đã kết bạn với ai, thì người ta phải tin tưởng vào tình bạn ấy” (De amicitia, 7).
Bên cạnh đó, Cha còn thêm xác tín rằng, sự gặp gỡ chỉ có thể trở nên đích thực và phong nhiêu, khi nó được tiến hành thông qua việc thực thi sự đối thoại, điều đó có nghĩa là, người ta biết nhau, kính trọng nhau và “tiến tới với nhau”, để kiến tạo nên một tương lai chung trong sự hòa điệu lớn nhất.
Hiệp Ước tạm thời đang đi theo hướng đó, và nó cũng chính là hoa trái của sự đối thoại lâu dài cũng như được tổ chức hết sức phức tạp giữa Tòa Thánh và chính quyền Trung Hoa, mà sự đối thoại đó đã được bắt đầu ngay từ thời Thánh Gio-an Phao-lô II, và được tiếp tục thực hiện bởi Đức Bê-nê-đíc-tô XVI. Liên quan đến điều đó, cả trong quá khứ lẫn tương lai, Tòa Thánh không có bất cứ một chủ đích nào khác ngoài việc hiện thực hóa những mục tiêu thiêng liêng và mục vụ của Giáo hội, cụ thể là hỗ trợ và thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng cũng như nhằm đi tới sự hiệp nhất hoàn toàn và hữu hình của cộng đoàn Công giáo tại Trung Hoa, cũng như nhằm duy trì sự hiệp nhất đó.
Liên quan đến tầm quan trọng của Hiệp Ước giữa Tòa Thánh và Trung Hoa cũng như mục tiêu của nó, Cha muốn đề nghị với anh chị em một số những suy tư, cũng như tạo thêm động lực cho hoạt động thiêng liêng và mục vụ đối với con đường mà chúng ta nên bước đi trong giai đoạn mới này.
Đó là một con đường, mà giống như đoạn đường trước đây, “nó cần tới thời gian và đòi hỏi sự thiện chí của cả hai bên” (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thư gửi cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân của Giáo hội Công giáo tại cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 27.05.2007, 4). Đối với Giáo hội bên trong và bên ngoài Trung Hoa, vấn đề không phải chỉ là việc nhìn nhận những giá trị của con người, nhưng còn là một lời đáp trả trước tiếng gọi tâm linh: Hãy đi ra khỏi chính mình, để biến “nỗi vui mừng và hy vọng, nỗi buồn sầu và sợ hãi của nhân loại ngày nay, đặc biệt là của những người nghèo và của những người bị đẩy ra bên ngoài xã hội thuộc đủ mọi kiểu cách” (Gaudium et spes, 1) thành của mình, và đón nhận những thách đố trong hiện tại mà Thiên Chúa đăng đặt trước Giáo hội. Vì thế, việc trở thành những người lữ hành trên những con đường lịch sử, và ở đây, tín thác cách đặc biệt vào Thiên Chúa cũng như vào lời hứa của Ngài, giống như Áp-ra-ham và các Tổ Phụ của chúng ta đã thực hiện trong Đức Tin, chính là một ơn gọi của Giáo hội.
Khi Áp-ra-ham được Thiên Chúa kêu gọi, ông đã lên đường trong sự tuân phục để đi tới một vùng đất mà ông không hề hay biết, nhưng mảnh đất ấy sẽ là gia nghiệp của ông, và ông cũng chẳng hề biết đường đi tới đó, nó đang mở ra trước mắt ông. Nếu Áp-ra-ham đòi phải có những điều kiện lý tưởng – thiên nhiên, xã hội và chính trị -, để rời bỏ quê hương xứ sở của mình, thì có lẽ ông sẽ không bao giờ lên đường. Thay vì thế, ông đã tín thác vào Thiên Chúa. Nghe theo Lời Ngài, ông bỏ lại đàng sau mình tất cả mọi nhà cửa và tài sản. Như vậy, không phải những thay đổi trong lịch sử đã làm cho ông có thể tín thác vào Thiên Chúa, nhưng chính Đức Tin tinh ròng của ông đã dẫn tới sự thay đổi lịch sử. Thực ra, Đức Tin chính là “điều bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ Đức Tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,1-2).
3. Với tư cách là người kế vị Thánh Phê-rô, Cha muốn củng cố anh chị em trong Đức Tin (xc. Lc 22,32) – trong Đức Tin của Áp-ra-ham, trong Đức Tin của Đức Trinh Nữ Maria, trong Đức Tin mà anh chị em đã đón nhận – và Cha muốn mời gọi anh chị em, hãy đặt niềm tín thác của mình vào Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, cũng như vào việc hiểu biết Thánh ý Ngài thông qua Giáo hội, với niềm xác tín ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng lý trí và sưởi ấm con tim chúng ta. Xin Ngài làm cho chúng ta nhận ra được việc Ngài đang muốn dẫn chúng ta tới đâu, cũng như xin Ngài giúp chúng ta vượt qua được những khoảnh khắc lầm lạc không thể tránh khỏi, cũng như thấy được sức mạnh để tiếp tục đi trên con đường đang mở ra trước mắt chúng ta, với tất cả sự cương quyết.
Chính vì để hỗ trợ và thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng tại Trung Hoa, cũng như để phục hồi sự hiệp nhất hữu hình trong Giáo hội, thì điều căn bản trước tiên là phải đề cập tới vấn để bổ nhiệm các Giám Mục. Mọi người đều biết rằng, lịch sử trẻ trung của Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa, thật đáng tiếc là đã bị đánh dấu một cách đầy khổ đau bởi những chia rẽ, bởi những tổn thương và những mối căng thẳng, mà chúng đã tập trung một cách đặc biệt xung quanh nhân vật Giám mục với tư cách là người bảo vệ Đức Tin chân thật cũng như với tư cách là sự bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội.
Trong quá khứ, khi vấn đề quyền hành được đặt ra, kể cả việc để xác định đời sống nội bộ của các Cộng đoàn Công giáo, và do đó, một sự kiểm soát trực tiếp đối với các Cộng đoàn ấy được đưa ra vượt quá những thẩm quyền hợp pháp của nhà nước, thì hiện tượng những Cộng đoàn hầm trú đã xuất hiện trong Giáo hội tại Trung Hoa. Một kinh nghiệm như thế – cần phải được nhấn mạnh – không thuộc về tính chất bình thường của đời sống Giáo hội, và “lịch sử chỉ ra rằng, các mục tử và các tín hữu chỉ có thể đánh giá điều đó với niềm mong muốn được liên kết với nỗi khổ đau để bảo toàn Đức Tin của mình một cách nguyên vẹn” (ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thư gửi các Giám mục, Linh mục, các nam nữ Tu sĩ và các tín hữu Giáo dân của Giáo hội Công giáo tại cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 27.05.2007; 8).
Anh chị em nên biết rằng, kể từ ngày sứ vụ của Thánh Phê-rô được ủy thác cho Cha, thì Cha đã thấy được ở đó một niềm an ủi lớn lao, vì Cha đã được chứng kiến niềm mong muốn chân thành của những người Công giáo tại Trung Hoa trước việc được sống Đức Tin của mình trong sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội hoàn vũ cũng như với Đấng kế vị Thánh Phê-rô, vì Ngài “chính là căn nguyên vĩnh cửu và hữu hình, cũng như là nền tảng cho sự hiệp nhất của đoàn ngũ đông đảo các Giám mục và các tín hữu” (LG, 23). Trong suốt năm nay, Cha đã nhận được biết bao nhiêu là những dấu chỉ và những bằng chứng cụ thể của niềm mong muốn ấy, kể cả từ phía các Giám mục đã gây tổn thương cho sự hiệp thông với Giáo hội, vì những yếu đuối và những sai lầm, nhưng cũng không hiếm khi vì những áp lực mạnh mẽ và phi pháp từ bên ngoài.
Vì thế, sau khi thẩm tra từng trường hợp cá nhân và riêng biệt, cũng như sau khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, Cha đã suy nghĩ rất nhiều và đã cầu nguyện để tìm ra điều tốt đẹp thực sự cho Giáo hội tại Trung Hoa. Sau cùng, trước mặt Thiên Chúa và với sự suy xét rất bình tĩnh, trong sự liên tục với những chỉ dẫn của vị tiền nhiệm trực tiếp của mình, Cha đã quyết định ban ơn giao hòa cho bảy vị Giám mục “công khai” còn lại, tức những vị đã được tấn phong mà không có sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, cũng như khôi phục họ trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội sau khi loại bỏ tất cả mọi hình phạt chiếu theo Giáo Luật. Đồng thời Cha cũng xin họ hãy biểu lộ sự tái hiệp nhất với Tòa Thánh và với Giáo hội hoàn vũ bằng những cử chỉ cụ thể và hữu hình, để trung tín với Giáo hội, bất chấp những khó khăn.
4. Trong năm thứ sáu triều đại Giáo Hoàng của Cha, tức triều đại mà ngay từ đầu Cha đã đặt dưới dấu chỉ Tình Yêu Nhân Hậu của Thiên Chúa, Cha mời gọi tất cả các tín hữu Công giáo tại Trung Hoa, hãy trở nên những người kiến tạo sự hòa giải, và ở đây, hãy nhớ tới những lời của Thánh Phao-lô với niềm hăng hái ngày càng được canh tân: “Nhờ Đức Ki-tô mà chúng ta được hòa giải với Người và được ủy thác cho sứ vụ hòa giải” (2Cr 5,18).
Vì – như Cha đã viết nhân dịp bế mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót – “Chẳng có Lề Luật nào cũng chẳng có quy định nào có thể ngăn cấm Thiên Chúa tái ôm chầm lấy người con trở về với Ngài và thú nhận rằng mình đã phạm phải một lỗi lầm, nhưng đã quyết định làm lại từ đầu. Việc quá bấu bám vào Lề Luật sẽ dẫn tới chỗ ngăn cản Đức Tin và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. […] Ngay trong những trường hợp phức tạp nhất mà trong đó người ta bị cám dỗ phải ưu tiên cho công lý mà công lý ấy chỉ phát sinh từ những quy định, thì người ta phải tin vào sức mạnh phát xuất từ ân sủng của Thiên Chúa” (Misericordia et misera [20..11.2016], 11).
Trong tinh thần ấy và với những quyết định liên quan, chúng ta sẽ có thể chọn đi theo một con đường mới, mà – như chúng ta hy vọng – nó sẽ giúp để chữa lành những vết thương của quá khứ, hầu tái khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn của tất cả các tín hữu Công giáo tại Trung Hoa, cũng như mở ra một thời kỳ mới càng ngày càng cộng tác với nhau hơn trong tình huynh đệ, để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng với niềm hăng hái mới, vì Giáo hội hiện hữu để làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô cũng như cho Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, mà Tình Yêu ấy luôn tha thứ và có khả năng cứu độ.
5. Ngay cả khi Hiệp Ước tạm thời đã được ký kết với chính quyền Trung Hoa chỉ giới hạn nơi một số khía cạnh của đời sống Giáo hội, và có thể cải thiện khi cần thiết, thì tự bản chất, nó cũng có thể đóng góp trong việc viết ra một trang sử mới của Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa. Đây là lần đầu tiên nó mở ra những yếu tố có tính ổn định trong sự cộng tác giữa các nhà lãnh đạo quốc gia và Tông Tòa, trong niềm hy vọng sẽ bảo đảm cho Cộng đoàn Công giáo có được những mục tử tốt lành.
Trong mối liên hệ ấy, Tòa Thánh quyết tâm tuân thủ một cách nghiêm túc nhất sứ mạng đã được ủy thác cho mình, nhưng cả anh chị em nữa, hỡi các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân, anh chị em cũng đang đảm nhận một vai trò quan trọng: Cùng tìm kiếm những ứng cử viên tốt lành, mà những ứng cử viên đó có khả năng đảm nhận chức vụ Giám mục đầy khó khăn nhưng quan trọng trong Giáo hội. Cụ thể là không bổ nhiệm những quan chức để quản lý những vấn đề tôn giáo, nhưng là có những mục tử đích thực theo lòng mong ước của Chúa Giê-su, tức những mục tử biết hoạt động với niềm hăng hái và sự quảng đại trong sự phục vụ Dân Chúa, và đặc biệt là phục vụ những người nghèo và những người yếu đuối, vì họ quan tâm tới Lời Chúa: “Giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44).
Cũng trong mối liên hệ tới điều đó, vấn đề đã trở nên rõ ràng rằng, một hiệp ước chỉ là một khí cụ, và chỉ một mình nó thôi thì không thể giải quyết hết được mọi vấn đề đang tồn tại. Hơn nữa, nó sẽ trở nên vô hiệu và cằn cỗi nếu như nó không được đồng hành bởi một nỗ lực có chiều sâu để thay đổi những cách hành xử của mỗi cá nhân, và những cách thức hành động khác trong Giáo hội.
6. Trên bình diện mục vụ, Cộng đoàn Công giáo tại Trung Hoa được kêu gọi hãy hiệp nhất và vượt thắng những rạn nứt của quá khứ, mà chúng đã và đang là nguyên nhân đưa đến nhiều nỗi khổ đau cho tâm hồn của nhiều mục tử cũng như của nhiều tín hữu. Không phân biệt ai, ước chi giờ đây tất cả các Ki-tô hữu đều có thể đặt ra những dấu chỉ hòa giải và hiệp thông. Trong mối liên hệ đến điều đó, chúng ta hãy học từ lời cảnh báo của Thánh Gio-an Thánh Giá: “Đến cuối đời mình, chúng ta sẽ bị xét xử theo Đức Ái” (Những hướng dẫn thiêng liêng, 1,57).
Trên bình diện xã hội và chính trị, những người Công giáo Trung Hoa nên trở thành những công dân tốt, họ nên yêu mến quê cha đất tổ của mình với trọn tấm lòng, cũng như hãy phục vụ đất nước mình cách hăng say và chân thành, sao cho tương ứng với khả năng của mình. Trên bình diện luân lý, họ nên ý thức rằng, nhiều công dân khác đang mong chờ từ nơi họ một mức độ phục vụ lớn hơn nữa cho sự thịnh vượng cũng như cho sự phát triển hòa điệu của toàn xã hội. Điều đặc biệt nằm ở chỗ là những người Công giáo có thể thực hiện sự đóng góp có tính Ngôn Sứ và xây dựng của mình, mà sự đóng góp ấy phát sinh từ Đức Tin của họ vào Triều Đại Thiên Chúa. Điều này cũng có thể đòi hỏi từ nơi họ một sự cố gắng để nói những lời có tính phê bình không phải vì sự đương đầu vô ích, nhưng vì để kiến tạo một xã hội công bằng và nhân bản mà trong đó phẩm giá của mỗi người ngày càng được tôn trọng hơn.
7. Cha hướng về tất cả anh chị em hỡi các hiền đệ thân yêu trong hàng Giám mục, các Linh mục và những người sống đời Thánh Hiến mà anh chị em đang phụng sự “Thiên Chúa với niềm vui” (Tv 103,2). Chúng ta hãy nhận ra mình chính là những môn đệ của Chúa Ki-tô trong sự phục vụ Dân Chúa. Chúng ta hãy vượt thắng những xung đột quá khứ, cũng như hãy thắng vượt niềm khát khao muốn thực hiện cho được những mối quan tâm riêng, cũng như hãy chăm lo cho các tín hữu, bằng cách biến niềm hân hoan và nỗi khổ đau của họ thành của mình. Chúng ta hãy khiêm tốn dấn thân cho sự hòa giải và hiệp nhất. Chúng ta hãy tái chọn đi theo con đường loan báo Tin Mừng với sự cương quyết và niềm hăng say, như Công Đồng chung Vatican II đã vạch ra cho chúng ta.
Với tất cả tình thương mến, Cha xin lập lại với tất cả anh chị em: “Mẫu gương của nhiều Linh mục, Nữ tu, Nam tu và Giáo dân, mà họ đang trao hiến bản thân mình với niềm trung tín lớn lao để loan báo Tin Mừng và phục vụ – thường là dưới sự dấn thân với tất cả cuộc sống của mình, và một cách nào đó, từ bỏ tất cả mọi tiện nghi và sự thoải mái của mình -, đang đặt chúng ta vào trong sự chuyển động. Chứng tá của họ nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Giáo hộ không cần tới những kẻ quan liêu và những quan chức, nhưng cần tới những Thừa Sai nhiệt thành mà họ bị gây kiệt sức bởi niềm hăng hái trước việc sẻ chia sự sống đích thực. Các Thánh gây ngỡ ngàng và gây rối trí, vì cuộc sống của các Ngài mời gọi chúng ta hãy đi ra khỏi sự tầm thường có tính ru ngủ và gây tê liệt” (Gaudete et exsultate [19.03.2018], 138).
Với niềm xác tín, Cha mời gọi anh chị em hãy cầu xin cho được ơn không do dự khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi chúng ta phải tiến về phía trước thêm một bước nữa: “Chúng ta hãy xin cho được ơn can đảm tông đồ để tiếp tục chuyển giao Tin Mừng cho người khác, và đừng biến cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta thành một viện bảo tàng chất đầy những đồ lưu niệm. Chúng ta phải nhất thiết để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, cũng như để cho chúng ta có thể quan sát lịch sử dưới dấu chỉ tiên trưng của Chúa Ki-tô phục sinh. Bằng cách đó, thay vì trở nên mỏi mệt, Giáo hội sẽ tiếp tục tiến về phía trước, và ở đây, chào đón những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa” (nt, số 139).
8. Trong năm nay, tức năm mà toàn Giáo hội đang tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ, Cha muốn hướng một cách đặc biệt tới các con, hỡi những bạn trẻ Công giáo thân yêu tại Trung Hoa, các con đã bước qua cửa nhà Thiên Chúa “với niềm biết ơn” và với “lời ngợi ca” (Tv 100,4). Cha xin các con hãy cộng tác trong công cuộc kiến tạo tương lai của đất nước các con với những khả năng riêng mà các con đã được đón nhận với tư cách là ân ban, cũng như với sự tươi mới đầy trẻ trung nơi Đức Tin các con. Cha khẩn khoản xin các con, thông qua niềm hăng hái của mình, hãy giới thiệu niềm vui Tin Mừng cho tất cả mọi người.
Các con hãy sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn chắc chắn của Chúa Thánh Thần, Đấng đang chỉ cho thế giới ngày nay thấy được con đường dẫn tới sự hòa giải và bình an. Các con hãy để cho mình được gây sửng sốt bởi sức mạnh có khả năng canh tân của ân sủng, ngay cả khi đối với các con, có vẻ như Thiên Chúa đang đòi hỏi một sự dấn thân mà nó vượt quá tất cả mọi khả năng của các con. Các con đừng sợ lắng nghe giọng nói của Ngài, mà – bất chấp tất cả những kinh nghiệm đầy khổ đau của thời gian qua, cũng như bất chấp những vết thương vẫn đang còn rộng toác – giọng nói ấy vẫn đang tiếp tục đòi hỏi từ nơi các con một tình huynh đệ, sự gặp gỡ, khả năng đối thoại và sự tha thứ, cũng như tinh thần phục vụ.
Hãy mở rộng con tim và trí tuệ để nhận ra kế hoạch nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi con người phải vượt thắng những thiên kiến cá nhân cũng như những xung đột giữa các nhóm và các cộng đồng, hầu chọn đi theo con đường can đảm và huynh đệ trong ánh sáng của nền văn hóa gặp gỡ đích thực.
Thời đại ngày nay đang có vô vàn những cơn cám dỗ: Tự mãn về sự thành công trên thế giới, tự nhốt mình lại trong những điều an toàn và chắc chắn riêng, ưu tiên cho những đồ vật, làm như thể không có Thiên Chúa vậy. Hãy bơi ngược dòng và bám chắc vào Thiên Chúa: “Vì chỉ có mình Ngài là Đấng tốt lành, tình thương Ngài bền vững muôn năm, lòng thành tín Ngài tồn tại từ đời này tới đời kia” (Tv 100,5).
9. Anh chị em thuộc Giáo hội hoàn vũ thân mến, tất cả chúng ta đều được kêu gọi, hãy nhận ra một dấu chỉ trong thời đại mình, tức điều đang diễn ra trong đời sống Giáo hội tại Trung Hoa ngày nay. Chúng ta có một sứ mạng quan trọng: đồng hành với những người anh chị em của chúng ta tại Trung Hoa bằng lời cầu nguyện hăng say và tình bằng hữu huynh đệ. Vì họ nên cảm thấy rằng, họ không hề cô đơn trên con đường mà trong khoảnh khắc này, con đường ấy đang mở ra trước họ. Việc họ được đón nhận cũng như được hỗ trợ với tư cách là một thành phần sống động của Giáo hội, đó là điều rất cần thiết: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau!” (Tv 133,1).
Bất cứ Cộng đoàn Công giáo địa phương nào trên toàn thế giới cũng đều nên cố gắng trân quý và đón nhận sự phong phú tinh thần và văn hóa mà những người Công giáo Trung Hoa đang sở hữu. Đã đến lúc cùng nhau tận hưởng những hoa trái đích thực của Tin Mừng, mà hạt giống của nó đã được gieo vào trong lòng “Trung Quốc” cổ đại, và cất lên bài ca Đức Tin và lời tạ ơn mừng Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà bài ca ấy được bổ sung với những giai điệu thực sự của người Trung Hoa.
10. Với tất cả niềm kính trọng, tôi xin hướng về những nhà lãnh đạo của cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và tôi tái mời gọi quý vị hãy tiếp tục cuộc đối thoại với niềm tin tưởng, với sự can đảm và với cái nhìn xa trông rộng, mà sự đối thoại ấy đã tồn tại từ khá lâu rồi. Tôi muốn cam đoan rằng, Tòa Thánh vẫn sẽ tiếp tục làm việc một cách chân thành để phát triển trong tình bằng hữu đích thực với dân tộc Trung Hoa.
Các cuộc tiếp xúc hiện tại giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc đang tỏ ra rất hữu ích để thắng vượt những xung đột của lịch sử và những xung đột mới đây, cũng như để viết ra một trang sử mới của sự cộng tác an bình và cụ thể; và thực ra, trong niềm xác tín chung rằng, “trong thực tế, sự hiểu lầm sẽ chẳng có lợi gì cho chính phủ Trung Quốc lẫn cho Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa” (xc. ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Thư gửi các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân của Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa, 27.05.2007, 4).
Bằng cách đó, Trung Quốc và Tòa Thánh – cả hai đều được xác định bởi lịch sử với một sứ mạng đầy khó khăn nhưng hấp dẫn – sẽ có thể gây ảnh hưởng tích cực trên sự phát triển hài hòa và trong trật tự của Cộng đoàn Công giáo trên mảnh đất Trung Hoa. Cả hai sẽ cùng dấn thân để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội thông qua việc bảo đảm cho mỗi cá nhân đều có được một sự kính trọng lớn hơn, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo; cả hai sẽ cụ thể trong việc bảo vệ môi trường mà chúng ta đang sống, và đang làm việc trong đó, cũng như để kiến tạo một tương lai hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc.
Tại Trung Hoa, tầm quan trọng nằm ở chỗ là, ngay cả trên bình diện địa phương, các mối tương quan giữa những người có trách nhiệm nơi các Cộng đoàn Giáo hội với các cơ quan dân sự đang ngày càng trở nên phong nhiêu hơn nhờ vào một sự đối thoại có tính cởi mở, cũng như nhờ vào một sự lắng nghe không thiên kiến, mà sự lắng nghe ấy tạo điều kiện để vượt thắng những thái độ thù địch lẫn nhau. Một phong cách mới của sự cộng tác đơn thành và hằng ngày giữa những nhà lãnh đạo địa phương và Giáo hội – các Giám mục, linh mục và những bậc cao niên nơi các cộng đồng – cần phải được học hỏi trong một cách thế mà nó bảo đảm cho quá trình hoạt động mục vụ trong sự thích ứng có tính hòa hợp giữa những mong chờ hợp pháp của các tín hữu với những quyết định mà chính quyền đưa ra.
Điều đó sẽ giúp hiểu rằng, Giáo hội tại Trung Hoa không phải là một vật thể xa lạ trong lịch sử Trung Hoa, hay muốn đòi hỏi một đặc quyền đặc lợi nào đó. Mục đích của Giáo hội trong cuộc đối thoại với chính quyền dân sự là “đạt tới được các mối tương quan trong sự tôn trọng lẫn nhau cũng như trong sự hiểu biết ngày càng được đào sâu hơn” (nt).
11. Nhân danh toàn thể Giáo hội, Cha cầu xin Thiên Chúa ban ơn bình an, và Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy cùng Cha kêu cầu ơn bảo vệ chở che từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria:
Lạy Thánh Mẫu Thiên Đàng, xin lắng nghe tiếng lòng của những người con cái Mẹ đang khiêm nhượng kêu cầu danh thánh Mẹ.
Lạy Đức Trinh Nữ của niềm hy vọng, chúng con xin phó thác cho Mẹ con đường của các tín hữu tại đất nước Trung Hoa đáng kính này. Chúng con xin Mẹ hãy dâng lên Thiên Chúa của lịch sử những nỗi khổ đau và những nỗi truân chuyên, lời cầu khẩn và những mong chờ của các tín hữu đang kêu cầu lên Mẹ, ôi lạy Nữ Vương Thiên Đàng!
Lạy Mẹ Giáo Hội, chúng con xin dâng hiến cho Mẹ hiện tại và tương lai của các gia đình cũng như của các Cộng đoàn chúng con. Xin Mẹ bảo vệ các gia đình và các Cộng đoàn ấy, và xin đỡ nâng các gia đình và các Cộng đoàn ấy trong công cuộc hòa giải giữa những người anh chị em cũng như trong công cuộc phục vụ người nghèo mà họ đang ngợi ca danh Mẹ, ôi lạy Nữ Vương Thiên Đàng!
Lạy Mẹ là Đấng ủi an những người sầu não, chúng con hướng trông lên Mẹ, vì Mẹ chính là nơi náu nương của những người đang phải khóc than vì gặp thử thách gian truân. Xin đoái nhìn đến những đứa con của Mẹ đang ngợi ca danh Mẹ, xin làm cho những người con ấy được trở nên hiệp nhất để loan báo Tin Mừng. Xin đồng hành với những bước đi của họ trong việc dấn thân cho một thế giới huynh đệ. Xin giúp họ biết mang đến cho tất cả mọi người niềm vui của ơn tha thứ, ôi lạy Nữ Vương Thiên Đàng!
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là sự trợ giúp của các Ki-tô hữu, chúng con khẩn xin Mẹ hãy ban cho đất nước Trung Hoa có được những ngày hồng phúc và bình an. Amen!
Từ Vatican, ngày 26 tháng 09 năm 2018
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ